(HBĐT) - Các xã nằm trong vùng hồ thuỷ điện Hoà Bình hầu hết là địa bàn vùng cao, khó khăn của tỉnh, địa hình cheo leo, chia cắt, độ dốc lớn, mặt bằng và các điều kiện sản xuất, đời sống rất khó khăn. Đến nay, cuộc sống người dân vùng hồ thủy điện Hòa Bình chưa ổn định, luôn đối mặt với thiên tai, mưa lũ, trượt sạt. Biến đổi khí hậu, thiên tai vẫn đe dọa cuộc sống người dân.



Đợt mưa lũ lịch sử năm 2017, 2018 đã phá hủy hầu hết hạ tầng các xã vùng cao huyện Đà Bắc. Ảnh: Lũ ống, lũ quét gây trượt sạt, tàn phá hạ tầng nhà dân ở xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng.

Do đặc điểm địa hình độ dốc lớn, chia cắt, làm được một công trình hạ tầng cũng rất căn ke và phải chắt chiu nhiều năm. Thế nhưng chỉ một đợt thiên tai, mưa lũ thì mất bao công sức phục hồi, làm mới. Đợt mưa lũ năm 2017, 2018, đường 433 đi các xã vùng cao huyện Đà Bắc và nhiều đường giao thông liên xã bị trượt sạt khối lượng đất, đá lớn chưa từng có, một thời gian dài mới thông xe bước 1. Đường sá bong bật, đứt gãy, ngầm tràn bị đánh vỡ và cả người bị cuốn trôi. Nhiều xã bị cô lập, hạ tầng, đời sống người dân vùng hồ gần như phải làm lại từ đầu. Suối Nánh trở thành suối dữ. Đất, đá bồi lấp lòng suối tới cả chục mét, nhiều khu vực trở thành mặt đường. Lũ ống, lũ quét làm thiệt mạng nhiều người.

Bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai của cơ quan chức năng gần đây đánh giá, trên địa bàn nhiều xã vùng hồ, nguy cơ trượt sạt rất cao, tập trung ở huyện Đà Bắc, xã Sơn Thuỷ (Mai Châu)… Nhiều người lý giải do hồ tích nước hàng chục năm, cộng với gặp mưa lũ lớn kéo dài nên đã hình thành các cung trượt sẵn sàng đổ ập xuống vùi lấp nhà cửa, dân cư.

Xã Nánh Nghê (Đà Bắc) có diện tích lớn, đồi núi rộng, độ dốc lớn tới 50 - 60%, không có mặt bằng nên người dân phải bám đồi núi làm nhà sinh sống, thường xuyên bị cô lập bởi mưa lũ, trượt sạt, đá lở, đá lăn. Cuộc sống người dân thường trực bất an, lo lắng. Sau trận mưa lũ, sạt lở kinh hoàng năm 2017, Nhà nước đã xây dựng khu tái định cư Bưa Cốc giúp bà con yên tâm hơn, song cuộc sống vẫn khó khăn. Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê Đặng Minh Tấn cho biết: Nhà cửa, công trình hạ tầng được xây dựng bên sườn dốc, bám núi đồi, nguy cơ rất cao trượt sạt, đá lở, đá lăn, đặc biệt các xóm Cơi, Bưa Xen, Duốc. Địa bàn xã có những vụ đá văng, đá lở vào nhà dân, người đi đường bị thương hoặc thiệt mạng. Chính quyền, người dân mong muốn các cấp, các ngành có giải pháp tính toán xây dựng điểm tái định cư, hỗ trợ sản xuất để cuộc sống người dân ổn định.

Kết quả rà soát mới đây, huyện Đà Bắc có 83/122 thôn, bản còn các điểm nguy cơ cao về thiên tai, với 170 điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét. Huyện có khoảng 850 hộ nằm trong khu vực nguy cơ về thiên tai, trong đó có 630 hộ nằm trong khu vực nguy trượt sạt đất, đá; 190 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, 4 điểm có dân cư tập trung nhiều hộ tại các chòm xóm như: Bưa Xen, Cơi, Duốc (xã Nánh Nghê), với 74 hộ nằm trong khu vực đá lăn, lũ quét từ năm 2018, hiện còn những khối đá to treo lửng phía trên khu dân cư có thể trượt xuống bất kỳ lúc nào. Xóm Tuổng Bãi (xã Mường Chiềng) có 51 hộ dân nằm dưới điểm sụt lún từ năm 2016 và điểm lũ quét từ năm 2017. Tại xóm Rằng (xã Cao Sơn) còn 14 hộ nằm trong điểm sạt lở đất, lũ quét từ năm 2017. Xóm Riêng (xã Tú Lý) còn 12 hộ nằm trong điểm sạt lở đất từ mùa mưa bão năm 2016, hiện có vết nứt, sụt lún, điểm sụt trượt cao xuống khoảng 25 cm, rãnh rộng từ 25 - 30 cm, rất nguy hiểm. Thực tế không chỉ mùa mưa, tại nhiều xóm, xã vùng cao của huyện xuất hiện đá lở, đá lăn, trượt sạt gây thiệt hại đến tính mạng của người dân.

Cuộc sống, sản xuất của người dân vùng hồ có nhiều rủi ro trước sự biến đổi của thời tiết, thiên nhiên. Tháng 7/2021, mực nước hồ thuỷ điện xuống thấp kỷ lục, các con suối, nhánh sông bị khô cạn, cá lồng chết hàng loạt… Nắng nóng thiêu đốt kéo dài cả tháng trời, nước hồ thì cứ rút, nhiều khu vực hồ cạn trơ đáy, chỉ còn những eo nước nhỏ khô quắt, hằn những thớ đất nứt nẻ, những lồng bè cá co cụm dần theo con nước. Người dân thấp thỏm, lo lắng nhìn nước đỏ phù sa từ thượng nguồn loang dài đến đâu, cá sặc bùn, lờ đờ, ngoắc ngoải, chết sặc đến đó. Lòng hồ khi ấy thật hoang tàn, bên lồng cá, người dân vùng hồ mặt mày hốc hác, thẫn thờ, nước mắt đỏ hoe cố gắng vớt con cá nặng hàng chục kg đã chết, sục nước cứu vớt những con cá còn lại.

Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Xa Văn Thức kể lại: Nhìn dân mình vớt cá, cứu cá mà như muối xát lòng. Xóm Tút là xóm trượt sạt, Nhà nước đầu tư xây dựng khu tái định cư, người dân vừa mới ổn định cuộc sống thì cá bị chết hàng loạt do nắng nóng, sặc nước hồ. Lượng mưa ít, mực nước sông Đà trên địa phận tỉnh Hòa Bình xuống thấp, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên tới 39 - 420C kéo dài trong nhiều ngày, gây ra hiện tượng nước sông sục bùn, thiếu oxy. Giá các loại cá đều giảm tới một nửa, khó bán. Xã có 7 xóm ven hồ với 700 lồng cá. Cá trắm đen gần chục kg, cá chiên, lăng 1 - 3 kg cũng chết. Người dân trông chờ vào nuôi cá, lên đồi trông vào gốc ngô thì không đủ ăn, đánh rọ tôm, nuôi cá là chính. Nhiều hộ trắng tay, biết bao tiền của, mồ hôi, công sức, dự định tan thành mây khói, cuộc sống chìm trong khó khăn. Năm đó, riêng huyện Đà Bắc bị thiệt hại hơn 30 tấn cá của người dân các xã: Đồng Ruộng, Nánh Nghê, Đồng Chum, Mường Chiềng, Tiền Phong, Yên Hòa. Thiên nhiên, thiên tai vùng hồ bất ổn, những biểu hiện bị tác động của biến đổi khí hậu cùng những tác động tiêu cực đang tàn phá tự nhiên. Cuộc sống người dân vùng hồ thường trực nguy cơ bấp bênh, nhiều rủi ro, cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài, cải thiện sinh kế bền vững.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi cho biết: Để phòng, chống thiên tai, huyện chỉ đạo rà soát các khu vực nguy cơ cao trượt sạt, lở đất, lũ ống, lũ quét; tuyên truyền, cảnh báo người dân, chủ động triển khai các phương án phòng tránh, sẵn sàng di dời người dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Đặc biệt đề cao vai trò của chính quyền cơ sở, chủ động, cảnh báo, kiên quyết không để hộ dân nào sống trong vùng nguy hiểm ven suối, sườn núi, đồi tiềm ẩn nguy cơ trượt sạt, đá lở, đá lăn, lũ ống, lũ quét, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người. Đối với việc phát triển nuôi cá lồng bè, huyện đã kiến nghị tỉnh có ý kiến với Công ty thủy điện Hòa Bình, Sơn La có kế hoạch phát điện, xả nước để thông báo cho chính quyền, người dân. Từ đó có phương án sản xuất, thông báo, tuyên truyền cho người dân vùng hồ điều chỉnh mùa vụ, thu hoạch cá sớm hơn đề phòng nước hồ về đột ngột làm cá chết hàng loạt gây thiệt hại cho người dân. Đẩy mạnh liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá sông Đà.

(Còn nữa)

 

Lê Chung


Các tin khác


Bảo vệ môi trường không khí trước nguy cơ ô nhiễm

(HBĐT) - Theo đánh giá của ngành chức năng, chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn tốt. Tuy nhiên, nguy cơ ô nhiễm tiềm ẩn khi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá phát triển với quy mô dân số đô thị gia tăng. Cùng với đó là tốc độ gia tăng các phương tiện cá nhân ngày càng lớn, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và làng nghề được đẩy mạnh nhưng thiếu bền vững, chưa có quy hoạch bảo vệ môi trường (BVMT).

Báo động tình trạng “bạo lực mạng”

(HBĐT) - Theo thượng tá Nguyễn Văn Vận, Phó trưởng Phòng CSHS (Công an tỉnh), để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, việc tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý con em ngay từ gia đình được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhất. 

Nét đẹp nơi miền đất cổ

(HBĐT) - Vùng đất Cao Sơn (trước là xã Cao Răm) huyện Lương Sơn có 4 di tích quốc gia gồm: hang Chổ, hang Núi Sáng, động Mãn Nguyện, hang Khụ Thượng… Nơi đây không chỉ chứa đựng nhiều dấu tích của người xưa mà còn giữ nét văn hóa cộng đồng bao đời nay.

Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 3: Giữ gìn, phát huy những báu vật của cha ông

(HBĐT) - Xứ Mường Hòa Bình luôn tự hào là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, nơi sở hữu kho tàng di sản văn hoá (DSVH) đồ sộ với những "báu vật” vô giá mà cha ông để lại như mo Mường, chiêng Mường, các lễ hội, loại hình chữ viết, nhạc cụ dân tộc… Đặc biệt đáng quý, nơi đây có những con người yêu tha thiết văn hóa dân tộc, để rồi cùng nhau quyết tâm thực hiện một hành trình vô cùng tâm huyết và ý nghĩa: Gìn giữ, phát huy những "báu vật” của cha ông.

Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 2: Đưa chữ viết, dân ca phổ biến trong cuộc sống đương đại

(HBĐT) - Nếu tiếng nói, chữ viết là công cụ tư duy, phương tiện giao tiếp để thể hiện, lưu giữ, truyền bá tri thức thì dân ca, dân vũ truyền thống là nét sinh hoạt văn hoá, món ăn tinh thần gắn chặt với đời sống của người dân xứ Mường. Việc truyền dạy chữ viết là cấp thiết nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Với dân ca, dân vũ là để lưu giữ cái hay, cái đẹp, đưa các làn điệu dân ca, dân vũ phổ biến, hoà quyện vào "hơi thở” nhịp sống đương đại.  

Tôn vinh nghệ nhân xứ Mường: Bài 1 - Động lực cho những báu vật nhân văn sống

(HBĐT) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giá trị di sản văn hoá (DSVH) các dân tộc tỉnh Hòa Bình không bị mất đi mà được bảo tồn, phát huy tạo nên bức tranh đa màu sắc. Công lao trên trước hết thuộc về những nghệ nhân có vai trò nắm giữ, trao truyền. Họ - những "báu vật nhân văn sống" đang thực hiện sứ mệnh lưu truyền tinh hoa văn hoá truyền thống trong dòng chảy văn hóa Việt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục