Bảo vệ môi trường không khí là nhiệm vụ quan trọng, yếu tố để phát triển KT-XH bền vững. Năm 2021, thực hiện quy định của Luật BVMT và Kế hoạch số 176/KH-UBND, ngày 27/11/2020 của UBND tỉnh về Kế hoạch BVMT năm 2021, giai đoạn 3 năm 2021 - 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn chuyên đề "Môi trường không khí” để xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Hòa Bình. Trong đó, phân tích làm rõ những sức ép của phát triển KT - XH tới môi trường không khí.
Sức ép đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp
Trong Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh nhấn mạnh, hoạt động sản xuất công nghiệp đang là một trong các nguồn chính gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) không khí trên địa bàn tỉnh. Nguồn ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp thường có nồng độ các chất độc hại cao, tập trung trong một vùng. Tùy thuộc vào loại hình sản xuất, quy trình công nghệ, quy mô sản xuất và nhiên liệu sử dụng mà các hoạt động công nghiệp khác nhau sẽ phát sinh khí thải với thành phần và nồng độ khác nhau. Trong các nhóm ngành công nghiệp ở Hòa Bình, hoạt động khai thác và chế biến than, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đang được đánh giá là những nguồn gây ÔNMT không khí đáng kể hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 94 doanh nghiệp khai thác khoáng sản có giấy phép còn hiệu lực với công suất khai thác 12.522.051 tấn/năm. Trong khai thác khoáng sản, đất cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm môi trường không khí do nhiễm bụi ở các khu dân cư ở trong vùng khai thác. Các khoáng vật sulphua có trong than, quặng còn chứa Zn, Cd, Hg...làm cho bụi mỏ trở nên độc hại với sức khỏe con người. Trong khai thác VLXD, nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất như đá vôi làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước nghiêm trọng. Do quy trình khai thác lạc hậu, không có hệ thống thu bụi nên hàm lượng bụi tại những nơi này thường lớn gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Theo nội dung Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Hòa Bình, mặc dù trong quá trình khai thác, chế biến và vận chuyển, các doanh nghiệp đã thực hiện một số biện pháp giảm thiểu tác động như trang bị hệ thống xử lý bụi (75%), che phủ xe vận chuyển, cải tiến dây chuyền sản xuất nhưng kết quả quan trắc cho thấy nồng độ bụi vẫn vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép.
Bên cạnh đó, những năm qua, hoạt động sản xuất VLXD bao gồm sản xuất xi măng, gạch nung cũng tác động xấu đến môi trường không khí. Các nhà máy sản xuất xi măng, VLXD chủ yếu tập trung tại các huyện: Lương Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, TP Hòa Bình. Do đó, chất lượng môi trường không khí tại các khu vực này bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các khu vực khác. Ô nhiễm không khí do hoạt động sản xuất VLXD phát sinh từ quá trình khai thác, sản xuất và vận chuyển nguyên vật liệu. Quá trình khai thác và chế biến thường phát sinh bụi và một số khí: CO, NOx, SO2, H2; quá trình vận chuyển nguyên vật liệu chủ yếu phát sinh bụi.
Trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy sản xuất xi măng (Nhà máy xi măng Trung Sơn, Nhà máy xi măng Vĩnh Sơn và Nhà máy xi măng X18). Ngành công nghiệp này lại được coi là một trong những ngành có tác động nhiều và đặc trưng tới môi trường không khí do khí thải từ lò nung xi măng có hàm lượng bụi, NO2, CO2... rất cao và có khả năng gây ô nhiễm nếu không được kiểm soát tốt. Bụi xi măng phát sinh ở hầu hết các công đoạn trong quá trình sản xuất như: nghiền, đập, sàng, phân ly, đóng bao và vận chuyển. Thực tế, những năm trước đây có thời điểm người dân ở quanh các nhà máy xi măng nói trên đã tập trung để phản đối về tình trạng ÔNMT, nhất là khói, bụi do các nhà máy gây ra. Gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí do hoạt động khai thác và vận chuyển VLXD trên địa bàn huyện Lương Sơn cũng thường xuyên được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Gia tăng phương tiện giao thông, tăng mức độ phát thải khí ô nhiễm
Hoạt động GTVT được xem là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn đối với môi trường không khí, đặc biệt ở các khu đô thị và khu vực đông dân cư. Sức ép lên môi trường không khí phải kể đến đầu tiên là sự gia tăng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cùng với đó là sự gia tăng mức độ phát thải ô nhiễm bởi các chất gây ô nhiễm chủ yếu sinh ra do khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu động cơ và bụi do đất cát cuốn bay lên từ mặt đường phố trong quá trình di chuyển. Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, số lượng xe hoạt động trên địa bàn tỉnh gia tăng từ trên 332 nghìn phương tiện (năm 2015) lên trên 448 nghìn phương tiện (năm 2020). Trong đó, số phương tiện đường bộ được kiểm định năm 2020 hơn 17 nghìn, số lượt phương tiện không đạt tiêu chuẩn về BVMT chiếm 12,23%, các phương tiện đã được sử dụng từ 10 – 15 năm chiếm 29,06%, phương tiện đã sử dụng trên 15 năm chiếm 18,35%.
Bên cạnh sự gia tăng các phương tiện giao thông thì các tuyến đường chật hẹp, xuống cấp, thiếu quy hoạch đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại gây hiện tượng ùn tắc giao thông. Đó cũng là yếu tố đáng kể làm nghiêm trọng thêm vấn đề ÔNMT không khí. Thực trạng tỷ lệ bê tông hóa, nhựa hóa đạt thấp đối với các tuyến đường nông thôn, chưa kể đến sự xuống cấp nghiêm trọng của một số tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh cũng ảnh hưởng đến giao thông đi lại và phát sinh bụi, khí thải. Nguyên nhân nữa phải kể đến là bụi đất đá, cát tồn đọng trên đường do chất lượng đường kém, đường bẩn và do chuyên chở rác, VLXD, khi các phương tiện giao thông chạy qua, bụi từ mặt đường bốc lên cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí...
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường không khí
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, các hoạt động dân sinh, nông nghiệp, xây dựng cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc gia tăng tỷ lệ dân số đô thị đã kéo theo lượng chất thải thải ra môi trường ngày càng lớn. Thực tế, trên địa bàn TP Hòa Bình đã tồn đọng lớn lượng rác thải sinh hoạt do chưa xử lý được. Điều này đã gây ÔNMT không khí, gây bức xúc kéo dài trong nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn TP Hòa Bình cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm bụi do các xe chở đất, đá đổ thải lưu thông qua địa bàn. Thực trạng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh cũng như chất lượng không khí trên địa bàn.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã gây sức ép nhất định đối với môi trường không khí ở các khu vực nông thôn. Điều này đến từ việc gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất. Theo đánh giá trong Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh, việc sử dụng và quản lý thuốc BVTV trong ngành nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do có tới 80% thuốc BVTV tại Việt Nam đang được sử dụng sai mục đích. Thêm vào đó, sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật làm cho sâu bệnh quen thuốc gây ra hiện tượng kháng thuốc BVTV, nhiều loài sinh vật có ích (thiên địch) bị tiêu diệt, gây mất cân bằng sinh thái, sâu bệnh hại càng phát triển mạnh hơn và nông dân càng dùng thuốc nhiều hơn. Một thực trạng đáng lưu ý là xu hướng của người dân thích sử dụng các loại thuốc rẻ tiền, công dụng mạnh, nhưng lại ít quan tâm đến an toàn môi trường. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất BVTV chưa được quan tâm đúng mức, nhiều nơi, thải bỏ ngay tại đồng ruộng, từ đó phát sinh mùi, khí thải gây ảnh hưởng đến môi trường không khí. Tình trạng đốt rơm rạ tại ruộng còn phổ biến cũng là nguyên nhân khiến chất lượng môi trường không khí bị đe dọa.
Năm 2021, tuy chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh khá trong lành do hệ lụy của dịch Covid-19 làm hạn chế sự tham gia giao thông của người dân, đình trệ các hoạt động sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa. Nhưng xét về xu thế, nguy cơ ÔNMT không khí còn khá cao. Ô nhiễm bụi sẽ tiếp tục có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần trục giao thông hay các khu vực có hoạt động công nghiệp. Hiện tượng chất thải sinh hoạt chưa được xử lý do nhiều nguyên nhân như công nghệ xử lý chưa đáp ứng, sự ngăn cản không đồng thuận của người dân... dẫn đến rác bị dồn ứ tại nhiều khu vực, nhiều tuyến đường. Sự phát tán ô nhiễm mùi, các chất hữu cơ, khí thải ra môi trường đã tác động tới cảnh quan, sức khỏe và đời sống của người dân.
Để bảo vệ môi trường không khí, các sở, ban, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện các nhiệm vụ về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng thói quen, nếp sống tuân theo pháp luật và các phong trào quần chúng BVMT. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; nâng cao vai trò của các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động BVMT, tiến tới xã hội hoá công tác này. Tăng cường quan trắc, giám sát môi trường để đảm bảo các số liệu phản ánh thực trạng.
Viết Đào
NHÓM Ý KIẾN
* Đường xuống cấp nên phải sống chung với bụi
Trên địa bàn xã Chí Đạo và một số xã vùng sâu của huyện Lạc Sơn có đường tỉnh 436 chạy qua. Đây là con đường có ý nghĩa quan trọng đối với giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế của người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, tuyến đường đã xuống cấp nên ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân. Đặc biệt là các hộ sống dọc hai bên đường phải sống chung với khói, bụi đất bốc lên khi có các phương tiện đi qua, nhất là xe ô tô có trọng tải lớn. Điều này có thể nhìn thấy bằng mắt hàng ngày, những cây xanh, mái nhà ở gần đường đều bị bụi bẩn bám kín. Để ngăn bụi bay vào nhà, chúng tôi phải dùng bạt che, phun tưới nước và hầu như không dám mở cửa sổ.
Do đó, việc đầu tư, nâng cấp tuyến đường không chỉ thuận lợi cho giao thông, mà góp phần hạn chế ô nhiễm bụi, ô nhiễm không khí cho người dân sinh sống dọc theo tuyến đường.
Bùi Văn Thuần
Xóm Kho, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn
* Không đốt rơm, rạ sau mùa gặt
Thạch Yên là xã vùng cao có khí hậu khá mát mẻ và trong lành. Những năm qua, trồng lúa, trồng rừng và chăn nuôi gia súc là nguồn thu nhập chính của bà con. Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm, rạ ở trên cánh đồng khá phổ biến. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, khi đốt rơm, rạ như vậy khói bốc lên thổi vào xóm khá ngột ngạt. Đồng thời, qua tìm hiểu được biết, đốt rơm, rạ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí.
Do đó, để bảo vệ môi trường không khí luôn trong lành, những năm gần đây, tình trạng đốt rơm, rạ đã được hạn chế đáng kể. Sau mỗi vụ gặt, bà con thu gom rơm, rạ để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông. Điều này vừa giúp chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng nêu cao ý thức thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, hay khi có vật nuôi bị chết thì không vứt ra môi trường mà đem chôn để không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người khác.
Bùi Đức Nhung
Xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên (Cao Phong)