(HBĐT) - Ngày 16/5, tiếp tục chương trình thi đấu môn xe đạp SEA Games 31, tại khu vực thi đấu xe đạp địa hình thuộc phường Dân Chủ, TP Hòa Bình diễn ra nội dung băng đồng OLympic nam, nữ. Mặc dù trời lất phất mưa nhưng ngay từ rất sớm đã có rất đông cổ động viên trên địa bàn thành phố Hoà Bình đã "tiếp lửa" cho các VĐV. Và với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhà,  VĐV Đinh Thị Như Quỳnh - người con gái Mường quê hương Lỗ Sơn (Tân Lạc) đã thi đấu xuất sắc, giành huy chương vàng nội dung băng đồng Olympic nữ, mang vinh quang về cho Tổ quốc. 



Cô gái Mường của quê hương Tân Lạc mang huy chương vàng đầu tiên về cho Xe đạp Việt Nam 


Vận động viên Đinh Thị Như Quỳnh giành huy chương vàng nội dung băng đồng Olympic nữ.

Theo kế hoạch,  sáng 16/5, nội dung băng đồng Olympic nữ bắt đầu diễn ra với sự tham gia tranh tài của 15 vận động viên (VĐV) đến từ 6 quốc gia: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, có 3 VĐV của đội truyển quốc gia Việt Nam là Đinh Thị Như Quỳnh (số đeo 54), Cà Thị Thơm (số đeo 55), Vũ Thị Kim Lộc (số 57). Chất lượng  nội dung băng đồng Olympic nữ năm nay được đánh giá khá cao, quy tụ nhiều VĐV mạnh của các quốc gia có truyền thống về môn xe đạp.
Trước đó, từ đêm 15/5, thành phố Hoà Bình lất phất mưa khiến nhiều cổ động viên thành phố Hoà Bình lo lắng có thể ảnh hưởng đến cuộc thi. Tuy nhiên, đối với những VĐV đua xe địa hình băng đồng thì đường trơn, lầy bùn càng làm tăng thêm thử thách, tính hấp dẫn của cuộc đua. Và đúng như kỳ vọng, nội dung băng đồng Olympic nữ cự ly 15,6 km đã diễn ra vô cùng kịch tính, hấp dẫn trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả. 

Đúng 9h sáng, các VĐV bước vào vạch xuất phát.  Không đạt được lợi thế từ những km đầu tiên, tuy nhiên, bằng tất cả sự quyết tâm, Đinh Thị Như Quỳnh của tuyển Việt Nam đã bứt lên dẫn đầu đoàn đua, tiếp ngay sau là 2 VĐV của  đội Malaysia. Với sự bình tĩnh, đặc biệt là quyết tâm và bản lĩnh, Đinh Thị Như Quỳnh nhanh chóng bỏ xa các VĐV còn lại. Cô cán đích vòng 1 với 25 phút và cách VĐV chạy thứ hai khoảng hơn 2 phút. Thi đấu thuyết phục, Đinh Thị Như Quỳnh đã xuất sắc giành huy chương vàng với thành tích 1 giờ 18 phút 06 giây, cách VĐV về thứ hai 4 phút 08 giây. Xúc động, hạnh phúc khi giành được tấm huy chương vàng, Đinh Thị Như Quỳnh chia sẻ chính gia đình, người thân và sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhà đã giúp Quỳnh tự tin quyết tâm thi đấu, giành chiến thắng mang vinh quang về cho Tổ quốc. "Chiến thắng này em xin giành tặng cho gia đình, người thân và đặc biệt là toàn thể Nhân dân Hoà Bình quê em - những người đã theo sát cổ vũ chúng em trong suốt những ngày vừa qua" - Đinh Thị Như Quỳnh chia sẻ. 


Đông đảo người dân cổ vũ các vận động viên tham gia thi đấu. 

Cùng tham gia thi đấu nội dung băng đồng Olympic nữ còn có hai VĐV của Việt Nam là Cà Thị Thơm và Vũ Thị Kim Lộc cũng đã nỗ lực hết sức hoàn thành đường đua. Dù không giành được huy chương nhưng theo đánh giá của các Huấn luyện viên, các VĐV đều đã thi đấu với tinh thần quyết liệt, hết mình. Tin rằng trong thời gian tới, với sự nỗ lực, cố gắng, hoàn thiện mình hơn nữa, những nữ cua rơ của thể thao Việt Nam sẽ còn tiến xa và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công. 

Chiến thắng là vượt qua chính mình

Chiều cùng ngày, các VĐV tiếp tục bước vào nội dung thi đấu băng đồng Olympic nam cự ly 20,8 km. Tham gia nội dung thi đấu này có 18 VĐV đến từ 6 quốc gia trong khu vực là Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Cũng như những ngày thi đấu trước đây, ngay từ 1 giờ chiều, khi cuộc đua chưa bắt đầu, người dân đã tập trung rất đông tại khu vực thi đấu để cổ vũ các VĐV. Cờ đỏ sao vàng, băng rôn biểu ngữ chào mừng SEA Games rợp trời tại khu vực thi đấu tạo nên một quang cảnh tuyệt đẹp. Đặc biệt, hoà cùng tiếng hô, tiếng vỗ tay là tiếng trống cổ vũ như tiếp lửa cho các VĐV. 

14giờ, 18 VĐV bắt đầu xuất phát, các VĐV sẽ chạy 4 vòng với tổng cự ly và 20,8 km. Là đội tuyển được đánh giá cao khi có nhiều VĐV đang đứng thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng môn xe đạp thế giới trong số các VĐV tham gia SEA Games lần này, Thái Lan được kỳ vọng sẽ làm nên kỳ tích. Tuy nhiên, gây bất ngờ cho giải đấu chính là những VĐV của đội tuyển Indonesia. Ngay từ vòng 1, Indonesia đã có 2 VĐV dẫn đầu đoàn đua và lần lượt giành huy chương vàng, huy chương bạc là VĐV FANANI Zaenal số đeo 09 và VĐV MUHAMMAD Ihza mang số đeo 08. Tiếp theo là VĐV của đội tuyển Philipines. 

Tham gia nội dung này, đội tuyển Việt Nam có 3 VĐV là Bùi Văn Hiếu (số đeo 49); Nguyễn Hữu Sang (số đeo 50) và Võ Minh Gia Bảo (số đeo 53). Trong đó, đặc biệt có sự tham gia của người con Hoà Bình là Bùi Văn Hiếu. Đây đều là những VĐV trẻ lần đầu tham dự SEA Games 31. Với sự nỗ lực quyết tâm, VĐV Bùi Văn Hiếu về đích với thành tích 1h 27 phút 30 giây; VĐV Võ Minh Bảo về đích với thành tích 1 giờ 31 phút 32 giây; VĐV Nguyễn Hữu Sang về đích với thành tích 1h 31 phút 32 giây.

Trực tiếp tham gia công tác huấn luyện, ông Nguyễn Đăng Sơn, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Xe đạp địa hình Việt Nam cho biết: Đường đua SEA Games 31 lần này là một trong những đường đua được đánh giá là khó nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cự ly dài đồng thời đòi hỏi rất nhiều về thể lực cũng như kinh nghiệm thi đấu. Đặc biệt là trong điều kiện thời tiết mưa cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của các VĐV, vì vậy, có thể nói việc hoàn thành cự ly đường đua đòi hỏi một sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn. 

Trực tiếp chứng kiến sự nỗ lực của các VĐV, đông đảo người dân thành phố Hoà Bình đã bày tỏ sự khâm phục, tinh thần thi đấu quả cảm của các VĐV. "Quả thực ngày hôm nay, đến với cuộc đua, hoàn thành cự ly đường đua cũng là một sự chiến thắng của tất cả các VĐV. Chiến thắng ấy xứng đáng được cổ vũ, trân trọng" - bà Bùi Thị Hiền, một người dân thành phố Hoà Bình chia sẻ. 


Đinh Hòa

Các tin khác


Huyện Yên Thủy giải bài toán phát triển tự phát và đầu ra cho nông sản: Bài 2 - Tái cơ cấu gắn với khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo phương châm giữ vững cây trồng truyền thống, đẩy mạnh đưa giống cây trồng mới phù hợp với địa phương, ưu tiên cây trồng có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, sản lượng. Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phát huy lợi thế sản xuất một số vật nuôi có khả năng cạnh tranh cao; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại. Phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và đạt mức tăng trưởng 7 - 8%/năm.

Huyện Yên Thủy giải bài toán phát triển tự phát và đầu ra cho nông sản: Bài 1 - Phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy không có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch, cũng không có điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ. Đời sống của người dân chủ yếu trông vào nông nghiệp; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30% giá trị nền kinh tế. Tuy nhiên, trên mảnh đất "chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn” này, ngành nông nghiệp vẫn loay hoay với nhiều khó khăn. Do phát triển tự phát nên diện tích nhiều loại cây trồng như cây ăn quả có múi, sắn, ngô… đang vượt quá quy hoạch, đầu ra gặp khó. Việc xúc tiến tiêu thụ nông sản chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, giá trị sản phẩm thấp. Do đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tìm đầu ra cho nông sản là việc huyện Yên Thủy đang tích cực triển khai.

Nghe dân nói, làm dân tin

(HBĐT) - "Trường học bộ đội" ở xã Sơn Thủy, "Ngô bộ đội" ở xã Vân Sơn, "Giếng nước bộ đội" ở xã Hang Kia, "Đường bộ đội" ở xã Độc Lập... Những cái tên gần gũi mà sâu lắng, mộc mạc mà cao quý được Nhân dân đặt cho những công trình, việc làm bộ đội giúp đỡ dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng chính điều đó đã nói lên tình cảm cũng như ghi nhận của Nhân dân đối với việc làm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trong những năm qua.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch Mường Vang

Bài 2 - Nỗ lực đón "sóng” đầu tư vào du lịch 

(HBĐT) - Thu hút đầu tư được huyện Lạc Sơn xác định là yếu tố then chốt, quan trọng hàng đầu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, du lịch là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bên cạnh các lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch Mường Vang

(HBĐT) - Với nét văn hoá Mường đặc sắc, địa hình vùng cao với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu ôn hoà, huyện Lạc Sơn đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26/7/2021 của Huyện ủy về phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Bài 1 - Sức hút tài nguyên du lịch

Hành trình "4 sao" - Bài 3: Quà tặng thổ cẩm - Kế thừa tinh hoa nghề dệt truyền thống

(HBĐT) -  Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu có từ rất lâu đời. Xưa kia, phụ nữ Thái trồng bông, se sợi và dệt vải để tự may trang phục cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, việc sử dụng quần áo may sẵn trở nên tiện lợi nên nhiều người Thái ở huyện Mai Châu bỏ khung cửi, nghề dệt dần mai một. Mong muốn khôi phục nghề truyền thống, chị Vì Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu, Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu) đã kế thừa và phát huy tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế để tạo ra những sản phẩm mới, vừa mang nét văn hóa dân tộc, vừa mang tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng. Chị Oanh làchủ của 2 sản phẩm OCOP, trong đó, sản phẩm "Túi quà tặng thổ cẩm" đạt tiêu chuẩn 4 sao được thị trường ưa chuộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục