(HBĐT) - Hưởng ứng ngày "Toàn dân phòng chống mua bán người (MBN)”, mới đây, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động phòng, chống MBN. Tại hội thảo, có nhiều kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng trong xây dựng, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này. Trong đó, xác định nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội là một trong những giải pháp quan trọng. 


Hội Phụ nữ xã Quý Hoà (Lạc Sơn) thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm về mua bán người cho chị em hội viên

Nỗi ám ảnh trong những giấc mơ 

Phải qua vài khúc cua, chúng tôi mới đến được thôn Đông Yên, xã Yên Bồng (Lạc Thủy). Rồi cũng phải vài lần hỏi đường mới đến được nhà chị Nguyễn Thị T.. Không có người lớn ở nhà, chỉ có vài đứa trẻ như trứng gà, trứng vịt. Sau một hồi gọi điện, mẹ chúng cũng về. Một người phụ nữ nhỏ bé, nhát người. Cười hiền rồi ôm chặt đứa bé nhỏ nhất vào lòng chị cất lời: em là T., các bác tìm em ạ...

Có lẽ cũng lâu lắm rồi chúng tôi mới có cảm giác trùng lòng, không biết mở đầu câu chuyện từ đâu. Bởi lẽ, không thể sỗ sàng với nghịch cảnh cuộc đời người phụ nữ trẻ trước mặt. Thế rồi, câu chuyện cũng được bắt đầu từ việc đồng áng, con gà, con lợn đến những khó khăn, nhọc nhằn về việc nuôi dạy... 5 đứa trẻ. Cứ thế câu chuyện cuốn đi, về cái thời điểm mang nặng đẻ đau đứa con gái đầu lòng bên xứ người sau ngày T. bị lừa bán sang Trung Quốc lúc nào không hay. T. kể nhát gừng, rời rạc: Ngày ấy, em cũng vừa mới lớn, chỉ 17 - 18 tuổi. Học xong. Nhà nghèo. Bố mẹ mất sớm, chỉ có 2 anh em. Cũng chỉ quanh quẩn ruộng vườn, chẳng biết làm gì. Rồi có người đến rủ đi bán hàng ở Hà Nội, cơm nuôi, lương tháng đủ sống, có dư để tích luỹ và gửi về nhà. Thế là đi. Chưa bao giờ ra khỏi làng. Rồi cũng chẳng biết người ta đưa đi đâu. Chỉ biết, điểm đến là một nơi xa lạ. Người ta nói, mình chẳng hiểu. Điểm cuối là một ngôi làng nhỏ ở sâu trong núi. Ngày làm việc đồng áng vất vả, tối về làm vợ người không quen biết. Rồi cứ thế, 5 đứa trẻ lần lượt ra đời... Quãng đời đau khổ của người phụ nữ chầm chậm hiện về đầy đớn đau. "5 đứa trẻ này là kết quả của những ngày đau khổ nơi xứ người” - chỉ một lượt về phía những đứa trẻ, T. cười buồn. Gượng đứng lên sau những chà đạp về thể xác và tinh thần, T. quyết tâm bỏ trốn, cùng 5 đứa trẻ do mình dứt ruột đẻ ra tìm đường về cố hương. Được sự giúp đỡ của những người cảm thương cảnh ngộ, cuộc trốn chạy thành công. Cả 6 mẹ con đã trở về an toàn trong những cánh tay dang rộng nơi quê nhà...

Không may mắn như Nguyễn Thị T., sau nhiều năm, dù đã lập gia đình, nhưng Bùi Thị Ch. ở xóm Cơi, xã Suối Nánh (Đà Bắc) vẫn không quên được nỗi ám ảnh khi 2 lần bị lừa bán sang Trung Quốc để làm... gái mại dâm. "Đó là những ngày tháng nhục nhã ê chề, chẳng bao giờ em có thể quên. Dù chuyện đó đã là quá khứ nhưng nó vẫn ám ảnh em hàng đêm” - Ch. bảo. Nỗi ám ảnh này có lẽ sẽ theo Ch. đến hết cuộc đời. Bởi người đưa cô sang phía bên kia biên giới như một món hàng chính là kẻ đã ngỏ lời yêu cô...

Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đáng nói, trong đó có nhiều vụ nạn nhân chính là... người yêu của các đối tượng trong đường dây mua bán người. Ví như vụ Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Thành, quê quán tại Xuy Xá, Mỹ Đức (Hà Nội) có hộ khẩu thường trú tại xã Toàn Sơn (Đà Bắc) lừa Nguyễn Thị H., Đinh Thị H. (khi đó Đinh Thị H. đang là học sinh lớp 11, trường phổ thông DTNT huyện Đà Bắc) sang Trung Quốc để bán vào các nhà chứa. Hay vụ Lê Thị Đàm (tức Đào) cấu kết với Nguyễn Đức Quỳnh và Lê Văn Tuấn, trú tại xã Yên Mông, Phan Ngọc Tuyền, trú tại xã Hòa Bình (TP Hoà Bình) lừa bán người yêu của Tuấn là Nguyễn Thị H.N., trú tại thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn) sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Hoặc như vụ Công an huyện Mai Châu phối hợp với Công an huyện Tân Lạc bắt quả tang đối tượng Cư Seo Dì (SN 1977), trú tại Si Ma Cai (Lào Cai) có hành vi lừa Khà Y S. (SN 1995), ở xóm Thung Ẳng, xã Hang Kia (Mai Châu) - nhận là người yêu của Dì - sang Trung Quốc bán với giá 3.000 nhân dân tệ. Không chỉ có vậy, vào đầu tháng 8/2017, Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng Bộ Công an, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Bộ Công an Trung Quốc giải cứu thành công Tráng Y M. (SN 1999), trú tại xã Pà Cò (Mai Châu) bị lừa bán sang Trung Quốc từ tháng 11/2016 đưa về nước an toàn...

Phòng, chống tội phạm mua bán người - người dân là trung tâm

Nói về vấn đề này, đại tá Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh chia sẻ: Tình hình MBN trên địa bàn cả nước thời gian qua diễn biến phức tạp. Số vụ việc không tăng, nhưng tính chất, quy mô ngày càng phức tạp hơn, thủ đoạn liên tục có sự thay đổi. Trước đây, chỉ có thể trực tiếp MBN. Nhưng bây giờ có thể MBN dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví như MBN ở giai đoạn đang có thai để chuyển sang bên kia biên giới bán khi đứa bé mới sinh ra. Hơn nữa, hầu hết các đối tượng MBN đều hoạt động có tổ chức nên công tác đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn. Qua nắm bắt thực tế, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc về tội phạm MBN. Tuy nhiên, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, lực lượng chức năng xác định tội phạm MBN tiềm ẩn nhiều phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 552 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Trong đó có 37 khách sạn, 375 nhà nghỉ, 140 homestay, 10 cơ sở massage, 270 quán karaoke. Ngoài ra, có 56 đối tượng phụ nữ vắng mặt tại địa phương dưới nhiều hình thức... Đây là điều kiện để các đối tượng tội phạm lợi dụng để hoạt động MBN. Do đó, đòi hỏi công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này ngoài việc phải luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng còn phải phát huy tối đa vai trò của quần chúng nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội.  

Xuất phát từ thực tế trên, thực hiện Chương trình 130 của Chính phủ về phòng, chống tội phạm MBN, theo Đề án 2, Ban chỉ đạo 09 tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Tháng hành động "Toàn dân phòng chống tội phạm MBN”, cũng như tổ chức đợt cao điểm tấn công tội phạm MBN năm 2019. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức rõ thủ đoạn và có biện pháp nhận biết tội phạm này” - đại tá Nguyễn Mạnh Hải nhấn mạnh. 

                                                                             Phóng sự của Vũ Phong

Các tin khác


Mang hơi ấm tình thân tới Trường Sa - Bài 2: Hậu phương vững chắc của người lính đảo

Canh giữ vùng biển, vùng trời Trường Sa là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của những người lính. Để cán bộ chiến sỹ yên tâm công tác, phía sau mỗi người lính là hình bóng của người thân - hậu phương vững chắc nơi quê nhà.

Mang hơi ấm tình thân tới Trường Sa - Bài 1: Phòng hạnh phúc giữa trùng khơi

Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 150.000 km vuông. Các đảo, cụm đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn, điểm tiền tiêu quan trọng để bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc. Những thế hệ người lính hôm nay viết tiếp những trang sử vàng mà cha ông đã truyền trao trong việc giữ vững chủ quyền đất nước.

Lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội - dù được cảnh báo, vì sao nhiều người vẫn dễ dàng sập “bẫy”?!

(HBĐT) - Dù được các ngân hàng cảnh báo; cơ quan chức năng thường xuyên phát hành thông báo thủ đoạn hoạt động tội phạm; các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo... Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người vẫn dễ dàng sập "bẫy", trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội (MXH).

Nghề xe ôm - xa rồi thời "hoàng kim"

(HBĐT) - Nghề xe ôm - đã qua rồi cái thời "hoàng kim”, thời mà hơn chục năm về trước, thu nhập cũng khá cao, mỗi ngày có thể kiếm tới vài trăm nghìn đồng. Bây giờ, vất vả "săn khách” cả ngày cũng chỉ kiếm được cỡ trăm nghìn đồng là may. Dù vậy, những người lái xe ôm vẫn cần cù cóp nhặt những đồng bạc lẻ, trang trải cho cuộc sống bớt phần khó khăn.

"Cưỡi sóng" ở Trường Sa

Chúng tôi đứng trên boong tàu, chuẩn bị ra xuồng để lên đảo An Bang, loa phát thanh từ đài chỉ huy vọng lên câu hát: "Một màu xanh Sinh Tồn, Song Tử/ Ðẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang".

Thác Bản Giốc - “dải lụa trắng” ở vùng phên dậu của Tổ quốc

(HBĐT) - Nhắc đến tỉnh Cao Bằng là nói đến quê hương cách mạng, nơi một thời là cơ quan đầu não của của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp oai hùng. Và ở vùng phên dậu của Tổ quốc này còn có thắng cảnh thác Bản Giốc, một trong bốn thác nước đẹp nhất nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia. Với dòng nước quanh năm tung bọt trắng xóa đã tạo nên một "dải lụa trắng” giữa núi non hoang sơ, hùng vỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục