Từ một ca chết não hiến tạng, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện thành công hai ca ghép đa tặng đặc biệt lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Một ca ghép hai phổi đồng thì với mổ tim hở sửa chữa bệnh tim bẩm sinh (sửa tim - ghép phối) và một ghép đa tạng gan và thận đồng thì.
Các bác sĩ tiến hành ca ghép đa tạng đặc biệt.
Lần đầu tiên ghép hai phổi đồng thì với mổ tim hở sửa chữa bệnh tim bẩm sinh
Trong năm 2018 - 2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công hai ca "ghép hai phổi từ người hiến đa tạng chết não”. Tuy nhiên cả hai ca ghép đều dành cho những người bệnh mắc bệnh phổi mạn tính đơn thuần, nên không có các can thiệp vào tim trong quá trình ghép phổi.
Người bệnh được ghép lần này là PTH, nữ giới gần 30 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn, phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối từ hơn 3 năm nay (tăng áp lực động mạch phổi cố định - hội chứng Eisenmenger), không còn giải pháp điều trị và chắc chắn sẽ sớm tử vong do suy chức năng tim - phổi, nếu không được ghép phổi. Hiện tại người bệnh thường xuyên trong tình trạng thiếu ô-xy, tím môi và đầu chi, bão hòa ô-xy thấp, không lao động được, và đã đăng ký vào chương trình ghép phổi của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ cuối năm 2018.
PGS, TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đối với ca bệnh này, chỉ có hai hướng điều trị, hoặc sửa chữa khuyết tật của tim bằng phẫu thuật tim hở đồng thì với ghép phổi nếu chức năng của tim còn khá tốt, hoặc phải ghép đa tạng cả tim và phổi nếu tim mất chức năng. Do chức năng tim của bệnh nhân H khá tốt, nên được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật theo hướng thứ nhất.
Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ đồng hồ.
Về mặt kỹ thuật, ca ghép phổi này sẽ phải thực hiện trên người bệnh đang mổ tim hở sửa dị tật tim bẩm sinh (vá thông liên nhĩ, sửa van ba lá), nên quy trình mổ phức tạp hơn và chứa đựng khá nhiều rủi ro. Do vậy, các thầy thuốc của bệnh viện đã phải gấp rút bàn bạc và chuẩn bị rất kỹ về chuyên môn.
"Ca mổ ghép phổi đặc biệt này đã diễn ra trong 12 giờ. Do chuẩn bị kỹ, nên dù rất phức tạp và khó khăn, song các thì mổ diễn biến khá thuận lợi. Ngay sau khi đưa phổi ghép hoạt động trở lại, các thông số huyết động và hô hấp đã lập tức trở lại kỳ diệu như người có phổi bình thường, áp lực động mạch phổi giảm từ hơn 110mmHg trước mổ xuống 20mmHg, bão hòa ô-xy 100%. Điều trị hồi sức tích cực sau mổ theo các quy trình chuyên môn, người diễn biến khá thuận lợi. Hiện tại, người bệnh đã có thể tự thở, các xét nghiệm đánh giá chức năng phổi ghép tốt, tỉnh táo, tập phục hồi chức năng tại giường, ăn uống tiêu hóa tốt", PGS Nghĩa cho hay.
Thành công của ca ghép phổi đặc biệt này có ý nghĩa rất lớn, mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh còn trẻ ở Việt Nam. Do điều kiện khó khăn trước đây, ở nước ta có rất nhiều người trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh không quá phức tạp (thông liên nhĩ, thông liên thất …), song do phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn tăng áp lực động mạch phổi cố định - không thể điều trị bằng các giải pháp thông thường, mà chỉ có cách duy nhất là ghép phổi.
