(HBĐT) - Vậy là tôi đã thực hiện được ước nguyện đến Côn Đảo - vùng đất huyền thoại, nơi từng là "địa ngục trần gian” kéo dài hàng trăm năm và cũng là vùng đất của sự sống khát khao, mãnh liệt, quật cường. Chẳng vậy mà Côn Đảo đã trở thành trường học cách mạng của biết bao chiến sỹ cộng sản và những người yêu nước. Cùng với hệ thống nhà tù nghiệt ngã thì nghĩa trang Hàng Dương là di tích có giá trị tố cáo tội ác của chế độ thực dân, đế quốc với hàng vạn nấm mộ có tên và không tên. Là nơi yên nghỉ của biết bao người con ưu tú của dân tộc đã bị kẻ thù đầy ải chốn lao tù, xiềng xích, bởi vậy nơi đây đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.


Đoàn công tác Báo Hòa Bình viếng thăm mộ chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo trong tháng 8 vừa qua.

Chúng tôi không được viếng nghĩa trang Hàng Dương khi đêm xuống bởi những cơn mưa như trút nước trong mùa gió chướng. Song trong ánh bình minh, Hàng Dương linh thiêng, trong trẻo đến lạ. Không có sự u ám, lạnh lẽo mà trái lại nơi nghĩa trang này ấm áp tình người bởi không bao giờ vắng du khách viếng thăm. Trong lòng mọi người là sự cảm phục, tôn kính những người nằm xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Nghĩa trang Hàng Dương nằm giữa những hàng dương, cát trắng và sóng biển rì rào vỗ bờ cùng những câu chuyện đã thành huyền thoại. Nơi đây có diện tích khoảng 20 ha, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đầy kéo dài 113 năm dưới sự áp bức tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Theo giới thiệu của hướng dẫn viên Phạm Thùy Chi, nghĩa trang Hàng Dương không phô trương khác với thực tế lịch sử mà hài hòa, hợp với cảnh sắc thiên nhiên vùng biển đảo, gây ấn tượng sâu lắng. Mỗi nắm đất là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh quật cường. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, có trên 20.000 người đã nằm xuống tại Côn Đảo, nhưng đến nay chỉ tìm được 1.922 phần mộ, trong đó có 714 phần mộ tìm được danh tính. Tất cả các mộ phần được quy tập về chôn cất tại Hàng Dương. Những ngôi mộ không được xếp theo hàng lối. Khi xưa tìm được ngôi nào thì xây bia mộ và cốt đá ngay chính chỗ đó chứ không di chuyển hài cốt để những người nằm xuống được mãi yên giấc ngàn thu. Với ngôi mộ biết danh tính thì trên bia được ghi rõ họ tên, quê quán. Những ngôi không biết tên thì chỉ có một ngôi sao. 

Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công tôn tạo và xây dựng ngày 19/12/1992, gồm có 4 khu: A, B (B1, B2), C và D. Mỗi khu gắn với từng giai đoạn lịch sử và tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ. Khu A gồm 690 ngôi mộ, trong đó có 7 mộ tập thể. 91 mộ có tên, 599 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1945 trở về trước. Khu này có ngôi mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và anh hùng LLVT nhân dân Vũ Văn Hiếu.

Khu B1 gồm 210 ngôi mộ (14 mộ tập thể), 62 mộ có tên, 148 mộ khuyết danh, đa số từ năm 1945 - 1960. Khu B2 có 485 mộ (3 mộ tập thể), 218 mộ có tên, 267 mộ khuyết danh. Hầu hết các phần mộ từ năm 1945 - 1962. Nơi đây có mộ của các anh hùng LLVTND: Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Lưu Chí Hiếu, Phạm Thành Trung, Hồ Văn Năm, Ngô Đến.

Khu C có 374 ngôi mộ (1 mộ tập thể), trong đó 327 mộ có tên, 47 mộ khuyết danh. Đa số các phần mộ từ năm 1960 - 1975. Khu này có mộ của anh hùng Lê Văn Việt, Nguyễn Thị Hoa, Huỳnh Tấn Lợi, Lê Tự Kình, Phan Đình Tựu.

Khu D gồm 162 ngôi mộ, 15 mộ có tên, 147 mộ khuyết danh. Đặc biệt, đây là nơi quy tập những nấm mộ từ nghĩa trang Hòn Cau, Hàng Keo và rải rác ở các nơi về. Trong khu có ngôi mộ của anh hùng Trần Văn Thời.

Mỗi người đến Côn Đảo không thể không dành thời gian tới nghĩa trang Hàng Dương dâng hương, hoa tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Đặc biệt là khu mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu luôn nghi ngút khói hương, phủ đầy hoa trắng. Sử sách ghi lại, tháng 2/1950, chị Sáu nhận nhiệm vụ ném lựu đạn, tiêu diệt hai chỉ điểm viên của thực dân Pháp là Cả Suốt, Cả Đay, rồi bị bắt. Chị bị địch tuyên án tử hình khi chưa 18 tuổi. Bản án này đã gây chấn động dư luận, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở Việt Nam và ngay tại nước Pháp. Chính vì vậy, chính quyền quân sự Pháp không thể công khai thi hành bản án. Tháng 1/1952, chúng chuyển chị ra Côn Đảo, giam trong Sở Cò để bí mật thi hành án tử hình khi đã đủ 18 tuổi. Trước hôm bị hành hình, chị Sáu liên tục hát cho bạn tù nghe những bài ca cách mạng. Lúc bị giải ra pháp trường, các bạn tù đứng dậy cùng hát bài Chiến sỹ Việt Nam để bày tỏ lòng cảm phục, tiếc thương và tiễn đưa người đồng đội. Người con gái Đất Đỏ kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh ngày 23/1/1952 khi tuổi đời còn quá trẻ. Vậy nên nhiều câu chuyện huyền thoại được lưu truyền, không thể lý giải đã làm cho nhân dân Côn Đảo và nhiều du khách đều tin "Cô Sáu rất linh thiêng”. 

Sâu lặng và cảm phục, tạm biệt Hàng Dương, tôi chưa bao giờ cảm nhận vần thơ trong bài "Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lại hay đến thế: "...Tôi quỳ bên ngôi mộ/Dâng đóa hoa trắng trong/Trời cao xanh mênh mông/Biển rộng xa xao động.../Chị Sáu nằm thanh thản/Hàng Dương nghe gió rung/Và bao chuyện lạ lùng/Trong lòng tôi tha thiết/Bỗng như là có thật/Sống mãi cùng thời gian...”.


Hoàng Nga

Các tin khác


Nỗi đau ở làng "xuất ngoại chui"

Đi nước ngoài lao động đem lại cuộc sống giàu sang cho nhiều người dân nghèo. Nhưng đi nước ngoài lao động theo cách bất hợp pháp cũng mang lại nỗi đau thương mất mát cho cả gia đình và xã hội.

Thăm miền “đất thép” Củ Chi

(HBĐT) - Chúng tôi có dịp về thăm vùng "đất thép” Củ Chi. Nơi từng được xem là "tọa độ hủy diệt” của đế quốc Mỹ, khi chúng đã ném xuống đây khoảng 240.000 tấn bom đạn với quyết tâm hủy diệt vùng đất nhỏ bé này. Được trực tiếp nghe, nhìn và tìm hiểu hệ thống đường hầm tỏa rộng chằng chịt trong lòng đất, chúng tôi thêm hiểu và thấm thía hơn giá trị của hòa bình, độc lập. Chẳng vậy mà địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng.

Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Ký ức tháng 10 lịch sử

Những ngày này, Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), đường phố rợp cờ hoa, lòng người rộn ràng niềm vui.

Chuyện về những người cõng chữ lên... mây

Bài 2 - Tiếng "dương cầm" của đá




(HBĐT) - Đã hơn 2 năm nay, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, khoảng 19h, trong ngôi nhà gỗ nhỏ của cô giáo Lò Thị Chính, xóm Thung Ảng vang tiếng đánh vần i, tờ của những học viên lớp phổ cập giáo dục (xóa mù) cho người lớn vọng vào đá núi. Ngỡ như tiếng "dương cầm” thánh thót vào đêm...

Chuyện về những người cõng chữ lên... mây

Bài 1 - Nhọc nhằn "cõng” chữ lên... mây

(HBĐT) - Với ước nguyện góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Thung Mặn, Thung Ảng - nơi xa nhất của xã Hang Kia (Mai Châu), hàng ngày, hàng đêm, ngày nắng cũng như ngày mưa, 20 giáo viên trường TH&THCS Hang Kia B âm thầm vượt qua bao nỗi nhọc nhằn để "gieo” từng con chữ trên đá núi tai mèo sắc lẹm...

Thắp sáng miền ký ức Điện Biên

(HBĐT) - Có người trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, chắc tay súng xung phong qua 3 trận đánh, cũng có người khi hành quân đến cứ điểm Điện Biên Phủ lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, nhưng trong tim họ - những cựu chiến binh năm xưa vẫn luôn sáng lên niềm tự hào: là chiến sỹ Điện Biên!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục