(HBĐT) - Thuốc lá điện tử (TLĐT) thế hệ mới chủ yếu gồm 3 loại: vape, pod system, IQOS, được quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội với tác dụng thay thế thuốc lá thường (cuốn giấy), không gây hại, gây nghiện đối với người sử dụng… Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia y tế, các loại thuốc lá thế hệ mới này không hề an toàn, mặt khác còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Độc hại không kém thuốc lá thường
TLĐT thế hệ mới chạy pin hoặc sạc điện, nung nóng tinh dầu tạo thành luồng khói để người sử dụng hít vào. Trên thị trường hiện có vô số địa chỉ bán TLĐT với nhiều hình dạng, kích thước, đủ màu sắc cùng nhiều loại tinh dầu hương dâu, táo, bạc hà… với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Loại vape kích thước bằng tẩu thuốc, chạy bằng pin hoặc sạc điện nhiều lần, pha trộn được nhiều loại tinh dầu, tạo nhiều khói. Loại pod system được ưa chuộng hơn cả, giá rẻ, dùng 1 lần, mỗi lần hút 500-600 hơi, kích thước nhỏ gọn chỉ bằng chiếc bật lửa. Loại IQOS không tạo khói nhưng vẫn giữ được mùi hương của tinh dầu, tuy nhiên giá thành cao nên ít người sử dụng. Với độ nhỏ gọn, tiện dụng, người dùng có thể mang đi bất cứ đâu, thậm chí trong công sở, trường học, bệnh viện mà không ai biết.
Được nhiều trang mạng quảng cáo không gây hại, an toàn đối với người sử dụng, tuy nhiên, trong thành phần tinh dầu của TLĐT vẫn chứa hàm lượng nicotine - chất có khả năng nghiện, gây ảnh hưởng đến não bộ, tim và hệ thần kinh nếu dùng ở liều cao và thời gian dài. Phụ gia tạo nên hương vị trong tinh dầu cũng có tác động xấu đối với sức khỏe người sử dụng. Ngoài ra, việc hút thuốc thụ động từ khói thuốc còn có hại cho người xung quanh, nhất là phụ nữ có thai, trẻ em, nguy cơ sảy thai, huyết khối, đột quỵ…
Bác sỹ Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Lao (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: "TLĐT thế hệ mới đa phần có chứa nicotine độc hại tới sức khỏe, ảnh hưởng tới hệ thống tuần hoàn máu, hô hấp, có thể gây ung thư. Trong tinh dầu còn có glycerin, propylene glycol và các loại hương liệu tổng hợp, khi đun nóng chuyển hóa thành chất độc hại hoặc không có lợi cho sức khỏe. TLĐT độc hại không kém thuốc lá thường, thậm chí có thể ngộ độc cấp tính, gây nguy hiểm nếu sử dụng quá liều lượng, bởi nồng độ nicotine trong mỗi lần hút đều không được định lượng, các thành phần tạo nên hương liệu khi bị đốt nóng cũng có nguy cơ gây ngộ độc”.
Cần quản lý chặt chẽ thị trường thuốc lá điện tử
Hiện nay, TLĐT được xem như "mốt” thịnh hành với giới trẻ, đối tượng buôn bỏ nhiều kinh phí chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội, lập fan page với hàng nghìn thành viên, làm các video, hình ảnh bắt mắt tạo gu thẩm mỹ, xu hướng thịnh hành hấp dẫn. TLĐT có mùi thơm của các loại hương liệu, không khét như thuốc lá thường nên dễ tiếp cận, nhất là lứa tuổi vị thành niên. "Dạo” trên trang facebook "Vape Hòa Bình” với trên 1.800 thành viên hầu hết là học sinh THCS, THPT, nhóm chợ mua bán, rao vặt hoặc các trang cá nhân, không khó để tìm kiếm những mẩu tin rao vặt, địa chỉ bán lẻ TLĐT tại TP Hòa Bình. Theo thông tin từ một dân buôn pod system Tiktok - loại TLĐT đang được ưa chuộng, hầu hết các loại thuốc đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, vận chuyển qua đường tiểu ngạch, không có giấy tờ hợp pháp. Chưa có phản ánh về chất lượng, nhưng nếu xảy ra chuyện không may đối với khách hàng, chủ buôn thừa nhận cũng chỉ biết "bỏ của chạy lấy người”.
Anh P.N.T, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình), người nhiều lần sử dụng TLĐT cho biết: "Bất cứ thứ gì được đốt cháy nóng đều sinh ra chất độc hại từ khói, nhất là các chế phẩm hoá học, TLĐT cũng độc hại chứ không như lời quảng cáo rao vặt, thậm chí có thể ngộ độc khi mới vài lần sử dụng, tôi cũng hiểu điều đó nhưng mùi rất thơm, tạo cảm giác dễ chịu, xả stress, "check in”, chụp ảnh tạo hiệu ứng đẹp nên vẫn sử dụng”.
Từ quán cafe, công sở đến các video trên mạng xã hội facebook, tiktok, instagram… không khó để thấy hình ảnh nam, nữ thanh niên phì phèo điếu thuốc gây phản cảm với hàng trăm, hàng nghìn lượt like, chia sẻ, bình luận. Nhiều người mơ hồ vì lầm tưởng sản phẩm ít độc hại, không gây nghiện nên sử dụng với tần suất cao. Theo số liệu tổng hợp, đầu năm 2020, tại Mỹ có trên 2.800 trường hợp nhập viện vì hội chứng viêm phổi và nhiều loại bệnh khác do TLĐT, trong đó có 68 trường hợp đã tử vong. Bộ Y tế cũng đã đưa nhiều khuyến cáo về sức khỏe đối với người sử dụng TLĐT, thậm chí đã đề xuất cấm hoàn toàn việc sử dụng TLĐT trên toàn quốc. Nhiều trường học đã phát động chiến dịch "Nói không với TLĐT” đối với học sinh, sinh viên...
Để hạn chế sử dụng TLĐT cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá, đồng thời mỗi người cần trang bị kiến thức, hiểu rõ về tác động của loại thuốc lá mới đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, siết chặt quản lý đối với hoạt động buôn bán, quảng cáo thiếu trung thực, hiểu lầm cho người dùng về TLĐT. Từ đó, tạo môi trường lành mạnh không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguyễn Hoàng