(HBĐT) -  Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái Mai Châu có từ rất lâu đời. Xưa kia, phụ nữ Thái trồng bông, se sợi và dệt vải để tự may trang phục cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại, việc sử dụng quần áo may sẵn trở nên tiện lợi nên nhiều người Thái ở huyện Mai Châu bỏ khung cửi, nghề dệt dần mai một. Mong muốn khôi phục nghề truyền thống, chị Vì Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu, Phó giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu) đã kế thừa và phát huy tinh hoa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, kết hợp với sự sáng tạo tinh tế để tạo ra những sản phẩm mới, vừa mang nét văn hóa dân tộc, vừa mang tính hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng. Chị Oanh làchủ của 2 sản phẩm OCOP, trong đó, sản phẩm "Túi quà tặng thổ cẩm" đạt tiêu chuẩn 4 sao được thị trường ưa chuộng.

>> Bài 1 - Cao dược liệu Tuyết Nhi - chắt lọc tinh túy của núi rừng





Thổ cẩm - tinh hoa từ đôi tay khéo léo của phụ nữ Thái

Chúng tôi gặp chị Vì Thị Oanh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hoà Bình đầu năm 2023. Sản phẩm khăn thổ cẩm do HTX của chị sản xuất là 1 trong 5 sản phẩm OCOP tiêu biểu được lựa chọn là quà tặng chính thức của hội nghị. Ấn tượng về chị là người phụ nữ Thái chân chất nhưng có sự hiểu biết sâu sắc và tình yêu vô bờ đối với nghề dệt thổ cẩm. Chị tâm sự: Thổ cẩm là niềm tự hào thể hiện đức tính siêng năng, sự khéo léo của đôi bàn tay và óc sáng tạo của người con gái Thái. Trước kia, từ khi lên 9, lên 10, các cô gái Thái đều được mẹ truyền dạy cách trồng dâu, nuôi tằm, trồng bông, se sợi và dệt vải. Khi trưởng thành, phần lớn trang phục và vật dụng trong gia đình như chăn đắp, khăn đội đầu đều do các thiếu nữ Thái tự tay thêu dệt. Đó cũng là của hồi môn không thể thiếu của các cô gái Thái khi về nhà chồng.

Sinh ra tại xóm Mỏ, xã Chiềng Châu, từ bé, chị Oanh đã thấy những người phụ nữ Thái miệt mài bên khung cửi, chau chuốt từng đường chỉ để làm nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Cứ thế, niềm đam mê thổ cẩm của chị lớn dần theo tiếng lách cách thoi đưa của bà, của mẹ. Năm 10 tuổi, chị Oanh đã thành thạo se sợi, 13 tuổi ngồi vào khung dệt, bắt đầu được mẹ truyền dạy bí quyết nhuộm màu. Chị chia sẻ: Nhuộm màu chính là yếu tố làm nên hồn cốt của thổ cẩm Thái. Từ xa xưa đến nay, sản phẩm thổ cẩm của người Thái đều được se sợi từ bông tự nhiên và nhuộm màu hoàn toàn thủ công. Cỏ ngọt cho ra màu xanh nhạt, hoa hoè cho ra màu đỏ hoặc cánh kiến, lõi cây mít làm nên màu vàng tươi và một số loại màu khác được làm từ vỏ cây vải, nước cây phang... tùy vào lượng nhiều hay ít để cho ra các bảng màu đậm nhạt khác nhau. Cái giỏi của người phụ nữ là đong đếm lượng nguyên liệu nhuộm màu sao cho ra được sắc màu ưng ý.


