(HBĐT) - Tháng 11, các trường học trong hệ thống GD&ĐT tỉnh có chung bầu không khí hân hoan chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp để các thế hệ học sinh bày tỏ niềm kính trọng và tri ân sâu sắc đối với thầy cô – những "người đưa đò thầm lặng” trên "dòng sông" tri thức đã trao cho học sinh hành trang, sức mạnh vào đời.


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng các thầy, cô giáo ôn lại truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp "trồng người" của tỉnh.

Trường THPT Cao Phong (Cao Phong) phấn khởi tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (1982 – 2022), 40 năm thành lập trường (1982 – 2022) và đón bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I vào giữa tháng 11 này. Chung vui với sự kiện lớn, các thế hệ cựu học sinh đã trở về thăm mái trường xưa, bày tỏ niềm tri ân sâu sắc đến các thầy, cô giáo cũ. Từ mái trường này, dưới sự dìu dắt của các thế hệ nhà giáo, nhiều học sinh đã trưởng thành, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương. Trong ngày trở về, nhiều học sinh đã bồi hồi xúc động. Bởi, ai cũng hiểu rằng, tuy không có công sinh thành nhưng thầy cô đã cho ta đôi cánh tri thức để có thể bay cao, bay xa, thực hiện ước mơ và trở thành những con người có ích trong xã hội.

Dịp 20/11 năm nay cũng là cột mốc đáng nhớ đối với thầy và trò trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) - trường tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập (1972 – 2022). Trong suốt nửa thế kỷ qua, nhà trường tự hào khi luôn được đánh giá là đơn vị tiêu biểu về chất lượng GD&ĐT cấp THCS. Hàng trăm học sinh của trường đã xuất sắc ghi danh vào bảng thành tích "vàng” trong lịch sử giáo dục tỉnh Hòa Bình. Đặc biệt đáng quý, các thế hệ học sinh dù đã rời ghế nhà trường từ rất lâu nhưng luôn nhớ về trường xưa, lớp cũ, nơi có những "người đưa đò thầm lặng” đã đưa các em đến với những chân trời tri thức mới.

Anh Đặng Vương Minh, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn niên khóa 2007 - 2009 đang là nhà phân tích công nghệ thông tin tại Fujitsu, New Zealand. Dù đã sống ở Wellington, New Zealand được 12 năm nhưng anh Minh luôn trân trọng quãng thời gian được học tại ngôi trường yêu quý này. Không thể trở về thăm lại trường xưa trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường, anh Minh đã gửi đến trường bức thư bồi hồi xúc động. Trong đó, có những dòng rưng rưng niềm tri ân: "Các thầy cô kính yêu! Em muốn cảm ơn các thầy cô rất nhiều! Em ước mình có thêm thời gian để học được nhiều hơn nữa những bài học của các thầy cô. Tất cả kiến thức các thầy cô truyền dạy cực kỳ hữu ích và góp phần rất lớn cho thành công hiện tại của em…”.

Từ New Zealand, anh Đặng Vương Minh chia sẻ: Tôi đã có những tháng ngày tuyệt vời dưới mái trường Lê Quý Đôn. Nơi đây đã chắp cánh cho tôi đến chân trời của tri thức, đã nuôi dưỡng tôi thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Phải thừa nhận rằng, các thầy cô rất nghiêm khắc, nhưng đồng thời cũng cực kì nhiệt tâm, giàu kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ học sinh. Các thầy cô cũng đưa ra những lời nhận xét, đánh giá mang tính xây dựng, và trên hết là trân trọng tất cả những kết quả học tập của chúng tôi...

Cũng như cựu học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên dù còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã trưởng thành đều một lòng hướng về thầy, cô giáo với niềm tri ân sâu sắc. Đây là dịp để các thế hệ học sinh cũng như toàn xã hội bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với các thầy, cô giáo. Bao năm nay, công việc của những người thầy rất thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa. Họ thầm lặng truyền đạt tri thức đến học trò, thầm lặng thực thi một sứ mệnh cao đẹp là đào tạo "hiền tài” trở thành "nguyên khí quốc gia”. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngành GD&ĐT tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm ôn lại truyền thống của đội ngũ giáo giới cả nước, trong đó có đội ngũ giáo giới tỉnh Hòa Bình.

Đồng chí Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: Cách đây hơn 60 năm, nghe theo tiếng gọi của T.Ư Đảng và Bác Hồ kính yêu, có rất nhiều thầy, cô giáo trẻ tình nguyện rời quê hương đến vùng khó khăn của tỉnh Hoà Bình công tác với niềm tin của tuổi trẻ, niềm lạc quan yêu đời, không gợn chút riêng tư, tất cả vì sự nghiệp giáo dục miền núi. Ngành GD&ĐT Hoà Bình mãi trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của các đồng chí cán bộ quản lý, những thầy, cô giáo ở các tỉnh miền xuôi đến với các bản Mường trong suốt những năm tháng khó khăn. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, đội ngũ giáo giới tỉnh Hoà Bình trong những năm qua đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, có ngày càng nhiều nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Qua 15 lần, ngành GD&ĐT tỉnh được Nhà nước phong tặng 1 Nhà giáo Nhân dân, 55 Nhà giáo Ưu tú. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên Hòa Bình đã đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp GD&ĐT khi bước vào giai đoạn mới. Họ năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, tích cực hành động, thể hiện tốt vai trò của đội ngũ nhà giáo khi quyết định chất lượng, hiệu quả GD&ĐT. Bằng cách phát huy tốt vai trò của những "người đưa đò thầm lặng”, đội ngũ các thầy, cô giáo đã cùng nhau tạo nền tảng vững chắc để các thế hệ học sinh tiếp tục vươn lên hiện thực hóa khát vọng lĩnh hội tri thức, viết tiếp những trang sử mới cho quê hương Hòa Bình.

Thu Trang


Các tin khác


Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 3: Giữ gìn, phát huy những báu vật của cha ông

(HBĐT) - Xứ Mường Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, nơi sở hữu kho tàng di sản văn hoá (DSVH) đồ sộ với những "báu vật” vô giá mà cha ông để lại như mo Mường, chiêng Mường, các lễ hội, loại hình chữ viết, nhạc cụ dân tộc… Đặc biệt đáng quý, nơi đây có những con người yêu tha thiết văn hóa dân tộc, để rồi cùng nhau quyết tâm thực hiện một hành trình vô cùng tâm huyết và ý nghĩa: Gìn giữ, phát huy những "báu vật” của cha ông.

Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 2: Đưa chữ viết, dân ca phổ biến trong cuộc sống đương đại

(HBĐT) - Nếu tiếng nói, chữ viết là công cụ tư duy, phương tiện giao tiếp để thể hiện, lưu giữ, truyền bá tri thức thì dân ca, dân vũ truyền thống là nét sinh hoạt văn hoá, món ăn tinh thần gắn chặt với đời sống của người dân xứ Mường. Việc truyền dạy chữ viết là cấp thiết nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Với dân ca, dân vũ là để lưu giữ cái hay, cái đẹp, đưa các làn điệu dân ca, dân vũ phổ biến, hoà quyện vào "hơi thở” nhịp sống đương đại.  

Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 1 - Động lực cho những báu vật nhân văn sống

(HBĐT) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giá trị di sản văn hoá (DSVH) các dân tộc tỉnh Hòa Bình không bị mất đi mà được bảo tồn, phát huy tạo nên bức tranh đa màu sắc. Công lao trên trước hết thuộc về những nghệ nhân có vai trò nắm giữ, trao truyền. Họ - những "báu vật nhân văn sống" đang thực hiện sứ mệnh lưu truyền tinh hoa văn hoá truyền thống trong dòng chảy văn hóa Việt.

Tiếp thêm sức mạnh cho di sản văn hoá Mo Mường: Bài 3 - Nâng tầm vóc, vị thế của Mo Mường trong cuộc sống hôm nay

(HBĐT) - Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, di sản văn hóa (DSVH) Mo Mường đang phải đối mặt với tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa và làn sóng văn hóa ngoại lai. Để Mo Mường được sống mãi cùng thời gian, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh đã, đang chung tay thực hiện giải pháp trước mắt và dài hạn để ghi danh Mo Mường vào danh sách DSVH phi vật thể thế giới. 

Tiếp thêm sức mạnh cho di sản văn hóa Mo Mường: Bài 2- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Mo Mường

(HBĐT) - Đặc sắc và giàu tính nhân văn, Mo Mường là nghi lễ dân gian có tính thiêng, không chỉ dùng khi tiễn biệt người đã khuất về thế giới bên kia mà được sử dụng rộng rãi dịp thanh minh, mát nhà, làm vía…, gắn liền với đời sống tinh thần của người dân xứ Mường. Năm 2016, cùng với nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường Hoà Bình được công nhận di sản văn hoá (DSVH) phi vật thể cấp quốc gia. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của Mo Mường vừa là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, vừa là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng để sớm đưa Mo Mường ghi danh DSVH phi vật thể của thế giới.

Tiếp thêm sức mạnh cho di sản văn hóa Mo Mường: Bài 1- Trăn trở với Mo Mường

(HBĐT) - Nói đến văn hóa của người Mường Hòa Bình không thể không nói đến một di sản văn hóa (DSVH) đặc biệt linh thiêng: Mo Mường. Đây là báu vật có những giá trị vô song và nổi bật hàng đầu trong kho tàng DSVH bốn Mường Bi - Vang - Thàng - Động. Người Mường Hòa Bình càng tự hào khi sở hữu DSVH Mo Mường bao nhiêu, càng trăn trở bấy nhiêu nếu di sản này không được bảo vệ khẩn cấp. Bởi, chỉ khi được bảo vệ khẩn cấp thì DSVH Mo Mường mới được tiếp thêm sức mạnh để phát huy các giá trị đặc sắc, mới có thể trường tồn với thời gian và "sống” vẹn nguyên trong lòng Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục