(HBĐT) - Cứ vào khoảng 16h - 16h30’ hàng ngày, không chỉ người lớn mà có cả hàng chục đứa trẻ từ 5 - 7 tuổi vô tư ngụp lặn, tắm mát làm náo động cả một khúc sông Đà. Đáng nói, chỉ cách nơi mà cả trăm con người vẫn tắm mát vào những buổi chiều hàng ngày khoảng trăm mét là điểm xảy ra vụ 8 trẻ đuối nước thương tâm xảy ra cách đây chưa lâu. Có lẽ, nhiều người đã quên ký ức của... dòng sông.
Dù
vụ đuối nước thương tâm xảy ra cách đây chưa lâu, hàng ngày vẫn có nhiều người
bất chấp nguy hiểm để vùng vẫy trong dòng nước sông Đà. Ảnh: Người dân tắm
sông Đà đoạn thuộc khu Thịnh Minh, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình).
- Hôm nay cũng ra tắm à? Sao chỉ đi tắm một mình thế, bọn trẻ đâu?
- Thằng cu con kia, áo phao đâu, muốn chết à?
- Mới ra, sao bác về sớm thế?
- Hôm nay trời gió, nước lạnh, khởi động kỹ vào rồi mới xuống nhé!
...
Những câu nói, chào hỏi không đầu, không cuối của nhóm người gặp nhau trên lối mòn chen qua đám cỏ rậm rạp dẫn từ đê Thịnh Lang xuống bờ sông lẫn trong tiếng cười, giữa âm thanh hỗn độn của đám trẻ đang thích thú vì được ngụp lặn dưới dòng nước trong, mát lành.
Đứng từ trên đê nhìn xuống dòng nước đang có hàng chục người, già, trẻ,lớn, bé đủ cả, chị Thuỷ - nhà ở khu Thịnh Minh, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình)ngao ngán: Vụ đuối nước thương tâm làm 8 cháu thiệt mạng cùng một lúc xảy ra vào thời điểm cuối tháng 3/2019 đến giờ, người dân chúng tôi còn chưa hết ám ảnh. Vậy mà chẳng hiểu sao người ta vẫn "vô tư” tắm sông. Có phải riêng người lớn đâu, cả trẻ nhỏ cũng cho xuống nước để vùng vẫy. Đấy, chú xem, có cả những đứa trẻ 5 - 6 tuổi...
Góp chuyện, chị Hương - giáo viên trường tiểu học Hữu Nghị(ngôi trường có học sinh trong vụ đuối nước xảy ra ngày 21/3/2019) nhà cũng gần đây, thường đi bộ trên đê vào buổi chiềucho biết: Những hôm trời nắng nóng, buổi chiều ở đây đông người tắm lắm. Nhìn người ta xuống nước tắm mà mình thấy sợ.
Chỉ tay về phía những tấm biển cấm tắm, cảnh báo vùng nước nguy hiểm được các cơ quan chức năng cắm ngay sát bờ sông, chị Hương nghẹn giọng: Chỗ kia là nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 8 học sinh tử vong. Cũng chỉ cách "bến tắm” hàng ngày của người dân khoảng dăm, bảy chục mét chứ mấy. Nhìn dòng nước hiền hoà thế này thôi, chứ ở đây năm nào cũng có người bị đuối nước.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tiến - một người dân chia sẻ: Ở đây nhiều người có thói quen chiều nào cũng phải ra sông tắm thì mới thấy thoải mái. Khu "bến tắm” ở bãi cát Thịnh Minh này là điểm đẹp nhất. Bãi cát thoai thoải, nước không sâu, lại sạch thế nên có rất nhiều người ở khu vực quanh đây vàở nơi khác về đây tắm. Nhiều người còn đưa cả trẻ con đi tắm cùng. Để đảm bảo an toàn, mọi người vẫn nhắc nhau phải mặc áo phao trước khi xuống nước. Tuy nhiên, "vẫn có người, nhất là thanh thiếu niên đã biết bơi thỉnh thoảng lại liều lĩnh bơi ra khu vực phao giới hạn luồng lạch. Nói nhưng chúng nó cũng chẳng nghe, chúng tôi cũng chỉ biết nhắc nhở. Còn chúng nó lớn rồi, tự phải biết bảo vệ bản thân thôi” -anh Tiến thở dài ngán ngẩm.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Mỹ Bình, Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang chia sẻ: Thời gian qua, phườngđãtăng cườngcông tác tuyên truyền, vận động người dân không tắm tại khu vực hạ lưu sông Đà. Nhất là sau khi xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 8 cháu tử vong, UBND phường đã phối hợp với các ngành chức năng cắm biển cảnh báo cho người dân tại các điểm có xoáy nước, nước sâu không đảm bảo an toàn; đẩy mạnh thông tin, truyền thông trên hệ thống phát thanh ở các tổ dân phố, xóm cho người dân hiểu và thấy được việc mất an toàn khi tắm, bơi lội trên sông... Mặc dù vậy, người dân vẫn "vô tư” tắm sông dù chobiết rất nguy hiểm và sông có nhiều xoáy ngầm.
Phóng sự xã hội của Vũ Phong