Trên chuyến tàu chở hàng trăm thân nhân rời cảng Cam Ranh ra quần đảo Trường Sa vào một ngày Hè 2019 có bốn "bông hoa” nổi bật.

Họ là những phụ nữ ở lứa tuổi khác nhau, quê quán khác nhau, nghề nghiệp khác nhau. Nhưng họ có điểm chung là vợ chiến sỹ Trường Sa Lớn. Chồng của họ đều là quân nhân chuyên nghiệp trên đảo. Và họ cùng chung ý tưởng về việc thành lập Câu lạc bộ Vợ chiến sỹ Trường Sa.


Các chị Minh, Dung, Nga, Chi cùng các "phu quân" tại đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: TTXVN

Chị Nguyễn Thị Dung, 33 tuổi, giáo viên, quê Thanh Hóa, nhưng sinh sống và lập nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh là người trẻ nhất nhóm. Chị Phạm Thị Minh, 47 tuổi, quê Nghệ An, đang phục vụ trong một đơn vị quân đội đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Nguyễn Thị Chi, 35 tuổi, thợ may, đang sinh sống tại tỉnh Ninh Thuận. Chị Phạm Thị Hồng Nga, 38 tuổi, là giáo viên, trú tại tỉnh Ninh Thuận.

Các chị lần đầu tiên gặp nhau tại khách sạn Trường Sa ở Cam Ranh vào một ngày Hè năm 2019. Nhưng trước đó, các chị đã liên hệ với nhau thông qua Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân. Giữa họ có một sợi dây ràng buộc, tuy mới tìm ra nhưng lại rất bền vững – chồng của họ là đồng đội trên một hòn đảo giữa trùng khơi, cùng chia ngọt sẻ bùi để hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn biên cương của Tổ quốc.

Đặt tên cho "con chung” của nhóm

Chị Nguyễn Thị Dung và người chồng bằng tuổi Nguyễn Văn Tịnh. Họ biết nhau từ bé và yêu nhau từ khi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh. Anh chị cưới nhau được bốn năm nhưng chưa có con. Một phần lý do là người chồng đi biền biệt theo bổn phận của một quân nhân chuyên nghiệp.

Chị Dung thẹn thùng không nói, nhưng chị Nguyễn Thị Chi nhanh nhảu tiết lộ: "Đợt này ra đảo thăm chồng là Dung hy vọng sẽ mang tin vui về với đất liền”.

Chị Phạm Thị Minh ra dáng một người chị cả. Chị "phân công”: "Tôi nghe nói rằng dịp tới đây có nhiều người vợ ra thăm chồng ở đảo Trường Sa Lớn và đơn vị của chồng tôi cũng là của chồng các em đây không đủ "phòng hạnh phúc”. Tôi lớn tuổi rồi, không có "phòng hạnh phúc” cũng không sao. Các em Chi, Nga cũng bảo sẵn sàng nhường phần của mình cho cô Dung. Cốt sao để ngôi nhà của vợ chồng cô em út của nhóm sớm có tiếng trẻ bi bô. Ông bà nội, ngoại sốt ruột lắm rồi”.

Chị Phạm Thị Hồng Nga cung cấp thêm thông tin: "Cả nhóm bàn bạc mãi và cuối cùng chọn được hai cái tên đẹp, vô cùng ý nghĩa đặt cho "con chung” của nhóm. Nếu đứa trẻ là con trai, thì đó sẽ là Nguyễn Trường Sa, còn là con gái thì là Nguyễn My Sa”.

Chung mục đích "hậu phương vững chắc”

Chị Minh là quân nhân, đã trải qua nhiều thử thách trong binh nghiệp cũng như trong cuộc sống. Anh chị có hai con đã lớn, biết san sẻ gánh nặng cuộc sống với mẹ, hiểu được nhiệm vụ thiêng liêng của bố ngoài hải đảo. Nhưng như chị tâm sự, có những phút giây chị phải dùng ý chí để tự động viên mình khi chứng kiến cảnh vợ chồng "người ta” tay trong tay vào ngày lễ, Tết.

Chị Dung còn trẻ, ngoại hình xinh xắn, dễ thương, con chưa có, nội ngoại thì xa. Chồng ở ngoài đảo, quanh năm làm bạn với sóng biển, còn người vợ sống một mình trong môi trường đô thị náo nhiệt. Bảo chị không có lúc nào cảm thấy cô đơn là nói không thật lòng. Chị Chi cũng vài lần cảm thấy tủi thân khi đứa bé ốm, đứa lớn đang ở tuổi ương bướng, không "ăn” lời mẹ. Còn chị Nga có hoàn cảnh riêng khá đặc biệt: Mẹ mất, bố đang điều trị ung thư, quê chồng tận Hải Phòng, con nhỏ tuổi nên mọi việc trong nhà mình chị cáng đáng.

Nhưng như mọi người vợ bộ đội, người vợ chiến sỹ Trường Sa, các chị Minh, Dung, Nga, Chi đã vượt qua mọi khó khăn đời thường với ý nghĩ giản dị như là một chân lý - "hậu phương có vững thì tiền phương mới mạnh”. Chỉ khi người vợ chung thủy, đảm đang trong việc nhà thì người chồng mới yên tâm hoàn thành tốt việc quân, việc nước.

Cũng vì mục đích làm hậu phương bền vững mà ý tưởng Câu lạc bộ Vợ chiến sỹ Trường Sa ra đời. Các chị Minh, Dung, Nga, Chi thỏa thuận rằng sau chuyến đi Trường Sa sẽ tiếp tục liên hệ thường xuyên với nhau, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Từ bốn thành viên nòng cốt, Câu lạc bộ sẽ mở rộng cánh cửa đối với hàng chục người vợ của các quân nhân chuyên nghiệp trên đảo Trường Sa Lớn.

San sẻ niềm vui

Chị Phạm Thị Hồng Nga hào hứng kể: "Những ngày trên đảo Trường Sa Lớn thực sự là "tuần trăng mật thứ hai” của chị em tôi”. Người phụ nữ hai con như trở lại tuổi đôi mươi, nụ cười thường trực nở trên môi.

Một năm dồn lại mấy ngày. Bao tâm sự, tình cảm dồn nén được giải tỏa trong phút giây chồng gặp vợ, vợ gặp chồng. Nhưng các chị Minh, Dung, Nga, Chi lòng tự nhủ lòng không được vì niềm vui riêng mà quên bổn phận chung của những người vợ chiến sỹ Trường Sa.

Chị Phạm Thị Minh chia sẻ: "Trong hàng chục quân nhân chuyên nghiệp trên đảo thì chỉ bốn người có vợ ra thăm đợt này. Bốn chị em chúng tôi xác định, mình không chỉ đại diện cho bốn gia đình ra thăm đảo mà còn là đại diện cho hàng chục gia đình khác nữa. Ra đảo, chúng tôi không đơn thuần là những người vợ, mà còn là chị gái, em gái hậu phương của đồng đội chồng”.

Trước khi ra đảo, các chị Minh, Dung, Nga, Chi đã liên hệ với những người vợ của các đồng nghiệp của chồng ở mọi địa phương trên cả nước. Chưa có dịp gặp nhau ngoài đời, nhưng những người vợ của các quân nhân chuyên nghiệp trên đảo Trường Sa Lớn đã tâm sự với nhau rất nhiều qua điện thoại, tin nhắn mạng xã hội Facebook. Họ chia sẻ với nhau về mọi niềm vui trong cuộc sống, về sự chuẩn bị cho chuyến thăm, về món quà chung từ đất liền gửi ra đảo xa.

Khi chia tay phóng viên TTXVN, chị Chi nói như một "tôn chỉ” của Câu lạc bộ Vợ Chiến sỹ Trường Sa Lớn: "Những người chồng của chúng tôi là đồng đội của nhau thì chúng tôi cũng sẽ là đồng đội của nhau. Sẽ mãi là như thế, anh ạ”.

Bài 2: Những người mẹ của chiến sĩ Trường Sa

 

 

                   Theo Bao tintuc

Các tin khác


Lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội - dù được cảnh báo, vì sao nhiều người vẫn dễ dàng sập “bẫy”?!

(HBĐT) - Dù được các ngân hàng cảnh báo; cơ quan chức năng thường xuyên phát hành thông báo thủ đoạn hoạt động tội phạm; các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo... Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người vẫn dễ dàng sập "bẫy", trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội (MXH).

Nghề xe ôm - xa rồi thời "hoàng kim"

(HBĐT) - Nghề xe ôm - đã qua rồi cái thời "hoàng kim”, thời mà hơn chục năm về trước, thu nhập cũng khá cao, mỗi ngày có thể kiếm tới vài trăm nghìn đồng. Bây giờ, vất vả "săn khách” cả ngày cũng chỉ kiếm được cỡ trăm nghìn đồng là may. Dù vậy, những người lái xe ôm vẫn cần cù cóp nhặt những đồng bạc lẻ, trang trải cho cuộc sống bớt phần khó khăn.

"Cưỡi sóng" ở Trường Sa

Chúng tôi đứng trên boong tàu, chuẩn bị ra xuồng để lên đảo An Bang, loa phát thanh từ đài chỉ huy vọng lên câu hát: "Một màu xanh Sinh Tồn, Song Tử/ Ðẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang".

Thác Bản Giốc - “dải lụa trắng” ở vùng phên dậu của Tổ quốc

(HBĐT) - Nhắc đến tỉnh Cao Bằng là nói đến quê hương cách mạng, nơi một thời là cơ quan đầu não của của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp oai hùng. Và ở vùng phên dậu của Tổ quốc này còn có thắng cảnh thác Bản Giốc, một trong bốn thác nước đẹp nhất nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Với dòng nước quanh năm tung bọt trắng xóa đã tạo nên một "dải lụa trắng” giữa núi non hoang sơ, hùng vỹ.

Rưng rưng đầu sóng

Những ngày tháng 5, trên con tàu KN 490 xuất phát từ Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), chúng tôi đã bắt đầu hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Nơi tiền tiêu của Tổ quốc, trong khó khăn, sức sống và niềm tin vẫn được vun đắp từng ngày.

Xung quanh việc mua bán đất trái phép để đặt mộ tại phường Chăm Mát

Bài 2- Chính quyền không biết hay... làm ngơ?

(HBĐT) - Trước thực trạng mua bán, chuyển đổi đất để đặt mộ diễn ra một cách ngang nhiên, trái phép của một số đối tượng ở khu vực tổ 10 (nay là tổ 4), phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) từ nhiều năm qua, dư luận đang đặt ra câu hỏi: chính quyền địa phương không biết hay đang... làm ngơ?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục