Bệnh nhi chờ nhập viện tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM chiều 24-3.

Bệnh nhi chờ nhập viện tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM chiều 24-3.

Liên tục mấy ngày qua, thời tiết tại TPHCM chuyển biến bất thường khi có mưa trái mùa, khiến không ít người đổ bệnh, nhất là trẻ em. Ghi nhận tại các bệnh viện nhi ở TPHCM ngày hôm qua (24-3) cho thấy nhiều dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát cao.

 

  • Bệnh nhi ùn ùn nhập viện

Dãy hành lang có bề ngang bằng một bước chân, nhưng có tới cả chục cháu nhỏ nằm san sát. Đó là cảnh tượng tại khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM ngày hôm qua. Chị Nga (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) đang quạt cho đứa con nhỏ 15 tháng tuổi nằm thiêm thiếp dưới mảnh chiếu nhỏ, than thở: “Cháu nhập viện từ 2 hôm nay rồi mà không còn giường. Đành nằm tạm ngoài này thôi”.

Bị ho, sốt, sổ mũi và trở nặng cách nay 3 ngày nhưng chị Nga chủ quan rằng đứa con gái của mình bị cảm xoàng và cho uống sirô, thuốc hạ sốt tại nhà. Mãi đến khi cháu bỏ ăn, bỏ uống và thở khò khè mới chuyển vô bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng và phải cho xông mũi, điều trị tích cực.

Cùng hoàn cảnh với chị Nga là cả chục bà mẹ khác cũng đang vỗ về con nhỏ nằm lạnh lẽo dưới nền gạch của hành lang. “Khoa chỉ có 100 giường nhưng nay đã hơn 200 cháu phải điều trị”, một bác sĩ cho biết...

Tại khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 2 chiều 24-3, rất nhiều trẻ em cũng phải nằm ra ngoài hành lang vì không còn giường. Điều đáng nói là có rất nhiều trẻ sơ sinh phải điều trị do viêm phổi nặng, có trẻ chỉ mới 1-2 tháng tuổi.

“Đó là chưa kể phần lớn các cháu đến khám cho về điều trị ngoại trú”, một bác sĩ khoa Hô hấp cho biết. Thông tin từ khoa Khám của các bệnh viện nhi cũng cho biết hôm qua có tới trên 3.500 cháu nhỏ đến khám ở mỗi bệnh viện và chiếm 40% trong số đó mắc các bệnh đường hô hấp.

Không chỉ hô hấp, các bệnh dịch khác cũng đang rộ lên. Ghi nhận chiều qua tại khoa Nhiễm-Thần kinh của BV Nhi đồng 1 cho thấy các bệnh sởi, rubella, thủy đậu, tay - chân - miệng đang tăng lên. Ngồi chờ làm thủ tục cho đứa con nhỏ mới hơn 1 tháng tuổi, anh T.N.Tuấn (ngụ phường Tây Thạnh, quận Tân Phú) nói: “Cháu bị sốt 3 ngày nay, nổi ban đỏ ở cổ và lưng. Cứ tưởng nổi mụn sữa, ai ngờ đến bệnh viện mới biết cháu bị lên sởi”.

Anh Tuấn cho biết thêm là cách nay 5 ngày đứa con đầu 3 tuổi của anh cũng phải nhập viện do bị mắc thủy đậu. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh nói một số dịch bệnh đang vào mùa, trong đó có thủy đậu đang nằm trong chu kỳ bùng phát.

Bệnh nhi ngụ tại TPHCM nhập viện nhiều hơn trẻ ở các tỉnh. Ảnh: Nh.Ngọc

  • Bất thường dịch bệnh truyền nhiễm

Dù không phải là đỉnh điểm của mùa dịch theo quy luật mọi năm, nhưng từ đầu năm đến nay dịch sốt xuất huyết vẫn gia tăng mạnh. Khoa sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hôm qua vẫn gần 40 bệnh nhi nằm điều trị nội trú. Khoa Nhi A của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng tiếp nhận từ 4-5 cháu mắc sốt xuất huyết mỗi ngày trong tuần qua.

BS Trần Văn Ngọc lo lắng vì số trẻ mắc sốt xuất huyết vẫn có xu hướng tăng, trong đó có nhiều em biến chứng nặng. Quan ngại hơn, theo các bác sĩ, phần lớn trẻ nhiễm bệnh đều cư ngụ tại TPHCM như quận 8, Tân Bình, Thủ Đức, thay vì các tỉnh chuyển về.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm 2011 đến nay, toàn TP đã có gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, dịch sởi, thủy đậu, rubella cũng đang “vào mùa” với số lượng người mắc gia tăng.

Trong khi dịch cúm A/H1N1 đang quay trở lại khiến các chùm ca bệnh đang lan rộng hơn, thì diễn biến của các bệnh dịch vốn xảy ra theo chu kỳ lâu nay đã không còn tuân theo chu kỳ nữa. Nếu như sởi, rubella thường xảy ra từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm thì nay rải rác có quanh năm. Mặt khác, khả năng truyền nhiễm của các bệnh dịch cũng nhanh hơn, rộng hơn.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết hiện nhiều bệnh nhiễm có tính lây lan rất cao và dễ tạo dịch trong cộng đồng. Những nơi tập trung đông người như trường học, cơ quan, xí nghiệp là môi trường rất dễ bùng phát thành dịch.

Trước diễn biến bất thường của nhiều dịch bệnh, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo tiêm vaccine là biện pháp chủ động nhất giúp phòng tránh hữu hiệu. Đối với một số bệnh dịch chưa có vaccine như sốt xuất huyết, việc phòng ngừa bằng vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát hiện dấu hiệu bệnh sớm như sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, cho hiệu quả phòng và trị bệnh cao.

Về mặt dinh dưỡng, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho rằng để phòng ngừa dịch bệnh cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng tạo sức đề kháng miễn dịch tốt cho cơ thể. Ngoài chất đạm từ thịt, cá, tôm, trứng, đậu hũ, nấm… ăn vừa đủ, các loại rau, củ, trái cây (giàu vitamin C) giúp tăng sức đề kháng.

Tại giao ban y tế dự phòng tuần qua, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng các quận - huyện kịp thời phát hiện và khoanh vùng dập dịch sốt xuất huyết. Theo dõi tình hình dịch bệnh ở các trường học, nhà trẻ xem có sự gia tăng đột biến ca bệnh hay ổ dịch để đối phó ngay.

 
          
                                                                              Theo SGGP

Các tin khác


Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục