(HBĐT) - "Trường học bộ đội" ở xã Sơn Thủy, "Ngô bộ đội" ở xã Vân Sơn, "Giếng nước bộ đội" ở xã Hang Kia, "Đường bộ đội" ở xã Độc Lập... Những cái tên gần gũi mà sâu lắng, mộc mạc mà cao quý được Nhân dân đặt cho những công trình, việc làm bộ đội giúp đỡ dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cũng chính điều đó đã nói lên tình cảm cũng như ghi nhận của Nhân dân đối với việc làm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trong những năm qua.
Cán bộ Ban CHQS huyện Kim Bôi hướng dẫn Nhân dân xóm Bái Tam, xã Đú Sáng trồng cây mít Thái.
Đại tá Quách Đăng Phú, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh tâm sự: Hòa Bình là cửa ngõ Tây Bắc, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2012, tỉnh có tới 79/210 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), kinh tế chậm phát triển; đường sá trở ngại, năng suất lao động thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Do đó, nhiệm vụ xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc còn nhiều vấn đề nan giải. Với chức năng là đội quân công tác, chúng tôi xác định cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là từ cơ sở tìm hướng đi góp phần từng bước phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Từ suy nghĩ đó, bước đầu Bộ CHQS tỉnh phát động phong trào nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến "Hai giỏi" trong lực lượng dân quân tự vệ để nhân rộng đối với địa bàn khó khăn. Đồng thời khảo sát những địa phương được xác định khó khăn để tìm hiểu nguyên nhân, cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân bàn biện pháp khắc phục. Từ đó, Bộ CHQS tỉnh lập các đề án trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện, nổi bật như các mô hình: "Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu”; xây dựng "Làng, bản văn hoá - quốc phòng” ở địa bàn ĐBKK trong khu vực phòng thủ tỉnh; "LLVT tỉnh tham gia giúp đỡ các xã ĐBKK"; "Nâng cao chất lượng huấn luyện, kết hợp huy động lực lượng làm công tác dân vận, tham gia thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới"; Đề án diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phường, thị trấn tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn với quy hoạch thế trận quốc phòng... Từ những mô hình này, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.
Xã Hang Kia, huyện Mai Châu nhiều năm thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là vào mùa khô. Bộ CHQS tỉnh tham mưu Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 3 xây dựng 2 giếng khoan tặng bà con (tháng 5/2019). Một giếng khoan ở xóm Thung Mài có độ sâu 80m, lưu lượng nước lên 15m3/giờ; một giếng khoan ở xóm Hang Kia sâu 75m, lưu lượng nước lên 25m3/giờ. Cùng với đó, cán bộ, chiến sỹ LLVT xây 2 bể chứa nước dự trữ, đổ sân giếng, đường đi... Hai giếng nước phục vụ nước sinh hoạt cho đồng bào 3 xóm: Pà Khôm, Hang Kia, Thung Mài và các xóm lân cận của xã Hang Kia.
Thầy giáo Hà Công Đạt, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Ba Khan, xã Sơn Thủy - xã vùng xa của huyện Mai Châu xúc động khi thấy học sinh được học ở phòng học mới do bộ đội tặng năm 2019. Công trình có quy mô đầu tư nhà 1 tầng, đổ mái bằng có mái tôn chống nóng. Hai phòng học diện tích 160m2 và gần 150m2 sân chơi được đổ bê tông, đầu tư hoàn chỉnh, đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo dạy và học như: bàn, ghế, bảng viết, ti vi, máy tính… với tổng mức đầu tư 1,7 tỷ đồng được trích từ quỹ "Vì người nghèo" của Bộ Quốc phòng trao tặng. Hai phòng học được đưa vào sử dụng giảm khó khăn về thiếu phòng học, không còn tình trạng phải học ghép, học theo ca của học sinh nhà trường.
Con đường bê tông mới phẳng lì, rộng rãi đã thay thế con đường mòn, lầy lội là niềm vui mừng, phấn khởi lớn của nhân dân xóm Can, xã Độc Lập (TP Hòa Bình). Ông Nguyễn Xuân Mừng, 70 tuổi cho biết: "Người dân trước đây toàn đi đường mòn, đường lầy lội khó khăn, vất vả. Được Đảng, Nhà nước và đơn vị bộ đội về làm con đường bê tông như thế này chúng tôi rất phấn khởi". Đó là kết quả của 60 cán bộ, chiến sỹ gồm bộ đội, công an đã tổ chức hành quân dã ngoại kết hợp lực lượng dân quân và Nhân dân địa phương tổ chức san lấp, làm mới 2,5 km đường và đổ bê tông tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài khoảng 1,2km, nền đường rộng 3,5m. Trong đó, Nhà nước cấp kinh phí một phần mua xi măng, còn cát, sỏi, công trộn và vận chuyển bê tông do các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ.
Cũng trong đợt hành quân dã ngoại, các lực lượng tổ chức lao động giúp đỡ hộ hoàn cảnh khó khăn dọn dẹp nhà cửa, sân, đường, sửa chữa nhà ở... kết hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vệ sinh phòng chống dịch bệnh, áp dụng KHKT vào sản xuất nâng cao thu nhập, đặc biệt là các nội dung, tiêu chí trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Các mô hình: "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hòm tiết kiệm "Vì người nghèo”, "Ngôi nhà 1.000 đồng", "Đồng hành cùng em đến trường"... của cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực, có tính lan tỏa cao, góp phần giúp Nhân dân giảm bớt phần nào khó khăn, cải thiện đời sống. Chỉ tính 2 năm (2022 - 2023) đã có 17 "Ngôi nhà 1.000 đồng", hàng nghìn suất quà nhân dịp ngày lễ, Tết tặng các gia đình chính sách, gần 1.000 chiếc xe đạp, thẻ bảo hiểm y tế, học bổng, đồ dùng học tập tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá hàng chục tỷ đồng...
Từ năm 2009 đến nay, LLVT tỉnh đã xây dựng được 33 mô hình "Làng, bản văn hóa - quốc phòng”. Sau 14 năm triển khai, thực hiện đề án gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Bộ CHQS tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, các công trình vệ sinh, chuồng trại, kênh mương được xây dựng, cải tạo hợp vệ sinh; các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; từng bước đẩy lùi, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, tạo điều kiện nâng cao đời sống của Nhân dân.
Bà Bùi Thị Phong, 80 tuổi ở xóm Bái Tam, xã Đú Sáng (Kim Bôi) vui mừng khi được bộ đội và dân quân xã giúp cải tạo vườn tạp thành vườn rau cạnh nhà. Bà chia sẻ: "Ngày xưa chúng tôi phải vào rừng lấy nứa, lấy rau, bây giờ có bộ đội, dân quân giúp, gia đình rất mừng. Chúng tôi có vườn chắc chắn rồi, chỉ làm rau mà ăn thôi".
Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đã, đang tô thắm tình cảm quân dân ngày càng gắn bó, đồng thời mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện rõ phẩm chất cao quý "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới.
Đức Anh
(Bộ CHQS tỉnh)
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 99 sản phẩm 3 sao và 24 sản phẩm 4 sao. Trong số 24 sản phẩm OCOP 4 sao có những sản phẩm do các doanh nghiệp tạo dựng và cũng có sản phẩm là tâm huyết của những người phụ nữ lần đầu khởi nghiệp. Không có kiến thức sâu về kinh doanh và chưa am hiểu nhiều về thị trường nhưng bằng sự nỗ lực, học hỏi, nhiều chị em đã "đánh thức” đặc sản của địa phương, tài nguyên bản địa để tạo ra những sản phẩm uy tín, chất lượng, được thị trường đón nhận, mở ra cơ hội thoát nghèo cho bản thân và nhiều lao động nông thôn.
(HBĐT) - Nhìn khung cảnh khang trang, thơ mộng của xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc), ít ai có thể tưởng tượng được 6 năm về trước, bà con bản Dao này thẫn thờ vì nguy cơ có thể trượt sạt hơn 30 nóc nhà xuống lòng hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Năm nào cũng vậy, từ tháng tư, thành phố Điện Biên Phủ rợp sắc cờ hoa. Dòng người ngược lên Tây Bắc cứ nối dài. Trở về Điện Biên! Trở về với những địa danh Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam... về với hoa ban, với điệu xòe nồng say; trở về với những ký ức hào hùng giữa mùa ban nở trắng trời.
(HBĐT) - Huyện Yên Thủy có tổng diện tích đất tự nhiên gần 29.000 ha. Toàn huyện có hơn 1.200 hộ đã hợp tác, góp vốn, góp sức hình thành 40 tổ hợp tác, 41 hợp tác xã (HTX), góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, có nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng như: bưởi Diễn Yên Thủy, hành tăm Phú Lai, khoai sọ Yên Trị, mật ong Lạc Lương, Lạc Sỹ, cao - trà cà gai leo, cao xạ đen, dầu vừng, dầu lạc... Năm 2022, huyện đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ thành lập mới được 4 HTX, gồm: HTX nông nghiệp xóm Thung, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lợi Phát, HTX thương mại và dịch vụ Thịnh Phát, HTX nông nghiệp Hòa Phát.
(HBĐT) - Thời gian qua, hàng chục hộ dân xã Tú Lý, huyện Đà Bắc bức xúc vì đã làm các thủ tục đóng tiền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp từ năm 2019, đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN).
(HBĐT) - Mới đây, UBND huyện Đà Bắc đã xác minh đơn của ông Bùi Văn Diên, xóm Tân Lý, xã Tú Lý (Đà Bắc) liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp cho các hộ dân trên địa bàn.