Đúng ngày này cách đây tròn 20 năm, ngày 01/11/2004, Bệnh viện tỉnh Hòa Bình chính thức đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình theo Quyết định số 2168/QĐ-UB của UBND tỉnh. Từ một bệnh viện quy mô nhỏ với bộn bề khó khăn về mọi mặt, BVĐK tỉnh đã không ngừng trưởng thành và phát triển, trở thành một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại khu vực Tây Bắc, là địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.


Đội ngũ chuyên gia chất lượng cao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Những năm đầu sau khi chính thức đổi tên là thời kỳ vô cùng gian nan và vất vả của BVĐK tỉnh khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn là bệnh viện lớn của tỉnh. Trong đó, lễ khởi công khu nhà kỹ thuật cao tổ chức ngày 16/4/2006 và lễ khánh thành được tổ chức trọng thể ngày 9/5/2007 là cột mốc trọng đại, có ý nghĩa lớn trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của bệnh viện. Thời kỳ này, tập thể cán bộ, viên chức bệnh viện vừa phải xây dựng mới khu nhà, vừa tiếp tục phục vụ khám, chữa bệnh. Các khoa, phòng phải di chuyển nhiều lần, đồng thời dồn khoa để điều trị người bệnh.

Những năm tháng khó khăn đó đã tôi luyện và là động lực để BVĐK tỉnh quyết tâm xây dựng thành cánh chim đầu đàn trưởng thành hơn, phát triển và hiện đại hơn trong ngành Y tế tỉnh. Đến nay, bệnh viện được đánh giá là cơ sở y tế khang trang, xanh -sạch - đẹp với nhiều trang thiết bị hiện đại. Trong đó, các khu nhà đã được đưa vào sử dụng có hiệu quả như: Khu nhà điều trị (3 dãy nhà 5 tầng B6, B7, B8), khu nhà khoa khám bệnh (A2), khu nhà kỹ thuật cao (B3), khu nhà điều trị bệnh nhân đột quỵ (A1) và hội trường lớn, tòa nhà ung bướu 6 tầng (B5) và tòa nhà khoa Nội và chống nhiễm khuẩn 9 tầng (B9).

Cùng với đó là hệ thống thiết bị hiện đại liên tục được đầu tư, nâng cấp hàng năm, giúp chẩn đoán chính xác và phát hiện sớm thương tổn cho người bệnh. Có thể kể đến như: Máy xét nghiệm máu tự động, máy xét nghiệm đông máu, hệ thống bảo quản dự trữ máu, máy đếm tế bào centax; máy sinh hóa tự động; máy chụp cắt lớp CT - Scaner (64 và 32 dãy), máy chụp cộng hưởng từ 1,5 tesla (MRI); máy siêu âm màu 4D; máy điện giải đồ; máy thở Bennet 840, máy thở Drager V600, máy thở GE R860...; máy đo độ loãng xương; máy mổ nội soi; máy nội soi tai - mũi - họng; máy siêu âm mắt; máy siêu âm điều trị; máy sốc điện; máy nội soi tiêu hóa, máy tán sỏi, bơm tiêm điện, hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền, máy siêu âm tim màu, máy tạo nhịp tim tạm thời trong buồng tim, máy sốc điện phá rung, kính vi phẫu, máy SPECT/CT hỗ trợ chẩn đoán ung thư...


Phẫu thuật cột sống bằng kính vi phẫu - một trong những kỹ thuật cao được triển khai thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Với chiến lược đầu tư quy mô, bài bản, từ cơ sở vật chất đến chất lượng nguồn nhân lực, hàng năm, chỉ tiêu khám, điều trị tăng đều từ 120 - 130% so với kế hoạch giao. Chính vì vậy, từ quy mô 520 giường, bệnh viện đã tăng lên 850 giường kế hoạch và hơn 1.000 giường thực kê. Đội ngũ nhân lực tăng từ 500 cán bộ trong năm 2004, đến nay có tổng số 838 cán bộ, viên chức và người lao động, sinh hoạt tại 45 khoa, phòng. Đây đều là đội ngũ nhân lực chất lượng cao với 4 tiến sĩ y khoa, 26 bác sỹ chuyên khoa II; 58 bác sỹ chuyên khoa I; 6 thạc sĩ; 1 bác sỹ nội trú; 141 bác sỹ và đội ngũ điều dưỡng có kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên môn cao.

Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và chú trọng khâu đào tạo nhân lực, đến nay, chất lượng chuyên môn BVĐK tỉnh đã được khẳng định với 1.037 danh mục kỹ thuật vượt tuyến (thuộc tuyến Trung ương) được bệnh viện khai thác. Nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị được bệnh viện triển khai thành công như: Cắt u não cạnh đường giữa, cắt u bán cầu đại não, cắt u tủy, phẫu thuật cột sống, vá sọ (thuộc lĩnh vực thần kinh sọ não và cột sống); tán sỏi ngoài cơ thể và nội soi tán sỏi; các kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ vùng đầu mặt cổ, vùng thân mình; phẫu thuật nội soi các loại (ngoại, sản khoa và chuyên khoa tai - mũi - họng, lấy sỏi niệu quản, cắt nang thận, nang gan qua nội soi...); các kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp tim mạch; phẫu thuật cắt khối tá tụy; phẫu thuật chấn thương gãy xương phức tạp; phẫu thuật thắt trĩ; chiết tách được các thành phẩm máu; thắt tĩnh mạch thực quản trong vỡ tĩnh mạch thực quản do sơ gan; đặt sonde blakemore trong điều trị cấp cứu chảy máu giãn tĩnh mạch thực quản (giảm số lượng truyền máu đáng kể trong điều trị); bơm Surfactant trong bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng, siêu âm 4D; nội soi tiêu hóa đại tràng, trực tràng; sinh thiết phổi điều trị; cắt u trực tràng hậu môn đường dưới; nội soi chẩn đoán và can thiệp hệ hô hấp; phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật thay khớp gối bán phần và toàn phần, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi cắt ung thư đường tiêu hóa, xạ trị cho bệnh nhân ung thư... Những ca phức tạp trước đây phải chuyển tuyến Trung ương nay đã được điều trị tại bệnh viện, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm bớt chi phí cho người bệnh và xã hội.


Nhiều trẻ sơ sinh non tháng hiếm gặp được nuôi dưỡng thành công tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngoài ra, tất cả các chuyên ngành khác như: nội tiêu hóa, nội tiết, nội cơ xương - khớp, nội thận - tiết niệu; truyền nhiễm; ngoại tiết niệu, sản... đều được tập trung phát triển. Tất cả hướng tới mục tiêu có đầy đủ các chuyên khoa sâu cùng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2023, BVĐK tỉnh chính thức thay bệnh án giấy, trở thành bệnh viện thứ 38/135 bệnh viện hạng I trên cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử. Đây được xem là bước tiến trong công tác quản lý hồ sơ bệnh án, phục vụ đắc lực cho hoạt động khám chữa bệnh, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực, đơn giản hóa thủ tục hành chính - một trong những mục tiêu hướng tới của rất nhiều bệnh viện trên cả nước.

20 năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện; tập thể các khoa, phòng và cán bộ, nhân viên bệnh viện ngày đêm không quản khó khăn, quyết tâm đưa bệnh viện ngày càng phát triển. Sự nỗ lực đó được đền đáp xứng đáng với nhiều giấy khen, bằng khen được Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế tặng: Liên tục đạt "Bệnh viện xuất sắc toàn diện", cờ thi đua của UBND tỉnh năm 2022, cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2023, bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021... Đó là sự ghi nhận của lãnh đạo các cấp cho những đóng góp xứng đáng của đơn vị trong sự nghiệp y tế của tỉnh và là nguồn động viên, khích lệ cán bộ, viên chức bệnh viện phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm tới.

Luôn ý thức về trách nhiệm và sứ mệnh của mình, đó là chăm sóc sức khỏe cho người dân. Vì thế, thời gian tới, BVĐK tỉnh tiếp tục định hướng phát triển theo hướng bền vững; đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển đa dạng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ y tế chất lượng cao tới cộng đồng và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Định hướng đến năm 2030, BVĐK tỉnh phấn đấu trở thành BVĐK hạng I hoàn chỉnh, phát triển chuyên sâu về các chuyên khoa. Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc văn minh, thân thiện, hướng đến sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế.                                                                                       

Nguyễn Hoàng Diệu 
(Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Các tin khác


Khuyến cáo người dân tiêm đủ vaccine phòng bệnh não mô cầu

Sở Y tế Hà Nội ngày 28/10 thông tin, thành phố vừa ghi nhận bé trai 6 tháng tuổi tại quận Hoàn Kiếm mắc não mô cầu; đây là ca thứ hai trong năm 2024.

Huyện Kim Bôi: Nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng đều qua các năm. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân cũng tăng dần. Đó là kết quả nổi bật trong vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn huyện Kim Bôi.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh kỷ niệm ngày Điều dưỡng Việt Nam 26/10

Sáng 25/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày Điều dưỡng Việt Nam 26/10 và chung kết Hội thi đánh giá năng lực điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên y năm 2024.

Xã Gia Mô: Nâng chất lượng tiêu chí y tế góp phần chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Đồng chí Bùi Văn Bự, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Mô (Tân Lạc) cho biết: "Mặc dù gặp không ít khó khăn, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, xã Gia Mô đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2021. Hiện xã phấn đấu về đích NTM nâng cao, đã đạt 11/19 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí về y tế hoàn thành trong năm 2024. Song song với việc tập trung phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xã NTM nâng cao, xã cũng duy trì và nâng cao chất lượng những tiêu chí đã đạt”.

Bật mí dầu gội trị gàu số 1 được chuyên gia khuyên dùng

Bạn có biết, gàu cũng được xem là một bệnh da liễu, xuất hiện ở hơn 50% dân số, không chỉ gây phiền muộn mà còn dẫn tới nguy cơ nấm da đầu "bám víu" suốt đời. Sử dụng dầu gội trị gàu là cách tốt nhất để kiểm soát gàu, ngăn ngừa nấm phát triển.

Khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 21/10, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở LĐ-TB&XH phối hợp Sở Y tế, Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ em tàn tật (đơn vị thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) tổ chức chương trình khám sàng lọc và phẫu thuật cho trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Hoà Bình. Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục