Đoàn xe diễu hành, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12.
Thời gian qua, số người mới nhiễm HIV được phát hiện ngày càng tăng. HIV/AIDS vẫn tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe,tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị,trật tự an toàn xã hội,sự phát triển của đất nước và tương lai của giống nòi. Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS, việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư chưa đạt yêu cầu, đặc biệt trong các nhóm người sử dụng ma túy, mua bán dâm…; sự kỳ thị,phân biệt đối xử với người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS còn khá nặng nề.
Tại tỉnh, từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1996, tính đến ngày 30/9/2020, lũy tích người nhiễm HIV được quản lý 2.308 người, trong đó, số còn sống 1.244 người. 10/10 huyện thành phố, 141/151 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Số ca nhiễm mới và tử vong giảm qua các thời kỳ, nhưng vẫn tăng dần qua các năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chủ đề Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm nay là "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”, nhằm tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia BHYT của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt những người dễ bị tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Tăng cường hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị,phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ,nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, BHYT và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Phấn đấu để đạt được các mục tiêu 90-90-90, tạo đà cho giai đoạn mới với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Đ.H