Tiền thân là Ðội điều trị 3 được thành lập từ năm 1950, trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay, Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) không chỉ là cơ sở điều trị, khám chữa bệnh uy tín mà còn là đơn vị huấn luyện, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật y học hàng đầu, góp phần quan trọng tạo những bước đột phá trong phát triển y học nước nhà.

 

Trước nhu cầu cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh trong kháng chiến chống Pháp, ngày 20-12-1950 Ðội điều trị 3 thuộc Cục quân y chính thức được thành lập tại rừng chiến khu Việt Bắc, đã trực tiếp phục vụ các chiến dịch Trần Hưng Ðạo, Quang Trung, Hòa Bình và Ðiện Biên Phủ, thu dung, điều trị, cứu chữa hàng nghìn thương, bệnh binh. Trong và sau kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các thầy thuốc Viện Quân y 103 luôn bám sát chiến trường, bám sát bộ đội để cứu chữa và nghiên cứu cách phòng chống vũ khí hóa học và bệnh sốt rét và cứu chữa, điều trị cho hàng chục vạn thương binh, bệnh binh. Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, Bệnh viện 103 đóng góp tích cực huấn luyện lâm sàng, cận lâm sàng cho các bậc học sinh của Học viện Quân y từ đại học đến trên đại học; khám, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến; nghiên cứu khoa học phát triển nền y học hiện đại.

Trải qua 60 năm, Bệnh viện 103 đã trở thành một trung tâm y học lớn của quân đội và đất nước. Bệnh viện hiện có 48 bộ môn, khoa, phòng, ban với hơn một nghìn cán bộ nhân viên. Trong đó có 17 giáo sư, 103 phó giáo sư, bảy tiến sĩ khoa học, 190 tiến sĩ, hàng trăm bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ... Nhờ vậy, công tác khám bệnh, cấp cứu, thu dung, điều trị của bệnh viện luôn đạt được kết quả cao. Mỗi ngày bệnh viện khám bệnh cho hơn một nghìn lượt người và thu dung điều trị thường xuyên cho khoảng 1.200 đến 1.300 người bệnh. Chỉ tính riêng mười năm qua, bệnh viện đã khám cho hơn một triệu lượt người, cấp cứu hơn 136 nghìn ca và thu dung điều trị gần 300 nghìn người bệnh. Ðiều đáng nói trong khám, chữa, điều trị cho người bệnh, bệnh viện đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết xây dựng y đức, chống tiêu cực với tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh chu đáo. Trong các khâu từ khám, điều trị, phục vụ đến ra viện của người bệnh được cải tiến thành một chu trình khép kín, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ bảo đảm nhanh gọn, hiệu quả. Ðặc biệt, bệnh viện đã phát triển mạnh mẽ các kỹ thuật mũi nhọn, các xét nghiệm bậc cao và chuyên sâu; áp dụng, tiếp cận trình độ y học khu vực và quốc tế (như ghép tim, ghép thận, ghép gan, can thiệp mạch, phẫu thuật nội soi, tán sỏi mật qua da...); chú trọng kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền mang lại hiệu quả cao trong chẩn đoán, điều trị kịp thời nhiều ca bệnh khó.

Không chỉ thu dung, điều trị hiệu quả, Bệnh viện 103 còn luôn hoàn thành tốt công tác huấn luyện lâm sàng, cận lâm sàng cho các học viên đại học, sau đại học góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Mặc dù, cái khó trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, nhân viên của bệnh viện là sự gắn kết không thể tách rời giữa nhiệm vụ giảng viên bảo đảm soạn giáo án, lên lớp và thực hành giảng dạy, truyền đạt các kiến thức cho học viên với nhiệm vụ bác sĩ điều trị và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, bệnh viện quán triệt tới từng cán bộ, giảng viên về y đức và ý thức kỷ luật trong nghề nghiệp. Ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giảng viên các bộ môn của bệnh viện còn được đào tạo, học tập nâng cao trình độ tay nghề, lý luận và nghiệp vụ sư phạm. Từ một cơ sở huấn luyện lâm sàng ban đầu với hơn 20 giáo viên, đến nay, Bệnh viện 103 đã trở thành bệnh viện huấn luyện có gần 300 giảng viên, đảm nhiệm hơn 60% khối lượng đào tạo hằng năm từ bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Khối lượng huấn luyện của bệnh viện thường xuyên đạt hơn 12 nghìn tiết lý thuyết và hơn 120 nghìn tiết thực hành cho khoảng hơn hai nghìn học viên mỗi năm. Sau 60 năm, bệnh viện đã tham gia đào tạo cho đất nước gần 22 nghìn bác sĩ, dược sĩ, trong đó có hơn 600 tiến sĩ, 1.600 thạc sĩ, bốn nghìn bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II... Không chỉ huấn luyện đào tạo nhân lực y tế cho quân đội, Bệnh viện 103 còn đào tạo cán bộ y tế cho các địa phương, y tế cơ sở, chương trình y tế công cộng. Trong mười năm qua, Bệnh viện 103 đã đào tạo cho vùng sâu, vùng xa, vùng Tây Nguyên hơn 3.400 bác sĩ và hơn 3.200 nhân viên y tế góp phần quan trọng khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa.

Là một trong những trung tâm y học hàng đầu, Ban lãnh đạo bệnh viện còn đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật, xem đây là nhiệm vụ then chốt nhằm thúc đẩy sự phát triển công tác điều trị với công tác đào tạo. Nếu như những năm đầu thành lập, bệnh viện mới chỉ thực hiện được các công trình nghiên cứu đơn giản như nhận xét, tổng kết, đánh giá kinh nghiệm các công tác cấp cứu, điều trị vết thương chiến tranh, điều trị các bệnh thông thường, chỉ đạo các đơn vị công tác phòng chống dịch bệnh thì hiện nay bệnh viện đã trở thành trung tâm nghiên cứu y học lớn của cả nước. Bình quân mỗi năm, thực hiện khoảng 20 đề tài và nhánh đề tài cấp Nhà nước và hơn 70 đề tài cấp cơ sở. Trong đó, nhiều công trình nghiên cứu được đánh giá cao như: Ghép tạng (ghép thận năm 1992, ghép gan năm 2004 và ghép tim năm 2010); đánh giá hiệu quả lâu dài của chất độc đioxin; phẫu thuật nội soi; can thiệp mạch... mang lại hiệu quả cao. Ðáng chú ý, hoạt động nghiên cứu khoa học bệnh viện không chỉ chú trọng thực hiện, quản lý các đề tài, ứng dụng phát triển các kỹ thuật mới mà còn tạo được phong trào nghiên cứu khoa học sôi động trong lực lượng trẻ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu lấy phát triển khoa học làm động lực nâng cao chất lượng đào tạo và điều trị.

Với những thành tích nổi bật nhiều lĩnh vực trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện 103 đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (1989, 2009); được tặng thưởng ba Huân chương Quân công, năm Huân chương Chiến công và một Huân chương Lao động. Bệnh viện 103 được Hội Thầy thuốc trẻ và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam vinh danh là 'Bệnh viện thân thiện vì sức khỏe cộng đồng'.  Ngoài ra, hai bộ môn - khoa của Bệnh viện (Bỏng và Tim - Thận - Khớp - Nội tiết) và hai cá nhân cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu Anh hùng Lao động; năm cán bộ của bệnh viện được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, chín Nhà giáo Ưu tú; chín Thầy thuốc Nhân dân  và 123 Thầy thuốc Ưu tú.

 

                                                                               Theo ND

Các tin khác

ĐV-TN được tư vấn, kiểm tra sức khoẻ trước khi hiến máu.
Các y, bác sĩ Viện Quân y 175 trong một ca phẫu thuật mắt miễn phí tại Bệnh viện 15 (thuộc Binh đoàn 15).
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Ngọt ngào chè quê hương

Trong tiết trời se lạnh buổi chiều đông, chợt nghe tiếng cô hàng chè bán rong ngang qua đầu ngõ: “Ai …….chè nóng ….hôn………..”. Tôi thấy lòng mình quặn thắt, chợt nhớ vô cùng những ngày thơ ấu, cả gia đình quây quần bên nồi chè nóng hổi, ngào ngạt hương thơm trong chiều đông rét buốt.

Mất ngủ vì thiếu… can-xi!

Mất tập trung, mệt mỏi, mất ngủ là những triệu chứng bạn thường gặp? Bạn vẫn nghĩ đó là do áp lực công việc, quá sức...? Nghiên cứu mới đây nhất chỉ ra rằng, phần lớn người dân sống ở thành thị bị mất ngủ, nhiều khả năng do bị thiếu canxi.

Đà Nẵng: Nối thành công nạn nhân bị đứt gần lìa cánh tay phải

Chiều 8-12, Khoa Ngoại 1-Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân Y C17 cho biết vừa cứu sống một nạn nhân mất nhiều máu và thực hiện phẫu thuật thành công nối liền cánh tay phải.

Bệnh tả quay lại TPHCM

Sau một thời gian tạm lắng, bệnh tả đang quay lại TPHCM và chỉ trong 9 ngày đầu tháng 12 đã có 3 ca mắc

Ở nơi nước quý như vàng

Nằm giữa biển và sông, nhưng xóm Rồng ở Nghệ An không có nước ngọt sử dụng. Thiếu nước, nhiều cô gái mới về làm dâu trong xóm đành 'trốn' nhà chồng về mẹ đẻ chỉ để 'tắm một cái cho thỏa thích'.

Bị trứng cá - Bôi thuốc gì?

Trứng cá là tình trạng viêm mạn tính nang lông tuyến bã, gây nên các nhân trứng cá đầu đen hay đầu trắng, có khi chỉ là các sẩn đỏ, mụn mủ... hay có ở mặt, lưng, ngực, vai. Một số trường hợp các mụn viêm to thành các bọc trứng cá, đôi khi để lại sẹo. Trứng cá thường xuất hiện ở tuổi dậy thì. Bệnh thường nặng nhất ở tuổi 14 - 18 và sau đó đỡ dần. Đa số bệnh nhân khỏi ở tuổi 25 - 30. Một số trường hợp gặp ở lứa tuổi hồi xuân (45 - 55 tuổi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục