(HBĐT) - Bước lên máy bay của hãng hàng không Lào, bắt gặp ngay hình ảnh nữ tiếp viên Lào trong trang phục dân tộc màu xanh nước biển, chắp tay chào cùng nụ cười rạng rỡ: “Xa-bai-đi”- Xin chào… Lời chào dễ thương, cởi mở cùng bông hoa Chăm pa cài duyên trên mái tóc khiến du khách có cảm giác “gặp gỡ” thêm những ngày xuân, ngày vui trên đất nước Triệu Voi thân thiện, mến khách và yên bình…

 

Thạt Luổng, Viên Chăn - trái tim thiêngcủa đất nước Chăm Pa

 

Thủ đô Viên Chăn là điểm đến đầu tiên và anh Vi ra-phôn là một trong những người đầu tiên được gặp gỡ, tiếp xúc trong những ngày công tác, thăm quan đất nước Lào tươi đẹp. Vì những biến thiên của lịch sử, Thủ đô Viên Chăn của nước bạn có lẽ được xếp vào diện có nhiều nét đặc biệt và thú vị, khi hiếm có Thủ đô nào trên thế giới cũng là thành phố biên giới sát với nước bạn như ở đây. Thành phố hiền hòa bên dòng sông Mê Kông này hội tụ trong mình lịch sử, văn hóa và những điều mà mọi du khách cần đến. Thủ đô chưa đủ tầm của một thành phố hiện đại nhưng Viên Chăn nhẹ nhàng, thanh bình và có hơi hướng của một người đang độ tuổi sắp thành niên. Thành phố không quá ồn ào và người dân luôn có nụ cười, ánh mắt hiền hòa, dễ mến. Rất ít cảnh người dân xô bồ, tranh giành hay to tiếng trên đường phố. Viên Chăn có Khải hoàn môn (Patuxay), một biểu tượng riêng của Thủ đô và Vườn tượng Phật huyền bí (hơn 200 tượng Phật) luôn có sức hút bất cứ du khách nào. Phật giáo là quốc giáo nước Lào nên có đến 1.400 ngôi chùa và Thủ đô cũng có nhiều ngôi chùa cổ đẹp, có giá trị cao về mặt văn hóa, tâm linh như: Phrakeo, Sisaket, Ong Theu, Si muang... Vẻ trầm tư, cổ kính, cộng với màu sáng huy hoàng từ những ngôi chùa khiến du khách muốn bước chậm để đắm mình trong không gian huyền ảo đó…

Chùa Thạt Luổng, ngôi chùa lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Lào. Nơi đây, hàng năm, đã diễn ra các lễ hội linh thiêng và độc đáo.

  

Cơ duyên và may mắn làm sao khi chúng tôi đến Thủ đô lần này đúng dịp lễ hội Thạt Luổng tại chùa Thạt Luổng. Đây là quốc lễ của Lào. Anh Sơn (tên Việt Nam của một cán bộ ở Viên Chăn) chia sẻ: Đây là lễ trọng lớn nhất ở Lào. Việc hành lễ hết sức trang trọng với mong muốn quốc thái, dân an cho đất nước chúng tôi. Ngày này, không chỉ khách trong nước mà có rất nhiều du khách nước ngoài… Thạt Luổng là ngôi chùa nổi tiếng với tháp lớn và đẹp nhất tại Lào, là niềm tự hào, là biểu tượng của đất nước Lào (được in trên tiền giấy, quốc huy Lào và được in, khắc vào đồ lưu niệm dành cho du khách). Được xây dựng vào thế kỷ XVI, khi vương quốc Lan-Xang (Triệu Voi) rời đô từ Luông-Pha-băng về Viên Chăn, Thạt Luổng ngày càng được đầu tư, chăm chút hơn.  Tháp có bệ hình vuông, phía bắc và phía nam mỗi bề rộng 68 m, phía đông và phía tây mỗi bề rộng 69 m; xung quanh được trang trí bởi 332 hình lá bồ cách điệu. Ngoài tháp chính cao 45 m còn có 30 tháp nhỏ biểu tượng cho Đức Phật Thích Ca với 30 năm tu hành gian khổ và đắc đạo… Dưới ánh sáng chói chang, tòa tháp Thạt Luổng càng thêm rực rỡ bội phần; hắt tỏa vào không gian sự thư thái, niềm tin vào sự an lành, phát triển mới… Thật hạnh phúc cho du khách được đến ngày chính hội, được nhìn thấy ánh mắt, niềm hạnh phúc của khách hành hương các bộ tộc Lào khi hướng ánh mắt về tòa tháp này. Những người dân bản địa đã kỳ công chế tác, làm hàng nghìn đồ lễ mang mô hình Thạt Luổng để dâng cúng trong ngày hội. Mỗi sản phẩm là nơi gửi gắm niềm hy vọng mới cho đất nước và con người nơi đây… Cũng vì quá ấn tượng với Thạt Luổng mà trong chuyến đi này, dù hành lý đi đường hàng không không nên quá cồng kềnh nhưng một người bạn đồng hành vẫn quyết định mua 5 biểu tượng này. Anh bạn mới quen người Lào thích thú hỏi: Anh mua nhiều để tặng nữa à? Đương nhiên, mua cho mình, mua tặng bạn, người thân và để mỗi khi nhớ đất nước Lào, có kỷ vật mà nhìn ngắm… Người bạn đó có vẻ xúc động, mắt ngời lên niềm vui cùng cái bắt tay thật chặt.

 

Cố đô Luông Pha băng - đẹp và yên bình…

 

Ngồi trên xe từ sân bay về khách sạn, những con đường và những ngôi nhà ở cố đô Luông Pha băng đã “chinh phục” những vị khách… Đường ngõ đã rộng, sạch, yên tĩnh (nhất là các lối thoai thoải dẫn ra bờ sông), đường trục chính còn thênh thang, nhẹ nhõm dưới nắng chiều. Những ngôi nhà (kể cả phố cổ) mang nét văn hóa, kiến trúc Lào và kiến trúc Pháp chỉ cao 2 tầng trải dài, dìu, tựa vào nhau đón hoàng hôn ấm áp. Yên tĩnh quá. Mấy ngày đêm ở đây, “thèm” được nghe một tiếng còi ô tô, xe máy… Luông Pha băng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và được du khách thích thú nhất bởi sự yên bình, không có dấu hiệu đô thị hóa. Anh A-Nu-Sắc, cán bộ văn hóa ở tỉnh này “phi lộ”: 2 năm 2015 và 2016, khách du lịch đến quê mình đạt trên 616.000 lượt người/năm, trong đó khách quốc tế đạt trên 450.000 lượt người/năm (đông nhất là du khách châu Á , châu Âu, châu Mỹ…). Anh còn ví von hóm hỉnh: Lắm lúc, ra đường cứ ngỡ “Luông” không phải của Lào nữa vì chỉ thấy khách ngoại quốc. Những ngày ở “Luông” thấy nhận xét vui của anh cán bộ bản địa có phần đúng. Điều gì ở Luông khiến du khách thích thú? Anh cán bộ bản địa cười thích thú: Có nhiều lý do lắm, cứ từ từ thì biết (đúng giọng hay nói về đất nước này rồi: Muốn nhanh thì phải từ từ). Mấy ngày ở “Luông”, dù không thể đi hết, vì ở đây có 228 điểm du lịch thiên nhiên, văn hóa, lịch sử nhưng điều khám phá được đều đáng nhớ vô cùng. Buổi sáng ở cố cung Hoàng Gia, gặp chị Vích-to-ria (du khách Nga), hỏi ấn tượng về miền đất này, chị chia sẻ: “Người dân nơi đây hiền hòa, dễ mến mà cảnh đẹp, danh thắng lịch sử, văn hóa cũng thật tuyệt. Không hề là bản sao ở đâu cả. Rất riêng. Lần này không thể đi thăm hết, chúng tôi “để dành” lần sau”.

Dịch vụ cưỡi voi tại thác nước Tát - sẻ ở đất nước Triệu Voi.

 

Đến “Luông” cùng với niềm hạnh phúc được gặp gỡ những con người đại diện cho một nền văn hóa khác, còn thực sự ngỡ ngàng bởi cảnh đẹp, vẻ cổ kính của Hoàng cung - nơi lưu giữ quá khứ vàng son và nhiều thăng trầm của đất nước, văn hóa Lào (nay đã trở thành Bảo tàng quốc gia) cùng những ngôi chùa thiêng có tên tuổi ở nơi này như chùa Xiêng Thong (xây dựng năm 1560), hang động Pak Ou bên dòng sông Mê Kông - nơi lưu giữ hàng nghìn bức tượng Phật, đi chợ đêm trên phố cổ (mua sắm đồ thủ công, mỹ nghệ truyền thống). Thưởng thức ẩm thực Lào trong những quán ăn bờ sông hay từ đỉnh núi Phou - Si ngắm hoàng hôn nơi ngã ba dòng Mê - Kông và dòng Nậm Khan hợp lưu, hay cảnh bình minh khất thực… Có thể không đến nơi này, nơi khác (với lý do thời gian) nhưng những thác nước đẹp mê hồn ở “Luông” mà không được ngắm nhìn, chạm tay vào làn nước mát lành dưới những cánh rừng xanh ngát thì đó là một thiệt thòi. Thác Kuang Si ở làng Pa Thạn có làn nước xanh màu ngọc bích dù bay từ độ cao 68 m, đấy là nét lạ ở thác này; còn 9 tầng thác thoai thoải của thác Tad Sae (Tát Sẻ) ở làng èn, huyện Xiêng Ngân cũng “hút” khách xa gần bởi vẻ đẹp của thác cùng các dịch vụ độc, lạ như cưỡi voi, đu dây, tắm thác và thưởng thức các món ăn dân tộc. Chị Som Văng (47 tuổi), chủ nhà hàng sát thác nước cho biết: “Khách đến quanh năm nhưng mùa nước đầy thì đông khách lắm.  Nước ăm ắp 9 tầng thác tràn dồn về Nậm Khan. Thích lắm”. Bữa ăn trưa ở làng èn sát thác Tát Sẻ thật đáng nhớ biết bao. Dưới chân thác, trẻ em châu Âu theo cha mẹ đi du lịch đang lao mình dưới làn nước mát cùng tiếng nói, tiếng cười; tiếng thác chảy vọng cả vào trong từng miếng ăn. Phía xa xa, nhóm du khách Hàn Quốc đang cưỡi voi và đu dây vượt thác… Giữa thiên nhiên tươi đẹp này, bỗng ao ước mong được trở lại chốn này…

 

Tạm biệt để còn gặp lại… 

 

Mới được đến Viên Chăn và Luông Pha băng mà đã bị “hút hồn” bởi con người, cảnh sắc danh thắng và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử đất nước Lào. Cho nên khi được anh Sy Văn hiện đang công tác ở Báo Paxaxon chia sẻ thêm về hướng phát triển của du lịch Lào là “Du lịch văn hóa - thiên nhiên gắn với lịch sử” cùng tiềm năng du lịch lớn của đất nước Triệu Voi bỗng thấy việc phải trở lại đất nước này là điều đương nhiên. Nước Lào hiện có 1.500 điểm du lịch (840 điểm du lịch sinh thái - thiên nhiên, 435 điểm du lịch văn hóa và 200 điểm du lịch lịch sử). Năm 2015, Lào thu hút gần 3 triệu lượt du khách và doanh thu khoảng 3 triệu USD; còn năm 2016 này, số lượt khách du lịch là trên 4,6 triệu lượt người… Anh nói rằng: Trên đất nước Lào, còn nhiều điểm mà các anh cần phải đến lắm đó. Vâng, hy vọng là như vậy… Đêm chia tay ở Luông Pha băng, trong quán ăn nhỏ bên dòng sông Mê Kông, 2 người bạn là A-Nu-Sắc và Vi-Ra phôn đã mời khéo rằng: Đến Tết truyền thống của Lào - Bunpimay các bạn có quay trở lại Lào được không? Lời nhắn nhủ sao tha thiết, hấp dẫn và tình cảm quá đỗi. Trong quán ăn, bỗng vang lên giai điệu gắn với điệu múa Lăm Vông của nước bạn: nhẹ nhàng, bay bổng và lãng mạn. Khi nhạc tắt, anh bạn người Lào cất lên câu mở đầu của bài hát “Cung đàn mùa xuân” của Việt Nam. Tại “Luông” nghe một bài hát Việt bỗng thấy nhớ nhà và chợt nhớ rằng mùa xuân sắp về... Lưu luyến lắm cũng phải “Xa-bai-đi” Luông Pha Băng, Xa-bai-đi những người bạn Lào thân thiện, hiếu khách. Chia tay để rồi gặp lại nước Lào mến yêu. Nhất định thế. Lời hứa với cố đô Luông Pha băng thơ mộng và thanh bình.

 

                                                                              Văn Tưởng

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục