(HBĐT) - Huyện Yên Thủy thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo phương châm giữ vững cây trồng truyền thống, đẩy mạnh đưa giống cây trồng mới phù hợp với địa phương, ưu tiên cây trồng có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, sản lượng. Còn đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phát huy lợi thế sản xuất một số vật nuôi có khả năng cạnh tranh cao; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, gia trại. Phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và đạt mức tăng trưởng 7 - 8%/năm.


>> Bài 1 - Phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch



Người dân xóm Nhuội, xã Đa Phúc (Yên Thủy) chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao.

Lựa chọn cây trồng phù hợp, hình thành vùng nguyên liệu tập trung

Sau 4 - 5 năm trồng sắn liên tục, đất có dấu hiệu bạc màu, ngoài ra một số diện tích sắn bị bệnh khảm lá sắn, do đó chính quyền xã Đa Phúc tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang các cây trồng khác như mía và các loại rau màu.

Đưa chúng tôi đi thăm ruộng dưa chuột đang cho thu hoạch, anh Bùi Văn Thực, xóm Nhuội, xã Đa Phúc cho biết: Ruộng này của gia đình tôi rộng hơn 2.000 m2. Trước đây trồng sắn nhưng sắn hay bị bệnh thối củ, năng suất thấp nên sau đó chuyển sang trồng ngô. Nếu năng suất ngô đảm bảo 1 năm 2 vụ thì thu được khoảng 16 triệu đồng nhưng mấy năm gần đây ngô bị sâu nhiều, năng suất sụt giảm nên gia đình chuyển sang trồng dưa chuột. Vụ đông trồng dưa nếp, vụ hè trồng dưa lai. Với giá bán dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tư thương thu mua tại vườn thì trên diện tích này 1 năm trồng dưa chuột thu được khoảng 40 - 50 triệu đồng, gấp 3 lần so với trồng ngô.

Mô hình trồng dưa chuột, hướng tới mở rộng diện tích, hình thành vùng trồng dưa chuột đạt tiêu chuẩn VietGAP cùng với việc mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu là hướng đi xã Đa Phúc đang quan tâm triển khai để chuyển đổi 50 ha trồng sắn kém hiệu quả.

Cùng với Đa Phúc, các địa phương trên địa bàn huyện Yên Thủy cũngtích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng phù hợp; mở rộng vùng trồng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP; đẩy mạnh đưa giống cây trồng mới phù hợp với địa phương; ưu tiên cây trồng có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, sản lượng. Như với cây ngô, diện tích hiện nay là 2.858 ha, cần duy trì ở mức 2.600 ha; chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, bí xanh. Đồng thời tập trung trồng các giống ngô lai có năng suất cao, khả năng kháng chịu sâu bệnh; áp dụng đồng bộ kỹ thuật trong thâm canh ngô, xây dựng vùng sản xuất ngô tập trung. Đối với cây lúa, diện tích toàn huyện là 3.100 ha, huyện chủ trương giảm diện tích trồng lúa còn khoảng 2.700 ha, sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao; tích cực dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác.

Riêng đối với cây ăn quả có múi, huyện chủ trương giảm diện tích từ 1.200 ha còn trên 800 ha. Khuyến khích hình thành các vườn cây ăn quả tập trung áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, hữu cơ, VietGAP; hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cây ăn quả. Tuyển lựa những loại cây ăn quả có chất lượng tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và giá trị kinh tế cao.

Đồng chí Bùi Thị Xanh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Với các loại cây trồng khác, cụ thể như cây sắn diện tích hiện nay là 1.200 ha, huyện quy hoạch giảm còn 1.000 ha, chuyển sang trồng mía nguyên liệu, cây dược liệu. Các cây trồng khác tiếp tục duy trì hoặc mở rộng diện tích, như tăng diện tích trồng khoai sọ từ 80 ha lên 100 ha, duy trì diện tích trồng lạc 1.900 ha. Mở rộng diện tích trồng rau, tập trung phát triển cây rau thế mạnh như bí xanh, bí đỏ, dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh, duy trì diện tích rau các loại khoảng 1.400 ha. Áp dụng kỹ thuật trồng rau theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm; tiếp tục rà soát, nhân rộng vùng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Huyện cũng chủ trương phát triển cây dược liệu ở các xã: Bảo Hiệu, Lạc Lương, Lạc Sỹ, Đa Phúc, Yên Trị theo hướng duy trì diện tích cây cà gai leo; trồng một số cây dược liệu khác như đinh lăng, sả, xạ đen…

Phát huy lợi thế sản xuất vật nuôi có khả năng cạnh tranh cao

Cuối tháng 3, bà con xã Lạc Sỹ phấn khởi đón nhận chứng nhận nhãn hiệu "Lợn bản địa Lạc Sỹ”. Đây là bước ngoặt quan trọng, khẳng định thương hiệu, chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế cho lợn bản địa Lạc Sỹ. Đồng chí Bùi Tuấn Hải, Chủ tịch UBND xã Lạc Sỹ cho biết: Lợn bản địa Lạc Sỹ được nuôi tập trung ở xã Lạc Sỹ theo phương thức bán hoang dã hoặc hoang dã. Thức ăn chủ yếu là chất xơ, chúng ăn sống hầu hết các loại rau, củ, quả có sẵn tại địa phương. Vì thế chất lượng thịt lợn bản địa Lạc Sỹ thơm ngon, mềm, bì giòn, mỡ thơm ngậy ăn không ngấy. Với mục đích phát triển nghề nuôi lợn bản địa Lạc Sỹ bền vững, xây dựng mô hình để bảo tồn gen và tạo thành vùng nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học, công nghệ tỉnh đã tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Lợn bản địa Lạc Sỹ” với quy mô 30 con lợn giống, trong đó có 29 con nái và 1 con đực; 30 hộ tham gia. Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm "Lợn bản địa Lạc Sỹ” đã được trao cho 30 hộ chăn nuôi tiêu biểu xã Lạc Sỹ. Việc nuôi lợn bản địa cho thấy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp điều kiện địa phương, chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, mô hình nuôi lợn bản địa phát triển trong toàn xã.

Từ mô hình nuôi lợn bản địa tại xã Lạc Sỹ, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030 sẽ phát triển mô hình nuôi lợn bản địa trên địa bàn 4 xã: Lạc Sỹ, Lạc Lương, Bảo Hiệu, Đa Phúc. Đây là một hướng đi mới nhằm tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh việc tăng đàn lợn bản địa, huyện chủ trương khuyến khích chăn nuôi lợn tập trung trang trại, gia trại vừa và nhỏ ở những nơi xa khu dân cư, xa khu vực đầu nguồn nước; hình thành vùng chăn nuôi an toàn. Triển khai chương trình chăn nuôi an toàn sinh học để khôi phục và tái đàn lợn, phấn đấu nâng tổng đàn từ 44.000 con hiện nay lên 48.000 con vào năm 2025.

Ngoài ra, với phương châm tái cơ cấu chăn nuôi gắn với tái cơ cấu trồng trọt nhằm sử dụng qua lại các sản phẩm của trồng trọt cho chăn nuôi và chăn nuôi cho trồng trọt, giảm chi phí ban đầu cho sản xuất, huyện chủ trương chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, thả rông sang chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung. Phấn đấu việc nuôi trâu, bò tăng 2%/năm; chuyển từ chăn nuôi chăn thả sang chăn nuôi có kiểm soát. Phát triển việc trồng cỏ tập trung, ngô sinh khối, cây thức ăn xanh và chế biến nguồn phụ phẩm, dự trữ nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò… trên toàn huyện đạt khoảng 150 ha.

Hiện, huyện Yên Thủy cũng tập trung tận dụng những khu vực có nhiều rừng, cây như: Lạc Sỹ, Lạc Lương, Bảo Hiệu, Đoàn Kết, Hữu Lợi… để phát triển nghề nuôi ong, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 4 nghìn đàn, sản lượng mật ong đạt trên 110 tấn, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu mật ong Yên Thủy.

(Còn nữa)

Dương Liễu

Các tin khác


Hành trình "4 sao" - Bài 3: Quà tặng thổ cẩm - Kế thừa tinh hoa nghề dệt truyền thống

(HBĐT) -  Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu có từ rất lâu đời. Xưa kia, phụ nữ Thái trồng bông, se sợi và dệt vải để tự may trang phục cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, việc sử dụng quần áo may sẵn trở nên tiện lợi nên nhiều người Thái ở huyện Mai Châu bỏ khung cửi, nghề dệt dần mai một. Mong muốn khôi phục nghề truyền thống, chị Vì Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu, Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu) đã kế thừa và phát huy tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế để tạo ra những sản phẩm mới, vừa mang nét văn hóa dân tộc, vừa mang tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng. Chị Oanh làchủ của 2 sản phẩm OCOP, trong đó, sản phẩm "Túi quà tặng thổ cẩm" đạt tiêu chuẩn 4 sao được thị trường ưa chuộng.

Hành trình 4 sao: Bài 2 - Cam quà tặng cao cấp 3T Farm - hành trình 3 tốt

(HBĐT) - Trên các diễn đàn khởi nghiệp, chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong có lẽ là cái tên quen thuộc. Không chỉ được biết đến là người trồng cam lâu năm, chị Thủy còn là người đi những con đường chưa ai đi, làm những việc chưa ai làm chỉ với một mong muốn duy nhất: nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong. Chị chính là chủ nhân của sản phẩm OCOP 4 sao "Cam quà tặng cao cấp 3T farm" có tiếng thị trường.

Hành trình "4 sao": Bài 1 - Cao dược liệu Tuyết Nhi - chắt lọc tinh túy của núi rừng

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 99 sản phẩm 3 sao và 24 sản phẩm 4 sao. Trong số 24 sản phẩm OCOP 4 sao có những sản phẩm do các doanh nghiệp tạo dựng và cũng có sản phẩm là tâm huyết của những người phụ nữ lần đầu khởi nghiệp. Không có kiến thức sâu về kinh doanh và chưa am hiểu nhiều về thị trường nhưng bằng sự nỗ lực, học hỏi, nhiều chị em đã "đánh thức” đặc sản của địa phương, tài nguyên bản địa để tạo ra những sản phẩm uy tín, chất lượng, được thị trường đón nhận, mở ra cơ hội thoát nghèo cho bản thân và nhiều lao động nông thôn.

Từ xóm “chạy” lũ đến bản làng bình yên

(HBĐT) - Nhìn khung cảnh khang trang, thơ mộng của xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), ít ai có thể tưởng tượng được 6 năm về trước, bà con bản Dao này thẫn thờ vì nguy cơ có thể trượt sạt hơn 30 nóc nhà xuống lòng hồ Hòa Bình.

Điện Biên Phủ - ngày trở về

(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, từ tháng tư, thành phố Điện Biên Phủ rợp sắc cờ hoa. Dòng người ngược lên Tây Bắc cứ nối dài. Trở về Điện Biên! Trở về với những địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... về với hoa ban, với điệu xòe nồng say; trở về với những ký ức hào hùng giữa mùa ban nở trắng trời.

Huyện Yên Thủy: Phát triển kinh tế tập thể

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy có tổng diện tích đất tự nhiên gần 29.000 ha. Toàn huyện có hơn 1.200 hộ đã hợp tác, góp vốn, góp sức hình thành 40 tổ hợp tác, 41 hợp tác xã (HTX), góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, có nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng như: bưởi Diễn Yên Thủy, hành tăm Phú Lai, khoai sọ Yên Trị, mật ong Lạc Lương, Lạc Sỹ, cao - trà cà gai leo, cao xạ đen, dầu vừng, dầu lạc... Năm 2022, huyện đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ thành lập mới được 4 HTX, gồm: HTX nông nghiệp xóm Thung, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lợi Phát, HTX thương mại và dịch vụ Thịnh Phát, HTX nông nghiệp Hòa Phát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục