(HBĐT) - Thường vào khoảng 2-3h sáng, các xe ô tô chuyên chở thực phẩm (cá, thịt, các loại rau, củ, quả) từ các tỉnh ngoài sẽ tiến vào các chợ, chủ yếu trên địa bàn thành phố Hòa Bình để giao hàng. Với phương thức di chuyển liên tục, thường xuyên thay đổi địa điểm của các đầu mối cung cấp này rất khó để lực lượng chức năng thực hiện giám sát. Vấn đề giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ tại các chợ cũng gặp khó.



Ngoài nguồn nội tỉnh, Cửa hàng thực phẩm sạch TP Hòa Bình nhập các loại rau, củ, quả chất lượng VietGAP, hữu cơ từ Hà Nội, Sơn La, giúp người tiêu dùng yên tâm, dễ dàng nhận diện, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Trong 10 tháng qua, thực hiện chương trình lấy mẫu giám sát về an toàn thực phẩm (ATTP), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã lấy 171 mẫu nông, lâm, thủy sản gửi đi phân tích kiểm nghiệm chất lượng ATTP. Kết quả có 23 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về ATTP, chiếm 13,45%, gồm 7 mẫu quả, 5 mẫu thủy sản tươi, 2 mẫu rau, 1 mẫu thịt lợn, 8 mẫu giò chả.

Đáng lưu ý, nguồn thực phẩm được nhập từ tỉnh lân cận vào tiêu thụ tại tỉnh có số vi phạm tăng đáng kể. Cụ thể, có tới 19/23 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về ATTP được ghi nhận tại nguồn thực phẩm này. Các sản phẩm vi phạm có tỷ lệ cao như 5/16 mẫu giò chả chứa chất cấm hàn the và chất bảo quản Natribenzoat, 2/22 mẫu rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV Permethrin, 7/7 mẫu quả nhiễm kim loại nặng (chì) vượt mức cho phép, 4/24 mẫu cá tồn dư kháng sinh cấm Enrofloxacin, Melachitegreen, 1 mẫu thịt lợn chứa kháng sinh cấm Chloramphenicol.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, mỗi ngày, phương tiện vận chuyển đưa rau, cá từ các vùng ngoài như Thạch Thất, Ứng Hòa (Hà Nội), thịt gia súc, gia cầm từ mạn Phú Thọ vào trung tâm TP Hòa Bình tiêu thụ khoảng 50 - 60 xe tải, chưa kể phương tiện xe máy. Từ đây, lượng thực phẩm được giao cho các tiểu thương bán lẻ ở các chợ như Phương Lâm, Thái Bình... Qua lấy mẫu giám sát ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để phát hiện vi phạm và truy xuất nguồn gốc theo quy định của pháp luật thì rau, cá được lấy từ chợ cá Yên Sở và một số vùng chăn nuôi thủy sản của Hà Nội. Lực lượng chức năng đã xử phạt 2 hộ kinh doanh với tổng số tiền phạt 7 triệu đồng do vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ. Với mẫu giò chả vi phạm được phát hiện tại địa phận giáp ranh giữa huyện Lạc Thủy và huyện Nho Quan (Ninh Bình), quá trình truy xuất nguồn gốc, hộ kinh doanh khai nhận nhập giò chả từ tỉnh bạn vào. Mẫu thịt có kháng sinh cấm sau truy xuất cũng chứng minh được nguồn gốc từ tỉnh ngoài. Riêng 7/7 mẫu quả có chì vượt mức cho phép, các tiểu thương không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Đối với mẫu sản phẩm từ vùng sản xuất trong tỉnh, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền kết hợp việc xử lý vi phạm hành chính nên việc dùng kháng sinh cấm Enrofloxacin trên vùng hồ sông Đà đã giảm hẳn so với cùng kỳ năm 2018. Trên địa bàn chưa phát hiện người chăn nuôi sử dụng chất cấm tạo nạc nhóm Beta Agonist và chất Cysteamine trong các mẫu thịt lợn, mẫu nước tiểu và mẫu thức ăn cho lợn, chất vàng O trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Tỷ lệ vi phạm đối với các mẫu lấy tại vùng sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh và cơ sở chế biến đến nay chỉ còn 4/171 mẫu, chiếm 2,33%, gồm 1 mẫu thủy sản và 3 mẫu giò chả. Qua chương trình giám sát đã kết hợp tuyên truyền, thiết lập và lưu trữ hồ sơ phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Trước thực tế hiện nay nguồn thực phẩm nhập từ các tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh khá dồi dào, người tiêu dùng cần lưu ý lựa chọn mua thực phẩm tại cơ sở có địa chỉ, rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh ngoài danh mục cho phép đối với sức khỏe, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến thực phẩm trong đảm bảo thực phẩm chất lượng, an toàn vì sự phát triển bền vững.


Bùi Minh


Các tin khác


Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

5 cách hạ huyết áp không cần dùng thuốc

Huyết áp cao là nguy cơ hàng đầu làm tăng mắc bệnh tim và đột quỵ. Mặc dù nhiều người đang dùng thuốc để hạ huyết áp, nhưng đối với những người mắc chứng tăng huyết áp giai đoạn 1 không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc.

Ca tử vong do bệnh dại gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chiều 13/3 cho biết, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong...

Bộ Y tế thông tin về nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT

Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được công văn của một số Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

Tuổi trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xung kích, tình nguyện vì sức khỏe nhân dân

Chi đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hiện có gần 300 đoàn viên. Với sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, chi đoàn có điều kiện thuận lợi để triển khai công tác đoàn và phong trào thanh niên. Tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng sự phát triển của Bệnh viện, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cấp giấy chứng nhận cho 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Tháng 2/2024, thực hiện thẩm định, đánh giá theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý chuyên ngành tỉnh đã tiến hành đánh giá phân loại 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX-KD) nông, lâm, thủy sản. Qua đó đánh giá 13 cơ sở xếp loại B.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục