Trung tâm YTDP tỉnh là địa chỉ tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại cho người bệnh.
(HBĐT) - Bệnh dại là một trong 12 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khó tránh khỏi tử vong nhưng có thể chủ động phòng- chống được bằng tiêm vắc xin phòng dại gây miễn dịch cho động vật, quản lý chó, mèo và diệt những con chó bị bệnh dại. Đang là thời điểm dễ xảy ra dịch dại, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai công tác tiêm phòng dại cho đàn chó. Hệ thống y tế dự phòng đẩy mạnh truyền thông về phòng- chống các bệnh dịch truyền nhiễm, trong đó có bệnh dại.
Ông Mai Đức Sỡi – Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: Đây là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh trung ương, cơ chế lan truyền từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp bị nhiễm qua vết cắn, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như chăm sóc súc vật bị dại, chế biến thực phẩm từ súc vật bị dại… 100% số người hay động vật bị bệnh dại đều dẫn đến cái chết với những biểu hiện triệu chứng thảm khốc ở các thể co thắt, liệt, cuồng.
Thống kê 2 năm gần đây của Trung tâm YTDP tỉnh, ngoài 2 địa bàn trọng điểm về số người tiêm phòng bệnh dại là thành phố Hòa Bình và huyện Kim Bôi với 457 người (năm 2010) và 674 người (năm 2011). Riêng năm 2011, toàn tỉnh có 3 ca mắc dại tử vong gồm 2 ca ở huyện Lương Sơn và 1 ca ở huyện Kim Bôi. Ca mắc gần đây nhất, điển hình nhất là trường hợp bệnh nhân Bùi Văn Lục, 49 tuổi ở xóm Mõ, xã Kim Sơn (Kim Bôi) với tiền sử đã từng bị chó dại cắn cách đó 2 năm nhưng không đi tiêm. Ngày 17/10/2011, bệnh nhân thịt chó ốm để ăn và bị xước tay do ngoắc vào răng chó nhưng không đi tiêm phòng dại. 11 ngày sau, bệnh nhân lên cơn dại, tử vong. Trong khi lên cơn, bệnh nhân còn cắn con trai, cấu véo con gái của mình, tổng cộng có 9 người tiếp xúc với bệnh nhân đã phải đi tiêm phòng dại tại Trung tâm YTDP huyện.
Tổng đàn chó nuôi trong dân trên địa bàn toàn tỉnh hiện khoảng 80.000 con, nhiều nhất là ở huyện Kim Bôi (trên 17.000 con). Theo ông Phạm Vinh Xương – Phó chi cục Thú y tỉnh, những năm trước, vấn đề tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó chưa được quan tâm nhiều, dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp. Từ năm 2010 đến nay, ý thức phòng tránh bệnh trong cộng đồng nâng lên đáng kể. Qua tuyên truyền, vận động, ngày càng có nhiều chủ hộ nuôi chó thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi. Thực tế cho thấy với số chó đã được tiêm phòng, thời gian kháng thể miễn dịch chống lây bệnh trong 1 năm, tỷ lệ miễn dịch đạt trên 98%.
Trong các năm từ 2008 - 2011, năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện trường hợp người bị chó dại tấn công, phát bệnh sau đó ít ngày dẫn đến tử vong, cụ thể ở tại các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình… Trước mức độ nguy hiểm của dịch dại, thực hiện biện pháp phòng ngừa hiệu quả, Chi cục Thú y đã tổ chức Tháng hành động tiêm phòng bệnh dại với mục tiêu vào trung tuần tháng 5 có 85% tổng đàn chó nuôi trong nhân dân được tiêm vắc xin phòng. Các địa phương trong tỉnh còn tích cực phối hợp với lực lượng thú y thực hiện Chỉ thị 92/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng- chống bệnh dại.
Trách nhiệm của những chủ nuôi chó được bắt buộc thực hiện như tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi, tiêu diệt triệt để đối với chó không tiêm phòng. Đặc biệt, kể cả khi chó đã tiêm phòng nếu tấn công người bị thương, người bị chó cắn vẫn phải được tiêm phòng. Cùng với tháng hành động, đơn vị Thú y đã phối hợp với Bảo việt Hòa Bình bán bảo hiểm trách nhiệm của chủ nuôi chó, phối hợp tuyên truyền khuyến cáo đối với chủ nuôi chó phải xích, nhốt, không cho thả rông, quản lý và rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị.
Trong 3 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca tử vong dại nhưng đã có 147 người bị chó cắn đã tiêm phòng. Phân theo độ tuổi dưới 15 có 117 trường hợp, trên 15 tuổi có 30 trường hợp. Ông Mai Đức Sỡi lưu ý người dân: Cho đến nay, thuốc nam, thuốc tân dược đều không thể chữa được bệnh này. Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị nhiễm vi rút dại là điều trị dự phòng bằng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại theo chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, khi bị chó, mèo cắn, cào sước, liếm trên da bị thương, bệnh nhân rửa vết thương tức thì bằng xà phòng, thoa chất sát khuẩn và kịp thời đến tham vấn bác sĩ để được điều trị đầy đủ. Giải pháp khống chế bệnh dại hiệu quả nhất là đáp ứng tốt việc tiêm vắc xin phòng dại tế bào cho người và động vật; Tăng nhận thức của cộng đồng về bệnh dại và các biện pháp phòng chống, kiểm soát có hiệu quả; Thực hiện các chương trình kiểm soát số lượng đàn chó, tiêm phòng dại cho đàn chó và loại trừ bệnh; Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát bệnh dại đạt chất lượng cao.
Bùi Minh
Xuất phát từ quan điểm cho rằng thịt cóc bổ dưỡng hơn thịt gà, bò, có lợi cho những người suy dinh dưỡng, còi cọc hoặc suy kiệt, đặc biệt là trẻ em nên đã có nhiều người sử dụng phương thuốc này. Nhưng do chế biến và sử dụng không đúng cách nên nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí gây tử vong.
(HBĐT) - “Gắn với lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”, CVĐ đã giúp mỗi cán bộ, y - bác sỹ thêm nỗ lực rèn luyện y đức, quan tâm chăm sóc bệnh nhân tận tình và ngày càng được nhân dân tin yêu” - Đó là những nhận định đầy tin tưởng của bác sĩ Trần Quốc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Tân Lạc về kết quả thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Bệnh viện đa khoa huyện trong những năm qua.
Dù đóng tiền BHYT như nhau, nhưng nếu đăng ký tuyến trên, người bệnh sẽ được hưởng miễn phí nhiều loại mà tuyến dưới không thể “kê” được.
Phụ nữ sau đẻ thường đi tiểu nhiều lần, tiểu són hoặc tiểu không tự chủ, đó là do trương lực cơ thắt của bàng quang giảm, công năng của phế tỳ thận sút kém. Thận hư không chế ước được thủy dịch, phế tỳ hư không thu nhiếp được cũng ảnh hưởng đến sự bế tàng của bàng quang mà sinh tiểu són, tiểu không tự chủ. Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc chị em có thể sử dụng hằng ngày để hỗ trợ điều trị bệnh.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Trung tâm YTDP tỉnh, tính đến ngày 5/4, toàn tỉnh đã ghi nhận 598 ca bệnh lâm sàng về tay chân miệng. Địa phương có số ca mắc nhiều nhất là TPHB 105 ca, tiếp đến là huyện Kim Bôi 100 ca, Đà Bắc 82 ca…
Hiện nay, trước tình trạng mất an toàn vệ sinh của các loại rau củ, nhiều người đã chọn cho mình phương thức tự trồng hoặc mua rau mầm. Tuy nhiên, đã từng xảy ra những vụ ngộ độc rau mầm, gây nguy hiểm cho sức khoẻ người ăn rau.