TS, BS Phùng Duy Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại tim mạch - Lồng ngực cho biết, hiện nay trên thế giới chủ trương ghép hai phổi vì tỷ lệ ghép tim phổi ít do khó về mặt kỹ thuật, tỷ lệ thành công không cao, khả năng tai biến biến chứng sau mổ cao nên xu hướng chính là sửa chữa tổn thương tim và tiến hành ghép phổi. Hiện tại, trong danh sách chờ ghép phổi của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, có nhiều người bệnh tương tự như cô gái trẻ PTH. "Việc điều trị bằng phương pháp "sửa dị tật tim và ghép phổi đồng thì” sẽ có kết quả sớm cũng như lâu dài tốt hơn nhiều so với phương pháp "ghép tim và phổi đồng thì”", TS Sơn cho hay.
Theo GS, TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chương trình ghép phổi của Bệnh viện đang được Bộ Y tế xét duyệt cho một đề tài khoa học công nghệ cấp bộ, với mục tiêu chính là hoàn thiện mọi quy trình tổ chức và chuyên môn để đưa ghép phổi thành một phẫu thuật thường quy như ghép tim tại Việt Nam.
Ghép đồng thời gan - thận cho người bệnh suy gan - suy thận
Người bệnh MS (59 tuổi, quốc tịch Lào) đã điều trị đái tháo đường, cao huyết áp nhiều năm. Tháng 4-2019, bệnh nhân phát hiện suy thận mãn kèm theo xơ gan (do rượu), đã được điều trị bảo tồn sau đó chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để xét ghép gan và thận.
Khi vào viện người bệnh đã suy cả gan và thận, phải chạy thận chu kỳ, đã xuất huyết tiêu hoá hai lần được điều trị nội khoa. Chẩn đoán của người bệnh khi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: suy thận độ IV, xơ gan tăng áp lực tĩnh mạch cửa (Child B 8 điểm - MELD score 25 điểm).
GS, TS Trần Bình Giang cho biết, bệnh nhân buộc phải chỉ định ghép gan và thận. Phương án đặt ra là có thể ghép từng tạng hoặc đồng thời. "Người bệnh đã được hội chẩn toàn viện và chúng tôi đã quyết định sẽ ghép đồng thời (một thì) cả gan và thận cho người bệnh từ người cho chết não để thay thế hai tạng đã suy của người bệnh bằng hai tạng mới từ bệnh nhân chết não, như vậy sẽ tránh các nguy cơ của hai cuộc mổ liên tiếp", GS Giang cho hay.
Các chuyên gia của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, gây mê hồi sức, thận lọc máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... đã họp bàn quy trình kỹ thuật thực hiện ghép đồng thời hai tạng lớn trên cùng người bệnh. Các ý kiến dựa vào kinh nghiệm thực tế qua 840 trường hợp ghép thận và 74 trường hợp ghép gan.
Bệnh nhân được ghép đồng thời gan - thận.
Ngày 17-12, bệnh viện đã tiến hành lấy đa tạng từ một thanh niên 19 tuổi bị chết não do chấn thương sọ não nặng. Bệnh viện đã tiến hành ghép phổi, ghép tim, ghép thận cho các người bệnh nhận tim, nhận phổi, nhận thận. Riêng bệnh nhân MS được nhận đồng thời gan và thận.
PGS, TS Nguyễn Quang Nghĩa nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên bệnh viện triển khai kỹ thuật này và đặc biệt trong mổ phải tiến hành lọc máu liên tục để thay thế thận đã bị suy.
Sau 12 giờ, từ 9 giờ đến 21 giờ, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ca mổ đã thành công: gan và thận mới ghép đã hoạt động. Sau mổ không cần lọc máu, người bệnh tỉnh táo, rút nội khí quản sau ba ngày. Hiện tại, người bệnh tự thở, các chức năng gan và thận đã dần phục hồi.
Ghép đồng thời gan - thận là một kỹ thuật khó trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi có đủ kinh nghiệm trong ghép gan và thận. Việc thay thế cũng lúc hai tạng sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp như lọc máu liên tục trong mổ và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm phẫu thuật.
GS Trần Bình Giang nhấn mạnh, thành công bước đầu của ca ghép lần đầu tiên tại Việt Nam này càng chứng tỏ trình độ của ngành ghép tạng Việt Nam nói chung và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng đã đạt tầm cao mới, có thể sánh với các trung tâm ghép trạng trên thế giới.
Theo báo Nhân Dân