(HBĐT) - Sau vài thập kỷ với nhiều nỗi lo về sự mai một, những năm trở lại đây, ở khắp các bản Mường trong tỉnh đâu cũng du dương những câu thường rang, bộ mẹng (hát ví, hát đối) ở trên ti vi và ngay trong đời sống thường nhật. Dân ca Mường đã và đang được sống lại, thậm chí hòa nhập mạnh mẽ trong thời đại số nhờ những con người có tâm, có tầm đã lăn lộn đi "khơi” lại dòng chảy dân ca Mường.


Việc ghi hình, đăng tải các clip hát đối lên Youtube là bước ngoặt trong bảo tồn dân ca Mường. Ảnh: Các nghệ nhân tham gia chương trình diễn xướng dân ca dân tộc Mường do Ban sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hoá phi vật thể huyện Lạc Sơn tổ chức tháng 1/2021.

Với sự du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí của thời kỳ hội nhập nên trong một thời gian dài, có những giá trị văn hóa truyền thống của người Mường phần nào bị mai một, trong đó có những câu hát thường rang, bộ mẹng. Không ít người già cả bày tỏ sự xót xa khi nhiều người trẻ không hiểu biết và trân quý những giá trị bản sắc của dân tộc.

Nhiều năm "thèm” nghe hát đối

Những câu hát thường rang, bộ mẹng được vang lên ở nhiều không gian khác nhau, trong nhiều hoàn cảnh của đời sống người Mường từ xa xưa. Hát để giao tiếp, bày tỏ tình cảm, để thỏa mãn nhu cầu giải trí về mặt tinh thần. Từ xa xưa, người Mường không có chữ viết, những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của dân tộc Mường đều được lưu lại trong nhịp sống hằng ngày, từ đời này qua đời khác và cả trong những câu hát thường rang, bộ mẹng. Hát khi lên nương rẫy, khi đào măng, lấy củi; hát khi ra đồng cấy lúa, làm mùa; hát mừng ngày vui, lễ Tết. Câu hát gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Mường như vậy, trong đó, hát đối được coi là hình thức giao tiếp "cao cấp” nhất và có lượng khán giả theo dõi đông đảo.

"Ngày xưa có dịp mừng vụ mùa mới, nhà mới hay lễ, Tết là hát đối với nhau. Thậm chí không có dịp gì, chỉ cần gặp gỡ nhau cũng hát để hỏi thăm sức khỏe, hát thi với nhau. Có nhiều cuộc hát thâu đêm, suốt sáng mà nghe vẫn không thấy chán. Nhưng đó là ngày xưa rồi, chứ bây giờ ít người còn hay hát như vậy lắm. Nên chúng tôi phải chờ đến lễ hội Khai hạ để đi nghe hát cho đỡ nhớ câu hát của dân tộc mình”, lời tâm sự của cụ Bùi Thị Thìn, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) tại Lễ hội Khai hạ Mường Bi chúng tôi vẫn nhớ rõ. Nhiều lần trẩy hội tại các lễ hội đầu năm trong tỉnh, chúng tôi thực sự ấn tượng với hình ảnh hàng nghìn khán giả vây kín sân khấu, nơi nghệ nhân của các xã, thị trấn thi tài hát đối.

Hình ảnh đó đã nói lên tình yêu của người Mường với câu hát đối to lớn thế nào. Thế nhưng cũng thể hiện một thực tế rằng, hơn lúc nào, người Mường đang hoài niệm về những cuộc hát đối thâu đêm đã diễn ra từ rất lâu mà chưa có dịp tái hiện. Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là những người hát đối giỏi nên từ bé, bà Quách Thị Tình, xóm Hầu 3, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) sớm bộc lộ năng khiếu hát. Tuy nhiên, nếu như thế hệ trước được hát thường xuyên trong các dịp lễ, Tết hoặc dịp vui của gia đình, làng xóm thì thế hệ của bà Tình thiệt thòi hơn. Chỉ đến dịp lễ hội hay tổ chức văn nghệ bà Tình cùng những người yêu hát Mường mới được dịp trổ tài. "Trong khoảng thời gian dài, vì sự thay đổi, nhịp sống xã hội ngày một bận rộn hơn, có nhiều phim ảnh, nghệ thuật giải trí khác nên nhiều người không còn thích nghe hát Mường. Với những người yêu hát Mường như chúng tôi phải chờ đến dịp tổ chức lễ hội mới được nghe, được hát” - bà Tình chia sẻ.

Ngắt quãng trong thời kỳ hội nhập

Như vậy, không chỉ những người nghe nhớ về những câu hát, làn điệu của dân ca Mường, mà trong khoảng thời gian dài nhiều nghệ nhân dân gian cũng thiếu "sân khấu” để thể hiện tài năng của mình. Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng, xóm Bưng Cọi, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) cho biết: Từ xa xưa, người Mường đã sử dụng những câu hát để giao tiếp với nhau, cũng như để thỏa mãn nhu cầu giải trí về mặt tinh thần. Trong đó, hình thức giao tiếp "cao cấp” nhất là hát đối. Những câu hát này đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nên nhân cách của người Mường. Thế nhưng, có một thời gian dòng chảy dân ca Mường ngắt quãng, nhất là thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế. Khi đó, các phương tiện truyền thông, loại hình giải trí mới được du nhập vào đời sống của người Mường. Với sự mới lạ, các loại hình này nhanh chóng được lớp trẻ đón nhận, làm cho dòng chảy của dân ca Mường bị ngắt quãng trong một thời gian khá dài, từ năm 1978 đến đầu năm 2013.

Theo ông Vọng chia sẻ: Trước nguy cơ mai một của dân ca Mường, năm 2013, ông cùng với ông Bùi Nỏm (nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn), Bùi Tiến In đã gặp gỡ và bàn cách khôi phục lại dân ca Mường trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Các ông đã tổ chức những buổi hát giao lưu ở khắp các xã trên địa bàn huyện. Qua đó, hát đúm, thường rang, bộ mẹng từng bước được khôi phục và phát triển rất mạnh. Hiện nay, nhiều câu lạc bộ hát tiếng Mường ra đời quy tụ được nhiều "cây hát” nổi tiếng ở các bản Mường. Với việc đưa video clip ghi lại buổi giao lưu giữa các nghệ nhân dân gian lên mạng xã hội, nhất là Youtube đã tạo ra bước ngoặt cho việc bảo tồn, phát huy và phát triển dân ca Mường.

(Còn nữa)


Viết Đào


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục