Thực hiện giết mổ lợn tại nơi không đảm bảo vệ sinh gây nguy cơ lây nhiễm chéo và mất vệ sinh ATTP. ảnh: Khu vực giết mổ gia súc của một cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong).
(HBĐT) - Năm 2015, toàn tỉnh đã thực hiện việc kiểm tra, đánh giá 96/559 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT - BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết quả kiểm tra, đánh giá có tới 93 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm xếp loại C (chiếm 96,87%), 3 cơ sở xếp loại B (chiếm 3,13%), không có cơ sở nào đạt loại A.
Căn cứ vào chỉ tiêu đánh giá mức độ đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP của Thông tư số 45/2014/TT- BNNPTNT, xếp loại C là lỗi hành vi nghiêm trọng trong việc không bảo đảm vệ sinh thú y, gây mất ATTP, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Xếp loại B là lỗi hành vi nặng, nếu để kéo dài sẽ gây mất ATTP nhưng chưa tới mức nghiêm trọng. Cơ sở xếp loại A phải thỏa mãn các điều kiện không có lỗi nặng và lỗi nghiêm trọng, tổng số sai lỗi nhẹ không quá 5/10 chỉ tiêu. Từ thực trạng trên cho thấy, vấn đề bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP trong cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động.
Ngoài lò giết mổ gia súc của doanh nghiệp Ngọc Hà (thành phố Hòa Bình) do tỉnh quản lý, còn lại hầu hết cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện thuộc thẩm quyền quản lý của UBND xã, không nằm trong quy hoạch của UBND cấp tỉnh. Các cơ sở này mỗi ngày giết mổ ít hơn 5 con trâu, bò hoặc ít hơn 10 con lợn, từ 50 đến ít hơn 200 con gia cầm. Trong điều kiện cơ sở vật chất của tư nhân, hộ gia đình, việc đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP không đáp ứng được cũng như chưa được hộ quan tâm, chú trọng. Theo đồng chí Trần Tiến Trường, phó Chi cục Thú y tỉnh, hầu hết khu vực giết mổ tư nhân nhỏ lẻ có điều kiện giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, chỗ giết mổ chỉ làm đơn giản có bệ xây bằng gạch để lấy chỗ đặt gia súc, nền láng xi măng cát hoặc ốp gạch đỏ. Những yêu cầu khác về trần, tường không có. Điều này gây ra những nguy cơ lây nhiễm chéo. Nhiều cơ sở giết mổ gần với nguồn gây độc hại, bị đọng nước, ngập nước tại khu vực giết mổ và khu vực phụ trợ dễ gây ô nhiễm.
Vấn đề đặt ra hiện nay là để đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP sản phẩm gia súc, gia cầm trong, sau giết mổ trước khi đến tay người tiêu dùng, cơ sở giết mổ phải đáp ứng các yêu cầu tách biệt với nguồn ô nhiễm như nhà vệ sinh của gia đình và các hộ xung quanh, chuồng nuôi động vật, bệnh viện, nghĩa trang để tránh ô nhiễm cho sản phẩm. Khu vực giết mổ phải đủ diện tích, dễ làm vệ sinh, không gây ô nhiễm cho sản phẩm, các công đoạn giết mổ bố trí tránh gây ô nhiễm chéo. Bên cạnh đó, trang thiết bị sản xuất phải phù hợp để giết mổ, vận chuyển sản phẩm, dao, thớt và các dụng cụ giết mổ khác khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm không được thấm nước, không gây độc cho sản phẩm, dễ làm vệ sinh. Nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ phải vệ sinh thường xuyên. Người trực tiếp giết mổ phải khám sức khỏe định kỳ và có xác nhận kiến thức về ATTP. Ngoài ra, nguyên liệu đầu vào chuẩn bị cho giết mổ như nước phải đáp ứng quy định vệ sinh thú y. Động vật đưa vào giết mổ cần được vệ sinh thú y trước khi giết mổ làm thực phẩm. Hộ giết mổ thực hiện ghi chép về việc tiếp nhận và giết mổ động vật, các ghi chép truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng chí Phó chi cục Thú y nhận định: Tình hình giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP rất đáng lưu tâm, lo ngại. Để từng bước giải quyết, khắc phục, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động để hộ giết mổ nắm bắt và nhận thức đầy đủ, thực hiện theo quy định. Bên cạnh đó, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ để các hộ cá nhân, nhóm cá nhân đưa động vật vào lò giết mổ tập trung. Có như vậy mới giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, sản phẩm không đảm bảo ATTP, đồng thời giảm bớt được mức độ ô nhiễm, mất vệ sinh, tiếng ồn... gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống cộng đồng dân cư.
Bùi Minh
(HBĐT) - Tại kỳ họp thứ 12, HĐND huyện Tân Lạc khóa XVIII được tổ chức vào trung tuần tháng 12 vừa qua, UBND huyện Tân Lạc đã trình bản Báo cáo số 230, giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 11 và trước kỳ họp thứ 12. Trong đó có 4 ý kiến phản ảnh về Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Lạc, hầu hết là vấn đề “nóng”, được đông đảo cử tri quan tâm. Báo Hòa Bình trích đăng nội dung này để cử tri cùng theo dõi.
(HBĐT) - Ngày 6/1, huyện Đoàn Mai Châu đã tổ chức nghiệm thu, gắn biển và bàn giao công trình đoạn đường “Thắp sáng đường quê” tại xã Chiềng Châu với tổng chiều dài tuyến 1 km.
(HBDT) - Để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế, bình đẳng giới về cơ hội tham gia SX -KD, Hội LHPN huyện Yên Thủy phối hợp với HND huyện thành lập được 3 tổ hợp tác về trồng bưởi da xanh, trồng bưởi Diễn ở xã Ngọc Lương có 40 hộ tham gia; thành lập tổ liên kết trồng rau sạch tại xóm Chóng - xã Yên Lạc có 16 thành viên tham gia; duy trì 2 tổ hợp tác trồng mía gồm 80 thành viên ở xã Đa Phúc và Hữu Lợi, hàng năm cung cấp hàng trăm tấn mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Việt - Đài.
(HBĐT) - Trong những năm qua, ngành GD &ĐT đã quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới, coi đây là một trong những chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển GD &ĐT trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Hiện nay, công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT ở tỉnh ta đã được phân cấp về BHXH cấp huyện, tạo được sự chủ động cho cả đối tượng, người lao động, đơn vị sử dụng lao động và cơ quan BHXH; đồng thời giảm tải áp lực công việc cho BHXH cấp tỉnh, tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng quản lý công tác sổ BHXH, thẻ BHYT phục vụ đối tượng.
(HBĐT) - Năm 2015, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo huyện Kim Bôi giảm 4,7% so với cuối năm 2014. Cụ thể: toàn huyện có 26.275 hộ, trong đó, hộ nghèo 4.323 hộ, chiếm tỷ lệ 16,45%; số hộ cận nghèo 7.950 hộ, chiếm tỷ lệ 30,26%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,7% so với năm 2014, vượt 1,7% so với kế hoạch đề ra.