Những ngày tháng 5, trên con tàu KN 490 xuất phát từ Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), chúng tôi đã bắt đầu hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Nơi tiền tiêu của Tổ quốc, trong khó khăn, sức sống và niềm tin vẫn được vun đắp từng ngày.

Các chiến sĩ chăm sóc vườn rau.

Bảy lần ra đảo

Đảo Song Tử Tây là điểm đến đầu tiên của đoàn công tác. Những thành viên từng đi Trường Sa vào đầu tháng 4-2014 đã xúc động ngay khi nhìn thấy âu tàu trên đảo. Cách đây hơn hai năm, họ tận mắt chứng kiến Tổ dịch vụ hậu cần (thuộc Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân Âu tàu đảo Song Tử Tây) cứu được những con tàu của ngư dân gặp nạn khi khai thác hải sản gần đảo Song Tử Tây. Biển Trường Sa vào tháng 5 bắt đầu có sóng lớn, có lúc trên cấp 6 và ngư dân, chiến sĩ vẫn gọi đó là những đợt sóng làm cay mắt người, gợi nhớ biết bao nghĩa tình đậm sâu thắm thiết.

Trong các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Song Tử Tây khá đặc biệt. Khách đến thăm đảo sẽ gặp đàn bò vàng khỏe mạnh, khi đủng đỉnh bước trên bờ cát trắng, lúc ung dung nằm cạnh tán cây phong ba. Lính đảo coi vật nuôi như bạn, chăm sóc chu đáo, ân cần. Nhìn máng thức ăn bò bỏ lại, lính nhiều khi cũng mất ăn, mất ngủ theo. Thủ trưởng đoàn công tác hỏi một chiến sĩ trẻ: "Đảo ta dạo này có gì thú vị không?”, rồi ra hiệu cho các nhà báo theo bước người lính ấy. Vừa gạt những giọt mồ hôi trên má mình, chiến sĩ vừa luôn tay phe phẩy chiếc quạt giấy cho khách đỡ cơn nóng bức và hào hứng khoe: "Chúng em mới có thêm một người bạn, đó là C-Sea!”. Tất cả cùng "ồ” lên: "Ai mà tên lạ thế?”. Thì ra, đó là chiếc máy ép rác đặt thí điểm tại đảo cách đây hơn một tháng nhằm tái chế rác thải nhựa, rác thải rắn, được chế tạo bởi kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương.

Anh Thành đã bảy lần đến với Trường Sa. Ý tưởng về chiếc máy ép rác bắt đầu từ những chuyến hải trình, chứng kiến cảnh rác thải xả thẳng ra biển của các tàu cá hay khu vực giàn khoan tràn ngập túi nylon, vỏ chai nhựa trôi nổi đã thôi thúc anh làm một điều gì đó để cùng chung tay bảo vệ môi trường biển đảo. Việc tìm kiếm giải pháp công nghệ không khó nhưng để có thiết kế phù hợp môi trường biển đảo, sử dụng những vật liệu chống ăn mòn, chịu được môi trường muối biển, dễ dàng vận hành, bảo trì, sửa chữa thật không dễ dàng. Sau các lần thử nghiệm thực tế, lực ép tối ưu từ "người bạn mới” đạt 8-10 tấn. Nhắc tới người kỹ sư yêu biển đảo, các chiến sĩ có vẻ thân quen, họ kết nối ngay cho chúng tôi nghe giọng nói từ đất liền. Anh Thành tiết lộ, anh và các cộng sự hiện cơ bản hoàn thành việc chế tạo máy C-Sea các phiên bản tiên tiến, công suất cao hơn, thiết kế gọn nhẹ hơn, sẽ đặt tại các đảo chìm để sử dụng thời gian tới.

Một sản phẩm khác mang dấu ấn của anh chính là máy lọc nước biển thành nước ngọt có mặt ở khắp các điểm đảo và nhà giàn. "Bây giờ, mời các đồng chí, chúng ta cùng nâng ly!”. Cả đoàn công tác lại ngạc nhiên thêm lần nữa sau lời mời từ thủ trưởng đoàn. Chưa cần lên đảo, ai quan tâm cũng biết quy định cấm bia rượu cơ mà? Và chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt được vận hành. Biển ngoài kia, nước ngọt ngay đây, mỗi ly nước mát lạnh. Ai cũng hào hứng nâng ly, niềm vui bất ngờ, khó tả!

Xanh mát bóng bàng

Khi những chuyến xuồng đầu tiên sắp cập đảo Trường Sa Đông, đoàn công tác bỗng trầm trồ vì mầu xanh của những cây bàng ta vốn quen thuộc với đất liền nhưng xa xôi nơi biển đảo, đang vươn lên xanh mướt. Để trồng được những hàng cây cách mép sóng trong gang tấc thật chẳng dễ dàng. Dạo một vòng quanh đảo, chúng tôi hỏi những chiến sĩ trẻ đang đứng gác dưới tán bàng vuông về mùa quả năm nay, giọng chiến sĩ pha chút bùi ngùi: "Toàn đảo hiện còn hai quả đang xanh, cách chỗ các đồng chí đứng vài mét về phía sau”. Chúng tôi đưa mắt tìm một lượt thì quả nhiên đúng! Lính đảo quý từng quả bàng đang xanh, chờ ngày quả chín già hái xuống đem ươm và chăm sóc chúng cho đến khi vươn thành cây mập mạp.

Giữa trùng khơi, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, vườn rau trên đảo Trường Sa Đông vẫn xanh mướt như chốn quê nhà, đủ loại từ: rau muống, rau lang, mồng tơi, rau cải, bầu, bí… cho tới các gia vị: gừng, xả, ớt, húng láng, chanh tươi… Ở khu chăn nuôi, đàn lợn và gia cầm con nào con nấy núc ních, sạch sẽ. Toàn bộ hệ thống trồng trọt, chăn nuôi ở điểm đảo đều được tính toán, che chắn cẩn thận; tận dụng mọi loại khay, chậu, vỏ chai để trồng cây; thường xuyên phơi đất, xới đất, ủ lá cây làm phân. Xa xa, gần bờ cát trải dài thơ mộng là nơi đặt những chuồng chim được thiết kế rất đẹp mắt mà theo lời lính đảo, mỗi sớm chiều, hễ nghe tiếng hót ríu rít, ngắm đường bay chập chờn, trong lòng lại thấy bình yên, ấm áp, đúng nghĩa "đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Bắt đầu từ cầu tàu, khách vào đảo Trường Sa Đông, cứ đi đúng con đường chính, chắc chắn sẽ được lính đảo mời nghỉ chân, uống trà trên bộ bàn ghế rất đẹp như thể được thiết kế bằng khối óc và bàn tay người nghệ sĩ. Trung tá Hoàng Văn Phước, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông chia sẻ, tất cả những thành quả bước đầu đoàn công tác cảm nhận được đều mang dấu ấn của người lính đảo. Đợt lính mới nhất là các thanh niên lứa tuổi mười tám, đôi mươi đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Lên đảo, thời gian đầu còn bỡ ngỡ, các tân binh sẽ được hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Ngoài nhiệm vụ chính canh giữ biển trời nơi tiền tiêu Tổ quốc, tân binh được các chú, các anh coi như em út trong nhà, cho mục sở thị từ cách trồng cây chắn sóng đến nuôi chim trong lồng.

Cũng trong chuyến công tác, đồng chí Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam không giấu nổi cảm xúc ngỡ ngàng, xúc động khi thấy các thiết bị điện ở đảo dù đã hỏng nhưng vẫn bóng loáng, không vết gỉ sét. Hỏi ra, Chỉ huy trưởng luôn đốc thúc anh em cứ cách tuần lại dùng giẻ mềm thấm nước ngọt lau thật sạch sẽ, chờ trong đất liền cử người ra tiếp quản, sửa chữa. Để tiết kiệm điện, lính đảo Trường Sa Đông linh hoạt thay đổi thiết bị chiếu sáng cho phù hợp điều kiện, tránh việc chỉ biết giữ nguyên hiện trạng như khi được lắp đặt.

Sợi dây nối mùa xuân

Trước chuyến thăm Nhà giàn DK1/14 Tư Chính, đoàn công tác trên tàu KN 490 tổ chức Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã anh dũng hy sinh giữ vững chủ quyền biển đảo. Giữa trưa nắng, từ tàu nhìn sang Nhà giàn DK1/14 Tư Chính, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã nghiêm trang trong quân phục hải quân, tay chào, mắt hướng về nơi làm lễ tưởng niệm. Giây phút ấy, chúng tôi tin, mọi ánh mắt trên tàu và nhà giàn đều tràn ngập nỗi tiếc thương vô hạn. Chiều cùng ngày, trong điều kiện sóng gió không quá lớn, Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà Nhà giàn DK1/14 Tư Chính.

Sóng to, gió lớn chỉ là một trong vô vàn khó khăn đối với các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Nước ngọt dự trữ trên nhà giàn được hứng từ nước mưa chảy xuống các mái lợp bằng sắt thép phun sơn nên để dùng được, lính nhà giàn phải dẫn nước qua các bể lọc để hạn chế bớt mùi sơn, gỉ sắt và các tạp chất khác. Bên cạnh đó, còn có những mất mát vô hình mà không phải ai cũng dễ bề thấu hiểu. Trong điều kiện ấy, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời làm tốt công tác hướng dẫn ngư dân tránh, trú bão, khám sức khỏe và phát thuốc cho ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, đồng thời tích cực trồng rau xanh, đánh bắt cá, nuôi chó, lợn, gà, ngan, vịt, chim bồ câu...

Các đồng chí trong đoàn công tác thuộc Quân chủng Hải quân cho hay, những chuyến thăm nhà giàn được trời yên biển lặng thế này là khá hiếm. Nhiều lần vào đợt biển động, sóng lớn, đoàn công tác không tài nào tiếp cận được nhà giàn. Có những món quà từ đất liền, trọng lượng kích thước lớn, định mang ra trao tặng cho tập thể cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 lại phải gửi quay ngược vào bờ; số còn lại dùng đường "hàng không”, tức là dùng ròng dọc kéo lên nhà giàn. Thường chuyến quà Tết cuối năm sẽ luôn là thế. "Ở hai đầu nỗi nhớ”, đoàn công tác và chiến sĩ gọi đó là "sợi dây nối những mùa xuân”. Từ sợi dây ấy, những bánh chưng, kẹo mứt, đào quất… gói trọn tấm lòng của đất liền cũng phải bao phen sóng gió mỏi mòn, thấp thỏm tính toán từng centimet mới tới được tay người lính.

 

                    TheoNhandan

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục