Chủ động khám thai, xét nghiệm để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Cầm phiếu trả kết quả xét nghiệm máu trên tay với dòng chữ in đậm “dương tính HIV”, chị H.Phương (ngụ quận 7, TPHCM) như ngất lịm. Chị thảng thốt nói với theo cô bác sĩ sau khi đã được tư vấn dự phòng: “Liệu con tôi có bị sao không bác sĩ. Nó có bị nhiễm như tôi không?”. Đó là một trong khá nhiều thai phụ nhiễm HIV mà BV Từ Dũ gặp phải trong thời gian qua. Tuy nhiên, không hẳn thai phụ nào cũng có ý thức chủ động xét nghiệm để dự phòng.
Thai phụ nhiễm HIV gia tăng
Vốn làm công nhân may mặc, chị Phương kết hôn với một tài xế xe tải đường dài. Chị rất ít có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài, cũng như báo chí, sách vở. Do vậy, chị cũng không có kiến thức về mang thai, về những căn bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Mấy lần trước, đi khám thai ở các phòng mạch tư, sau khi được siêu âm và nghe tim thai, bác sĩ cho biết thai nhi phát triển bình thường. Gần đây, khi nghe chị em hàng xóm “mách nhỏ” tài xế đường dài dễ mắc HIV nên chị mới vào bệnh viện khám, xét nghiệm...
Theo thống kê của BV Phụ sản Từ Dũ, số thai phụ được tư vấn dự phòng HIV tăng lên mỗi năm. Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ cho biết, mỗi tháng BV phát hiện từ 28 đến 32 thai phụ nhiễm HIV đến khám hoặc sinh con tại bệnh viện. Tương tự, tại BV Phụ sản Hùng Vương, các bác sĩ tư vấn dự phòng HIV cho gần 800 thai phụ nhiễm HIV trong 3 năm qua.
Trong số đó, phần lớn phát hiện khi thai phụ đến khám thai và đáng lo ngại là đối tượng này ngày càng trẻ hóa. BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Phụ sản, BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, số thai phụ được tư vấn dự phòng HIV đã tăng lên rõ rệt trong các năm qua, bình quân mỗi năm từ 100 - 200 trường hợp. Theo kết quả giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai ở VN đang có xu hướng gia tăng. Ước tính mỗi năm có khoảng 6.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, chiếm 0,25% trong tổng số phụ nữ mang thai.
Nguyên nhân do thiếu ý thức
Theo các chuyên gia y tế, hiện hầu hết phụ nữ mang thai nhiễm HIV được phát hiện muộn trong giai đoạn chuyển dạ. Đây là điểm khó khăn trong việc tư vấn, chăm sóc theo dõi và điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con. Điển hình như trường hợp chị T.Q. vừa mới hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh tại BV Phụ sản Hùng Vương TPHCM. Là cô gái tỉnh lẻ miền Tây lên TPHCM, Q. gặp H. - một công tử nhà giàu - và kết duyên. Tuy nhiên, khi đứa con trong bụng Q. thành hình hài, cô mới biết H. nghiện ma túy và nhiễm HIV. Do thai đã quá lớn không thể bỏ, Q. đành ngậm ngùi để vậy. Khi đến bệnh viện sinh nở, cô mới được thông báo cả mẹ và con đều nhiễm HIV...
Qua ghi nhận cho thấy, nhiều thai phụ đã không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con mà nguyên nhân chủ yếu là do bản thân họ thiếu thông tin, thiếu kiến thức, sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Mặt khác, các dịch vụ dự phòng chưa được cung cấp một cách rộng rãi. Điều đáng nói, hầu hết thai phụ chưa có ý thức dự phòng cho chính mình, nhất là những đối tượng được liệt vào danh sách có nguy cơ cao như gái mại dâm, nghiện ma túy, có chồng là lái xe tải đường dài... Khi đối mặt với HIV, thai phụ đứng trước lựa chọn sinh hay bỏ con (chỉ cho phép bỏ thai dưới 20 tuần tuổi). Nếu quyết định sinh con, sản phụ phải chấp nhận nguy cơ đứa trẻ có thể bị nhiễm và sẽ chết trong 2 năm đầu. Trẻ cũng có thể sống lâu hơn nhưng vẫn khó qua khỏi vì không đủ sức chống chọi với bệnh.
Nhân “Tháng 6 - tháng cao điểm phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cảnh báo, nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ lây truyền HIV cho con sẽ là 35%. Như vậy, mỗi năm sẽ có hơn 2.000 trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng sớm thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ khoảng 5%, đồng nghĩa với việc có thể cứu được hơn 1.600 trẻ em không bị lây truyền HIV từ mẹ.
Chính vì vậy, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp phụ nữ mang thai phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV của bản thân để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng, hạn chế thấp nhất việc lây truyền HIV sang con. Do đó, các ban ngành đoàn thể và toàn xã hội tích cực hưởng ứng, tăng cường công tác truyền thông, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Theo SGGP
(HBĐT) - Trong 6 ngày (17 - 22/8), Chi cục Dân số/KHHGĐ và Ban Quản lý Dự án VNM7 PG0003 tỉnh đã phối hợp tổ chức khoá tập huấn giảng viên tuyến tỉnh về giám sát hỗ trợ hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi trong Dân số/SKSS/KHHGĐ cho các cán bộ hiện công tác tại Chi cục DS/KHHGĐ, Trung tâm chăm sóc SKSS , các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Sữa đậu nành nóng không dùng chất bảo quản rất tốt cho sức khỏe. Muốn làm được sữa ngon lâu hỏng, điều quan trọng là cần phải ngâm và đun chín đúng cách.
Ngày 23-8, TS Nguyễn Ngọc San, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội khẳng định, loại rệp giường (Bedbug) hút máu người mới được phát hiện tại khu vực nội thành Hà Nội, không phải là một loại rệp mới. Đây là loại rệp đã từng được phát hiện cách đây khoảng 10 năm ở Hà Nội trong khu dân cư.
Ngày 23-8, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Ðồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết: Các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu một bệnh nhi nữ, 23 tháng tuổi, ở Cà Mau bị tim bẩm sinh thông liên thất nặng đã có biến chứng tăng áp động mạch phổi kèm với bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.
9h30 hôm nay, hai Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Vũ (Bệnh viện ung bướu TP HCM) và Lưu Ngân Tâm (Bệnh viện Chợ Rẫy) sẽ tư vấn trên VnExpress.net về cách nhận biết và chăm sóc bệnh nhân ung thư gan, phổi, dạ dày.
(HBĐT) - Đó là khẳng định của y tế thôn bản Dương Chí Tuấn ở bản người Dao Suối Bến, xã Tiến Sơn, huyện Lương Sơn khi nói về những chuyển biến trong hành vi chăm sóc SKSS tại bản mình.