>> Bài 2- Tập trung giải pháp tiếp tục cải thiện chỉ số cải cách hành chính
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Phú Cường (Tân Lạc) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Đột phá trong chỉ đạo, điều hành
Điểm chỉ số Par Index được xác định bởi hai nhóm gồm: Điểm đánh giá của Bộ Nội vụ về kết quả thực hiện CCHC và điểm điều tra xã hội học. Năm qua, các tiêu chí tăng điểm của tỉnh gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC, cải cách tổ chức bộ máy; đánh giá một số tiêu chí về phát triển KT-XH; khảo sát lãnh đạo, quản lý đối với các lĩnh vực CCHC (đối tượng khảo sát đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo cấp huyện; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc sở).
Là đơn vị dẫn đầu chỉ số CCHC và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2022, TP Hòa Bình có nhiều giải pháp thực hiện CCHC. Đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình cho biết: Xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, then chốt trong đẩy mạnh phát triển KT-XH, ngay từ đầu năm, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2022. Kế hoạch gồm 46 nhiệm vụ chính trên tất cả các lĩnh vực CCHC, được giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện. Thành phố đã hoàn thành 46/46 nhiệm vụ trong kế hoạch; không có nhiệm vụ nào hoàn thành quá hạn. UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ công tác CCHC trên 6 lĩnh vực, trọng tâm là: Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp; bố trí, sắp xếp số lượng cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo theo quy định; đẩy mạnh cải cách TTHC phục vụ người dân, tổ chức; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số hướng tới xây dựng thành phố thông minh, hiện đại...
Năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và BCĐ CCHC đã chỉ đạo quyết liệt về công tác CCHC. BCĐ CCHC tỉnh tăng cường công tác kiểm tra và yêu cầu các ngành, địa phương kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ CCHC được chỉ ra qua kiểm tra; kịp thời khắc phục những chỉ số chưa đạt trong năm trước. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, truyền thông về được thực hiện dưới hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, lan tỏa kịp thời, nhanh chóng những kết quả, chính sách mới về CCHC đến người dân và tổ chức. Một số ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Một số đơn vị tích cực nghiên cứu các giải pháp mới, thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng CNTT để nâng cao hoạt động của cơ quan nhà nước và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, tổ chức.
Kết quả cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022 của tỉnh đạt 89,23%, tăng 1,33% so với năm 2021. Lý giải thêm về kết quả này, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Do năm 2022, BCĐ CCHC của tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong chỉ số CCHC năm 2021. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra CCHC. Qua đó, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém... Tuy nhiên, số điểm còn lại chưa đạt là do nhiệm vụ công khai cập nhật TTHC chưa đạt yêu cầu, không công khai, cập nhật đầy đủ TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Năm 2022, chỉ có 1 sáng kiến mới trong CCHC được Hội đồng thẩm định chấp thuận, các sáng kiến còn lại chưa thể hiện sự đột phá khi triển khai. Đối với tiêu chí thành phần "Đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp”, tỉnh đã tổ chức được nhiều cuộc đối thoại, nhưng không cung cấp được tài liệu kiểm chứng. Sở Nội vụ đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp cuộc đối thoại năm 2022 của lãnh đạo tỉnh với người dân huyện Lương Sơn, TP Hòa Bình, thanh niên tỉnh và được Hội đồng thẩm định chấp nhận tính 1 điểm cho tiêu chí này...
Các tiêu chí phát triển KT-XH góp phần tăng điểm
Đánh giá một số tiêu chí về phát triển của tỉnh năm 2022, đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ CCHC tỉnh khẳng định: Các tiêu chí, lĩnh vực chưa đạt được hoặc đạt được ở mức thấp trong CCHC năm 2021 tiếp tục được cải thiện trong năm 2022. Nhiều lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể như công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách tổ chức bộ máy và các tiêu chí về phát triển KT-XH. Chỉ số này đạt 82,46%, tăng 15,86% so với năm 2021. Để đạt được kết quả này là do mức độ thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2022 tăng so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng. Tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp tăng so với năm 2021. Tỉnh đã đạt và vượt 18/19 chỉ tiêu KT-XH. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9,03%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo giá so sánh ước đạt 12.483 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 42.036 tỷ đồng, tăng 15,04% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 53.485 tỷ đồng, tăng 20,27% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.437,2 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng... Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo; QP-AN, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh tăng về thứ bậc, nhưng điểm số giảm do việc điều chỉnh các nội dung thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần (đạt 86,30%), xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2021. Chỉ số trung bình của cả nước đạt 84,79%, toàn quốc đạt 90,10%, thì chỉ số của tỉnh thấp hơn 3,80%. So với tỉnh Bắc Giang là tỉnh đứng đầu các địa phương thuộc khu vực Trung du - miền núi phía Bắc, chỉ số của tỉnh thấp hơn 2,24%; so với tỉnh Sơn La đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố thì chỉ số của tỉnh thấp hơn 0,48%. Việc đánh giá đúng những mặt còn hạn chế ảnh hưởng đến kết quả chỉ số CCHC tỉnh năm 2022 là cần thiết để tỉnh triển khai các giải pháp duy trì thứ hạng, cải thiện chỉ số CCHC năm 2023 và các năm tiếp theo.
(Còn nữa)
Hương Lan