Chụp CT đang bị lạm dụng rất nhiều ở các bệnh viện (ảnh chỉ mang tính minh họa).
Xét nghiệm, chẩn đoán có vai trò quan trọng trong quy trình khám chữa bệnh nhưng do thiếu quy chuẩn nên nhiều bệnh viện đang lạm dụng vô tội vạ. Hơn nữa, giữa các cơ sở y tế không chấp nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau khiến người bệnh đã gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Nay khi Bộ Y tế rục rịch tăng giá 350 dịch vụ, người bệnh càng khó mà chịu nổi.
Thích là... chụp chiếu
Phòng xét nghiệm Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đã quá trưa nhưng vẫn đông kín bệnh nhân, nhiều người tỏ ra mệt mỏi, bức xúc vì phải chờ đợi quá lâu. Bà Nguyễn Thùy P. tới từ huyện Hoài Đức, Hà Nội bực bội: “Từ sáng sớm tới giờ, mất gần 3 giờ mới có kết quả xét nghiệm máu. Tưởng rằng bác sĩ sẽ sớm phát hiện ra bệnh nhưng ai ngờ lại bắt đi làm thêm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm ổ bụng”. Quả thực, trường hợp của bà P. chỉ là một trong rất nhiều người bệnh khi tới bệnh viện khám phải trải qua hàng loạt công đoạn xét nghiệm máu, nước tiểu, bệnh phẩm, siêu âm, X-quang… mà trong đó có nhiều công đoạn chẳng liên quan gì tới triệu chứng bệnh. Thậm chí, không ít trường hợp, người bệnh chỉ bị cảm sốt, nhức đầu thông thường vẫn bị bác sĩ bắt đi làm xét nghiệm nước tiểu hay điện tim!
Không chỉ vậy, nhiều người bệnh dù đã được bệnh viện xét nghiệm, chẩn đoán ra bệnh nhưng khi tới cơ sở y tế khác khám vẫn phải làm lại nhiều xét nghiệm khác nhau. Từ Hạ Hòa (Phú Thọ) lặn lội xuống Hà Nội, chị Phạm Thu Hương cho biết, bệnh viện huyện và tỉnh đều cho kết quả xét nghiệm chồng chị bị sỏi thận. Nhưng khi tới bệnh viện trung ương khám lại, chồng chị vẫn bị yêu cầu phải làm lại một loạt xét nghiệm từ đầu. Chị Hương bức xúc: “Các bệnh viện không tin tưởng nhau nên cứ bắt người bệnh đi lại nhiều lần chỉ để làm xét nghiệm, chiếu chụp, tốn thời gian, tiền bạc của người bệnh… Vậy mà kết quả còn chênh nhau một trời một vực”.
Tình trạng trên cũng rất phổ biến ở TPHCM. Từ miền Trung vào TPHCM để chữa bệnh sỏi thận đeo đẳng từ nhiều năm nay, bệnh nhân Nguyễn Thị G., 62 tuổi, đã tìm đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Sau khi mua phiếu, bệnh nhân G. được chỉ dẫn sang phòng khám đợi. Chờ hết một buổi sáng, cuối cùng, 2 xét nghiệm siêu âm và X-quang cũng xong. Nhưng chưa hết, sau khi cầm kết quả về phòng khám lúc đầu, bệnh nhân G. tiếp tục được yêu cầu xét nghiệm UIV, đường huyết.
Đáng nói, có những trường hợp phải làm đi làm lại mấy bộ xét nghiệm, vì qua mỗi cơ sở y tế bị yêu cầu xét nghiệm lại từ đầu. Bệnh nhân Nguyễn Minh T., 28 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu là một ví dụ điển hình. Anh T. không giấu được bức xúc khi đã có trong tay kết quả xét nghiệm của 2 bệnh viện (một ở tỉnh, một ở TPHCM) nhưng tới Bệnh viện Nhân dân 115 vẫn được bệnh viện này… bồi thêm một loạt xét nghiệm nữa.
Bị móc túi hợp pháp
Thực trạng trên phổ biến ở các cơ sở y tế công lập lẫn tư nhân từ nhiều năm qua, đặc biệt, khi các máy móc, thiết bị xét nghiệm ngày càng phong phú, kỹ thuật cao. Đa phần lãnh đạo các bệnh viện thừa nhận rằng sự không đồng nhất trong xét nghiệm hay cố tình lạm dụng xét nghiệm đã gây không ít phiền hà về công sức, tiền bạc của bệnh nhân. Thậm chí một số bác sĩ thẳng thắn cho rằng, tình trạng “loạn” xét nghiệm hiện nay là móc túi bệnh nhân một cách… hợp pháp!
Một bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 cho rằng, xét nghiệm có vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý cho bệnh nhân. Tùy vào từng bệnh lý mà có những loại xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên theo vị bác sĩ này, cái quan trọng là làm đủ xét nghiệm, chính xác, chứ không phải bạ đâu xét nghiệm đó. Chẳng hạn nếu một bệnh nhân bị tăng huyết áp (không nghi ngờ bị tắc động mạch chủ ngực) nhưng yêu cầu chụp CT ngực, MRI với chi phí vài triệu đồng là thừa. “Bác sĩ có quyền nghi ngờ kết quả xét nghiệm của cơ sở y tế khác và yêu cầu làm lại. Và hiện vẫn chưa có chế tài nào ràng buộc điều này” - một vị bác sĩ nói.
Một số chuyên gia y tế cho biết, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn về xét nghiệm, chiếu chụp là điều kiện bắt buộc để đối chiếu. Trong khi đó, các trang thiết bị dùng để xét nghiệm, chiếu chụp ở nhiều bệnh viện còn chưa đảm bảo độ chính xác, thiếu đồng bộ, khiến bệnh viện nọ nghi ngờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện kia và hậu quả là đổ tất cả lên đầu… người bệnh. Hơn nữa, tại nhiều cơ sở y tế, do trình độ của nhân viên hóa sinh, xét nghiệm còn hạn chế nên việc đọc kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cũng khiến ngay cả những người có chuyên môn cũng phải choáng váng vì sai lệch với nhau quá lớn.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, thống kê cho thấy, chỉ trong một năm qua, các bệnh viện cả nước đã thực hiện tới 134 triệu lượt xét nghiệm sinh hóa (tăng 12,4%), xét nghiệm huyết học tăng 7%, xét nghiệm vi sinh tăng 7,2%. Cùng với đó, trong hoạt động chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng, các bệnh viện đã thực hiện 1,4 triệu lượt chụp CT-Scan (tăng 9,9%), siêu âm 16 triệu lượt (tăng 6,9%) và nội soi chẩn đoán 2,24 triệu lượt (tăng 24,5%).
Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, cho rằng, ngoài việc chưa có quy chuẩn về xét nghiệm, chẩn đoán, việc lạm dụng xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, X-quang… còn có nguyên nhân từ việc nhiều bệnh viện cố tình moi móc Quỹ Bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế vì việc kiểm soát, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh hiện vẫn còn bị thả lỏng.
Theo Báo SGGP
(HBĐT) - Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động ngày 6/11/2006 nhằm hỗ trợ đoàn viên, CNVC-LĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Quán triệt tinh thần trên, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã cụ thể hóa và xây dựng Chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh ta. Phong trào xây dựng “Mái ấm công đoàn” thực sự đã giúp người lao động có được những ngôi nhà mơ ước, giúp họ “an cư, lạc nghiệp” và tiếp tục yên tâm công tác.
Thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường cùng với độ ẩm tăng cao đang là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut gây bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ bị các tác nhân này tấn công nhất, đặc biệt là các bệnh lý đường hô hấp. Trong đó viêm tiểu phế quản (VTPQ) là bệnh thường gặp, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh viêm khớp là bệnh rất phổ biến, với số lượng người mắc bệnh rất nhiều chỉ đứng hàng thứ hai sau bệnh tim mạch. Những người mắc bệnh này thường bị tổn thương ở các khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối, háng… gây nên tình trạng đau nhức, khó khăn trong cử động và đôi khi bị tàn phế do khớp bị biến dạng.
Bệnh xơ cứng bì, tên gọi đầy đủ trong y học là bệnh xơ cứng bì hệ thống tiến triển, là một bệnh tự miễn không rõ căn nguyên, đặc trưng bởi tình trạng dầy và cứng da do sự tích luỹ các chất tạo keo, liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể bao gồm ống tiêu hoá, tim, phổi, thận và mạch máu.
Theo Đông y, mướp đắng vị đắng, tính mát, hơi hàn. Mướp đắng đun làm nước tắm cho trẻ trong mùa hè để trừ rôm sảy, làm thuốc chữa ho, chữa cảm mùa hè, thanh nhiệt ở phế và vị, chữa dị ứng, đau váng đầu, đau thắt ngực, lở ngứa ngoài da, phụ nữ rối loạn kinh nguyệt, bí kết đại tràng. Ngoài ra còn có tác dụng an thần, kết hợp với những vị khác để điều trị tăng huyết áp. Mướp đắng chế biến làm thuốc bằng cách thái lát, phơi khô, sao vàng rồi bảo quản để dùng dần. Lá mướp đắng có thể dùng tươi, giã đắp, nấu nước tắm hoặc sắc uống.
(HBĐT) - Ngày 26/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm tỉnh (BCĐ) đã tổ chức hội nghị phòng, chống dịch bệnh tay-chân-miệng. Đến dự có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, cơ quan y tế trên địa bàn tỉnh.