(HBĐT) - Cơn bão lịch sử năm 2009 đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con nhân dân 2 xã Tân Mai và Phúc Sạn của huyện Mai Châu. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, hơn 60 hộ dân 2 xã đã về định cư tại xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) lấy tên mới là làng Mai Sơn. 10 năm sau ngày về nơi ở mới, cuộc sống của người dân đã dần đổi thay nhưng vẫn còn đó những khó khăn…



Anh Lý Văn Ngọc, Phó xóm Mai Sơn, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) kiểm tra mó nước của xóm. Vào mùa khô, nhiều hộ phải lấy nước trực tiếp từ mó nước này về ăn do hệ thống bể lọc nước bị hư hỏng, bỏ hoang. 

Mùa khô - "nóng” câu chuyện nước sinh hoạt

Đã gần 10 năm đến định cư tại vùng đất mới, dù đã được địa phương tạo mọi điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhưng cuộc sống của hơn 60  hộ vẫn còn khá vất vả. Ngoài gánh nặng cơm áo, bà con nơi đây vẫn canh cánh nỗi lo thường trực… nước sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là vào những tháng mùa khô.

Chuyển về khu tái định cư Mai Sơn từ năm 2010, cuộc sống của gia đình ông Lý Văn Thân đã dần ổn định. Gia đình có đất sản xuất, điện thắp sáng đầy đủ, con cái học hành gần nhà, chỉ có nước sạch thì năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô là gia đình lại khốn đốn. Bình thường gia đình ông Thân bơm nhờ nước giếng khoan của nhà bên cạnh về dùng, nhưng những tháng mùa khô, việc bơm nước khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều hôm, một nhà bơm xong, nhà khác muốn bơm phải chờ, có khi một ngày sau mới lại bơm tiếp được. Những tháng cao điểm từ tháng 1 đến tháng 4, gia đình ông Thân phải bỏ máy bơm, mang can ra khe nước đầu làng gần hồ Me để thồ nước về dùng. Hộ gia đình ông Thân không phải là hộ duy nhất ở Mai Sơn thiếu nước sinh hoạt trong những tháng mùa khô. Tại Mai Sơn, nhiều hộ thường xuyên phải bỏ công thồ từng can nước về dùng.

Anh Lý Văn Ngọc, Phó xóm Mai Sơn cho biết: Xóm có 63 hộ, chia làm 3 dãy. Thời điểm từ tháng 12 đến tháng 4, bà con thực sự khốn khổ vì thiếu nước. Điều đáng nói, từ năm 2010 khi chuyển về khu tái định cư, xóm đã được đầu tư một công trình bể lọc nước sinh hoạt lấy nước từ hồ Me lên và cung cấp nước sạch cho cả xóm. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ dùng được 2 năm là hư hỏng mà không được sửa chữa. Đến nay, máy móc, thiết bị chẳng còn lại gì. Hệ thống bể lọc và đường ống dẫn đầu tư hàng tỷ đồng đã hoàn toàn hư hỏng, vừa gây lãng phí mà người dân thì thiếu nước.

Mùa mưa - những vụ mùa mất trắng vì ngập úng

Nếu như mùa khô, cả xóm khổ sở vì thiếu nước thì vào mùa mưa, nhiều hộ lại đứng ngồi không yên vì nguy cơ mất trắng vụ mùa vì ngập úng. Thực tế, ngay khi chuyển về khu tái định cư, mỗi hộ dân ở đây được cung cấp 5.000 m2 đất sản xuất, trong đó, diện tích đất chủ yếu chạy dọc theo khu vực hồ Me. Tuy nhiên, ngay khi san lấp mặt bằng, đơn vị thi công đã không tính toán để nguy cơ ngập úng vào mùa mưa khi nước hồ Me dâng cao. Anh Lý Văn Dương, một hộ dân xóm Mai Sơn cho biết: Chuyển từ xã vùng cao Mai Châu xuống, chúng tôi bắt đầu học canh tác nơi vùng đất mới. Chính vì vậy, gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây mía tím, cây sắn cao sản để phát triển sản xuất. Hàng năm, các hộ luôn trồng hết diện tích. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm mất trắng vì mùa mưa nước hồ lên cao, nhiều nơi nước ngập sâu đến 1 m và lâu rút vì ở đây là địa hình lòng chảo, không có chỗ thoát nước. Ngập chỉ vài ngày là cây sắn, cây mía thối gốc chết hết không được thu.

Theo báo cáo của UBND xã Yên Nghiệp, hiện nay, vẫn còn 3 ha đất đất canh tác của xóm Mai Sơn ngập úng không thể trồng cấy. Có hơn chục hộ thường xuyên mất trắng hoa màu do ngập úng. Bên cạnh những khó khăn về đất sinh hoạt, diện tích đất ở cũng đang là vấn đề của nhiều hộ dân sau khi tách hộ. Thực tế, sau 10 năm tái định cư, nhiều gia đình đã bắt đầu tách hộ nhưng đến nay vẫn phải ở chung vì không có đất để dựng nhà. Người dân Mai Sơn mong muốn chính quyền sớm quy hoạch 8.000 m2 đất của xóm làm khu dân cư để người dân có thể ổn định cuộc sống.                                                    


 P.L

Các tin khác


Cao Phong -  vùng quê trù phú

(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm Cao Phong những ngày cuối năm 2019, vào đúng dịp Lễ hội cam Cao Phong được tổ chức thường niên nhiều năm nay. Du khách muôn nơi đổ về thăm quan, trải nghiệm vùng đất từ lâu nay được biết đến với sản phẩm cam nổi tiếng. Vùng đất được ví như thảo nguyên của tỉnh đã hiện thực ước mơ phát triển và thay đổi từng ngày.

Bi kịch xuất khẩu lao động "chui" ở xã Yên Trị

(HBĐT) - Bị đánh đập, bị bắt bớ, thậm chí bị sát hại.... Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra, nhiều bi kịch đã tái diễn, nhưng tại xã Yên Trị (Yên Thủy), làn sóng tìm cách vượt biên trái phép vào Trung Quốc lao động chui vẫn chưa dừng lại.

Chuyện hậu ly hương ở huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Những tháng ngày hạnh phúc của gia đình Hoàng Thị L. (SN 1993) và Triệu Thế Ng. (SN 1988) ở xã Hiền Lương nhanh chóng qua đi khi cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lâm vào cảnh khốn khó. Để chăm lo cho cuộc sống gia đình khi có thêm thành viên, L. bàn với chồng về Hà Nội làm công nhân... Tuy nhiên, sau những tháng ngày ly hương bươn chải kiếm tiền gửi về cho chồng con, L. chỉ nhận lại những quả "đắng”. Bởi khi có tiền, chồng L. ở nhà rượu chè, cờ bạc. L. đã nhiều lần phải thay chồng trả những món nợ lên đến hàng chục triệu đồng. Mới đây, không chịu được cảnh suốt ngày phải đi "kéo cày trả nợ”, L. đã quyết định làm đơn xin ly hôn.

Trăn trở Săng Bờ

(HBĐT) - Gần 40 năm đã trôi qua từ cuộc vén dân lịch sử để xây dựng Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình giờ đây đã được quy hoạch khu du lịch quốc gia, hứa hẹn nhiều bứt phá phát triển KT-XH. Xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có cơ hội đổi đời khi nằm gần khu vực đền Bờ, trong vùng lõi phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế người dân nơi đây đang phải vật lộn trong cuộc mưu sinh ổn định cuộc sống.

Nhiều đường dây lô, đề “tiền tỷ” bị phanh phui

(HBĐT) - Tính đến nay, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TU của BTV Tỉnh ủy (Chỉ thị 30) về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn cờ bạc, số đề. Lực lượng chức năng đã đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ đánh bạc dưới hình thức đánh số lô, đề với số tiền giao dịch lên đến hàng tỷ đồng/ngày.

 

Rì rào Hàng Dương

(HBĐT) - Vậy là tôi đã thực hiện được ước nguyện đến Côn Đảo - vùng đất huyền thoại, nơi từng là "địa ngục trần gian” kéo dài hàng trăm năm và cũng là vùng đất của sự sống khát khao, mãnh liệt, quật cường. Chẳng vậy mà Côn Đảo đã trở thành trường học cách mạng của biết bao chiến sỹ cộng sản và những người yêu nước. Cùng với hệ thống nhà tù nghiệt ngã thì nghĩa trang Hàng Dương là di tích có giá trị tố cáo tội ác của chế độ thực dân, đế quốc với hàng vạn nấm mộ có tên và không tên. Là nơi yên nghỉ của biết bao người con ưu tú của dân tộc đã bị kẻ thù đầy ải chốn lao tù, xiềng xích, bởi vậy nơi đây đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục