Theo Hiệp hội Quốc tế chống ung thư, ước lượng 40% ca ung thư có thể phòng tránh được. Sự hiểu biết về bệnh ung thư dẫn đến việc xử lý căn bệnh hiệu quả hơn. Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TPHCM, bệnh ung thư đang là sát thủ nhưng biết dự phòng sẽ làm nhẹ gánh nặng của nó. Khuyến cáo này cũng được các chuyên gia hàng đầu về ung thư khẳng định ngày 3-12 tại Hội thảo phòng chống ung thư diễn ra tại TPHCM.

 

Bệnh nhân chờ thăm khám bệnh ung thư tại BV Ung bướu TPHCM. Ảnh: Tg.Lâm

Kẻ giết người thầm lặng

Không ít bệnh nhân bị ung thư đều than thở vì đến khi phát hiện được bệnh, khối u đã to, di căn. Tuy nhiên, cả một quá trình âm thầm diễn biến của bệnh, họ gần như không hề hay biết. Ung thư vú là một điển hình. Theo đánh giá của Bộ Y tế, ung thư vú đang xếp hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ Việt Nam. Ước tính mỗi năm có khoảng 12.000 phụ nữ bị ung thư vú. Mặc dù những kỹ thuật điều trị như cắt tuyến vú, nạo hạch nách, xạ trị, hóa trị ngày càng hiện đại, nhưng nói như BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, chỉ đạt hiệu quả trong một số ít trường hợp.

Ngoài ung thư vú, phụ nữ Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng ung thư cổ tử cung đang có chiều hướng gia tăng qua các năm. Theo nghiên cứu của BS Lưu Văn Minh cùng cộng sự của BV Ung Bướu TPHCM, mỗi năm có hơn 1.000 trường hợp ung thư cổ tử cung mới nhập bệnh viện này điều trị. Và hiện nay tại TPHCM, tỷ lệ ung thư cổ tử cung đứng thứ hai sau các loại ung thư ở phụ nữ với 16,5/100.000 người. Tỷ lệ này đã gia tăng rõ rệt qua các năm và đang có xu hướng gia tăng mạnh. Theo BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ TPHCM, ung thư phụ khoa là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư.

Đối với nam giới, ung thư gan, đại trực tràng cũng đang khiến cả chục ngàn người tử vong mỗi năm. Theo BS Nguyễn Hoài Thị Nga, Bệnh viện K Hà Nội, Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ viêm gan cao. Vì vậy tỷ lệ mắc mới ung thư gan ở cả hai giới chiếm 4% tổng số các ca ung thư. Qua điều tra dịch tễ ở hai huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và Lạng Giang (Bắc Giang) cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C lần lượt là 8% và 2,7% số dân từ 15 đến 60 tuổi. Ba hành vi nguy cơ được coi liên quan đến tình trạng nhiễm virus viêm gan B và C là dùng chung bơm kim tiêm, dùng chung kim châm cứu và dùng chung bàn chải đánh răng. Bệnh diễn biến âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì, bệnh nhân vẫn khỏe mạnh nên không được chẩn đoán và điều trị sớm. Nhưng đến khi có biểu hiện rõ đã quá muộn, khối u to, di căn, hiệu quả điều trị kém.

Theo nghiên cứu của BS Phạm Hùng Cường và cộng sự ở BV Ung bướu TPHCM, 79% bệnh nhân ung thư gan là nam giới, tuổi trung bình là 54. Trong đó, số bệnh nhân hút thuốc lá thường xuyên chiếm 49,5%, có thói quen sử dụng bia rượu chiếm 78%.

Còn BS Đỗ Minh Sơn, Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội, cảnh báo thuốc lá đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các bệnh như ung thư phổi, ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư vú… Thế nhưng số người hút thuốc không ngừng gia tăng qua các năm, đặc biệt có xu hướng trẻ hóa.

Qua nghiên cứu kiến thức, thái độ và thực hành đối với hút thuốc lá tại Trường THPT Hưng Đạo, tỉnh Hải Dương, cho thấy tỷ lệ hút thuốc của học sinh khối 10, 11 là 6,3%. Hầu hết đều cho rằng hút thuốc rồi không bỏ được do áp lực bạn bè. Điều đáng nói, rất ít học sinh biết kiến thức về ung thư do thuốc lá gây ra. Tình trạng này đang báo động trong giới học sinh hiện nay.

Mặc dù đã có những chương trình tầm soát và chiến lược phòng ngừa, nhưng ung thư trực tràng là một trong những bệnh lý ác tính thường gặp trên thế giới. Theo ghi nhận của BV Ung bướu TPHCM, ung thư trực tràng tăng nhanh sau tuổi 40 đối với nam và 37 đối với nữ. Bệnh tiến triển tương đối chậm, di căn muộn, dễ chẩn đoán sớm qua thăm khám trực tràng. Nếu phát hiện sớm, điều trị triệt để, tỷ lệ sống thêm 5 năm đạt khoảng 60%-80%. Đi tiêu ra máu là triệu chứng nổi bật của ung thư trực tràng. Tuy nhiên nội soi cho kết quả chẩn đoán xác định bệnh và cung cấp kết quả giải phẫu bệnh lý quan trọng.

Đừng để quá muộn

* Toàn hành tinh hiện có 12,7 triệu người mới mắc và 7,6 triệu người chết do bệnh ung thư. Các ung thư thường gặp là phổi, vú và đại trực tràng. Các ung thư gây chết nhiều nhất là phổi, bao tử và gan. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 150.000 ca mắc mới ung thư, trong đó khoảng 50.000 ca tử vong.

Theo GS Lê Văn Thảo, Đại học Quốc gia TPHCM, chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị hiệu quả ung thư là một trong những vấn đề lớn nhất, được quan tâm hàng đầu bởi y học và các ngành khoa học liên quan. Kết quả điều trị bệnh ung thư phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát hiện khi đang ở giai đoạn đầu - phát hiện ung thư sớm. Vì vậy phát triển những công nghệ mới có độ chính xác và đặc hiệu cao để phát hiện ung thư sớm là một trong những vấn đề cần ưu tiên, trong đó có công nghệ nano.

Còn GS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng gần phân nửa số người mắc bệnh ung thư trên thế giới lẽ ra phòng ngừa được. Phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung có thể trị khỏi 90%, và trị khỏi gần 100% ung thư tuyến giáp nếu phát hiện sớm. Hiện ung thư phổi là loại thường gặp nhất, chiếm 12,7% tổng số ca ung thư mới trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong cũng chiếm hàng đầu. Ung thư vú chiếm 23% ung thư ở phụ nữ, đứng hành thứ hai các loại ung thư trên toàn cầu.

Theo thống kê của Hội Ung thư TPHCM, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000-200.000 ca ung thư, trong đó trên 50% tử vong do can thiệp muộn. Thông tin của Hội Ung thư TPHCM cũng cho biết, hiện có 1/5 số người mắc ung thư trên thế giới là do các tác nhân nhiễm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Cụ thể, ung thư do vi khuẩn H.Pylori (chiếm 5,5%), virus cổ tử cung HPV (5,2%),  virus viêm gan EBV (1%), virus HIV (0,8%), sán máng (0,1%) và sán lá gan (0,02%). Các loại tác nhân trên gây ra các loại bệnh ung thư như hốc miệng, cổ tử cung, bao tử… Tuy nhiên, nếu phát hiện cơ chế gây ung thư, chẩn đoán, điều trị, tầm soát, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể phòng ngừa 1/3 số người mắc ung thư. Đúng như Hiệp hội Quốc tế chống ung thư, ước lượng 40% ung thư có thể phòng tránh được nếu có sự tầm soát tốt.

Các chuyên gia y tế cho rằng, các phương tiện kỹ thuật điều trị ung thư ngày càng hiện đại nhưng hiệu quả cứu sống hoặc kéo dài sự sống vẫn chưa như mong đợi, bởi đó là khi bệnh đã diễn tiến phức tạp, đã di căn. Vì vậy, thăm khám 6 tháng một lần giúp phòng tránh và phát hiện sớm các bệnh ung thư. Điều này đòi hỏi người dân cần ý thức về phòng tránh bệnh tật cũng như công tác truyền thông phòng chống ung thư cần được sâu rộng đến người dân

 

                                                                                     Theo SGGP

Các tin khác


Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng, chống bệnh dại

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố; 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục