(HBĐT) - Huyện Đà Bắc có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tày, Dao, Mường... Đặc biệt, huyện có diện tích lòng hồ sông Đà rộng lớn nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch này, Đà Bắc được xác định phát triển trở thành vùng trọng điểm của du lịch hồ Hòa Bình với những sản phẩm đặc trưng như: du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cuối tuần cho du khách khi vãn cảnh hồ Hòa Bình thơ mộng.


Đảo Dừa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) là điểm du lịch thu hút du khách trên hồ Hòa Bình.

Miền đất giàu tiềm năng

Theo khảo sát, đánh giá, huyện Đà Bắc có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ với Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh có đỉnh núi cao nhất Hòa Bình (1.373 m), cùng nhiều ngọn núi, hang, động, thác nước đẹp có tiếng như: núi Biều, hang Lỗ Làn, suối Ké (xã Hiền Lương); thác Tà Khớp (xã Đồng Ruộng), hang Thần, đảo Dừa (xã Vầy Nưa); suối Láo, hang Mưa, hang Sưng (xã Cao Sơn); đảo Sung (khu du lịch Robinson, xã Tiền Phong)... Nơi đây nổi bật với cảnh quan lòng hồ sông Đà trong xanh. Hai bên hồ có những cánh rừng rộng lớn in bóng xuống lòng hồ, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đó là lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí trên mặt nước, khám phá hệ sinh thái...

Là doanh nghiệp (DN) đang triển khai thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort tại xóm Điêng Lựng, xã Tiền Phong, ông Vũ Văn Tuyển, Giám đốc Công ty TNHH TTH Mai Đà chia sẻ: "Đà Bắc có cảnh quan thật tuyệt vời, đặc biệt là những dãy núi đá vôi, nhiều hòn đảo lớn, nhỏ nhấp nhô mặt nước hồ. Đây là địa điểm đẹp không kém gì vịnh Hạ Long, mà hơn cả lại có các làng, bản của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Tày sinh sống ven hồ, là một lĩnh vực khách du lịch trải nghiệm rất thích thú. Ngoài ra, Đà Bắc không cách xa Hà Nội. Khi cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn thiện thì thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Đà Bắc được rút ngắn nhiều. Đó là cơ hội lớn của huyện và cũng là lý do để chúng tôi quyết định đầu tư vào huyện”.

Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên, huyện Đà Bắc còn có nhiều di tích lịch sử, tâm linh giá trị. Nổi bật là đền Chúa Thác Bờ, xã Vầy Nưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, hàng năm thu hút hàng vạn du khách tới hành hương, vãn cảnh. Trên địa bàn cũng có 3 điểm di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Bên cạnh đó, mỗi dân tộc trên địa bàn đều có nét độc đáo về bản sắc văn hoá. Các bản làng sống gắn bó với thiên nhiên, tập tục sinh hoạt, lối sống mang đậm chất bản địa, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, huyện đã phát triển được 4 điểm du lịch cộng đồng tại xóm Ké, xã Hiền Lương; xóm Đá Bia, xóm Mó Hém, xã Tiền Phong; xóm Sưng, xã Cao Sơn. Những nơi này bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc còn được lưu giữ về phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, trang phục, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống và nhiều lễ hội dân gian.

Không chỉ có tiềm năng về phát triển du lịch, với trên 68 nghìn ha đất nông nghiệp cùng đặc điểm địa hình đặc trưng, rất thích hợp để Đà Bắc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phù hợp phát triển các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chè tuyết, trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò, dê thịt, trồng rau sạch. Đặc biệt, huyện có hơn 6.000 ha mặt nước thuộc hồ Hòa Bình là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản… Từ tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ban tặng, hàng năm, huyện Đà Bắc thu hút hơn 90.000 lượt khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm.

Tạo đà để du lịch "cất cánh”

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch, Huyện ủy Đà Bắc đã ban hành Nghị quyết số 09, ngày 6/2/2015 về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1908/QĐ-UBND, ngày 29/6/2017. Đặc biệt, với 2 quyết định quan trọng của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ là cơ hội lớn tác động đến quá trình phát triển KT-XH của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư. Với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Đà Bắc luôn khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư (NĐT) vào lĩnh vực du lịch. Huyện ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sản phẩm, kết nối tuyến du lịch và thực hiện các cam kết về giải phóng mặt bằng, đảm bảo ANCT - TTATXH.

Bên cạnh đó, là huyện đặc biệt khó khăn, đang thụ hưởng một số chính sách ưu đãi từ Chương trình 30a của Chính phủ, vì vậy, việc các DN, NĐT triển khai dự án vào huyện sẽ được thụ hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất… Huyện cũng luôn quan tâm chỉ đạo giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cấp huyện; tham mưu với tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh nhất.

Qua khảo sát, huyện Đà Bắc hiện có 15 vị trí phù hợp có thể đầu tư phát triển các dự án du lịch, kết hợp giữa du lịch - nông nghiệp và 8 lĩnh vực phát triển nông, lâm nghiệp. Với rất nhiều tiềm năng, lợi thế về con người và tài nguyên, Đà Bắc mong muốn được phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản thực phẩm tại địa phương, góp phần tạo việc làm cho người lao động và tạo ra các mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cuối tháng 11 vừa qua, huyện Đà Bắc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch và nông nghiệp. Tại đây đã có 8 DN ký biên bản ghi nhớ đầu tư gồm: Công ty TNHH TTH Mai Đà (Hòa Bình), Công ty TNHH Đầu tư và phát triển du lịch Hiền Lương (Đà Bắc), Công ty TNHH MTV Việt Anh (Đà Bắc), Công ty CP Đầu tư và xây dựng Thảo Nguyên Xanh (Hòa Bình), Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Toàn Phát (Hà Nội), Công ty TNHH Hương Hải Gruop (TP Hạ Long), Công ty CP Tập đoàn Hoàng Thành (Hà Nội), Công ty CP Bò thịt (Hòa Bình). Đây là tín hiệu vui trong lĩnh vực thu hút đầu tư, tạo đà để ngành du lịch của huyện "cất cánh”.

"Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các NĐT tiếp cận, khảo sát, lựa chọn lĩnh vực đầu tư và phối hợp tốt với các sở, ngành tiến hành các thủ tục đầu tư. Đà Bắc luôn sẵn sàng chào đón các NĐT, đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ du lịch, nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Dũng khẳng định.

 Hoàng Nga


Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục