Khu tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) nhìn từ trên cao.
Ông Đinh Công Báo, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc, từng công tác ở Ban Định canh định cư từ mấy chục năm trước. Ông có nhiều năm bám cơ sở tuyên truyền, vận động người dân xóa đói, giảm nghèo, trồng luồng, trồng rừng PAM, phủ xanh đất trống, đồi trọc, trồng hồng không hạt, mơ mai, dong riềng; chỉ đạo làm các công trình hạ tầng vùng khó khăn, xây dựng trung tâm cụm xã, các chợ nổi, chợ hạt ven sông... Ông Báo tâm sự: Sau di dân, huyện Đà Bắc khó khăn trăm bề. Người dân chịu nhiều thiệt thòi khi chính sách dành cho đền bù còn vừa làm, vừa tính, hạ tầng thấp kém, sản xuất tự cung, tự cấp. Hàng trăm hộ phải từ bỏ quê hương, sinh sống ở các địa phương trong tỉnh, vào Nam lập nghiệp với mong ước thoát nghèo. Những gia đình ở lại đối mặt với nghèo, đói. Khó nhất là không có mặt bằng làm nhà, mặt bằng cho sản xuất. Việc thay đổi phương thức sản xuất từ trồng lúa nước chuyển sang cây lâm nghiệp, các loại cây ăn quả… cũng mất nhiều thời gian, công sức. Sản lượng, năng suất cây trồng bấp bênh. Những năm đầu tái lập tỉnh (1991), tình trạng đói nghèo ở các xã vùng hồ rất căng thẳng.
Nhiều năm công tác tại Ban Quản lý dự án vùng hồ huyện Đà Bắc, ông Đào Tiến Quyết, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đà Bắc nhớ lại: Sau khi thực hiện chuyển dân, đối với các xã vùng hồ trở ngại nhất là hạ tầng giao thông. Muốn tiếp cận các xã vùng hồ hầu hết phải đi bằng đường thuỷ. Đi đường bộ phải leo núi, vượt rừng tự nhiên, rừng đặc dụng mất cả buổi sáng mới tới được trung tâm xã. Những năm 1995 - 1997, đến các xã vùng cao Đà Bắc như Đồng Nghê (cũ), Suối Nánh (cũ), Mường Tuổng (cũ), Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tiền Phong… phải tính bằng tuần. Cuộc sống, sản xuất chưa ổn định, tỷ lệ đói nghèo của huyện rất cao. Cán bộ huyện đi cơ sở được cán bộ xã mời về nhà tổ chức cuộc họp, vì trụ sở không có hoặc xập xệ. Thực hiện công cuộc di dân, cuộc sống, sản xuất bị đảo lộn. Rất nhiều người gián đoạn học tập hoặc mù chữ. Vì lẽ đó, nhiều năm sau này, huyện Đà Bắc phải thực hiện phong trào xoá mù chữ cho người dân, thanh niên. Và rất nhiều năm sau, giáo dục của huyện mới dần ổn định.
Nhằm hỗ trợ người dân vùng hồ thuỷ điện cải thiện sản xuất, nâng cao đời sống, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 dự án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hoà Bình tại các Quyết định số 747/QĐ-TTg, ngày 7/12/1994 và 472/QĐ-TTg, ngày 19/3/2002. Năm 2009, Chính phủ ban hành Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 (theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg, ngày 9/10/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đề án tại Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/1/ 2015). Mục tiêu của đề án nhằm đảm bảo ổn định nơi ở của Nhân dân, nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH vùng theo tiêu chí nông thôn mới; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai dự án, đề án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, thuỷ lợi, trạm y tế, trường học, phát triển KT-XH vùng hồ. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, phát triển kinh tế rừng, trồng các loại cây ăn quả, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai hoang phục hóa. Phạm vi thực hiện gồm 40 xã, phường của các huyện và thành phố gồm: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, TP Hòa Bình. Trong đó, các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc,Cao Phong, Kim Bôi và TP Hòa Bình đã duyệt trước đó; 3 huyện bổ sung năm 2015 khi xây dựng điểm tái định cư tập trung để tiếp nhận dân cư vùng lòng hồ bị ảnh hưởng thiên tai là Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn; bố trí tập trung, xen ghép tại 40 xã, phường với tổng số 38.605 hộ (162.605 nhân khẩu). Tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn phát triển KT-XH, nâng cao mức sống người dân vùng hồ. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8,5 triệu đồng, tăng 4 triệu đồng so với năm 2008; năm 2020 đạt trên 20 triệu đồng, tăng 11,5 triệu đồng so với năm 2012. Tuy nhiên, so với thu nhập trung bình vùng nông thôn miền núi vẫn ở mức thấp (khoảng 37 triệu đồng/người/ năm), vùng đề án có 15 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đời sống Nhân dân vùng hồ đã được cải thiện và đang từng bước ổn định. Toàn vùng đã xoá hết hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn 24%. Khoảng 30% hộ dân vùng hồ đã làm được nhà ở, mua sắm phương tiện đi lại, máy móc phục vụ sản xuất… Các địa phương vùng hồ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phần lớn diện tích đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh bằng trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Toàn vùng hồ có trên 30.000 ha rừng trồng mang lại thu nhập cho người dân, góp phần nâng độ che phủ rừng từ 26% năm 1995 lên 50% năm 2008, năm 2012 đạt 55%, năm 2020 đạt 57%, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ, tạo nguồn sinh thuỷ cho hồ thủy điện Hòa Bình.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT: Vùng hồ vẫn là vùng trũng nhiều khó khăn của tỉnh. Địa bàn đồi núi, chia cắt mạnh, nguồn lực đầu tư đòi hỏi lớn, nhưng khả năng đáp ứng còn rất thấp. Diện tích đất gieo trồng bình quân đầu người thấp so với nhiều vùng khác trong tỉnh, canh tác chủ yếu trên đất dốc. Diện tích đất rừng phòng hộ xung yếu chiếm phần lớn diện tích đất vùng hồ sông Đà. Trên 80% dân số sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; thu nhập từ lâm nghiệp chiếm hơn 50% tổng thu nhập của hộ dân. Hạ tầng chia cắt, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển KT-XH rất hạn chế. Mức thu nhập bình quân, chất lượng cuộc sống người dân còn thấp, mới đạt khoảng 70% so với mặt bằng chung của toàn tỉnh… Sau khi Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình phát điện nhiều năm, nhiều nơi vẫn chưa có điện, như nhiều người vẫn nói "vùng hồ là vùng tối nơi chân đèn". Bình quân tiêu chí nông thôn mới ở các xã vùng hồ đạt 14,72 tiêu chí/xã, thấp hơn bình quân chung của tỉnh 0,59 tiêu chí/xã. Các tiêu chí nông thôn mới ở mức thấp đều liên quan đến hạ tầng về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo; môi trường và an toàn thực phẩm.
(Còn nữa)
Lê Chung