Bệnh nhân bị đau ngực? Nhiều khả năng đó là triệu chứng của bệnh động mạch vành - một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng không thể bỏ qua! Bệnh động mạch vành là tình trạng hẹp/tắc động mạch vành làm giảm lưu lượng máu nuôi cơ tim, gây thiếu máu hoặc nhồi máu cơ tim.

 

Bệnh nhân dễ mắc bệnh động mạch vành nếu có các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì, gia đình đã có người bị bệnh…

Ðau thắt ngực

Cơn đau xuất hiện khi gắng sức (đi bộ, chạy, leo cầu thang, làm việc nặng…), vị trí đau ở ngực trái và sau xương ức, cảm giác khó chịu như đè nặng, thắt chặt và bóp nghẹt lồng ngực, có thể lan lên cổ, đến xương hàm dưới, ra sau lưng, ra vai, dọc mặt trong cánh tay trái… Kèm theo là cảm giác lo lắng, khó thở, mệt mỏi… Đau thường dịu đi sau vài phút khi dừng gắng sức và dùng thuốc giãn vành nitrates (natispray, nitromint…). Đó là cơn đau thắt ngực ổn định.

Khi các cơn đau thắt ngực tăng tần suất xuất hiện, cường độ, kéo dài thời gian đau, dễ bị ngay cả khi nghỉ ngơi… gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định - một trạng thái của hội chứng vành cấp và diễn biến nặng hơn có thể xảy ra là nhồi máu cơ tim với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nếu có triệu chứng đau thắt ngực, bệnh nhân cần làm gì?

- Trước tiên, cần khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có câu trả lời nhanh nhất và chính xác nhất cho 3 câu hỏi: Tôi có bị bệnh động mạch vành hay không? Nếu có thì ở mức độ nào? Cần làm gì để chữa bệnh?

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

- Bệnh nhân sẽ được hỏi bệnh, khám bệnh và làm một số xét nghiệm máu, ghi điện tim, siêu âm tim… và quan trọng nhất là chụp động mạch vành để khẳng định có hẹp/ tắc động mạch vành hay không. Hiện nay đã có sẵn hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh với độ chính xác và an toàn cao để phát hiện bệnh động mạch vành: chụp mạch vành bằng máy cắt lớp đa dãy đầu dò và chụp mạch vành bằng máy chụp mạch kỹ thuật số. Thời gian thực hiện kỹ thuật của mỗi phương pháp nêu trên từ 15-20 phút.

- Khi loại trừ bệnh động mạch vành, bệnh nhân có thể được khám xét tiếp để tìm các bệnh khác cũng gây đau ngực nhưng ít nguy hiểm hơn.

Nếu động mạch vành bị hẹp/tắc gây thiếu máu hoặc nhồi máu cơ tim, bác sĩ có thể làm gì cho bệnh nhân?

- Tùy trạng thái của bệnh, bác sĩ sẽ quyết định điều trị can thiệp cấp cứu (trong trường hợp cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim), hoặc điều trị có kế hoạch với mục tiêu quan trọng là tái lưu thông động mạch vành.

- Hai phương pháp tái lưu thông động mạch vành: (1) Nong-đặt stent động mạch vành qua da (can thiệp vành) và (2) Phẫu thuật cầu nối động mạch vành. Chỉ định phương pháp điều trị được cân nhắc tùy trường hợp cụ thể, nhưng hiện nay, phần lớn bệnh nhân chấp nhận can thiệp vành bằng ống thông qua da ngay lần đầu nếu có thể thực hiện được. Các thuốc uống lâu dài sau can thiệp là rất quan trọng để duy trì kết quả điều trị, hạn chế tái hẹp hoặc tái phát nhồi máu cơ tim.

Phương pháp can thiệp động mạch vành qua da bằng ống thông

- Dụng cụ can thiệp mạch vành là các dây dẫn, ống thông gắn bóng và stent. Các dụng cụ này được đưa đến động mạch vành qua một lỗ chọc kim ở động mạch quay (tại cổ tay) hoặc động mạch đùi (ở nếp bẹn).

- Ống thông gắn bóng được đưa vào vị trí hẹp-tắc của mạch vành để mở rộng lòng mạch. Tiếp theo, stent kim loại (giá đỡ) gắn trên một ống thông khác được đưa vào để mở rộng lòng mạch vành về mức bình thường và giữ cho lòng mạch vành không bị hẹp lại.

- Can thiệp mạch vành có thể có tai biến, biến chứng từ nhẹ đến nặng với tỷ lệ chung < 1%: phản ứng thuốc cản quang, chảy máu vị trí chọc kim gây phồng giả, vỡ mạch vành gây ép tim cấp, tắc mạch vành gây nhồi máu, rung thất, tử vong…

Bệnh nhân cần chú ý sau đặt stent động mạch vành

- Vị trí chọc động mạch được băng ép chặt để cầm máu. Nếu chọc ở đùi, bệnh nhân cần nằm bất động 6-8 giờ.

- Cần uống nhiều nước để thải trừ nhanh thuốc cản quang dùng trong can thiệp.

- Tái lưu thông động mạch vành không có nghĩa là bệnh đã khỏi. Mạch vành có thể bị hẹp - tắc trở lại hoặc phát sinh tổn thương mới. Cần duy trì kết quả điều trị bằng thuốc theo kê đơn của bác sĩ và thay đổi lối sống (bỏ thuốc lá và các chất kích thích, kiêng mỡ và phủ tạng động vật, hoạt động thể lực tăng dần theo khả năng, tránh căng thẳng tâm lý…), nhớ tái khám đều đặn theo hẹn của bác sĩ. 

 

                                                                      Theo Báo SKĐS

 

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục