Học viên điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1, phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) tham gia lao động, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh.
Đồng chí Lâm Ngọc Tĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong những năm qua, tỉnh nỗ lực triển khai các hoạt động để đạt mục tiêu 90-90-90. Tức là, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp. Theo đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động: Truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm hại (cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su), dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị Methadone, điều trị ARV sớm, BHYT cho người nhiễm HIV, tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng... Duy trì, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn xét nghiệm HIV tại các Trung tâm Y tế (TTYT) huyện, thành phố và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Hàng năm, xét nghiệm sàng lọc cho 15.000 bệnh nhân bằng hình thức xã hội hóa và BHYT, chuyển tiếp thành công các trường hợp có kết quả sàng lọc dương tính đến cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV để làm xét nghiệm khẳng định.
Trong 1.244 người nhiễm HIV/AIDS còn sống, có 937 bệnh nhân HIV/AIDS duy trì điều trị ARV tại 5 phòng khám ngoại trú người lớn (BVĐK tỉnh, TTYT các huyện: Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu, Lương Sơn) và 1 phòng khám ngoại trú nhi tại BVĐK tỉnh. Trên 90% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận, điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú có BHYT, trong đó, trên 40% bệnh nhân được địa phương hỗ trợ mua thẻ, hỗ trợ đồng chi trả từ 5 - 20% qua nguồn kinh phí phê duyệt tại Đề án đảm bảo tài chính phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020. Từ năm 2018, tỉnh đã đưa xét nghiệm tải lượng vi rút HIV và ARV vào thanh toán qua nguồn BHYT. Qua đó, công tác điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS không những cải thiện sức khỏe, mà còn giảm gánh nặng cho cá nhân, gia đình người nhiễm bệnh. Trong số người nhiễm HIV đang được điều trị có trên 90% xét nghiệm tải lượng vi rút đạt ngưỡng cho phép, điều này làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Anh B.V.D (Lạc Sơn), bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 cho biết: Tôi nghiện ma túy và có sử dụng chung bơm kim tiêm với các đối tượng nghiện khác nên đã bị nhiễm HIV. Lúc mới phát hiện nhiễm HIV, tôi thấy tuyệt vọng và nghĩ buông xuôi. Được gia đình động viên, các bác sỹ tư vấn, tôi tham gia điều trị ARV duy trì đều đặn đến nay. Hiện tại, sức khỏe ổn định, tôi không còn tự ti, mặc cảm. Điều may mắn là mọi người xung quanh khi biết tôi nhiễm HIV đã không xa lánh, kỳ thị. Thường xuyên động viên tôi cố gắng, kiên trì điều trị, tập luyện thể dục để nâng cao sức khỏe. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến những người hiện sa vào ma túy hãy dừng lại, quyết tâm thay đổi bản thân khi chưa quá muộn. Vì ma túy là con đường ngắn nhất dẫn đến nhiễm HIV/AIDS.
Trong khoảng 8 năm qua, tốc độ lây lan của dịch HIV/AIDS đã được kiềm chế và giảm dần. Hiện tại, tỷ lệ nhiễm HIV tại địa phương là 0,11% (đạt mục tiêu mong đợi là khống chế tỷ lệ nhiễm <0,3%), người nhiễm HIV vẫn chủ yếu là nam giới, chiếm 79,03%, tập trung trong nhóm người nghiện chích ma túy, tuy nhiên có xu hướng giảm nhẹ qua các năm. Việc triển khai chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đạt được những kết quả nhất định, người tiêm chích ma túy tham gia chương trình điều trị ngày càng tăng. Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 12 cơ sở điều trị, 12 cơ sở cấp phát thuốc Methadone, đã điều trị cho 812 người nghiện chích ma túy bằng thuốc thay thế các chất dạng thuốc phiện, có 33 bệnh nhân tham gia điều trị bằng Buprenorphin.
Theo đồng chí Lâm Ngọc Tĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để chấm dứt được đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 theo chiến lược quốc gia, cũng như để đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, những người nhiễm HIV có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ điều trị, dự phòng phổ cập. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ, từ truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người đến cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị; cần lồng ghép hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/ AIDS với chương trình phòng, chống tai - tệ nạn ma tuý, mại dâm trên địa bàn tỉnh.
Hồng Ngọc