(HBĐT) - Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, các địa phương vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình đã bền bỉ, cố gắng từng bước giải quyết những khó khăn, đẩy mạnh phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống người dân.



Một góc vịnh Ngòi Hoa, xã Suối Hoa (Tân Lạc) -vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, trải rộng trên địa bàn 5 huyện, thành phố, hồ Hoà Bình có hàng chục hòn đảo lớn nhỏ. Hai bên hồ là những cánh rừng xanh và dãy núi đá vôi sừng sững, tạo thành cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, không gian thiên nhiên hoang sơ, cùng với đó là nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc, là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch.

Hồ Hòa Bình được xác định là trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia vào tháng 8/2016. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình du lịch dựa trên cảnh quan, sinh thái hồ Hoà Bình gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc khu vực hồ. Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia. Từ đó chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng điện, giao thông, cảng, bến; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch hồ Hòa Bình, từng bước hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu xây dựng hồ Hòa Bình sớm trở thành KDL quốc gia vào năm 2025.

Hiện, vùng hồ có 16 dự án ngoài ngân sách nghiên cứu, triển khai đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Các ngành và địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các dự án triển khai, thu hút nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, sản phẩm du lịch cộng đồng, tạo thêm sức hút đối với khách du lịch, đưa hồ Hoà Bình xứng tầm KDL quốc gia.

Những "nút thắt” phát triển vùng hồ, nhất là giao thông đang từng bước được giải quyết. Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực hồ Hòa Bình. Đường tỉnh 435 từ TP Hoà Bình - Bình Thanh - Thung Nai - Suối Hoa dài khoảng 30 km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, phương tiện di chuyển êm thuận đã và đang tạo sức hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách vào khu vực hồ Hoà Bình. Dự án cải tạo, nâng cấp đường 433 (gần 10 km) từ TP Hoà Bình đến trung tâm huyện Đà Bắc, sau nhiều năm triển khai đã đưa vào khai thác, rút ngắn thời gian di chuyển từ địa phương này tới trung tâm tỉnh lỵ.

Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư hạ tầng KT-XH đã hoàn thành góp phần cải thiện điều kiện đi lại, sản xuất và sinh kế người dân vùng hồ. Các điểm tái định cư xã Sơn Thuỷ (Mai Châu), xã Vầy Nưa, Tiền Phong, Nánh Nghê, Đồng Ruộng (Đà Bắc) cơ bản hoàn thành, giúp người dân yên tâm hơn trong sản xuất, đời sống. Tỉnh đang phối hợp triển khai các tuyến đường chiến lược như Hoà Bình - Mộc Châu ( Sơn La), đường ven hồ Hoà Bình… khi hoàn thành sẽ phá vỡ thế cô lập cho các địa phương vùng hồ thuỷ điện.

Tranh thủ sự giúp đỡ các nguồn lực hỗ trợ, huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; tập trung giải quyết hậu quả thiên tai, mưa lũ, chỉ đạo các mục tiêu KT-XH có được những kết quả tích cực.

Xã Hiền Lương nằm trong vùng chuyển dân hồ thuỷ điện đã về đích nông thôn mới (NTM) năm 2019. Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Đăng Giáp cho biết: Xã đã định hình được hướng phát triển từ việc chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ. Nhiều xóm mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi trâu, bò, nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm, hộ nghèo còn 12%.

Mấy năm nay, KT-XH huyện Đà Bắc có nhiều khởi sắc. Công tác xây dựng Đảng; chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, chất lượng cán bộ được cải thiện. Huyện đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chỉ đạo, điều hành. Huyện đã tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, sớm ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng. Kết cấu hạ tầng KT-XH được chú trọng đầu tư, phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất và cải thiện dân sinh. Đời sống người dân được cải thiện rõ nét, rút dần khoảng cách với các vùng khác trong tỉnh. Năm 2016, huyện chưa có xã đạt NTM, đến nay có 4 xã đạt chuẩn. Độ che phủ rừng toàn huyện đạt 61%. Nhiều xóm, bản ven hồ đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch, khai thác giá trị cảnh quan văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Nhiều khu vực trước đây xa lắc xa lơ, giờ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, như xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong (xã Tiền Phong)…

Chị Bùi Thị Nhềm, hộ làm DLCĐ ở Đá Bia cho biết: Đá Bia có vài chục hộ dân, từng là ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Bà con được hỗ trợ làm DLCĐ, giữ gìn bản sắc dân tộc Mường, học cách làm du lịch, đầu tư thêm nhà sàn, tích cực học hỏi kỹ năng, nghiệp vụ làm du lịch, giữ gìn môi trường, những giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt cá để xây dựng các sản phẩm du lịch ngày một tốt hơn cho du khách. Bản Đá Bia là 1 trong 3 bản DLCĐ trên toàn quốc được bình chọn và nhận Giải thưởng DLCĐ Asean năm 2019, tạo được ấn tượng rất tốt đối với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, trên vùng hồ cũng hình thành nhiều mô hình liên kết phát triển nguồn lợi thủy sản, mang lại thu nhập khá cho người dân. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu cá sông Đà có uy tín đối với thị trường khu vực. Các xã: Mường Chiềng, Tú Lý, Cao Sơn… đã hình thành những mô hình chăn nuôi gia súc quy mô lớn, hiệu quả cao. Đó là những tín hiệu vui và là điểm sáng trên vùng hồ Hoà Bình.

Bí thư Huyện ủy Đà Bắc Bùi Văn Luyến chia sẻ: Dẫu còn nhiều khó khăn, song huyện đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển, cải thiện sinh kế người dân. Huyện có nhiều xã vùng hồ nằm trong quy hoạch trọng điểm du lịch của tỉnh. Nhiều dự án, tuyến đường quan trọng được đầu tư sẽ giúp Đà Bắc khai thác lợi thế để phát triển. Huyện đang phối hợp các sở, ngành hữu quan thực hiện giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, thủy sản, chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc ở những khu vực có điều kiện; phát triển du lịch hồ Hòa Bình gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của Nhân dân các dân tộc; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân thực hiện các mục tiêu KT-XH, phấn đấu đưa huyện Đà Bắc thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV.

(Còn nữa)


Lê Chung


Các tin khác


Cho một nẻo về tươi sáng

(HBĐT) - Ngay khi nhận được thông tin của cán bộ Trại tạm giam, Khà A Cáu không quản ngại đường xa, dậy từ sớm tinh mơ cùng vợ đi xe máy từ xã Hang Kia (Mai Châu) về TP Hòa Bình tham dự buổi tư vấn pháp luật do Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức nhằm trang bị kiến thức pháp luật cần thiết cho người mới chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Hơn cả, trong chương trình, Khà A Cáu còn được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bảo vệ môi trường không khí trước nguy cơ ô nhiễm

(HBĐT) - Theo đánh giá của ngành chức năng, chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn tốt. Tuy nhiên, nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn khi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá phát triển với quy mô dân số đô thị gia tăng. Cùng với đó là tốc độ gia tăng các phương tiện cá nhân ngày càng lớn, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và làng nghề được đẩy mạnh nhưng thiếu bền vững, chưa có quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT).

Báo động tình trạng “bạo lực mạng”

(HBĐT) - Theo thượng tá Nguyễn Văn Vận, Phó trưởng Phòng CSHS (Công an tỉnh), để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, việc tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý con em ngay từ gia đình được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhất. 

Nét đẹp nơi miền đất cổ

(HBĐT) - Vùng đất Cao Sơn (trước là xã Cao Răm) huyện Lương Sơn có 4 di tích quốc gia gồm: hang Chổ, hang Núi Sáng, động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng… Nơi đây không chỉ chứa đựng nhiều dấu tích của người xưa mà còn giữ nét văn hóa cộng đồng bao đời nay.

Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 3: Giữ gìn, phát huy những báu vật của cha ông

(HBĐT) - Xứ Mường Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, nơi sở hữu kho tàng di sản văn hoá (DSVH) đồ sộ với những "báu vật” vô giá mà cha ông để lại như mo Mường, chiêng Mường, các lễ hội, loại hình chữ viết, nhạc cụ dân tộc… Đặc biệt đáng quý, nơi đây có những con người yêu tha thiết văn hóa dân tộc, để rồi cùng nhau quyết tâm thực hiện một hành trình vô cùng tâm huyết và ý nghĩa: Gìn giữ, phát huy những "báu vật” của cha ông.

Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 2: Đưa chữ viết, dân ca phổ biến trong cuộc sống đương đại

(HBĐT) - Nếu tiếng nói, chữ viết là công cụ tư duy, phương tiện giao tiếp để thể hiện, lưu giữ, truyền bá tri thức thì dân ca, dân vũ truyền thống là nét sinh hoạt văn hoá, món ăn tinh thần gắn chặt với đời sống của người dân xứ Mường. Việc truyền dạy chữ viết là cấp thiết nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Với dân ca, dân vũ là để lưu giữ cái hay, cái đẹp, đưa các làn điệu dân ca, dân vũ phổ biến, hoà quyện vào "hơi thở” nhịp sống đương đại.  

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục