Có khát vọng thẳm sâu trong mỗi người dân Việt Nam, đó là Hòa Bình. Khát vọng ấy càng cháy bỏng nơi biên cương, trong trái tim biết bao thế hệ đánh đổi xương máu để giành, giữ từng tấc đất thiêng liêng của đất nước qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc.


Kho thóc ở Bến Đền, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc Lào Cai) bị địch đốt cháy trước khi rút chạy. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)

Bốn mươi năm kể từ ngày 17/2/1979, ký ức của những người đi giữ đất nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc lại dội về. Vừa ẩn chứa những đau thương, mất mát, vừa tự hào về ý chí kiên cường, trái tim kiêu hãnh của một dân tộc yêu chuộng Hòa Bình, ký ức đó còn gợi nhắc nơi bên kia biên giới, về giá trị, cách xây dựng niềm tin cho hòa bình, hữu nghị.

Hướng tới Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu chùm 3 bài "Khát vọng nơi biên cương.”

Bài 1: Nén hương tháng Hai

Nghĩa trang liệt sỹ Mường Khương nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 55km, trên vùng núi cao cheo leo, hiểm trở. Sa mộc mọc xanh ngắt ba phía chung quanh Đài Tổ quốc ghi công. Dưới bóng loài cây lá kim là mộ phần hàng trăm người con anh dũng nằm lại đất này những ngày tháng 2/1979…

Sáng tháng Hai, chị Nguyễn Thị Thanh Tính đứng như hóa đá trước phần mộ chồng mình - liệt sỹ Nguyễn Văn Lợi, trong Nghĩa trang liệt sỹ Mường Khương. Vai gầy rung lên, người phụ nữ tóc đã pha sương bưng mặt, những giọt nước ứa ra từ đôi mắt đỏ hoe.

Rạng sáng ngày 17/2/1979, sau những loạt đạn pháo hạng nặng nện xuống mảnh đất Mường Khương là "biển người” cùng xe tăng từ bên kia biên giới phía Bắc tràn sang. Biên phòng, bộ đội địa phương cùng người dân anh dũng giáng trả. Trận chiến ấy, nhiều người đã ngã xuống để chặn bước tiến của quân thù, trong đó có chồng chị Tính, liệt sỹ Nguyễn Văn Lợi.

Trân trân nhìn làn khói mỏng bay lên từ những nén hương trước phần mộ của chồng, chị Tính nghẹn ngào: Để ngăn địch theo cầu Sao Đỏ tấn công vào thị trấn của huyện Mường Khương, "anh ôm mìn định giật sập cầu thì trúng đạn quân thù rồi hy sinh.” Hai ngày sau, chị nhận được tin dữ từ đồng đội anh ở Huyện đội Mường Khương báo về. 
Cách không xa người đàn bà góa là một cựu chiến binh tóc đã bạc màu, lặng lẽ đặt bó hoa hồng trắng trước Đài Tổ quốc ghi công. Tại những phần mộ ghi "liệt sỹ chưa biết tên,” ông ngồi lại rất lâu như trò chuyện, nhắn nhủ với đồng đội của mình hãy yên lòng an nghỉ.


Dừng bước trước một phần mộ, bàn tay người cựu chiến binh run run cắm một nén nhang vào bát hương. Ông lặng lẽ bảo, tên ông là Lê Văn Định. Người nằm dưới mộ là đồng đội của ông tại Đồn Biên phòng Mường Khương - liệt sỹ Đỗ Văn Bảy, quê ở Thái Bình.

"Cậu ấy trẻ lắm, hy sinh khi mới 17 tuổi. Chúng tôi hay đùa, bảo sẽ để Bảy về quê. Cậu ấy thật thà nói, em mới ra trường, không biết đường đâu, em đi lạc đấy. Bảy nằm xuống khi trúng đạn giặc,” ông Định trầm mặc nói.

Người cựu chiến binh quê gốc Nam Định này đã nhiều đêm không ngủ, trong ông lại dội về tiếng rít của đạn pháo, tiếng xích xe tăng nghiến lên mảnh đất biên giới và tiếng súng của quân dân Lào Cai anh dũng giáng trả, chặn bước tiến của địch. 


Khu nhà lắp ghép 4 tầng của cán bộ, công nhân tại thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng mìn đánh phá. Ảnh: Phùng Triệu - TTXVN


"Rạng sáng 17/2, hai chiếc xe tăng cùng rất đông, phải đến 1 trung đoàn địch tiến về hướng cửa Đồn. chiến sỹ Vũ Văn Minh ôm khẩu B40 nhắm bắn chiếc xe tăng đi trước thì bị trúng đạn từ khẩu 12 ly 7 của địch từ dốc Choán Ván quạt xuống. Một chiến sỹ biên phòng tên là Tình nổ phát súng B40 khác, trúng đích. chiến sỹ của Đồn cùng dân và lực lượng bộ đội địa phương bắn chặn chiếc còn lại. Xe tăng tiếp viện cùng đám lính ào tới. Tôi bảo, tất cả nằm xuống. Tôi lấy khẩu trung liên rê một nhát hết luôn cả dây, nhiều tên gục xuống, một đám thấy thế liền bỏ chạy,” ông Lê Văn Định kể lại.

"Ở đồn Mường Khương, ta với đối phương giành giật nhau từng điểm cao. Dù bị bao vây, lực lượng họ đông gấp nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn giữ vững trận địa. Đến khi gần hết đạn, lương thực dần cạn kiệt, khó có thể bám trụ chiến đấu lâu dài, đơn vị được lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng,” ông Định hồi nhớ.

Trời Mường Khương sáng tháng Hai sương phủ trắng. Gió núi biên viễn thổi ào ạt. Người phụ nữ góa bụa và người cựu chiến binh đi giữa những làn khói mỏng bay lên từ hai hàng mộ chí liệt sỹ như sự kết nối hiện tại với quá khứ. 


Kết nối đó khắc ghi vào lịch sử dân tộc. Mảnh đất Lào Cai chỉ là một trong sáu tỉnh biên giới có những người lính ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trước hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới từ bên kia biên giới tràn qua hồi mờ sáng ngày 17 tháng 2 bốn mươi năm trước. "Biển người” đó đồng loạt tấn công từ Pa Nậm Cúm - Lai Châu đến Pò Hèn - Quảng Ninh trên chiều dài 1.200km, với những cái cớ tự tạo ra là, nhằm "dạy cho Việt Nam một bài học.”

Như tại mặt trận Hoàng Liên Sơn, hai Quân đoàn 13, 14 cùng xe tăng, xe bọc thép, pháo binh địch chia làm hai cánh đánh vào Hữu ngạn và Tả ngạn sông Hồng. Cánh tiến công theo Hữu ngạn sông Hồng đánh vào thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường. Cánh còn lại theo Tả ngạn sông Hồng đánh vào Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu. 

Từ ngày 19/2 đến ngày 5/3, chúng lần lượt tiến được vào thị xã Lào Cai, thị xã Cam Đường, Cốc San, Phố Lu, Sa Pa. Nhưng có tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam được 40km, quân thù cũng không còn khả năng để tiếp tục tiến công do bị dân và quân địa phương ta chặn đánh. Vấp phải sự kháng cự quyết liệt của dân và quân địa phương Việt Nam ở nơi biên ải Tổ quốc, bị thiệt hại nặng nề, đối phương buộc phải chấp nhận thất bại cay đắng, tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979.

Nhớ lại thời điểm này, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 316 - người tham gia chiến đấu trực tiếp trong giai đoạn 1979-1989 nói: "Đất nước vừa ra khỏi hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, lại đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở phía biên giới Tây Nam, Việt Nam mong muốn hòa bình, dù lúc đó, các quân đoàn chủ lực từ biên giới Tây Nam về đã cơ động lên biên giới phía Bắc và vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng tiêu diệt quân xâm lược." 
Mặc dù nói rút quân, song thực tế sau ngày 18/3/1979 phía đối phương vẫn chiếm đóng một số điểm cao ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên. Tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, hàng chục vạn quân từ bên kia biên giới lại tràn sang đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Cả dân tộc Việt Nam lại oằn mình bước vào cuộc chiến chống xâm lấn biên giới./.

 

             Theo Vietnamplus

Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục