Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, năm 2019, số ca mắc cúm và tử vong do cúm trong cả nước thấp hơn so với năm 2018. Trước tình hình số bệnh nhân cúm gia tăng gần đây tại các bệnh viện tuyến cuối cũng như khan hiếm thuốc điều trị cúm Tamiflu, Bộ Y tế đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.


Hóa đơn thuốc Tamiflu được mua tại một quầy thuốc vào ngày 18-12.

Giá thuốc Tamiflu tăng gấp 4-5 lần, Bộ Y tế vào cuộc

Tại Hà Nội, thuốc điều trị cúm Tamiflu - một trong những loại thuốc đặc trị cúm A đang rơi vào tình trạng khan hiếm khiến cho mặt hàng này đội giá lên tới gấp 4-5 lần. Theo bảng giá kê khai tại Cục Quản lý Dược, thuốc Tamiflu 75mg có giá gần 45 nghìn đồng/viên. Nhưng ghi nhận của phóng viên tại một quầy thuốc tư nhân, viên thuốc này hiện đang được bán ra với giá 220 nghìn đồng/viên. Khi được hỏi vì sao giá thuốc tăng cao, nhân viên nhà thuốc đã thẳng thừng nói "Chị không dùng, có thể giả lại em bán cho người khác!".

Đây chỉ là một trong số ít những điểm tại Hà Nội còn có thuốc này để bán, còn tại rất nhiều cửa hàng thuốc khác, thuốc này đều đã hết hàng khi được hỏi tới.

 

Trước thông tin về nguy cơ thiếu thuốc điều trị cúm (thuốc chứa hoạt chất oseltamivir) do thiếu nguồn cung ứng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ; các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc yêu cầu chủ động bảo đảm cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm.Theo đó, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp lợi dụng trữ hàng, tăng giá thuốc.

Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chứa oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

 

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh. Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất thuốc chứa oseltamivir nhằm tăng cường tính chủ động trong cung ứng thuốc và an ninh y tế.

Cũng trong ngày hôm qua, Cục Quản lý Dược cũng có công văn gửi Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 về việc: hiện nay Cục nhận được báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về việc hết thuốc điều trị cúm Tamiflu 75mg; Bệnh viện Nhi Trung ương vay thuốc Tamiflu 75mg từ nguồn phòng chống dịch; Sở Y tế báo cáo việc Bệnh viện Nhiệt đới không còn thuốc Tamiflu 75mg để điều trị cho bệnh nhân do Công ty không tiếp tục ký hợp đồng và cung cấp thuốc cho bệnh viện; Bệnh viện Nhi Trung ương báo cáo Công ty đang hết hàng, không có khả năng cung ứng thuốc Tamiflu 75mg. Để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, Cục Quản lý Dược đề nghị công ty khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu Tamiflu 75mg phục vụ nhu cầu điều trị của nhân dân.

Số ca mắc cúm giảm so với cùng kỳ năm 2018

Ngày 19-12, Bộ Y tế thông tin, bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. So với cùng kỳ 11 tháng năm 2018, năm 2019, cả nước ghi nhận 408.907 trường hợp mắc cúm, 10 trường hợp tử vong, giảm 10,4% số mắc và giảm hai trường hợp tử vong.

Về tình trạng số bệnh nhân mắc cúm gia tăng trong những ngày gần đây, đặc biệt tại những bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế cho hay, sự gia tăng này chủ yếu là do người dân các tỉnh đến trực tiếp khám bệnh mà không qua các bệnh viện tuyến trước, mặc dù mắc bệnh ở mức độ nhẹ.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61 nghìn trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm.

Tại Việt Nam chưa ghi nhận chủng vi rút cúm mới cũng như chưa có sự đột biến gen làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người. Các chủng vi rút cúm được ghi nhận chủ yếu là vi rút cúm A(H1N1) và vi rút cúm B. Hiện nay, thời tiết đang là mùa đông, nhất là đối với miền Bắc, khí hậu lạnh ẩm, nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm dễ dàng phát triển và lan truyền; cùng với ô nhiễm môi trường tăng cao điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền và trên thế giới, vì vậy làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm.

Dự báo trong thời gian tới, số mắc bệnh cúm có thể ghi nhận gia tăng trên toàn quốc, nhất là trong mùa đông xuân và dịp Tết nguyên đán, lễ hội tập trung đông người. Các chuyên gia khuyến cáo, không phải cứ cúm là sử dụng Tamiflu. Thuốc này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc cúm có kèm theo các bệnh khác như: viêm đường hô hấp, mắc bệnh tim, phổi mãn tính, tiểu đường, suy thận mãn tính. Do đó, người dân không cần thiết phải mua Tamiflu dự trữ trong nhà.

Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:

1. Bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.


Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Hội thảo Giới thiệu và Lập kế hoạch Dự án VN02-015

(HBĐT) - Ngày 17/12, Ban quản lý (BQL) Chương trình ChildFund huyện Kim Bôi đã tổ chức Hội thảo Giới thiệu và Lập kế hoạch Dự án VN02-015 - Công bằng trong tiếp cận Dịch vụ y tế có chất lượng đối với bà mẹ và trẻ em miền núi huyện Kim Bôi giai đoạn 2019 - 2022.

Vụ cắt đôi que thử HIV ở BV Xanh Pôn: Phó khoa là người chỉ đạo

Kết quả xét nghiệm Test HIV Combo được nhân viên của khoa ghi khống 1.272 kết quả vào cột ghi chú của sơ đồ Test HIV 1/2 sau khi biết thông tin phản ánh của báo chí.

Tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm

(HBĐT) - Ngày 17/12, Chi cục ATVSTP tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP), thủ tục hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong Chương trình OCOP tỉnh năm 2019. Tham dự lớp tập huấn có chủ cơ sở, người quản lý, người trực tiếp sản xuất thực phẩm của 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong toàn tỉnh.

Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh: Cách chữa và những điều cần chú ý

(HBĐT) - Thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh được biết đến là một trong những vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và sinh hoạt của bệnh nhân, tình trạng này thường xuất hiện do đĩa đệm cột sống bị chệch ra khỏi vị trí ban đầu, gây ra chèn ép các rễ dây thần kinh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

(HBĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh (KCB) bằng BHYT, những năm qua, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Ngành Y tế đã hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện với Trung tâm Y tế cấp huyện; sáp nhập Bệnh viện Đa khoa thành phố và Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố vào Trung tâm Y tế thành phố; thực hiện giải thể 2 đơn vị là Bệnh viện Nội tiết (thuộc Sở Y tế) và Trung tâm Tư vấn - dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (thuộc Chi cục DS - KHHGĐ); tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện sáp nhập Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hiệu quả việc hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế tại huyện Tân Lạc

(HBĐT) -"Trước đây, khi chưa có Dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng (Dự án Norred) hỗ trợ, trên địa bàn thị trấn Mường Khến (Tân Lạc) chỉ khoảng 20% người dân thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, nhưng hiện nay, con số này đã nâng lên 100%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục