Có một điều đặc biệt là không chỉ người lớn mà đến cả những đứa trẻ từ 5 - 10 tuổi ở xóm Nhuội nói riêng và cả xã Đa Phúc (Yên Thủy) nói chung đều có ý thức giữ rừng một cách mãnh liệt. Chẳng vậy mà cho đến nay, ngoài diện tích đất sản xuất thì có đến hơn 90% diện tích tự nhiên của Đa Phúc là rừng. Đáng quý ở chỗ, phần lớn diện tích rừng nơi đây là rừng tự nhiên. Trong đó có những quần thể rừng nguyên sinh với những giống loài đặc hữu vô cùng quý giá như quần thể 13 "cụ” chò chỉ nghìn năm tuổi vẫn sinh trưởng mạnh mẽ, thẳng tuốt đến ba, bốn chục mét, cả chục người ôm không hết...


Từ việc giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái, khu rừng tự nhiên ở xóm Nhuội, xã Đa Phúc (Yên Thuỷ) đã được xây dựng là rừng giống cây bản địa.

Đời nối đời giữ màu xanh cho rừng

Không hẹn trước nên chúng tôi đành phải vào... rừng vừa tránh nắng, vừa chờ anh Bùi Văn Tường, Trưởng xóm Nhuội đi làm cỏ ngô về. Dù đã đến khá nhiều nơi, cũng từng đến những cánh rừng xa thẳm theo dấu chân của những kẻ hủy hoại rừng. Nhưng thật bất ngờ khi nơi chúng tôi đến, rừng vẫn là một màu xanh nguyên sinh, không hề có bất cứ tác động hay dấu hiệu chặt phá của con người dù rằng nơi đây chỉ cách làng, bản, cách con đường liên xã thẳng băng qua đồng ngô, ruộng lúa khoảng dăm phút đi bộ. Như hiểu rõ thắc mắc không thể lý giải của chúng tôi, anh Trương Đức Tưởng, cán bộ văn phòng được lãnh đạo UBND xã cử đưa chúng tôi "đi rừng” chia sẻ: Để giữ được màu xanh của những cánh rừng nguyên sinh này, không chỉ đời ông cha, đời chúng tôi mà đến bây giờ, cả con cháu cứ đời nối đời cùng chung một nhiệm vụ: giữ rừng.

Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, trước khi làm cán bộ văn phòng UBND xã, anh Tưởng có hơn 10 năm làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đa Phúc. Trong thời gian đó, ngoài phát huy tốt vai trò thanh niên trong các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, Đoàn Thanh niên xã luôn nhận "phần việc” tham gia giữ và bảo vệ rừng (BVR). Theo đó, ngoài việc phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên không chặt phá rừng, mỗi cá nhân đã trở thành tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người thân và những người xung quanh không có các hành vi xâm hại rừng. Không chỉ thời điểm ấy, cho đến bây giờ đoàn viên thanh niên xã vẫn luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác giữ rừng.  

Quyết không để "máu rừng” chảy

Chúng tôi gặp Trưởng xóm Nhuội Bùi Văn Tường khi anh vừa đi làm cỏ ngô về. Khuôn người vạm vỡ, chắc nịch như cây chò chỉ trăm tuổi giữa đại ngàn, trên khuôn mặt chữ điền rịn thẫm mồ hôi. Nở nụ cười thân thiện, anh bảo: Mình vừa từ ruộng về nên mồ hôi mới ra nhiều thế này, chứ không ngồi ở nhà dù không có quạt điện cũng chẳng mấy khi ra mồ hôi. Bởi cả xóm Nhuội này được những cánh rừng nguyên sơ bao bọc, gió núi thổi về mát rượi suốt cả ngày...
Sau ấm trà, biết được ý định của chúng tôi, hướng mắt về phía cánh rừng xanh thẳm, anh Tường kiên định bảo: Ở đây bao đời nay vẫn vậy, người dân coi việc giữ rừng như gìn giữ chính cuộc sống của mình vậy. Khi giữ rừng, tuyệt đối không để "máu rừng” chảy...

Nói rồi Trưởng xóm Bùi Văn Tường trầm ngâm nhớ lại thời kỳ người dân xóm Nhuội từ lớn đến bé, từ già đến trẻ căng mình giữ rừng, đẩy đuổi những người dân từ các địa phương khác, thậm chí cả một số ít người dân trong xóm không chịu được cái đói, cái khổ, nhăm nhe, thậm chí "lăn xả” vào rừng để kiếm cơm. Thời điểm ấy cũng chưa xa, cách nay khoảng hơn chục năm. "Khi ấy lên đỉnh núi nhìn về tứ phía ở địa bàn giáp ranh với xã Đa Phúc đều là những mỏm núi đồi trọc đá, trơ đất, giống như ai đó dùng dao để cạo. Điều đó đã gây áp lực rất lớn cho quyết tâm giữ rừng của mình. Bởi lẽ khi đó mình cũng đói, cũng khổ như người ta”, anh Tường nhớ lại. Tuy nhiên, trong gian khó mới thấy quyết tâm giữ rừng của người dân Đa Phúc nói chung và xóm Nhuội nói riêng lớn đến nhường nào.

Nhớ lại thời kỳ ấy, anh Bùi Văn Hoàn nguyên là công an viên xóm Nhuội những năm 1994 - 1995 chia sẻ: Bản thân mình hay người dân trong xóm khi ấy chỉ nghĩ đơn giản là sống chết gì cũng phải giữ lấy rừng. Vì nếu để mất rừng thì không có nước sinh hoạt, sản xuất.   Khi ấy đã đói lại càng đói hơn. Vào rừng chặt được một cây, bán đi mua được dăm ba kg gạo, cũng chỉ là chống đói tức thời. Còn khi mất rừng thì không chỉ gia đình mình mà con cháu mình muôn đời sẽ khổ... 

Thấy rõ được tầm quan trọng đó, những người như anh Hoàn, anh Tưởng và hàng chục người dân trong xóm đã tự thành lập tổ BVR để giữ gìn cánh rừng nguyên sinh tươi mát với những quần thể thực vật đặc biệt quý như quần thể 13 cây chò chỉ nghìn năm tuổi. Tổ BVR khi ấy được thành lập và hoạt động trên tinh thần tự nguyện, tự giác, không có bất kỳ chế độ, sự hỗ trợ nào ngoài tinh thần nhiệt huyết và sự quả cảm của những chàng trai tuổi đôi mươi. Với tinh thần đó, tổ BVR của xóm Nhuội nhiều lần đương đầu, ngăn chặn và đẩy đuổi hàng chục nhóm đối tượng và nhiều người từ các địa phương khác đến nhăm nhe chặt phá rừng...

Quản lý, bảo vệ rừng từ mỗi gia đình

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phúc cho biết: Không chỉ ở xóm Nhuội mà toàn xã hiện có hơn 1.200ha rừng, trong đó khoảng 90% là rừng tự nhiên. Toàn bộ diện tích rừng đều được giao các hộ quản lý, bảo vệ. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua diện tích rừng tự nhiên của xã đã được bảo vệ tốt, không để xảy ra tình trạng xâm hại rừng. 

Không chỉ phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân trong BVR, công tác này những năm qua đã được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về BVR. Các ngành, các thôn xóm đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng thông qua các cuộc họp xóm; xây dựng quy chế phối hợp, tổ chức ký cam kết tại các khu dân cư. Xã thành lập các tổ BVR, thường xuyên tổ chức tuần tra, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại rừng trái phép. Nhờ đó, nhiều năm qua, diện tích rừng tự nhiên ở Đa Phúc luôn được giữ gìn và bảo vệ tốt. Từ việc tuyên truyền sâu rộng, ý thức BVR của người dân không ngừng được nâng lên.

"Người dân không ai tơ hào gì đến một cây củi hay kiếm sống nhờ rừng. Trước đây, cũng có một số hộ dân còn lên rừng chặt cây về làm củi đun. Nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động giờ chẳng có ai lên rừng chặt củi nữa. Thậm chí có những cây gỗ gãy đổ do mưa bão trị giá hàng chục triệu đồng, chúng tôi cũng để mục trên rừng chứ không lấy về”, Trưởng xóm Nhuội Bùi Văn Tường chia sẻ thêm. 
Không chỉ ở xóm Nhuội mà diện tích rừng tự nhiên trong toàn xã đều được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các xã lân cận. Cả xã hiện có 8 tổ BVR ở 8/8 xóm. Ngoài ra ở các xóm còn có các tổ BVR do hộ dân tự lập ra để bảo vệ những khu rừng được giao quản lý. Mỗi tổ có từ 5 - 7 người, thường xuyên tuần tra, canh gác BVR. Dù là phương cách nào, người dân cũng phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trong công tác BVR. Bởi họ luôn giữ tâm niệm ai cũng được hưởng những lợi ích mà rừng mang lại cho cuộc sống. Chính tâm niệm đó, mỗi khi thấy có người lạ ra, vào địa bàn mang theo các vật dụng có thể khai thác gỗ, săn bắt chim, thú... người dân thông báo ngay với chính quyền xã và các tổ BVR để kịp thời ngăn chặn, xử lý. 

Không chỉ nêu cao tinh thần cảnh giác, ngăn chặn kẻ xấu xâm hại rừng mà người dân Đa Phúc còn luôn phát huy cao độ tinh thần cảnh giác trong PCCR. Vào những tháng cao điểm nắng nóng, công tác PCCR được chính quyền xã và nhân dân thực hiện nghiêm túc, duy trì chế độ trực 24/24h; huy động 100% hộ dân trong xóm, xã tổ chức phát dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa... Nhờ đó, trong nhiều năm qua Đa Phúc không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên ở đây được bảo tồn nguyên vẹn với hệ thực vật đa dạng, phong phú. "Có được thành quả này, chúng tôi nhờ cả vào sức dân, nhất là những người có uy tín như già làng, trưởng xóm, trưởng các dòng họ. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các tổ tự quản trong BVR. Từ đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm lâm luật”, đồng chí Bùi Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Phúc nhấn mạnh.

Từ giữ được diện tích rừng, nguồn sinh thủy ở Đa Phúc luôn dồi dào. Điều này đã giúp người dân chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Hơn thế nữa, với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ dưới những tán rừng nguyên sinh là tiềm năng để Đa Phúc hướng tới phát triển du lịch sinh thái bền vững, tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân. 


Mạnh Hùng


Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công: Bài 4 - Đẩy mạnh giải ngân, khơi thông nguồn lực phát triển

Tại Hội nghị lần thứ 16, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XVII được tổ chức ngày 25/6, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) tiếp tục được đưa ra với chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy: Yêu cầu đẩy mạnh giải ngân trong các tháng cuối năm, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn được giao năm 2024. Nhất định không được để các dự án đầu tư công (ĐTC) trở thành điểm nghẽn trong phát triển KT-XH.

Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công: Bài 3 - Không để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ giải ngân

Đến ngày 30/6/2024, chủ đầu tư (CĐT) nào còn để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) ở mức 0% thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. UBND tỉnh kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2024 vì lý do chủ quan… Đó là chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh nhằm siết chặt kỷ cương trong giải ngân VĐTC và đảm bảo hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án.

Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công: Bài 2 - Vì sao chậm giải ngân?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Vì thế, cần xác định rõ nguyên nhân, tháo gỡ từng vướng mắc và triển khai đồng bộ giải pháp để thúc tiến độ, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án.

Tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công: Bài 1 - "Nóng” chuyện giải ngân,cả hệ thống chính trị vào cuộc

Những tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh Hòa Bình đạt thấp, trong đó, nhiều dự án trọng điểm đạt rất thấp. Thực tiễn đòi hỏi cần triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân để hoàn thành mục tiêu đến ngày 31/1/2025, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao.

Nhớ mãi lần tác nghiệp ở nhà giàn DK1

Trong duyên nghiệp của đời người, chúng tôi có những dịp đi đến các vùng biển đảo, vùng biên viễn của Tổ quốc và cũng có lần tác nghiệp ở nước ngoài, nhưng chuyến đi công tác ở nhà giàn DK1 (Vùng 2 Hải quân) để lại những dư âm đặc biệt nhớ mãi không quên…

Vì sao người đàn ông tàn tật gửi đơn kêu oan suốt 17 năm?!


Bài 3 - Có hay không việc ông Miễn được cấp thửa đất khác? 

 Một trong những căn cứ các cơ quan chức năng "bám” vào để kiến nghị UBND tỉnh giải quyết vụ việc bằng Quyết định số 1175/QĐ-UBND, ngày 18/5/2007 (thu hồi và hủy Quyết định số 2192/QĐ-UBND, ngày 3/12/2003), đó là việc năm 1977, gia đình ông Đinh Văn Miễn đã được Hợp tác xã (HTX) Côm - Trác - Vượng cấp đất thổ cư ra mặt đường 12b, thể hiện trên bản đồ là thửa đất số 46 để làm căn cứ thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa đất số 43a, diện tích 52,8m2 cấp cho hộ ông Miễn vì đã cấp trùng lên diện tích đất hộ ông Phẩm đang sử dụng. Tuy nhiên, tại một số hồ sơ, tài liệu chúng tôi thu thập được thì các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện xác định đây là việc không có thật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục