(HBĐT) - Được Thường trực Tỉnh ủy và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cho phép, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh ra quyết định thành lập đoàn công tác sang nước bạn Lào. Sáng 14/5/2023, đoàn xuất phát từ TP Hòa Bình theo quốc lộ 6 lên Mộc Châu rồi qua cửa khẩu quốc tế Lóng Sập. Đang mùa hè, nhưng tại Lóng Sập trời se lạnh. Cơn mưa nhỏ kéo đến và gió thì ào ào không ngớt. Từ cửa khẩu Lóng Sập xuôi dốc trên 40 km thì đến thị tứ Sốp Bau. Chúng tôi nghỉ ăn trưa, mua sim điện thoại nước bạn và đổi tiền Việt Nam sang tiền Kip của Lào. Tiếp tục hành trình xuôi dốc, được nửa đường thì bạn cho người đón. Khoảng 14h cùng ngày, chúng tôi về huyện Sầm Nưa, thủ phủ tỉnh Hủa Phăn.


Một góc Bản Đon ở huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, nước Lào.

Cái tên Sầm Nưa đối với bao thế hệ người Việt Nam trở nên thân thương, yêu và nhớ qua bài hát nổi tiếng "Cô gái Sầm Nưa" của nhạc sỹ Trần Tiến. Những dịp giao lưu văn nghệ ở miền Tây Bắc, không mấy khi thiếu "Cô gái Sầm Nưa” để cùng hát, cùng múa Lăm vông uyển chuyển, tình tứ và thân mật. Chính thế, ai cũng mong nhanh đến huyện Sầm Nưa để được chiêm ngưỡng những cô gái Sầm Nưa xinh đẹp.

Ngay tối đầu tiên trên đất nước Lào, chúng tôi được ông Phút Phăn Keo Vông Say, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn; ông Chay Phết Hương Tha Von, Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp; bà Mẳn Phênh Khạ Ti Nhạ, Giám đốc và ông Bun Tong In Thạ Phăn Nha, Phó Giám Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch; ông Bun Phon Bút Pha Chăn, Phó Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp; ông E Săm Vi Lay Chít, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông; bà Kham Phon Sổm Bun, Phó Chủ tịch huyện Sầm Nưa cùng một số lãnh đạo các sở đón tiếp thân tình.

Trong buổi tiếp kiến này, chúng tôi được ông Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn cho biết, tỉnh có 9 dân tộc anh em, trong đó có dân tộc Mường ở Bản Đon, huyện Sầm Nưa. Như vậy, một cộng đồng người Mường ngoài lãnh thổ Việt Nam đã được xác quyết. Theo tài liệu do Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Hủa Phăn thì đây là người Mường Việt Nam đến Bản Đon hàng trăm năm trước. Tuy nhiên, họ đến từ tỉnh nào của Việt Nam thì chưa rõ (?).

Hôm sau, ngày 15/5, chúng tôi được ông E Săm Vi Lay Chít đưa đến Bản Đon. Từ Sầm Nưa, theo đường 6A khoảng gần 30 km hướng đi Xiêng Khoảng là tới Bản Đon. Vừa tới đầu bản, chúng tôi thấy bà con tập trung tương đối đông. Người mổ cá ướp gia vị, người đồ xôi, người chế biến thức ăn rất tấp nập. Thế rồi các mế già cầm tay chúng tôi mà hỏi thăm bằng tiếng Mường mang đến bao cảm xúc. Chúng tôi cứ ngỡ mình đang ở Hòa Bình chứ không phải trên đất nước Lào. Tranh thủ thời gian ít ỏi, chúng tôi chia tổ thâm nhập "xứ Mường” mong biết rõ hơn, nhiều hơn về cộng đồng dân tộc Mường nơi đây.

Hiện tại, Bản Đon có 103 hộ đều là hộ người Mường với trên 850 khẩu là người Mường và người Lào làm con dâu người Mường, ngoài ra không có hộ nào thuộc dân tộc khác. Người Mường ở Bản Đon nói tiếng Mường pha trộn với tiếng Lào, ở nhà sàn Lào, dùng trang phục Lào, mang họ tên Lào. Đời sống của bà con còn khó khăn. Ngạc nhiên xen với tự hào vì người Mường nơi đây có ông Phu Sôn Thăm Mạ Vi Say, nguyên Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn, nghỉ hưu, ông về sống tại Bản Đon; ông Bun Phon Bút Pha Chăn hiện là Phó Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Hủa Phăn cũng là người dân tộc Mường ở Bản Đon.

Khoảng 16h cùng ngày, chúng tôi trở lại trường học, nơi diễn ra cuộc giao lưu với bà con Bản Đon. Thật ngỡ ngàng và xúc động đến ái ngại khi cán bộ và nhân dân Bản Đon xếp hai hàng dài bên lối vào cùng vỗ tay đón khách. Lễ đài cùng ba khuông rạp được dựng lên vuông vức tạo không khí đầm ấm. Rất đông bà con có mặt và ngồi ngay ngắn kín các khuông rạp. Sau lời giới thiệu của hai bên thì hai cụ ông kể những hiểu biết của mình về Bản Đon bằng tiếng Mường pha lẫn tiếng Lào. Các ông, bà: Bùi Nỏm, Bùi Thanh Bình, Quách Tự Hải, Nguyễn Thành Viên, Nguyễn Tiến Lợi, Đinh Thị Thảo, Nguyễn Thị Lan, Bùi Hoàng Bột…(là người Mường Hòa Bình) đều có chung nhận xét: Hai vị cao niên dùng nhiều tiếng Mường cổ và mang giọng người Mường Tân Lạc, Lạc Sơn… Theo nội dung câu chuyện thì tổ tiên họ từ tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa của Việt Nam sang từ vài trăm năm trước. Đầu tiên có 3 gia đình, sau đó có 10 gia đình (nhiều đợt)… tới đây khai phá đất hoang lập làng…

Sau phần hai bên tìm hiểu lẫn nhau là nghi lễ buộc chỉ cổ tay. Một lớp học ba gian được trải chiếu (bàn ghế đã mang ra ngoài). Tại gian đầu đặt một mâm có thủ, lòng, gan, chân giò lợn đã luộc và xôi đồ… Ông thầy cúng cùng khách ngồi quanh mâm cúng, còn dân làng ngồi thành hàng ở hai gian còn lại. Điều rất thú vị khi thầy cúng chính là ông mo của người Mường. Bài cúng không khác gì áng mo, tập trung vào cầu may cho khách, tăng thêm tình thân và năng lui tới với nhau. Sau bài mo thì chủ và khách cùng thụ lộc (thưởng thức tại chỗ đồ ăn trong mâm cúng). Rồi đến buộc chỉ cổ tay. Ông mo một tay nắm bàn tay của đại diện khách, một tay cầm dây chỉ vàng đã tết mà kéo đi kéo lại trên cổ tay, mu bàn tay khách vừa mo nói "điều tốt đi vào, điều xấu đi ra …”, sau đó buộc dây chỉ vào cổ tay khách. Sau ông mo thì rất nhiều người khác cùng buộc chỉ. Một vị khách có thể được nhiều người buộc chỉ, một bên tay, hai bên tay… Sau lễ buộc chỉ cổ tay là bữa ăn chiều và chương trình giao lưu văn nghệ sôi nổi, nồng nàn.

Cuộc gặp gỡ tuy ngắn, nhưng để lại biết bao cảm xúc. Là người thực hiện chuyến đi Hủa Phăn lần đầu tiên này, chúng tôi chỉ biết nói là rất cảm động và đồng cảm với bà con. Thấy có người Mường đến tìm, nhiều người già đã không cầm được nước mắt. Cả Bản Đon như mở hội đón người Mường từ Việt Nam sang. Tới đâu, gặp ai cũng thân tình. Bà con ai cũng đều tha thiết được làm rõ nguồn gốc và kết nối với cội nguồn người Mường để tiếp tục duy trì, phục hồi bản sắc văn hóa Mường. Bằng thực tế chuyến đi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình phác thảo mấy việc cần làm ngay: Tiếp tục nghiên cứu sâu về cộng đồng người Mường ở Bản Đon; tặng Bản Đon một bộ chiêng Mường (12 chiếc) cùng 12 bộ trang phục phụ nữ Mường; mở lớp ngắn ngày dạy một số bài chiêng (xéc bùa) và hướng dẫn sử dụng trang phục dân tộc Mường; khuyến cáo bà con tăng cường giao tiếp bằng tiếng Mường và thực hiện phong tục tập quán của người Mường…


Ghi chép của Lê Va


Các tin khác


Nghe dân nói, làm dân tin

(HBĐT) - "Trường học bộ đội" ở xã Sơn Thủy, "Ngô bộ đội" ở xã Vân Sơn, "Giếng nước bộ đội" ở xã Hang Kia, "Đường bộ đội" ở xã Độc Lập... Những cái tên gần gũi mà sâu lắng, mộc mạc mà cao quý được Nhân dân đặt cho những công trình, việc làm bộ đội giúp đỡ dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng chính điều đó đã nói lên tình cảm cũng như ghi nhận của Nhân dân đối với việc làm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trong những năm qua.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch Mường Vang: Bài 2 - Nỗ lực đón "sóng” đầu tư vào du lịch

(HBĐT) - Thu hút đầu tư được huyện Lạc Sơn xác định là yếu tố then chốt, quan trọng hàng đầu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó, du lịch là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bên cạnh các lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác lợi thế về đất đai, tài nguyên khoáng sản.

Xây dựng thương hiệu cho du lịch Mường Vang: Bài 1 - Sức hút tài nguyên du lịch

(HBĐT) - Với nét văn hoá Mường đặc sắc, địa hình vùng cao với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu ôn hoà, huyện Lạc Sơn đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 26/7/2021 của Huyện ủy về phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. 

Hành trình "4 sao" - Bài 3: Quà tặng thổ cẩm - Kế thừa tinh hoa nghề dệt truyền thống

(HBĐT) -  Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu có từ rất lâu đời. Xưa kia, phụ nữ Thái trồng bông, se sợi và dệt vải để tự may trang phục cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, việc sử dụng quần áo may sẵn trở nên tiện lợi nên nhiều người Thái ở huyện Mai Châu bỏ khung cửi, nghề dệt dần mai một. Mong muốn khôi phục nghề truyền thống, chị Vì Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu, Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu) đã kế thừa và phát huy tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế để tạo ra những sản phẩm mới, vừa mang nét văn hóa dân tộc, vừa mang tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng. Chị Oanh làchủ của 2 sản phẩm OCOP, trong đó, sản phẩm "Túi quà tặng thổ cẩm" đạt tiêu chuẩn 4 sao được thị trường ưa chuộng.

Hành trình 4 sao: Bài 2 - Cam quà tặng cao cấp 3T Farm - hành trình 3 tốt

(HBĐT) - Trên các diễn đàn khởi nghiệp, chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong có lẽ là cái tên quen thuộc. Không chỉ được biết đến là người trồng cam lâu năm, chị Thủy còn là người đi những con đường chưa ai đi, làm những việc chưa ai làm chỉ với một mong muốn duy nhất: nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong. Chị chính là chủ nhân của sản phẩm OCOP 4 sao "Cam quà tặng cao cấp 3T farm" có tiếng thị trường.

Hành trình "4 sao": Bài 1 - Cao dược liệu Tuyết Nhi - chắt lọc tinh túy của núi rừng

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 99 sản phẩm 3 sao và 24 sản phẩm 4 sao. Trong số 24 sản phẩm OCOP 4 sao có những sản phẩm do các doanh nghiệp tạo dựng và cũng có sản phẩm là tâm huyết của những người phụ nữ lần đầu khởi nghiệp. Không có kiến thức sâu về kinh doanh và chưa am hiểu nhiều về thị trường nhưng bằng sự nỗ lực, học hỏi, nhiều chị em đã "đánh thức” đặc sản của địa phương, tài nguyên bản địa để tạo ra những sản phẩm uy tín, chất lượng, được thị trường đón nhận, mở ra cơ hội thoát nghèo cho bản thân và nhiều lao động nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục