(HBĐT) - Sau nhiều năm thực hiện các đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà, kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án khác, đời sống, sinh kế người dân vùng hồ từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, các mục tiêu chung và chỉ tiêu cụ thể chưa đạt so với mục tiêu của đề án. Hạ tầng vùng hồ thấp kém, nông thôn mới đạt thấp, khoảng 80% dân số sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung…




Đường tỉnh 433 từ TP Hòa Bình đến trung tâm huyện Đà Bắc đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đà Bắc Đào Tiến Quyết trăn trở: Vùng hồ không thể phát triển được nếu không phá được thế cô lập về giao thông. Dù đã cố gắng tập trung nguồn lực đầu tư cải thiện tình trạng giao thông, song chất lượng đường của huyện còn thấp, mặt đường nhỏ hẹp, độ dốc lớn, bị mưa lũ đã xuống cấp nghiêm trọng, không đủ năng lực lưu thông, vận chuyển hàng hoá. Đặc biệt, mạng lưới giao thông đối ngoại, mang tính liên kết vùng với các huyện, tỉnh bạn còn thiếu, quy mô nhỏ. Đường tỉnh 433 nối TP Hoà Bình đi các xã vùng cao tới xã Nánh Nghê dài khoảng 90 km, đã được đầu tư đến trung tâm huyện và nâng cấp một số ngầm tràn nhưng còn rất khó khăn, thường xuyên bị trượt sạt phải xử lý. Giao thông trắc trở nên các hoạt động KT-XH bị kìm hãm. Trước đây, huyện từng là vựa ngô, tập trung ở các xã vùng cao như Mường Chiềng, Nánh Nghê…, có những gia đình thu hàng chục tấn ngô/vụ. Bây giờ ít người trồng. Nông sản, hàng hoá, cá, tôm của bà con làm ra giá quá rẻ, không hiệu quả. Vì giao thông khó khăn nên Đà Bắc rất ít cơ sở sản xuất công nghiệp. Người lao động gửi con ở nhà đi làm ăn xa quê nhiều, đã nảy sinh vấn đề xã hội rất đau lòng. Nếu có đường thuận lợi, thông thương, huyện sẽ có điều kiện quy hoạch các điểm công nghiệp. Chỉ cần thu hút được một nhà máy may là có thể giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tạo thu nhập bền vững, hạn chế những vấn đề xã hội…

Trên cơ sở đề xuất của tỉnh và các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà của tỉnh Hoà Bình, tại Quyết định số 1554/QĐ-TTg, ngày 21/9/ 2021. Theo đó, kéo dài đề án đến hết năm 2025. Phạm vi thực hiện tại 34 đơn vị hành chính cấp xã vùng chuyển dân sông Đà, gồm: Huyện Đà Bắc có 12 xã, thị trấn là Nánh Nghê, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương, Đồng Chum, Toàn Sơn, Đồng Ruộng, Yên Hoà, Mường Chiềng, Cao Sơn, Tú Lý và thị trấn Đà Bắc; huyện Cao Phong 2 xã: Bình Thanh, Thung Nai; huyện Tân Lạc 4 xã: Suối Hoa, Tử Nê, Mỹ Hoà, Phú Vinh; huyện Mai Châu 4 xã: Sơn Thủy, Tân Thành, Tòng Đậu, Vạn Mai; huyện Kim Bôi 2 xã: Tú Sơn, Mỵ Hòa; TP Hoà Bình 2 xã: Hoà Bình, Yên Mông và 5 phường: Thịnh Lang, Hữu Nghị, Tân Hoà, Thái Bình, Thống Nhất; các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn mỗi huyện 1 xã là: Bảo Hiệu, Đồng Tâm, Yên Nghiệp. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 4.053 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.776 tỷ đồng).

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện đề án. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật, hoàn thành đề án đúng thời hạn. Sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, không tăng tổng vốn đầu tư, không trùng lặp với các chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn, không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, đối tượng vùng đề án. Huy động, khai thác tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đặc biệt chú trọng nguồn lực tại chỗ của tỉnh và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để hỗ trợ thực hiện đề án.

Tăng cường chỉ đạo, phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc chỉ đạo thực hiện đề án. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong vùng đề án thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chủ động, tích cực tham gia thực hiện, giám sát việc thực hiện các chính sách trên địa bàn. Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ tại chỗ, có chính sách ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số cho các cấp, các ngành, cán bộ cơ sở ở các xã vùng đề án.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT, cơ quan thường trực đề án cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, toàn bộ nguồn vốn để triển khai đề án là nguồn vốn đầu tư công chi cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, không có phần chi cho hỗ trợ sản xuất. Để thực hiện đề án trong giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng Quyết định số 1554-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1616-QĐ/UBND, ngày 5/8/2022 của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh giao UBND các huyện vùng đề án bố trí lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao.

Tại buổi làm việc ngày 8/11/2022, liên quan đến tiến độ thực hiện đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ đánh giá: Tiến độ thực hiện các dự án thuộc đề án còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, các chủ đầu tư chưa quan tâm đến hạng mục "Đầu tư phát triển sản xuất” để lồng ghép nội dung vào các chương trình, dự án trên địa bàn các xã thuộc vùng đề án… Do vậy yêu cầu: Các sở, ngành chức năng, chủ đầu tư tăng cường phối hợp với cơ quan thường trực rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo quy định của pháp luật. UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý dự án các công trình NN&PTNT rà soát lại kế hoạch triển khai thực hiện, phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ giải ngân. Rà soát kết quả thực hiện các mục tiêu và kết quả lồng ghép từ các chương trình mục tiêu tại 34 xã trong vùng đề án giai đoạn 2009 - 2022 (theo Quyết định số 1588/ QĐ-TTg, ngày 9/10/2009; Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/1/2015; Quyết định số 1554/QĐ-TTg, ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ), đề xuất nhu cầu đến năm 2025. Chủ động bố trí lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để tổ chức thực hiện hoạt động "Đầu tư phát triển sản xuất” đạt hiệu quả.

Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi chia sẻ: Đà Bắc vẫn là huyện nghèo cần phải nỗ lực, quyết tâm chính trị cao thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện sinh kế cho người dân. Huyện đang tổ chức lồng ghép các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện điều kiện sản xuất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, khai thác lợi thế vùng hồ để phát triển du lịch, nuôi trồng thuỷ sản gắn với xây dựng nông thôn mới. Để nắm bắt cơ hội phát triển, huyện chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án: đường liên kết vùng Hà Nội - Hòa Bình và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; triển khai các dự án đường thị trấn Đà Bắc - Thanh Sơn, Phú Thọ; nâng cấp đường liên xã Vầy Nưa - Tiền Phong, đường trung tâm xã Đồng Chum đi xã Mường Chiềng, đường 433 đi xóm Đầm Phế (trung tâm xã Mường Tuổng cũ), xã Mường Chiềng; nâng cấp tuyến đường liên xã Nánh Nghê. Mong muốn các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh có kế hoạch nâng cấp tuyến tỉnh lộ 433 thành quốc lộ kết nối với các tỉnh bạn, thúc đẩy giao thương, cải thiện dân sinh vùng hồ Hoà Bình. Bên cạnh đó, quan tâm tổ chức, bố trí dân cư vùng nguy cơ sạt lở; hỗ trợ người dân phát triển sinh kế bền vững như: trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, phấn đấu hoàn thành mục tiêu ổn định và cải thiện đời sống người dân vùng hồ sông Đà.


Lê Chung


Các tin khác


Tri ân thầy, cô giáo - những “người đưa đò thầm lặng”

(HBĐT) - Tháng 11, các trường học trong hệ thống GD&ĐT tỉnh có chung bầu không khí hân hoan chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để các thế hệ học sinh bày tỏ niềm kính trọng và tri ân sâu sắc đối với thầy cô – những "người đưa đò thầm lặng” trên "dòng sông" tri thức đã trao cho học sinh hành trang, sức mạnh vào đời.

Cho một nẻo về tươi sáng

(HBĐT) - Ngay khi nhận được thông tin của cán bộ Trại tạm giam, Khà A Cáu không quản ngại đường xa, dậy từ sớm tinh mơ cùng vợ đi xe máy từ xã Hang Kia (Mai Châu) về TP Hòa Bình tham dự buổi tư vấn pháp luật do Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức nhằm trang bị kiến thức pháp luật cần thiết cho người mới chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Hơn cả, trong chương trình, Khà A Cáu còn được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bảo vệ môi trường không khí trước nguy cơ ô nhiễm

(HBĐT) - Theo đánh giá của ngành chức năng, chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn tốt. Tuy nhiên, nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn khi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá phát triển với quy mô dân số đô thị gia tăng. Cùng với đó là tốc độ gia tăng các phương tiện cá nhân ngày càng lớn, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và làng nghề được đẩy mạnh nhưng thiếu bền vững, chưa có quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT).

Báo động tình trạng “bạo lực mạng”

(HBĐT) - Theo thượng tá Nguyễn Văn Vận, Phó trưởng Phòng CSHS (Công an tỉnh), để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, việc tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý con em ngay từ gia đình được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhất. 

Nét đẹp nơi miền đất cổ

(HBĐT) - Vùng đất Cao Sơn (trước là xã Cao Răm) huyện Lương Sơn có 4 di tích quốc gia gồm: hang Chổ, hang Núi Sáng, động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng… Nơi đây không chỉ chứa đựng nhiều dấu tích của người xưa mà còn giữ nét văn hóa cộng đồng bao đời nay.

Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 3: Giữ gìn, phát huy những báu vật của cha ông

(HBĐT) - Xứ Mường Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, nơi sở hữu kho tàng di sản văn hoá (DSVH) đồ sộ với những "báu vật” vô giá mà cha ông để lại như mo Mường, chiêng Mường, các lễ hội, loại hình chữ viết, nhạc cụ dân tộc… Đặc biệt đáng quý, nơi đây có những con người yêu tha thiết văn hóa dân tộc, để rồi cùng nhau quyết tâm thực hiện một hành trình vô cùng tâm huyết và ý nghĩa: Gìn giữ, phát huy những "báu vật” của cha ông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục