Việt Nam vượt 1 triệu ca mắc COVID-19
Kể từ khi xuất hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020, sau gần 2 năm, đến ngày 11/11/2021, Việt Nam đã ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19.
TP Hồ Chí Minh: Số ca F0 nhập viện cao hơn xuất viện
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, có thể thấy sốF0 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tăngvà thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê.
"Mặc dù đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm nhưng chúng ta vẫn không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nhận định.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, hiện tỉ lệ F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ là trên 90%; riêng tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca F0 nhập viện hiện đang cao hơn số ca xuất viện. "Nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động cụ thể để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên lưu ý.
Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, qua phân tích có thể thấy, tình hình F0 hiện tại của TP Hồ Chí Minh đang tương tự thời kì đầu thành phố thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6/2021), khá giống tình trạng của Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến dịch bệnh của thế giới hiện nay. Tức là, nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vaccine tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý và nhìn lại để có tính toán hợp lý.
Thông tin về nguyên nhân khiến số lượng F0 tăng nhanh, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, nguyên nhân thấy rõ nhất là TP Hồ Chí Minh không còn thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn. Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ người lao động dịch chuyển tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát… Vì vậy, các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá; riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho rằng, đang có 2 vấn đề buộc chính quyền TP Hồ Chí Minh phải suy nghĩ. "Thứ nhất, số lượng F0 có thể tăng đến mức độ nào và thứ 2, tỉ lệ ca tử vong có thể chấp nhận là bao nhiêu?. So với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10, TP Hồ Chí Minh đã có tỉ lệ phủ vaccine cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng, chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền TP Hồ Chí Minh không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng. Nếu từng người dân đều chủ quan phòng, chống dịch thì sẽ dẫn đến hậu quả về sau”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói.
Đặc biệt, các hướng dẫn F0 tại nhà cần được thực hiện rõ ràng, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bản thân nhiễm bệnh. Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ các F0 khi cần thiết, trong đó cần đảm bảo thuốc và thiết bị y tế cần thiết khi người dân cần.
Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine phòng COVID-19 Covaxin
Ngày 10/11, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch đối với vaccine phòng COVID-19 Covaxin.
Vaccine Covaxin mỗi liều vaccine có 0,5 ml chứa 6 mcg kháng nguyên toàn SARS-CoV-2 bất hoạt (chủng NIV-2020-770), bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp 16 lọ, mỗi lọ chứa 1 liều, 5 liều, 10 liều và 20 liều; mỗi liều 0,5 ml.
Vaccine Covaxin được sản xuất bởi Công ty Bharat Biotech International Limited (Ấn Độ).
Bộ Y tế quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Covaxin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vaccine Covaxin theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu. Cơ quan này cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.
Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine Covaxin trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế (Hội đồng Tư vấn) trong quá trình sử dụng.
Cục Y tế Dự phòng thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vaccine Covaxin. Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm Y tế có trách nhiệm kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine Covaxin trước khi đưa ra sử dụng.
Bộ Y tế đề nghị đơn vị đề nghị phê duyệt vaccine có trách nhiệm phản hồi kịp thời các yêu cầu của bộ để bổ sung thêm dữ liệu hoặc những yêu cầu có liên quan vaccine Covaxin và chủ động cung cấp, cập nhật thông tin mới trong suốt quá trình phát triển sản phẩm.
Tâm lý chủ quan vì coi vaccine như 'lá bùa hộ mệnh' rất nguy hiểm
Tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2; khi nhiễm virus vẫn có thể lây cho người khác; không thể coi vaccine như "lá bùa hộ mệnh" mà chủ quan trong phòng dịch.
Thông tin nhiều người tiêm vaccine đủ 2 mũi vaccine vẫn mắc COVID-19, thậm chí có ca diễn biến nặng và tử vong vừa qua, khiến người dân lo lắng. Đây là sự cảnh báo rất đáng lưu tâm, khi thời gian gần đây, nhiều người đã có biểu hiện chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, vì nghĩ đã có "lá chắn” vaccine bảo vệ. Theo các chuyên gia y tế, không có vaccine nào có thể phòng bệnh tuyệt đối.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) lo ngại: "Hiện nay nhiều người dân có biểu hiện chủ quan vì có "thẻ xanh vaccine COVID-19”. Sự chủ quan dẫn tới không tuân thủ nghiêm khuyến cáo phòng dịch 5K, là điều kiện khiến dịch COVID-19 lây lan. Các cấp chính quyền, các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, người đã tiêm vaccine khi nhiễm SARS-CoV-2 vẫn có thể lây cho người khác. Việc tiêm vaccine chỉ giúp người bệnh không bị nặng”.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ngành y tế TP Hồ Chí Minh thống kê, có khoảng 80% trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2; ngay cả vừa qua ổ dịch ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội), tỷ lệ mắc COVID-19 đã tiêm vaccine cũng chiếm gần 50%. Do đó, không phải vì đã tiêm vaccine mà có thể buông xuôi, lơ là. Người dân cần phải thực hiện tốt 5K để không bị nhiễm, không bị cách ly.
