Bản sắc văn hoá Mường được thể hiện đậm nét tại lễ hội đình Khênh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) năm 2023.
Những cảnh quan thiên nhiên hiếm có
Hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, cảnh sắc đẹp nao lòng và không khí trong lành là cảm nhận của nhiều người từng lên thăm các xã vùng cao Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do. Nơi đây giàu tiềm năng về du lịch khi sở hữu các điểm đến được yêu thích, trong đó, xã Ngọc Sơn có bãi nhảy dù quốc tế Bá Nhạ từng được Tổng cục Thể thao lựa chọn tổ chức khai mạc Giải dù lượn Việt Nam mở rộng năm 2014 nhờ vị trí lý tưởng, hội tụ đủ các yếu tố về không gian, thời tiết, cảnh sắc thơ mộng. Từ đỉnh Bá Nhạ, du khách có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Vụ Bản và các xã vùng trung tâm huyện.
Trên địa bàn xã Ngọc Lâu có địa danh Bãi Bùi rộng lớn, yên bình được ví như "thảo nguyên xanh”, nằm trên tuyến trecking Ngọc Sơn - Ngổ Luông - Cúc Phương, thích hợp là điểm dừng chân, ngắm cảnh, tổ chức các hoạt động vui chơi, cắm trại, đốt lửa trại.
Xã Tự Do có thác Mu thuộc địa bàn xóm Mu Khướng, là một trong những "tọa độ” du lịch địa phương hấp dẫn nhất. Nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, ở độ cao hơn 1.000 m, thác Mu mang nét đẹp kỳ vĩ, hoang sơ. Ba xã vùng cao cũng có lợi thế đặc biệt là vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông với thảm động, thực vật phong phú, đa dạng.
Một điểm đến ấn tượng khác là Đồi Thung, xã Quý Hoà được biết đến với những vạt rừng xanh mát, bản nhỏ bình yên bên những thửaruộng bậc thang. Cùng với các xã lân cậnTân Lập, Miền Đồi, xã Quý Hoà có hệ thống ruộng bậc thang rộng khắp, trở thành một trong những địa chỉ đang được các nhà khoa học nghiên cứu, khảo sát tiến tới xây dựng hồ sơ di sản ruộng bậc thang, gắn với quy hoạch phát triển du lịch. Tương tự như các điểm vùng cao khác, nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, có mó nước khoáng nóng và đỉnh Cốt Ca được xem là nóc nhà Mường Vang ở độ cao trên 1.000 m, quanh năm bao phủ bởi sương mù. Ngoài ra, huyện có hồ Cánh Tạng thuộc xã Yên Phú còn được ví như "hồ trên núi” với diện tích mặt nước khoảng 800 ha có thể kết hợp khai thác phát triển du lịch sinh thái, chèo thuyền, câu cá và nghỉ dưỡng cuối tuần.
Địa hình đa dạng, từ đồng bằng, thung lũng đến núi cao hiểm trở, có nhiều thác nước, hồ đập, độ che phủ rừng cao, nhiều cảnh quan còn hoang sơ… là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, thích hợp để huyện Lạc Sơn phát triển các loại hình du lịch khám phá, thể thao mạo hiểm, hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Sở hữu "kho tàng” văn hóa
Bên cạnh nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng, huyện Lạc Sơn còn là miền đất lịch sử, văn hoá với trên 91% dân số là người Mường, nhiều địa danh nổi tiếng như: Mường Khụ, Mường Vó, Mường Khói, Mường Vang… Với bề dày lịch sử, nhiều di tích, danh thắng cùng nét sinh hoạt văn hoá có từ lâu đời, huyện trở thành vùng mường đặc sắc, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, mang tính nhân văn. Những năm gần đây, du lịch cộng đồng từng bước hình thành ở xã Tự Do với mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá. Bà con ở nhiều bản làng trên địa bàn huyện như vùng Mường Vó, Mường Khói vẫn giữ được nhiều nét văn hoá, phong tục tập quán của dân tộc Mường, nhất là nếp nhà sàn truyền thống, trang phục, lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt, nghề truyền thống,ẩm thực…
Vùng Mường Vang còn là một trong những cái nôi của hát dân ca, thường rang bộ mẹng, hát ví, hát đối giao duyên cùng các văn hoá phi vật thể đặc sắc khác, gồm hệ thống lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, ngôn ngữ và bộ chữ Mường, các nghi lễ thờ tổ tiên, Mo Mường… Theo thống kê gần đây, toàn huyện hiện có 24 đội thông tin tuyên truyền cơ sở; 5 CLB hát thường rang, bộ mẹng, 1 CLB mo Mường, 3 CLB thơ ca, 252 CLB văn nghệ xóm, phố; phục dựng được 10 lễ hội truyền thống; có 16 di tích được công nhận, 3 di sản văn hoá phi vật thể được đưa vào đề án bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, huyện lưu giữ được hơn 3.000 chiêng Mường, trên 12.000 ngôi nhà sàn Mường, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể của dân tộc Mường.
Không chỉ vậy, huyện có các điểm đến du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch tín ngưỡng phong phú như: Chiến khu Mường Khói - xã Ân Nghĩa, Đài tưởng niệm liệt sỹ Tây Tiến - xã Thượng Cốc, địa điểm thành lập Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình - xã Nhân Nghĩa; các lễ hội đặc sắc như: đình Khênh - xã Văn Sơn, đình Cổi - xã Vũ Bình, đu Vôi, đền Trường Khạ - thị trấn Vụ Bản, Khụ Dúng - xã Nhân Nghĩa, đình Băng - xã Ngọc Lâu; hệ thống di tích như: đền Cây Đa - thị trấn Vụ Bản, hang xóm Trại - xã Tân Lập, di tích khảo cổ quốc gia Mái đá làng Vành - xã Yên Phú… Trên địa bàn có làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở xã Yên Nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ ở xã Nhân Nghĩa. Về đặc sản, ẩm thực, địa phương có diện tích đất nông, lâm nghiệp dồi dào, nhiều sản phẩm đặc trưng như: gà ri Lạc Sơn, vịt cổ xanh, ớt Phú Lương, măng chua xã Quý Hoà, hạt dổi xã Chí Đạo… cùng văn hoá ẩm thực đặc trưng xứ Mường hấp dẫn du khách.
Theo đồng chí Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện, Lạc Sơn có tiềm năng có thể trở thành một vùng phát triển du lịch có thương hiệu. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa là điểm đến thu hút được nhiều du khách, du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà chủ yếu mới có du lịch ở khu vực thác Mu nhưng vấn đề quản lý, khai thác chưa tốt. Huyện còn nhiều việc phải làm trong tương lai để đích đến năm 2025, tài nguyên du lịch tiếp tục được nghiên cứu, khám phá, một số điểm du lịch được đưa vào khai thác. Các tài nguyên được khai thác, phát triển thành các tuyến, điểm du lịch hoàn chỉnh; du lịch văn hoá, sinh thái, du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh.
(Còn nữa)
Bùi Minh