Những năm qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Đà Bắc luôn nhận được sự quan tâm của địa phương. Nhờ đó, chính sách được mở rộng đến từng bản làng, giúp đồng bào DTTS được chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh (KCB), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội nơi vùng cao.


Đồng bào dân tộc thiểu số đến khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Đà Bắc.

Tính đến cuối tháng 9/2024, toàn huyện có 55.093 người tham gia BHYT, chiếm 97,3% dân số. Trong đó, người DTTS có thẻ BHYT chiếm trên 90%. Nhiều năm trước, khi bị ốm, bệnh, đồng bào DTTS hay tìm thầy mo để cúng giải hạn hoặc tự cúng theo tập tục lạc hậu, trong đó có kẻ xấu lợi dụng, cản trở những chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trước thực trạng đó, nhằm đưa chính sách BHYT lan tỏa đến từng người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, trong nhiều năm qua, BHXH huyện Đà Bắc tăng cường đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền như: Phối hợp chính quyền địa phương phát thanh lưu động ở vùng sâu, vùng xa bằng tiếng DTTS với nội dung những điều cần biết về BHYT; kịch ngắn truyền thanh; biểu diễn văn nghệ, kịch sân khấu hóa; chiếu phim tài liệu về công tác KCB BHYT, kết hợp phát tờ gấp tuyên truyền bằng tiếng DTTS đến người dân; tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp tại khu dân cư… Từ đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, từng bước thay đổi hành vi của người dân trong tham gia BHYT, bảo quản thẻ và đi KCB bằng thẻ BHYT. Tại các hội nghị đối thoại mời người dân của địa phương nơi tổ chức hội nghị là những bệnh nhân từng bị bệnh nặng đã được điều trị khỏi, bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán số tiền lớn… Điều này đã có tác động mạnh đến cách nghĩ, cách làm của nhiều người, nhiều gia đình và lan tỏa dần ra cả bản làng.

Nhờ vậy, thay vì tìm đến thầy mo, thầy cúng, mỗi khi bị ốm, bệnh, người dân đã đến trạm y tế xã, bệnh nặng thì chuyển lên tuyến huyện, tuyến tỉnh để KCB. Năm 2022, cơ quan BHXH huyện Đà Bắc chi 25.530 triệu đồng từ quỹ BHYT thanh toán KCB, năm 2023 là 25.691 triệu đồng và 9 tháng năm 2024 là 23.552 triệu đồng. Kinh phí quỹ BHYT chi trả hàng năm cho công tác KCB BHYT, chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì đảm bảo, thực hiện chi đúng, đủ, kịp thời.

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn, BHXH huyện Đà Bắc luôn chú trọng tuyên truyền BHXH, BHYT. Bên cạnh nhóm đối tượng đồng bào DTTS được cấp miễn phí thẻ BHYT, BHXH, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT. Tiếp tục chủ động phối hợp chính quyền địa phương đa dạng hình thức tuyên truyền hướng về cơ sở; huy động các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào đội ngũ tuyên truyền viên BHXH, BHYT nhằm giúp người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng hiểu được lợi ích, nguy cơ khi tham gia và không tham gia BHYT. Từ đó, vận động nhóm đồng bào DTTS còn lại tham gia BHYT hộ gia đình để được cộng đồng chia sẻ rủi ro, hạn chế tổn thất về tài chính khi không may bị ốm, bệnh, nhất là trong bối cảnh viện phí tăng cao như hiện nay.

Có thể khẳng định, với sự quyết tâm cao của ngành BHXH cùng việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ thúc đẩy diện bao phủ người DTTS tham gia BHYT. Qua đó, giúp đồng bào có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi từ các dịch vụ BHYT, hướng tới chất lượng cuộc sống tốt hơn, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Phan Thanh Quế

(Bảo hiểm xã hội huyện Đà Bắc)


Các tin khác


Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - 20 năm một chặng đường phát triển

Đúng ngày này cách đây tròn 20 năm, ngày 01/11/2004, Bệnh viện tỉnh Hòa Bình chính thức đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình theo Quyết định số 2168/QĐ-UB của UBND tỉnh. Từ một bệnh viện quy mô nhỏ với bộn bề khó khăn về mọi mặt, BVĐK tỉnh đã không ngừng trưởng thành và phát triển, trở thành một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại khu vực Tây Bắc, là địa chỉ tin cậy trong chăm sóc sức khỏe của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Bộ Y tế chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở làm đẹp

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và cơ sở làm đẹp.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và chủ động tích trữ rơm, rạ để làm thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông sắp tới. Đó là những biện pháp mà hộ chăn nuôi nên chủ động trong thời điểm này để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Cảnh báo đột quỵ ngày càng trẻ hóa: Nguyên nhân do đâu?

Xu hướng trẻ hóa đột quỵ tại Việt Nam đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Để hạn chế tình trạng này, cần có các giải pháp đồng bộ từ cả hệ thống y tế và cộng đồng.

180 học viên được cập nhật kiến thức phòng, chống các bệnh không lây nhiễm

Ngày 29/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức khai mạc 2 lớp tập huấn thống kê báo cáo, cập nhật kiến thức phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và kỹ năng tổ chức sàng lọc cho cán bộ y tế huyện, xã  lần 1 năm 2024 cho các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Thuỷ, Đà Bắc. 

Khuyến cáo người dân tiêm đủ vaccine phòng bệnh não mô cầu

Sở Y tế Hà Nội ngày 28/10 thông tin, thành phố vừa ghi nhận bé trai 6 tháng tuổi tại quận Hoàn Kiếm mắc não mô cầu; đây là ca thứ hai trong năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục