Cán bộ BHXH tỉnh phát tài liệu tuyên truyền, vận động người dân xã Hợp Thành (TP Hòa Bình) tham gia bảo hiểm.
Trong lúc đang thái rau cho lợn ăn, ông Hà Văn Hiềm, xóm Văn, xã Bao La (Mai Châu) bị đứt hai ngón tay do bị cuốn vào máy. Người nhà đưa ông đến Trung tâm Y tế huyện Mai Châu điều trị. Ông Hiềm chia sẻ: Trước đây, tôi nghĩ tham gia BHYT chỉ đỡ đi phần nào chi phí khám, chữa bệnh (KCB). Nhưng khi vào đây nằm viện thời gian dài mới biết, BHYT đã chi trả rất nhiều chi phí. Nếu không có BHYT thì gia đình tôi mất vài chục triệu đồng cho lần nằm viện này. Nằm gần ông Hiềm là chị Phạm Thị Thiềm ở xóm Sáng, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) bị tai nạn lao động. Do nhà ở xa Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa, nên chị đến Trung tâm Y tế huyện Mai Châu điều trị. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, chị chuẩn bị xuất viện. Chị cho biết: Không chỉ với gia đình tôi, BHYT là phao cứu sinh của nhiều người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Nếu không có BHYT, mỗi khi ốm đau là gánh nặng của gia đình. Giờ BHYT chi trả 100% chi phí, gia đình chỉ lo đi lại, ăn ở tại viện. Từ khi thông tuyến khám điều trị, chúng tôi càng thuận lợi hơn khi được lựa chọn cơ sở KCB và điều trị.
Ông Bùi Văn Ngoạn, thôn Đồng Dụ 2, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) có con trai là Bùi Quang Thiều, 26 tuổi, bị bệnh máu trắng. Vợ chồng anh Thiều đi làm cho một công ty sản xuất đồ chơi ở Phủ Lý (Hà Nam), hai con ở nhà với ông bà. Cách đây vài tháng, khi đang đi làm, anh Thiều sốt liên tục, người mệt mỏi…. Anh đi khám thì phát hiện bệnh. Từ đó đến nay, anh Thiều đi điều trị liên tục, từ tuyến tỉnh đến tuyến T.Ư. Hiện, anh điều trị tại Bệnh viện Huyết học truyền máu T.Ư. Sau mỗi đợt điều trị, anh được nghỉ vài ngày ở nhà rồi vẫn đi làm. Do là người là dân tộc thiểu số, nên anh được cấp thẻ BHYT với mức hưởng 100% chi phí KCB. Tuy không phải chi tiền khám, điều trị, nhưng do bệnh nặng nên vẫn phải mua thêm thuốc ngoài và các chi phí khác. Ngoài chi phí BHYT chi trả, mỗi lần đi điều trị cũng tốn kém vài triệu đến vài chục triệu đồng. Ông Ngoạn cho hay: Không có điều kiện kinh tế, gia đình tôi phải vay mượn để chữa trị cho cháu. Nếu không có BHYT chi trả thì gia đình không đủ khả năng cho cháu đi chữa trị.
Trước đây, nhiều gia đình mỗi khi đau ốm thường tự chữa trị bằng các bài thuốc dân gian, không đến bệnh viện. Từ khi được cấp thẻ BHYT, đồng bào dân tộc thiểu số biết được lợi ích khi đi KCB. Mỗi khi đau ốm đều đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị một cách tốt nhất, mà không phải mất nhiều chi phí nên họ yên tâm hơn, tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước. Tính đến hết tháng 5/2020, số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 810.658 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 94,2% dân số. Cũng từ đầu năm đến nay, ngành BHXH đã chi trên 316 tỷ đồng KCB BHYT cho trên 410 nghìn lượt người.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị ốm đau, bệnh tật. Do đó, đóng tiền mua BHYT là cách "đóng góp khi lành, để dành khi ốm". BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Việc tham gia BHYT đảm bảo cho mỗi gia đình không lâm vào cảnh nghèo túng khi có người bị bệnh tật, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo; là một chính sách tài chính y tế quan trọng của Đảng, Nhà nước để thực hiện sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, xây dựng một xã hội khỏe mạnh, trí tuệ.
Việt Lâm