Về tâm lý chủ quan khi đã tiêm đủ vaccine, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng: Tâm lý coi vaccine như "lá bùa hộ mệnh”, sau khi tiêm tự cho rằng đã "tuyệt đối an toàn” là rất nguy hiểm. Ở các nước, nhiều người tiêm vaccine rồi vẫn tử vong; đó là chuyện bình thường. Bởi nếu người nhiễm virus mà đang có bệnh nền rất nặng thì dù có tiêm vaccine vẫn sẽ xảy ra tình huống xấu.
Tất nhiên, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong với người đã tiêm vaccine thấp bằng 1/10 người chưa tiêm. Nhưng điều đó cho thấy tất cả mọi người, không loại trừ nhóm nào, nhất là những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai… dù đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt quan trọng là đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có nhiều người.
"Bên cạnh tiêm vaccine đầy đủ, việc thực hiện tốt 5K và tuân thủ khẩu trang mới là gốc rễ trong phòng tránh lây nhiễm COVID-19 trong bối cảnh hiện nay”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.
Hà Nội dự kiến thành lập 508 trạm y tế lưu động phòng dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, trong đó có 20 trạm y tế xã được đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Việc kích hoạt các trạm y tế lưu động góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch COVID - 19 trong tình hình mới.
Đến nay, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã thành lập các trạm y tế lưu động, đồng thời kích hoạt và tổ chức diễn tập với các tình huống giả định khi xuất hiện các chùm ca COVID -19 trong khu dân cư và khu công nghiệp trên địa bàn. Các buổi diễn tập đã diễn ra thành công, đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, theo dõi và chăm sóc người mắc COVID -19; đáp ứng khi công nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID - 19; phản ứng khi người dân mắc virus SARS-CoV-2 có diễn biến nặng cần xử lý kịp thời; khám, chữa bệnh thông thường cho người dân…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, để hoạt động hiệu quả, một số trạm y tế lưu động cần xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, đồng thời niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn. Các địa phương cũng cần quan tâm đến địa điểm đặt trạm y tế lưu động, nên bố trí trạm y tế ở những nơi có giao thông thuận tiện. Ngoài ra, mỗi trạm y tế cần có ít nhất 5 phòng riêng biệt, bảo đảm thu nhận được 100 trường hợp F0.
Bộ Y tế dự kiến triển khai tiêm bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân vào tháng 12 tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, Bộ Y tế mới lập kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 và chưa triển khai. Bộ Y tế dự kiến triển khai tiêm vào cuối tháng 12. Quan điểm là phải phủ rất nhanh mũi 1 cho tất cả các địa phương và trong 2 tuần đầu của tháng 11/2021, sẽ cố gắng phủ hết tất cả mũi 1 cho các địa phương, sau đó trả mũi 2, lúc đó mới bắt đầu tiêm mũi 3.
Việc bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 sẽ tiêm cho đối tượng ưu tiên khác là những người cao tuổi, những người có bệnh lý nền.
Theo đó, hiện một vài địa phương đã đưa ra kế hoạch sẽ tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19, nhưng phải theo những hướng dẫn và chỉ đạo chung của Bộ Y tế để đảm bảo công bằng nhất định đối với việc phân bổ vaccine. Bởi vì sẽ có những địa bàn rất nóng, rất căng về dịch bệnh, phải dồn vaccine về cho địa bàn đó để đảm bảo tiêm phủ cho địa bàn.
Đến nay, Việt Nam đã có 94 triệu người được tiêm vaccine phòng COVID-19. Vừa qua, vaccine đã được phân bổ cho các địa phương dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết 128, Bộ Y tế đã có yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 1, phủ nhanh mũi 1 và đồng thời tiêm trả mũi 2 cho các địa phương. Dự kiến lượng vaccine về hoàn toàn đảm bảo đủ cho người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi và đảm bảo đủ cho người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi.
Xem xét đưa kit xét nghiệm COVID -19 vào diện bình ổn giá
Dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tăng mạnh. Dư luận xã hội, đặc biệt các doanh nghiệp rất mong muốn cơ quan quản lý có mức giá hợp lý đối với các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm).
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ đang đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giá trong đó, nghiên cứu đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế về danh mục mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế cụ thể đưa vào bình ổn giá.
Trước đó, nhiều hiệp hội và doanh nghiệp đã kiến nghị đưa sản phẩm test nhanh COVID-19 vào diện bình ổn giá vì dịch còn kéo dài. Theo Bộ Tài chính, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
TP Hồ Chí Minh tổ chức tưởng niệm người dân tử vong vì dịch bệnh vào ngày 19/11
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, vào lúc 19 giờ ngày 19/11, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tưởng niệm người dân và cán bộ tử vong trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Chương trình được truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi và cùng tưởng niệm.