 Chị Vì Thị Oanh, xóm Mỏ, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Nếu màu sắc tạo nên hồn cốt thì hoa văn chính là nét độc đáo của thổ cẩm Thái. Các hoa văn phổ biến trong sản phẩm thổ cẩm của người Thái là hình ảnh con voi, con chim, con cua, hoa lài luông, hình quả trám..., đây đều là những loài gắn bó mật thiết trong đời sống của đồng bào Thái, bằng trí tưởng tượng cùng đôi tay khéo léo, người phụ nữ Thái đã cách điệu tạo hình để trở thành những hoa văn tinh xảo, tạo nên nét đặc trưng riêng của thổ cẩm Thái Mai Châu. Ngoài ra, có một hoa văn mà chị Oanh cùng phụ nữ ở Chiềng Châu đều tự hào, đó là hoa văn hình rồng cụt đuôi. Có thể nói, đây là hoa văn độc đáo, đặc trưng chỉ có ở thổ cẩm dân tộc Thái. Hoa văn bắt nguồn từ một sự tích lâu đời của người Thái và còn được lưu truyền đến ngày nay trên nhiều sản phẩm thổ cẩm.



               Một số sản phẩm đặc sắc của HTX Dịch vụ du lịch và dệt thổ cẩm Chiềng Châu.  

Tự hào với thổ cẩm quê hương nhưng đã có thời điểm, nhiều phụ nữ Thái ở Mai Châu ngậm ngùi rời xa khung cửi. Đó là khi cuộc sống hiện đại,việc sử dụng quần áo may sẵn tiện lợi, trang phục truyền thống chỉ mặc trong những ngày lễ, Tết, nghề dệt thổ cẩm tại Chiềng Châu ít nhiều bị mai một. Tuy nhiên, với niềm đam mê, những lúc nông nhàn, chị Oanh vẫn tranh thủ ngồi bên khung cửi dệt vải may trang phục cho mình và mang bán tại các chợ phiên quanh vùng.

Kế thừa tinh hoa - nâng tầm thổ cẩm

Những năm 2000, cùng với sự phát triển của du lịch, Mai Châu là điểm đến lý tưởng được khách trong nước, quốc tế biết đến. Khi đó, các sản phẩm thổ cẩm trở thành mặt hàng được du khách ưa chuộng. Chị Oanh trăn trở tìm cách khôi phục nghề dệt, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách, đồng thời tạo việc làm cho nhiều chị em. Nghĩ là làm, chị mạnh dạn thành lập tổ hợp tác gần 10 chị em tại xóm Mỏ, xã Chiềng Châu chuyên dệt sản phẩm thổ cẩm để bán cho khách. Nhận thấy nhu cầu của khách ngày càng phong phú nhưng tổ hợp tác mới chỉ đưa ra những sản phẩm dệt thô, không hấp dẫn du khách, giá thành lại rẻ, vì vậy, chị nung nấu ý tưởng tạo ra những sản phẩm hiện đại, sát thị hiếu khách hàng để nâng tầm thổ cẩm Thái.

Hiện nay HTX của chị Vì Thị Oanh có 21 thành viên và tạo việc làm ổn định cho 40 lao động nông thôn. 

Được sự hỗ trợ của dự án Jica Nhật Bản năm 2009 và qua nhiều kênh hỗ trợ, năm 2013, chị Oanh cùng với 2 thành viên quyết định thành lập HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu. Sau khi thành lập, HTX xây dựng chuỗi sản xuất từ kéo sợi, nhuộm màu, dệt vải, thiết kế mẫu mã và may thành phẩm các sản phẩm mang tính ứng dụng cao như túi xách, balo, ví, đồ lưu niệm, tranh treo tường... "Khác với các sản phẩm trước đây là tấm thổ cẩm lớn, nhiều hoa văn, HTX chú trọng đổi mới mẫu mã theo hướng sử dụng một loại hoa văn đặc sắc, phối màu bắt mắt để tạo điểm nhấn, phong cách và thẩm mỹ cho sản phẩm" - chị Oanh cho biết.

Có được sản phẩm tốt, chị Oanh nỗ lực mang sản phẩm giới thiệu ra thị trường. Đó là những ngày chị lang thang khắp các phố cổ Hà Nội để gửi sản phẩm cho các cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm bán thử. Hay những lần một mình mang hàng đến các hội chợ thương mại, giới thiệu sản phẩm mong kết nối được những nhà đầu tư tâm huyết. Chính từ các đợt giới thiệu sản phẩm như thế, nắm bắt được xu hướng thị trường, chị Oanh nảy ra ý tưởng và quyết định sản xuất bộ sản phẩm quà tặng thổ cẩm gồm nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Bộ sản phẩm gồm túi xách du lịch, túi đựng máy tính, bọc ví, ốp điện thoại, bọc hộ chiếu, bọc sổ... của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng ký bản quyền nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc, ngay khi xuất hiện trên thị trường được đánh giá cao, nhiều khách hàng tin dùng. Năm 2021, bộ sản phẩm được UBND tỉnh xếp hạng OCOP 4 sao.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, HTX của chị Vì Thị Oanh xuất bán từ 15 nghìn sản phẩm trở lên, phục vụ khách thăm quan du lịch trong nước và xuất khẩu. HTX tạo việc làm cho 21 thành viên và 40 chị em trên địa bàn xã có thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng nhà xưởng, xây dựng thành khu vực sản xuất kết hợp trải nghiệm du lịch để góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của thổ cẩm Thái Mai Châu.

(Còn nữa)

                                                                                        
Đinh Hoà 




Các tin khác


Huyện Yên Thủy: Phát triển kinh tế tập thể

(HBĐT) - Huyện Yên Thủy có tổng diện tích đất tự nhiên gần 29.000 ha. Toàn huyện có hơn 1.200 hộ đã hợp tác, góp vốn, góp sức hình thành 40 tổ hợp tác, 41 hợp tác xã (HTX), góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, có nhiều sản phẩm mang nét đặc trưng như: bưởi Diễn Yên Thủy, hành tăm Phú Lai, khoai sọ Yên Trị, mật ong Lạc Lương, Lạc Sỹ, cao - trà cà gai leo, cao xạ đen, dầu vừng, dầu lạc... Năm 2022, huyện đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ thành lập mới được 4 HTX, gồm: HTX nông nghiệp xóm Thung, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lợi Phát, HTX thương mại và dịch vụ Thịnh Phát, HTX nông nghiệp Hòa Phát.

Bài 1 - Người dân bức xúc vì nộp tiền 5 năm chưa được cấp giấy chứng nhận

(HBĐT) - Thời gian qua, hàng chục hộ dân xã Tú Lý, huyện Đà Bắc bức xúc vì đã làm các thủ tục đóng tiền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp từ năm 2019, đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận (GCN). 

Bài 2 - Chính quyền huyện Đà Bắc thông tin về việc cấp giấy chứng nhận

(HBĐT) - Mới đây, UBND huyện Đà Bắc đã xác minh đơn của ông Bùi Văn Diên, xóm Tân Lý, xã Tú Lý (Đà Bắc) liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp cho các hộ dân trên địa bàn.

Tự hào hai tiếng Trường Sa

(HBĐT) - Hẳn là với mỗi người con đất Việt khi nói, nghe và đến Trường Sa đều chung cảm giác bồi hồi, xúc động và tự hào. Dù đã được đọc, xem và nghe nhiều về Trường Sa nhưng khi được đặt chân lên các đảo, điểm đảo, chạm tay vào cột mốc chủ quyền trên biển, được dự lễ chào cờ, tưởng niệm các liệt sỹ, tận mắt chứng kiến đời sống, sinh hoạt của quân và dân trên các đảo thì niềm tự hào, xúc động đó nhân lên gấp bội!

Hành trình tháng 4 thăm mảnh đất Quảng Trị anh hùng

(HBĐT) - Trong những ngày cả nước có nhiều hoạt động hướng tới Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp thăm tỉnh Quảng Trị anh hùng. Từ vùng đất hoang tàn, đổ nát bởi chiến tranh, mảnh đất của một thời ký ức đau thương đang vươn mình đứng dậy, màu xanh đã trở lại với sức sống mãnh liệt.

Sùng A Chênh - Người đại biểu của nhân dân: Bài 2 - Làm tròn trách nhiệm là người đại diện của cử tri

(HBĐT) - Không chỉ làm tốt chức trách của một người cán bộ, sống có trách nhiệm với nhân dân, anh Sùng A Chênh còn luôn nỗ lực phấn đấu làm tròn trách nhiệm là người đại biểu dân cử, đưa tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến với các cơ quan chức năng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục