Lương y Nguyễn Thị Thập luôn tâm niệm phải làm tròn y đức của người thầy thuốc
(HBĐT) - Chúng tôi tìm đến nhà lương y Nguyễn Thị Thập ở xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, mặc dù trời đã gần tối nhưng bà vẫn bận rộn với công việc hàng ngày của mình. Thang thuốc cuối cùng cũng đã bốc xong, gói ghém cẩn thận bà đưa cho người con trai để kịp gửi chuyến xe chiều về Hà Nội. Xong xuôi đâu đó, bà lại kiểm tra công đoạn phơi sao và dự trữ thuốc.
Gặp bà chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì so với cái tuổi gần 70 trông bà vẫn còn khỏe và nhanh nhẹn lắm. Có thể do cả đời bà đã bôn ba để đi tìm tác dụng của các cây thuốc nam hoặc cũng có thể do tâm đức của một người thầy thuốc luôn trăn trở chữa bệnh cứu người khiến cho ta cảm thấy một sức sống, một sự gần gũi đến kỳ lạ.
Bà sinh năm 1944 tại xã Đoàn Đào, Phù Cừ, Hưng Yên trong một gia đình nhiều đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh gia truyền. Đến nay, bà đã chữa trị và mang lại niềm hạnh phúc cho không biết bao người. Lúc đầu, bệnh nhân tìm đến bà chủ yếu là những người dân ở trong xã, trong huyện rồi đến các huyện trong tỉnh. Tiếng của lương y Nguyễn Thị Thập chữa bệnh viêm gan B ngày càng lan rộng. Một đồn năm, năm đồn mười… số lượng người bệnh hoặc người nhà của bệnh nhân tìm đến địa chỉ của bà ngày càng nhiều. Không chỉ người bệnh trong tỉnh mà người bệnh các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình… cũng không quản đường sá xa xôi tìm đến bà với niềm mong mỏi được bà cứu giúp. Đặc biệt có nhiều trường hợp người bệnh tít tận Tây Nguyên cũng cất công lên Hòa Bình để tìm gặp bà. Có trường hợp tìm đến bà khi mới phát bệnh, có trường hợp bệnh tình đã khá trầm trọng và khó có khả năng cứu chữa.
Lật giở những trang giấy đã phai màu thời gian, lương y Nguyễn Thị Thập kể với chúng tôi những trường hợp để lại trong cuộc đời bà nhiều ấn tượng nhất. Ông Phạm Văn Quyết quê Thường Tín, Hà Tây ( cũ) bị viêm gan B đã nhiều năm. Đi hết bệnh viện này đến bệnh viên khác, uống hết mọi loại thuốc mà vẫn không khỏi. Có bệnh thì vái tứ phương, nghe người quen giới thiệu ông tìm đến bà để chuẩn bệnh, bốc thuốc. Gặp bà ông Quyết quả thật không tin là mình có thể được chữa khỏi bệnh. Nhưng chỉ trong vòng 6 tháng dùng thuốc của lương y Thập, bệnh viêm gan của ông gần như đã khỏi hẳn, sức khỏe phục hồi tốt.
Trường hợp cháu Đỗ Đức Quang, xã Khánh Thành, huyên Yên Thành, Ninh Bình là một bệnh nhân khá đặc biệt. Điều đặc biệt là cháu bị viêm gan B cấp khi mới có vài tháng tuổi. Gia đình đã đưa đi điều trị ở nhiều nơi nhưng bệnh tình em không thuyên giảm. Cực chẳng đã, khi nghe tin ở Hòa Bình có lương y Nguyễn Thị Thập chuyên chữa bệnh gan, gia đình lại khăn gói lên nhờ bà can thiệp. Dù đã mấy chục năm làm nghề bốc thuốc cứu người nhưng trường hợp cháu Quang không khỏi làm bà ái ngại. Điều bà trăn trở nhất là cháu Quang quá nhỏ để có thể uống được thuốc. Trong cái khó lại ló cái khôn. Thay vì uống thuốc sắc thay nước và uống thuộc bột như nhiều trường hợp khác bà đã hướng dẫn bố mẹ cháu đun thuốc rồi lấy nước đó mà nấu cháo, kết hợp với thuốc bột để cho cháu ăn. Nhờ sự tận tình của bà, sự kiên nhẫn của gia đình đến lúc cháu Quang lên bốn tuổi thì bệnh viêm gan gần như đã khỏi hẳn. Mọi xét nghiệm lâm sàng đều cho kết quả âm tính. Cháu Quang như được sinh ra lần thứ hai. Gia đình coi bà như ân nhân.
Ơn nghĩa là vậy nhưng mỗi lần người bệnh đến trả ơn thì bà đều từ chối. Suốt đời bà luôn tâm niệm một điều là chữa bệnh cứu người. Bà tâm sự: Mình không cống hiến được nhiều cho xã hội thì bằng những việc làm nhỏ bé có thể giúp được ai thì cứ giúp. Nhiều trường hợp bệnh nhân quá nghèo hoặc thuộc các gia đình chính sách thì bà cứu chữa tận tình mà không lấy bất cứ một đồng nào. Bà nói: “Ông bà, tổ tiên đã tin tưởng và truyền nghề lại cho mình thì mình phải làm tròn y đức của người thầy thuốc”.
Đức lương y có trong bà từ khi còn tấm bé. Bà nhớ hồi nhỏ thường theo ông nội lên núi hái thuốc rồi từ đó biết được tên, tác dụng của các loại thảo dược. Có một thời gian do hoàn cảnh đất nước bà đã không gắn bó với nghề thuốc gia truyền mà làm công việc của một nữ y tá của mỏ sợi Amiang, rồi y tá trong bệnh xá Nhà máy giấy Hòa Bình. Khi đã nghỉ hẳn công việc Nhà nước theo chế độ hưu trí, bà mới toàn tâm toàn ý gắn bó, phát triển nghề thuốc gia truyền với bài thuốc chữa bệnh gan. Từ những kinh nghiệm học được cùng với những bí quyết gia truyền nhiều đời bà đã dần hoàn thiện khả năng của mình để chữa trị cho những người bệnh. Lúc có thời gian rỗi, bà lại nghiên cứu thêm các bài thuốc của các bậc danh y trong nền y học cổ truyền của dân tộc.
Theo lẽ thường, trong cuộc sống người chọn nghề nhưng trường hợp của lương y Nguyễn Thị Thập thì gần như là ngược lại. Nghề đã chọn bà. Khi vừa tròn 21 tuổi thì không phải ai khác, chính bà là người phát hiện ra mình bị bệnh về gan. Sẵn có những hiểu biết nhất định về bệnh này bà đã mày mò đi tìm những loại thảo dược có sẵn trong tự nhiên như rễ cỏ may, rễ cỏ tranh, cây chìa vôi, lá vông... để tự cứu chữa cho bản thân mình. Có lẽ do đã từng là người bị bệnh trước khi trở thành thầy thuốc nên bà hiểu rõ hơn ai hết triệu chứng, cơ chế và tác dụng của từng loại thảo dược tới cơ thể bệnh nhân mà từ đó có sự điều chỉnh phù hợp với thể trạng mỗi người. Bà cho biết: “người thầy thuốc có giỏi mấy, bài thuốc có hay mấy mà không có sự hợp tác của người bệnh thì cũng chịu. Nhiều trường hợp người bệnh phải kéo dài thời gian điều trị , một phần do không tuân thủ nghiêm túc các chỉ định của thầy thuốc”.
Ngồi tiếp chuyện với bà thi thoảng lại bị ngắt quảng bởi tiếng chuông điện thoại reo. Khi thì bệnh nhân gọi điện để trình bày tiến triển của việc điều trị; khi thì những người đã từng là bệnh nhân gọi điện để hỏi thăm sức khỏe của bà. Niềm vui lộ rõ trên khuôn mặt đã in dấu chân chim của bà khi biết được bệnh nhân của mình đang có những dấu hiệu hồi phục. Niềm vui thật nhỏ bé nhưng sâu sắc biết nhường nào bởi niềm vui đó kết tinh bao công sức, trăn trở, bao nỗ lực để giành giật sự sống cho người bệnh.
Hồng Nhung
(HBĐT) - Mới vào đầu mùa hè nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm không khí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thêm phần oi bức, ngột ngạt. Lượng bệnh nhân từ khắp các địa phương trong tỉnh “đổ về” cao hơn hẳn so với những tháng trước.
Trái dâu tằm (tên khoa học là Morus alba, họ Moraceae) có vị ngọt, tính hàn, không độc.
Hiện nay, nhiều sản phụ chọn cách sinh mổ vì sợ đau đẻ, đồng thời chủ động được thời gian, tránh cho người nhà và sản phụ những căng thẳng, mệt mỏi của quá trình chờ sinh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, sinh thường mới là “giải pháp tối ưu” cho cả mẹ và bé.
Những thực phẩm tạo nên món cá chép om dưa đều chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể
Nắng nóng gay gắt trong những ngày qua đã khiến người dân Hà Nội lao đao, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi
Thời tiết nóng bức, ngột ngạt liên tục kéo dài trên khắp cả nước đã khiến nhiều người đổ bệnh. Không chỉ các dịch bệnh thông thường như cúm, sốt virus, tiêu chảy, sốt xuất huyết… bùng phát mạnh mẽ mà đã xuất hiện cả những bệnh nhân đặc biệt mắc chứng bệnh lạ, không thể xác định được nguyên nhân.