Dự báo dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm, thậm chí trong năm 2021. Đặc biệt vừa qua dịch đã xảy ra ở những nơi ít dự tính đến; vì vậy các địa phương luôn phải sẵn sàng chuẩn bị phương án cách ly, nâng cao năng lực xét nghiệm...
Bộ Y tế giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố.
Chủ động trong mọi tình huống
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 ngày 19/2, đánh giá về tình hình dịch COVID-19 hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Dự báo dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm, thậm chí trong năm 2021. Vì vậy trước mắt, trong quý I, chúng ta phải coi nhiệm vụ phòng chống dịch là trọng tâm, ưu tiên trước mắt và lâu dài. Các địa phương phải tăng cường công tác chống dịch theo quan điểm người đứng đầu cấp ủy tại các địa phương phải chịu trách nhiệm về công tác chống dịch trên địa bàn mình, chỉ đạo sát sao các hoạt động phòng chống dịch. Các địa phương phải chuẩn bị tất cả các tình huống, kịch bản, không lơ là, chủ quan; áp dụng biện pháp 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó nếu có dịch xảy ra”.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vừa qua người dân cả nước cơ bản đón Tết an lành, nhưng cũng có những địa phương vẫn phải gồng mình đối phó với dịch bệnh. Đợt dịch thứ 3 này rất phức tạp khi xuất hiện chủng virus SARS-CoV-2 mới với tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ; xảy ra ở các khu công nghiệp và đặc biệt xảy ra ngay trước và trong Tết Nguyên đán, nên độ phức tạp rất lớn.
Mặc dù các biện pháp chống dịch đã được triển khai rất quyết liệt, khá đồng bộ, hiện 12/13 địa phương đã kiểm soát được tình hình, nhưng dịch vẫn còn phức tạp, nhất là tại Hải Dương.
"Đặc biệt, tình hình vừa qua cho thấy, dịch có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào, đơn cử như Gia Lai tưởng chừng là nơi rất khó bùng phát, nhưng dịch vẫn xảy ra. Vì vậy, các địa phương cần chủ động, không chủ quan, nếu dịch bất ngờ xảy ra sẽ không bị cuống”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải chuẩn bị tất cả các phương án, kịch bản khi xảy ra dịch trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý các phương án cách ly với trường hợp F1, nhất là khi phải cách ly số lượng lớn, cách ly đột ngột; các tình huống nếu giãn cách; phương án khi dịch xảy ra trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện… Quan trọng nhất là phải cách ly triệt để F1 để loại bỏ mầm bệnh ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, nếu không sẽ rất khó khăn.
Về đảm bảo an toàn phòng dịch trong các khu cách ly tập trung, Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiểm tra lại toàn bộ địa bàn xem những nơi nào có thể dùng để cách ly, nơi đó có đủ điều kiện để cách ly với các điều kiện về: Cung cấp nhu yếu phẩm, quản lý chất thải, đảm bảo công tác theo dõi sức khoẻ… hay không. Đưa ra phương án cách ly số lượng lớn người trong cùng thời điểm, đảm bảo yêu cầu đáp ứng nhanh, khẩn cấp.
Vừa qua, tại nhiều khu cách ly đã để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, vì vậy Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ với quân đội để thực hiện nghiêm túc. Như tại Hải Dương, lực lượng quân đội đã được huy động vào điều hành toàn bộ các khu cách ly trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng: "Các địa phương phải tăng cường rà soát, kiểm tra công tác cách ly tập trung; không chỉ trong các khu cách ly của quân đội, mà cả những nơi cách ly dịch vụ. Bên cạnh đó, các trường hợp cách ly tại nhà, nếu không chấp hành theo quy định sẽ bắt buộc đưa đi cách ly tập trung và xử phạt theo quy định. Với trường hợp các hộ dân trong khu vực phong tỏa, giãn cách phải ký cam kết về thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Với các tỉnh chưa có dịch, bằng mọi cách phải xác định được người đi - đến từ các địa phương có ca bệnh theo quy định. Với những người không thuộc diện F1, F2 nhưng đi - đến từ nơi có dịch cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, bên cạnh quản lý công tác phòng chống dịch, các địa phương cũng cần chuẩn bị các phương án xét nghiệm, tạo điều kiện để có thể nâng năng lực xét nghiệm lên trong thời gian ngắn. Bởi nếu dịch bùng phát mạnh ở 1- 2 địa phương, Bộ Y tế có thể hỗ trợ được, nhưng nếu nhiều tỉnh thì sẽ rất khó khăn. Trong các tình huống dịch, nếu xét nghiệm chậm là sẽ phải chạy theo dịch, càng chạy càng "đuối”. Vì vậy các tỉnh cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề xét nghiệm, các cơ sở y tế trên địa bàn phải được tập huấn để có thể thực hiện được ngay việc lấy mẫu tại các địa điểm như: Khu cách ly tập trung, tại nhà dân, tại các ổ dịch... Các địa phương cũng cần bố trí các labo chờ sẵn, có thể chưa có máy móc để khi có dịch, Bộ Y tế sẽ có hỗ trợ đưa máy móc về triển khai xét nghiệm.
Triển khai ứng dụng QR Code nơi công cộng
Nhằm phục vụ quá trình theo dõi lịch sử di chuyển của người dân, giúp thuận lợi cho quá trình truy vết ca bệnh khi có dịch, Bộ Y tế bắt đầu triển khai ứng dụng quét mã QR code nơi công cộng.
PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết: Ứng dụng này được thực hiện ở tất cả các địa điểm như: Công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… Các đơn vị này phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code.
Theo đó, với các nhà hàng, nơi lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ), trường học, bệnh viện, khu chung cư, các hộ kinh doanh cá thể, toà nhà văn phòng, các nhà máy… có thể thực hiện đăng ký kiểm dịch bằng cách: Truy cập vào địa chỉ: http:/tokhaiyte.vn để thực hiện khai báo thông tin; sau khi khai báo hệ thống sẽ cung cấp cho đơn vị một mã QR code; các đơn vị sẽ dùng mã này để dán tại đơn vị cho người dân có thể nhìn thấy và quét.
Với người dân có thể thực hiện sử dụng ứng dụng bằng 2 cách: Truy cập vào địa chỉ http:/tokhaiyte.vn để khai trực tuyến; hoặc vào ứng dụng Google Play (với Android), App Store (với IOS) để tìm và tải ứng dụng "Vietnam Health Declaration”, "Bluzone”, "NcoV” để cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động và sử dụng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khi truy vết ca bệnh, để người dân phải nhớ ra trong 14 ngày trước đó đã đi những đâu sẽ rất khó chính xác. Ứng dụng này được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ cũ, người dân dễ dàng quét mã để xác nhận đã đến, đi những nơi nào. Qua việc quét mã của người dân cũng có thể dễ dàng thống kê có bao nhiêu người đã đến các địa điểm một cách nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian, công sức. Đặc biệt, toàn bộ thông tin người dân sử dụng đều được Bộ Y tế quản lý và bảo mật tuyệt đối, không để lộ thông tin ra ngoài.
Theo Báo Tin tức
(HBĐT) - Ngày 18/2, UBND thành phố Hoà Bình phối hợp với Hội Lan VAR Tam Đa thành phố tiến hành trao tặng 3 máy thở cho Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, đến ngày 18/2, toàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp mới liên quan đến dịch Covid-19. Đó là bệnh nhân nữ 14 tuổi, địa chỉ xã Liên Sơn (Lương Sơn), có yếu tố dịch tễ là bệnh nhân từ Sao Đỏ - Hải Dương về Phù Ninh – Phú Thọ ngày 30/1. Ngày 11/2, bệnh nhân xuất hiện ho, đau rát họng. Đến ngày 17/2, bệnh nhân trở về địa phương, khai báo y tế và được cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn (đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 ngày 17/2).
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết đã tìm ra nguồn lây tạo "chùm" lây nhiễm COVID-19 tại địa bàn phường Hải Tân, khi trước đó tưởng chừng đã mất dấu F0.
Sáng 18-2, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam không phát hiện có ca nhiễm Covid-19 mới. Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.430 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 737 ca.
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh từ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 10 - 16/2), bệnh viện tiếp đón khám và cấp cứu cho tổng số 648 người.
(HBĐT) - Theo báo cáo của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 huyện Cao Phong, tính đến 15h00 ngày 17/2, tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Toàn huyện có 211 trường hợp về từ vùng dịch (không có thay đổi so với ngày 11/2). Được giám sát chặt chẽ và hướng dẫn hạn chế tiếp xúc và tự theo dõi sức khỏe. Ngày 16/2 đã tiến hành lấy 122 mẫu, trong đó có 23 mẫu của người về từ Cẩm Giàng - Hải Dương lần 2; 7 mẫu của người về từ Cẩm Giàng - Hải Dương lần 1; 80 mẫu của người nhà; 12 mẫu F1 (có 4 mẫu xét nghiệm lần 3). Kết quả, đến nay đã có 320 mẫu xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-2.