Paraquat (thường có tên thương mại là Gramoxone), loại hóa chất diệt cỏ cực độc đã bị cấm ở châu Âu, lại đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta, có thể trở thành chất “giết người” vô cùng nguy hiểm khi trong phút chốc buồn chán hoặc giận dữ người ta tìm đến nó. Chỉ một ngụm nhỏ, cho dù được cấp cứu sớm và huy động nhiều biện pháp điều trị, nguy cơ tử vong cũng rất cao. Thế nhưng việc quản lý hóa chất này quá lỏng lẻo, có nhữung ca tử vong rất đau lòng, tuổi còn rất trẻ 13, 14… và cũng có cụ trên 70 tuổi

Tỉnh táo cho đến chết

Một ngày cuối năm 2009. Hơn 20h đêm, chị được đưa vào phòng săn sóc tích cực bệnh nhân (BN) nặng của Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Người phụ nữ tuổi trên 40 rất xinh đẹp, tỉnh táo đảo mắt nhìn quanh. Lát sau, chị kêu: “Lạnh quá, Yến ơi, lạnh quá”. Người nhà vào, ngoài tấm drap, còn đắp thêm chiếc mền dày phủ kín cả hai bàn chân. Chị lại kêu: “Khát quá”. Vừa uống được chút sữa, bị ói ộc cả ra ngoài. Chị lại kêu: “Lạnh quá”. Người nhà chạy ra ngoài mang vào thêm vớ, găng tay. Cô điều dưỡng bảo bỏ mền, tháo găng ra, vì BN đang bị paraquat “đốt” nóng rát trong người chứ không phải lạnh. Cứ vậy, lăn lộn, bứt rứt. Chị cứ kêu mắc đi vệ sinh, người nhà bảo cứ đi tại chỗ, chị không chịu. Thực tế thì không phải. Chị đòi ngồi dậy, vì khó thở. 2h sáng. Mệt quá, chị thiếp đi một chút, rồi kêu lạnh, đòi ói... Chị lịm dần, không kêu nữa. Cô điều dưỡng bảo người nhà đưa quần áo mặc cho chị kẻo không kịp nữa. Đến 2h25, đôi mắt chị khép hẳn. Giận chồng, chị uống paraquat. Bỏ lại hai con nhỏ.

Giữa tháng 1/2010, tình cờ trở lại Khoa Bệnh nhiệt đới, lại gặp thêm một ca. Ng.Th.M.Th. 21 tuổi, nhà ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Th. rất tỉnh táo trả lời các câu hỏi. Chỉ đôi mắt mệt mỏi, môi thâm tím, bên trong miệng lở và tứa máu. Người nhà cho biết: cách đó 5 ngày, Th. bị mẹ rầy, lén uống khoảng 100ml thuốc diệt cỏ màu xanh, được BS xác định là paraquat. Nghe hàng xóm nói, theo kinh nghiệm dân gian uống mật trăn có thể cứu được, nên người nhà cho uống 3 cái mật trăn và tìm sừng tê giác mài ra hòa với nước cho uống... Chiều 17/1 mới đưa vô BV. Chợ Rẫy. Sáng 18/1, Th. cứ đòi về gấp vì mong còn kịp gặp mặt người thân.

BS trực tiếp điều trị Phan Nhật Thành cho biết: hiện BN đã tổn thương thận, gan, và có biểu hiện nhiễm độc, vàng da, vàng mắt. Tiên lượng xấu, vì hiện tại biểu hiện hô hấp đã có vấn đề, có khả năng sẽ đưa đến xơ phổi. Không có một bằng chứng nào cho thấy - kể cả trong y văn - nói rằng uống mật trăn, sừng tê giác có hiệu quả.

Khi uống paraquat với lượng thấp, diễn tiến bán cấp với các biểu hiện ở đường tiêu hóa: loét miệng, đau dọc xương ức và đau vùng thượng vị do tổn thương dạ dày. Kế đến là vàng mắt, vàng da, xét nghiệm có men gan cao, suy thận. Có thể diễn tiến kéo dài 5 ngày, 7 ngày, 15 ngày sau có biểu hiện tổn thương phổi (xơ phổi ). Ban đầu biểu hiện tím tái, khó thở, sau đó dẫn tới ngưng tim... Đa số BN chết do tình trạng xơ phổi.

Một số rất ít BN vừa ngậm paraquat đã nhổ ra ngay, chỉ tổn thương ở phần miệng thì may ra có thể qua khỏi. Có những trường hợp vàng da, suy thận, sau 2 - 3 tuần theo dõi nếu không thấy có xơ phổi, gia đình xin về, sống hay chết không rõ. Cũng có thể có tổn thương phổi muộn, nhưng do BN không trở lại BV để theo dõi hay tái khám.

Trường hợp uống số lượng nhiều, BN sẽ có biểu hiện nặng tối cấp: nôn ói nhiều, bứt rứt, khó thở, vật vã, tăng thân nhiệt sớm ở 39 – 41o C, sau đó dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Thường những ca này ngưng tim trước khi có biểu hiện suy thận, suy gan và phổi tổn thương.

Ở hầu hết các nước tiên tiến đã cấm sử dụng paraquat, nhưng nước ta thì vẫn dùng. Là người làm công tác chống độc, chúng tôi đã rất nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo và mong mỏi kiến nghị cấm nhập paraquat vào Việt Nam được ban hành, may ra mới cứu vãn được tình hình - vì thuốc này quá nguy hiểm cho con người. Cho dù uống chỉ một ngụm nhỏ vẫn có nguy cơ tử vong cao, cho dù thực tế, chúng tôi đã nỗ lực tối đa với mọi biện pháp xử trí tích cực. Theo tài liệu, trong trường hợp này có thể lọc máu, nhưng trên nguyên tắc muốn lọc máu thì BN phải đến BV trong khoảng thời gian trước 2 giờ. Tuy nhiên, tại một BV bạn, đã từng có ca đến trước 2 giờ, BS chỉ định lọc máu, nhưng rồi sau đó BN cũng tử vong - TS.BS. Trần Quang Bính.

Kiến nghị cấm nhập

TS.BS. Trần Quang Bính - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV.Chợ Rẫy cho biết: chỉ tính sơ bộ 6 tháng đầu năm 2009 đã có gần 90 ca nhập viện do uống paraquat. Paraquat là chất diệt cỏ, làm trụi cây rất tốt, nhưng người ta đã uống vào là vô phương cứu chữa, hầu như tử vong 99 - 100% . Chỉ một vài ca sống sót nhưng không biết có uống thật không, hay chủ yếu để dọa người nhà. Có một số ca sống do may mắn, miệng lở nhưng xét nghiệm máu và nước tiểu đều âm tính paraquat. Một số trường hợp xét nghiệm máu (-), nước tiểu (+): hầu như cũng tử vong vào những ngày sau. Bệnh thường diễn tiến nặng trong 2 - 3 tuần lễ, tổn thương gan, thận, sau đó tổn thương phổi, thậm chí 5 - 10 phút trước khi tử vong vẫn còn tỉnh.

Theo lời kể của TS. Bính, có những cái chết rất thương tâm. Trước đây có một cặp thương nhau còn rất trẻ, cùng uống paraquat và được đưa vô đây. Khoảng 6h chiều cô gái ra đi, đến tối thì cậu con trai nối bước. Cả hai được gia đình đưa về. Hoàn cảnh đưa tới uống paraquat có nhiều: chuyện tình cảm, học hành bị ba mẹ rầy, công nhân thất nghiệp, làm ăn thất bại, mâu thuẫn trong gia đình... Chỉ cần uống một nắp nhỏ 10 - 15ml paraquat cũng không cứu được, có ca lúc mới vô chỉ tổn thương gan thận nhẹ, nhưng 1- 2 tuần sau dẫn tới xơ phổi, người nhà thấy cứ hết mệt xin về. Về rồi lại vô. Có khi vừa vô tới cửa làm thủ tục nhập viện là tử vong. Đặc điểm là xơ phổi, khó thở, nhiều người vẫn tỉnh cho đến lúc trước khi tử vong chỉ vài phút.

Được biết, BV. Chợ Rẫy có làm một số nghiên cứu như cho BN chạy thận nhân tạo, lọc máu sớm nhưng chưa có ca nào thành công, vì đa số BN đến muộn trong khi cần BN vào trước 2 giờ đồng hồ (kể từ khi uống). Sau khoảng 2 - 4 giờ là paraquat đã ngấm vào các tổ chức, cơ quan của cơ thể nên hầu như vô phương cứu chữa.

                                                                   Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục