Bài 1: Những kết quả lạc quan


(HBĐT) - Hòa Bình đang trong quá trình thay đổi mạnh mẽ, kể cả trong tư duy, hành động và trong cả diện mạo KT-XH. Không chỉ có sự chuyển động trong hệ thống chính trị mà ngay cả với đại bộ phận nhân dân đang được thụ hưởng và cảm nhận rõ rệt thành quả của sự đổi mới. Những sắc màu tươi mới, lạc quan trải dài trên khắp quê hương.


Công ty TNHH xuất nhập khẩu Sungivina, xã Đông Lai (Tân Lạc) giải quyết việc làm cho 400 lao động địa phương.

Bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) là một trong những xóm, bản, khó khăn bậc nhất của tỉnh, cùng với nhiều xóm, bản khu vực hồ Hòa Bình đã chuyển mình "thức giấc”. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Ngòi Hoa Bùi Văn Bình tâm sự: Người dân bản Ngòi chịu nhiều thiệt thòi, vén nhà theo con nước, hy sinh tài sản, hoa màu vì công trình thủy điện Hòa Bình, một phần chuyển vào Nam làm kinh tế, một phần về các địa phương trong tỉnh. Bản chỉ có 90 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, đời sống người dân vẫn còn khó khăn. Nhưng nay đã được cải thiện nhiều, người dân được hỗ trợ tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, BHYT, giáo dục. Nhà nước đã chăm lo, hỗ trợ cho người dân nuôi cá lồng bè, dạy các nghề truyền thống để bảo tồn và phát triển du lịch. Đặc biệt, việc tỉnh đang triển khai tuyến đường 435 và các hạ tầng giao thông kết nối khác, đã phá bỏ sự cách trở bấy lâu, mở ra cơ hội lớn thu hút các dự án trọng điểm về du lịch đầu tư vào địa bàn. Hiện đã có một số dự án với tổng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang gấp rút triển khai "đánh thức” tiềm năng phát triển du lịch ngủ yên bấy lâu. Mấy năm nay, người dân cũng tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng để cải thiện căn cơ cuộc sống. Chỉ vài năm tới, Ngòi Hoa sẽ trở thành một trong những điểm trung tâm du lịch hồ Hòa Bình với các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hút du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hưởng thụ các dịch vụ cao cấp, du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc, tạo sinh kế bền vững cho đời sống bà con.

Không chỉ riêng bản Ngòi, nhiều vùng quê được xem là khó khăn cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Hệ thống kết cấu hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, đường đã đến với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Vùng cao Tân Lạc đã tìm được hướng đi từ phát triển các loại rau, củ quả ôn đới, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Các xã Tự Do, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn (Lạc Sơn); Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu); Tiền Phong, Hiền Lương (Đà Bắc) đang tạo sức hút lớn đối với khách đến thăm quan, trải nghiệm, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Nông dân các xã vùng hồ được hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè đem lại thu nhập cao.

Các vùng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ở các địa phương cũng đang phát huy hiệu quả. Huyện Yên Thủy dồn điền đổi thửa thành công gắn với quy hoạch đồng ruộng, đầu tư hạ tầng sản xuất, hoàn thiện xây dựng bản đồ thổ nhưỡng gắn với xây dựng quy hoạch nông thôn mới (NTM), lựa chọn được những cây trồng thế mạnh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mở ra cơ hội lớn nâng cao thu nhập bền vững cho người dân. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tại huyện Lạc Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc, Cao Phong đã định hình phát triển theo chuỗi giá trị, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các vùng trọng điểm kinh tế như TP Hòa Bình, Lương Sơn, Lạc Thủy… cũng đã định hình được hướng đi rõ nét. Một làn sóng đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các địa phương, Hòa Bình đã có sự góp mặt của các tập đoàn kinh tế lớn như: Vingroup, FLC, T&T Group, Phú Mỹ Hưng…

Với tư duy mới và hành động cụ thể, sự nỗ lực phấn đấu của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển KT-XH, QP-AN và xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế của tỉnh luôn duy trì mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Từ quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực, các huyện, thành phố đã, đang định hình hướng đi rõ nét và từng bước được hiện thực hóa. Nhiều lĩnh vực của tỉnh dẫn đầu các tỉnh trong khu vực. Kết cấu hạ tầng được đầu tư hướng tới đồng bộ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Người dân được hưởng thụ từ chương trình xây dựng NTM khi chương trình đạt thành tựu nổi bật. Trong khó khăn, có nhiều cách làm hay, sáng tạo huy động nguồn lực để thực hiện chương trình. Dự kiến hết năm nay, tỉnh có 77 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân đạt 15 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí, hoàn thành vượt mức Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trước 1 năm, dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc và đứng thứ 3 khu vực miền Bắc. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Lương Sơn phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm nay. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm còn 14,9%. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 4 bậc so với năm trước. Hoạt động xuất, nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch tăng trưởng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Nhiều công trình, dự án quan trọng đang được tháo gỡ khó khăn, hoàn thành bảo đảm tiến độ đề ra. Đường Hòa Lạc - Hòa Bình đưa vào khai thác, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm tỉnh với thành phố Hà Nội chỉ còn 1 giờ xe chạy đang tạo sức nóng thu hút các dự án đầu tư. Đường 435 mở ra cơ hội thu hút đầu tư phát triển du lịch vùng hồ; đường kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 12 B đi quốc lộ 1 tạo động lực phát triển KT-XH các xã vùng khó khăn Lạc Sơn, Yên Thủy; dự án cầu Hòa Bình 3 chuẩn bị đưa vào khai thác cuối năm nay, cầu Hòa Bình 2 đang được khởi động, mở ra không gian phát triển đô thị cho trung tâm TP Hòa Bình...

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị có kết quả tích cực. Hoạt động đối ngoại được mở rộng. Năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương đang vận hành theo hướng hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn, nút thắt để phát triển.

Tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập trong tương lai.

Những thành tựu phát triển KT-XH, cải thiện đời sống dân sinh là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, tỉnh đang tập trung vào 4 mũi nhọn: Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; nghỉ dưỡng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông sản địa phương có lợi thế cạnh tranh để cung cấp cho vùng Thủ đô và xuất khẩu; phát triển công nghiệp tại những khu vực được quy hoạch. Tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, từng bước khắc phục những bất cập để phát triển, bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm để mọi người dân đều được hưởng thành quả của phát triển, được đón nhận cơ hội và không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đồng bào vùng cao, người dân tộc thiểu số, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

(Còn nữa)

Lê Chung


Bài 2: Thách thức và cơ hội




Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục