(HBĐT) - Chúng tôi được vào làm việc tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Quân chủng Hải quân đúng dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2022). Việc đầu tiên chúng tôi đến nơi này là dâng hương Tượng đài chiến sỹ Gạc Ma, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.


Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thường xuyên tổ chức dâng hương, báo công và giáo dục truyền thống tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma.

Hòa vào các đoàn cán bộ, chiến sỹ (CB,CS) và Nhân dân đến từ nhiều vùng miền trên cả nước đến dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma, chúng tôi không kìm nén được cảm xúc trước anh linh các chiến sĩ hải quân đã không tiếc thân mình hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đứng trước Quảng trường Hòa Bình, mọi người đều hướng lên Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma – trái tim của Khu tưởng niệm sừng sững thế đứng hiên ngang cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẫm. Tượng đài có tên "Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Trước lúc hy sinh, các anh đứng thành vòng tròn bất tử trước mũi lưỡi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa xung quanh là sóng nước Trường Sa mênh mông. Sự hy sinh kiên cường của 64 người chiến sĩ ấy mãi mãi là bản hùng ca bất tử, truyền ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển, đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay. Các anh vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, trở thành những tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Việt Nam.

Để tri ân các chiến sĩ hải quân đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Được khởi công xây dựng năm 2015, khánh thành vào năm 2017. Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma có nhiều hạng mục, bao gồm: Phần tượng đài, khu trưng bày ngầm, mộ gió, Quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây xanh. Là công trình lịch sử tâm linh mang tầm vóc quốc gia, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma có ý nghĩa hết sức to lớn trong giai đoạn cả nước cùng hướng về biển, đảo thân yêu. Đây là công trình lịch sử kết tinh của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, được xây dựng để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Gạc Ma đã trở thành điểm đến đầy xúc động và khó quên trong lòng mỗi người dân Việt Nam khi đến với vùng đất Cam Lâm – Khánh Hòa

Thăm phòng truyền thống, chúng tôi xúc động khi được đọc dòng lưu bút của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi tại sổ vàng lưu niệm của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tháng 3/2022: "Nhân kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma, tôi và đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương sáng chói ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ".

Mấy năm nay, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, CCB Nguyễn Văn Tiến (TP Nha Trang) và đồng đội đều tổ chức đoàn về thăm, dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma. Ông Tiến tâm sự: Mỗi lần đến đây, thành kính tri ân, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn - đáp nghĩa” với những người con đã ngã xuống vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không chỉ là một địa chỉ để người dân đến thăm quan, thắp hương tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, mà còn góp phần nhắc nhớ, giáo dục lịch sử cho các thế hệ mai sau về những sự kiện lịch sử không được quên.

Trung tá Lê Thanh Hải, Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân chia sẻ: Đơn vị chúng tôi thường xuyên tổ chức cho CB,CS về đây dâng hương, báo công và giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Qua đó để CB,CS, nhất là chiến sỹ trẻ thêm hiểu về lòng dũng cảm, kiên trung của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất biển, đảo của Tổ quốc. Chúng tôi luôn khắc ghi câu nói: "Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” của anh hùng liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma 34 năm trước, đã góp phần khơi dậy tinh thần, khí phách, tư thế của chiến sỹ Hải quân Việt Nam. Mỗi CBCS Hải quân như được tiếp thêm sức mạnh, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, kiên cường bám trụ nơi "đầu sóng, ngọn gió," đêm ngày tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, trở thành điểm tựa tin cậy cho Nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế.

Khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma giờ đây đã xanh ngát màu của cỏ cây, hoa lá, chim hót líu lo trên những cây bàng vuông, cây phong ba được đưa từ ngoài đảo về trồng. Gạc Ma đã trở thành địa chỉ hiện hữu để tưởng nhớ, địa chỉ đỏ để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo cho các thế hệ. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động trang nghiêm như Lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử của nhiều trường học và du khách thăm quan. Gạc Ma đã trở thành tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam.

Đỗ Quyên

Các tin khác


Huyện Tân Lạc - gian nan hành trình thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân nơi “cổng trời”

(HBĐT) - Chỉ nhác thấy bóng dáng người lạ, một bóng người lao vụt qua cửa, thoáng chốc đã mất dạng phía rừng xa... Nếu không được tận mắt chứng kiến, có lẽ chúng tôi cũng không thể tưởng tượng được những gian nan trên hành trình thu nhận hồ sơ làm căn cước công dân (CCCD) cho những người yếu thế, có bệnh tâm thần của lực lượng Công an ở nơi "cổng trời” của huyện Tân Lạc.

Bài 2 - Nhận diện những nút thắt phát triển hạ tầng công nghiệp

(HBĐT) - Định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai phát triển hạ tầng công nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bài 1 - Hiệu quả thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm 1% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, tương đương với 4.600 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 1/11/2021 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Đề án số 02 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Theo đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Bài 1- Diện mạo mới đô thị trung tâm tỉnh

(HBĐT) - Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình (TPHB) lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất mục tiêu phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Sau nửa nhiệm kỳ, diện mạo đô thị trung tâm tỉnh đã có những nét mới, khang trang, sáng đẹp, văn minh hơn.

Bài 2- Tập trung giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính

(HBĐT) - Năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tuy tăng 2 bậc so với năm 2021, tăng 30 bậc so với năm 2020, nhưng điểm số lại giảm do việc điều chỉnh các nội dung và thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần. Với tinh thần thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế, Ban chỉ đạo (BCĐ) CCHC tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để duy trì và cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 cũng như các năm tiếp theo. 

Nâng cao chỉ số cải cách hành chính - hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức

(HBĐT) - Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC). Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác này đã có chuyển biến tích cực. Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tăng 2 bậc so với năm 2021. Với tinh thần đánh giá đúng kết quả đạt được, đi sâu những tồn tại, hạn chế, tỉnh đang tập trung các giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục