(HBĐT) - Mới đây, tại cuộc tiếp công dân tháng 12/2019, một lần nữa, 5 người dân đại diện cho 87 hộ dân ở xóm Xuân Him, xã Thanh Lương (Lương Sơn) tiếp tục kiến nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết dứt điểm sai phạm trong thực hiện dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (thuộc chi lưu sông Thanh Hà) đoạn chảy qua xã Thanh Lương...
Người dân thôn Xuân Him, xã Thanh Lương (Lương Sơn) bức xúc trước việc làm không đúng theo những cam kết và nội dung được phê duyệt trong dự án nạo vét, khơi thông suối Gạo và suối Cái (thuộc chi lưu sông Thanh Hà) của Công ty CP gạch Hòa Bình.
Nhà đầu tư nói một đằng
Tại buổi tiếp dân, sau khi nghe ý kiến phản ánh của người dân cũng như ý kiến của các sở, ngành liên quan, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương xử lý, giải quyết những sai phạm theo kiến nghị của người dân, không để tình trạng bức xúc kéo dài, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT ở địa phương.
Trong đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, đại diện 87 hộ dân tại thôn Xuân Him, xã Thanh Lương phản ánh: Trong quá trình thực hiện dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Gạo và suối Cái (thuộc chi lưu sông Thanh Hà) chảy qua địa phận xã Thanh Lương, Công ty CP gạch Hòa Bình đã không thực hiện theo đúng cam kết cũng như Quyết định số 796/QĐ-SNN về phương án nạo vét, khơi thông dòng chảy do Sở NN&PTNT tỉnh phê duyệt, gây mất ổn định về an ninh, TTATXH, làm cuộc sống của gần 100 hộ dân hoàn toàn đảo lộn. Theo đó, phương án được chủ đầu tư là Công ty CP gạch Hòa Bình đưa ra, được Sở NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 796/QĐ-SNN nhằm mục tiêu thoát lũ, bảo vệ bờ, chống sạt lở gây mất đất canh tác, giảm thiểu ngập lụt, tổn thất do lũ lụt gây ra, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê Thanh Lương, đê Xuân Dương khi phân lũ sông Đáy. Ngoài ra, từng bước giải quyết nhiệm vụ tưới tiêu, phòng lũ cho các xã: Cao Thắng, Thanh Lương, Hợp Thanh; phù hợp với quy hoạch tại Nghị quyết số 66/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Phương án thực hiện nạo vét kết hợp san gạt tạo phẳng, khơi thông dòng chảy lòng suối với tổng chiều dài 3,1 km. Theo phương án được phê duyệt, việc nạo vét, khơi thông dòng chảy trong phạm vi toàn bộ chiều rộng lòng suối. Độ sâu được nạo vét theo thiết kế trung bình là 2,5 m. Dự án do Công ty CP gạch Hòa Bình triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư trên 1,8 tỷ đồng, thời gian 24 tháng kể từ ngày khởi công. Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn I triển khai thực hiện từ năm 2018 - 2019; giai đoạn II triển khai thực hiện từ năm 2019 - 2020. Toàn bộ nguồn kinh phí thực hiện dự án là nguồn vốn tự huy động của Công ty CP gạch Hòa Bình.
Sẽ không có gì để nói, nếu như về phía nhà đầu tư tuân thủ đầy đủ các cam kết theo nội dung trình Sở NN&PTNT thẩm định phê duyệt theo Quyết định số 796/QĐ-SNN.
Lại làm một nẻo
Trên thực tế, theo phản ánh của người dân, vào khoảng đầu tháng 8/2018, Công ty CP gạch Hòa Bình đã cho máy móc vào khu vực đê bao Thanh Lương để thi công. Theo cam kết của chủ đầu tư, cũng như phương án được Sở NN&PTNT phê duyệt, toàn bộ đất trong quá trình nạo vét được sử dụng để san lấp mặt bằng cho người dân và các tổ chức có nhu cầu san lấp đầm, ao, cải tạo vườn cây trong khu vực. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, quá trình thi công, các máy xúc hoạt động liên tục, múc đất sét lên các ô tô tải cỡ lớn chở đi nơi khác. Việc múc đất của chủ đầu tư không tuân theo một quy tắc nào. Thấy chỗ nào có đất sét là múc nên đã tạo ra những "hố tử thần” rộng, sâu 7 - 8 m. Tình trạng xúc đất vô tội vạ ảnh hưởng tới an toàn, khiến đê có thể bị sạt lở, ảnh hưởng tới đời sống của người dân nằm trong khu vực đê bao Thanh Lương.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Tín, một người dân xóm Xuân Him cho biết: Quá trình thực hiện dự án, hai bên bờ suối Gạo đất đã bị múc nham nhở, không theo luồng tuyến. Có nhiều hố rộng lớn được hình thành dọc theo ven đê Thanh Lương. Độ sâu được nạo vét theo thiết kế là 2,5 m, nhưng trên thực tế có chỗ người ta đã múc sâu từ 7 - 10 m. "Nói là khơi thông nhưng thực chất đây là họ lấy đất mang đi bán cho các lò gạch. Nếu khơi thông thì nó phải theo dòng chảy, đây có thể thấy cứ chỗ nào có đất sét là họ vào múc và cho lên xe chở vào các nhà máy sản xuất gạch trong khu vực, chứ làm gì có nhà ai được đổ đất để san lấp mặt bằng” - bà Bùi Thúy Hòa, người dân thôn Xuân Him bức xúc. Khi phát hiện sự việc trên, người dân đã ngăn chặn không cho phương tiện, máy móc, đơn vị thi công tiếp tục triển khai dự án. Đồng thời, làm đơn lên các cấp chính quyền đề nghị giải quyết.
Từ thông tin phản án của người dân, ngày 22/1/2019, Chi cục Thủy lợi tỉnh có Công văn số 24/CCTL-QLĐ về việc tạm dừng thực hiện dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (chi lưu của sông Thanh Hà) đoạn chảy qua xã Thanh Lương của Công ty CP gạch Hòa Bình. Văn bản nêu rõ, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu đã không tuân thủ các nội dung trong phương án đã được phê duyệt tại Quyết định số 769/QĐ-SNN, ngày 23/10/2018. Cụ thể: độ sâu nạo vét có nơi quá sâu (lớn hơn trung bình 2,5 m); phạm vi nạo vét cách chân đê có nơi 8 - 9 m (theo phương án phải từ 10 - 15 m). Cùng với việc yêu cầu dừng thi công dự án, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng yêu cầu Công ty CP gạch Hòa Bình phải hoàn trả lại nguyên trạng như ban đầu những phần đã thực hiện nạo vét không theo phương án phê duyệt. Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 1 đến ngày 16/12/2019, phía chủ đầu tư là Công ty CP gạch Hòa Bình đã không thực hiện việc hoàn trả mặt bằng như cũ. Khu vực bị nạo vét, khơi thông vẫn chưa được khôi phục hiện trạng. Những "hố tử thần” sâu hun hút vẫn tồn tại. Đáng nói hơn, dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhiều lần thông báo, yêu cầu chủ đầu tư lên làm việc, nhưng đơn vị này vẫn phớt lờ, không chấp hành, cũng như không thông báo làm việc với cơ quan chức năng. Thậm chí, về phía cơ quan chức năng của tỉnh cũng không... liên lạc được với người đại diện của đơn vị đầu tư dự án.
Trước thực trạng đó, tại buổi làm việc, tiếp công dân định kỳ tháng 12/2019, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo. Trong đó, yêu cầu Sở NN&PTNT là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết vấn đề này. Giao Sở NN&PTNT yêu cầu chủ đầu tư khắc phục toàn bộ những sai phạm. Đến ngày 16/1/2020, phải hoàn thành việc hoàn trả lại mặt bằng để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như đảm bảo ANTT tại địa phương. Giao Thanh tra tỉnh, Sở TN&MT, các cơ quan chức năng liên quan xem xét trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra sai phạm. Trong trường hợp cần thiết sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý, giải quyết. Nhằm giải quyết dứt điểm những sai phạm trong quá trình triển khai dự án mà người dân kiến nghị, tố cáo, không để bức xúc của người dân kéo dài, sai phạm chậm được giải quyết.
P.V
(HBĐT) - "Khi được mời về dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, cựu học sinh chúng tôi rất vui mừng. Từ miền Trung, miền Nam xa xôi chúng tôi khẩn trương tiến hành họp Ban liên lạc các tỉnh, lên phương án, kế hoạch, chuẩn bị hiện vật trưng bày để về thăm trường xưa. Tháng 10/2016, khi công trình "Bia kỷ niệm Trường Cán bộ dân tộc miền Nam” được khởi công xây dựng, chúng tôi đã dõi theo công trình từng ngày. Từ đó đến nay, chúng tôi đã có nhiều lần ra Bắc, về thăm Lạc Thủy, mỗi lần về thăm đều cảm thấy bồi hồi, xúc động” - ông Huỳnh Hậu, Phó Ban liên lạc cựu học sinh miền Nam tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ.
(HBĐT) - Chúng tôi trở lại thăm Cao Phong những ngày cuối năm 2019, vào đúng dịp Lễ hội cam Cao Phong được tổ chức thường niên nhiều năm nay. Du khách muôn nơi đổ về thăm quan, trải nghiệm vùng đất từ lâu nay được biết đến với sản phẩm cam nổi tiếng. Vùng đất được ví như thảo nguyên của tỉnh đã hiện thực ước mơ phát triển và thay đổi từng ngày.
(HBĐT) - Bị đánh đập, bị bắt bớ, thậm chí bị sát hại.... Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra, nhiều bi kịch đã tái diễn, nhưng tại xã Yên Trị (Yên Thủy), làn sóng tìm cách vượt biên trái phép vào Trung Quốc lao động chui vẫn chưa dừng lại.
(HBĐT) - Những tháng ngày hạnh phúc của gia đình Hoàng Thị L. (SN 1993) và Triệu Thế Ng. (SN 1988) ở xã Hiền Lương nhanh chóng qua đi khi cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lâm vào cảnh khốn khó. Để chăm lo cho cuộc sống gia đình khi có thêm thành viên, L. bàn với chồng về Hà Nội làm công nhân... Tuy nhiên, sau những tháng ngày ly hương bươn chải kiếm tiền gửi về cho chồng con, L. chỉ nhận lại những quả "đắng”. Bởi khi có tiền, chồng L. ở nhà rượu chè, cờ bạc. L. đã nhiều lần phải thay chồng trả những món nợ lên đến hàng chục triệu đồng. Mới đây, không chịu được cảnh suốt ngày phải đi "kéo cày trả nợ”, L. đã quyết định làm đơn xin ly hôn.
(HBĐT) - Gần 40 năm đã trôi qua từ cuộc vén dân lịch sử để xây dựng Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình giờ đây đã được quy hoạch khu du lịch quốc gia, hứa hẹn nhiều bứt phá phát triển KT-XH. Xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có cơ hội đổi đời khi nằm gần khu vực đền Bờ, trong vùng lõi phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế người dân nơi đây đang phải vật lộn trong cuộc mưu sinh ổn định cuộc sống.
(HBĐT) - Tính đến nay, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TU của BTV Tỉnh ủy (Chỉ thị 30) về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn cờ bạc, số đề. Lực lượng chức năng đã đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ đánh bạc dưới hình thức đánh số lô, đề với số tiền giao dịch lên đến hàng tỷ đồng/ngày.