Bài 4 - Tác động đến an ninh nguồn nước
Nguồn nước từ hồ Hòa Bình ngoài sử dụng phục vụ việc phát điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ cung cấp, điều tiết nước tưới tiêu vùng hạ du; điều tiết, cắt lũ từ thượng nguồn đổ về. Đồng thời có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sống tại các khu vực ven lòng hồ, cùng khoảng 50 nghìn hộ dân trên địa bàn TP Hòa Bình và khoảng 1 triệu dân khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội...
Các hoạt động sinh kế của người dân xung quanh khu vực lòng hồ có những ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến môi trường lòng hồ Hòa Bình. Ảnh chụp tại xã Tiền Phong (Đà Bắc).
Một tác động nhỏ cũng gây hệ quả lớn
Còn nhớ, vào trung tuần tháng 10/2019, nguồn cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước Sông Đà bị 3 đối tượng đổ trộm chất thải nguy hại. Điều này đã gây ra tình trạng mất nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân ở các quận, huyện khu vực phía Tây Hà Nội trong nhiều ngày. Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Duy Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Hòa Bình, lòng hồ Hòa Bình là khu vực rất nhạy cảm về an ninh nguồn nước (ANNN). Chỉ một tác động nhỏ cũng có thể dẫn đến hệ quả rất lớn về môi trường, nhất là về vấn đề rác thải nhựa nói chung và rác thải là vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói riêng, bởi đây đa phần là hợp chất nhựa. "Hiện nay, đối với lượng rác thải nhựa xả ra lòng hồ Hòa Bình bảo rằng có ảnh hưởng ngay, ảnh hưởng trực tiếp thì chưa có một thống kê cụ thể nào, vì hồ Hòa Bình có lưu vực lớn, dung tích lớn. Tuy nhiên, về lâu dài không ai có thể đảm bảo là không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Do vậy, việc bảo đảm an ninh môi trường (ANMT), ANNN lòng hồ Hòa Bình là vấn đề cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Cần phải được xem xét toàn diện, có những cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp. Đồng thời, đặt ra những yêu cầu cao hơn nữa trong bảo vệ môi trường, bảo đảm ANNN khi thực hiện các chương trình, dự án thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại những khu vực xung quanh hồ, trên mặt hồ, nhất là khi hồ Hòa Bình đã được quy hoạch là khu vực cấp nước sinh hoạt cho vùng Thủ đô”, ông Nguyễn Duy Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp hữu cơ chia sẻ: Như chúng ta đã biết, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề rất nhức nhối. Rác thải nhựa không chỉ khó phân hủy mà còn gây ô nhiễm đất, tác động xấu đến hệ động thực vật, đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, đã được các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá và chỉ rõ. Rác thải nilon còn nguy hại như vậy, bao gói thuốc BVTV mức độ gây ô nhiễm còn lớn hơn rất nhiều. Bởi trong bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng vẫn còn một lượng hóa chất tồn dư nhất định. Khi vứt bỏ, lượng hóa chất này có nguy cơ phát tán ra môi trường, khi đó mức độ nguy hại là rất lớn, không thể đong đếm, định lượng ngay được. Đơn cử như chất 2,4D và Paraquat trong thuốc diệt cỏ (là 2 trong số hóa chất được đưa vào danh mục cấm, trước đó được sử dụng rất phổ biến) đã được đánh giá là hóa chất gây tác động xấu đến sức khỏe con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước. Về lâu dài, việc sử dụng thuốc BVTV tràn làn và vứt vỏ thuốc BVTV sau khi sử dụng, nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn đến hệ sinh thái lòng hồ, gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn ô nhiễm từ rác thải nhựa nói chung và rác thải là bao gói thuốc BVTV sau khi sử dụng tại khu vực lòng hồ Hòa Bình nói riêng.
Cần đặt ra yêu cầu cao hơn nữa trong bảo đảm an ninh nguồn nước
Trước những nguy cơ hiện hữu, có thể tác động, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, môi trường nước, tại Hội thảo khoa học - thực tiễn tham vấn về xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó bảo đảm ANMT, ANNN hồ Hòa Bình, do Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức vào đầu tháng 8/2024, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cơ quan chức năng 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và lãnh đạo các địa phương tiếp giáp với lòng hồ Hòa Bình đã thống nhất quan điểm: cần phải đặt ra yêu cầu cao hơn nữa trong đảm bảo ANMT, ANNN cho hồ Hòa Bình.
Theo GS,TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, trong những năm gần đây, vấn đề ANNN hồ Hòa Bình trở thành mối lo ngại lớn của tỉnh và của quốc gia. Hồ Hòa Bình là một trong những hồ chứa lớn nhất Việt Nam với dung tích lên tới 9,45 tỷ m3 nước. Không chỉ cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình hoạt động, mà còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết lũ, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân khu vực Bắc Bộ, nhất là Thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ, cùng với đó là việc đẩy mạnh phát triển KT-XH, hồ Hòa Bình phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, mối đe dọa về ANMT, ANNN.
Đồng quan điểm với GS,TS Nguyễn Xuân Yêm, đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: Hồ Hòa Bình là vùng sinh thái, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng, có nhiều vai trò quan trọng trong bảo đảm ANNN, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, hiện nay hồ Hòa Bình phải đối mặt với nhiều vấn đề, nguy cơ, thách thức, mối đe dọa đến ANNN.
Xuất phát từ thực tế trên, để bảo vệ môi trường, nguồn nước, đảm bảo ANMT, ANNN, căn cứ theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về đảm bảo ANNN, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng hệ thống quy hoạch liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh nói chung, nguồn nước hồ Hòa Bình nói riêng. Các quy hoạch này đều được cập nhật cho giai đoạn mới đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Điển hình như Quy hoạch chung tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 62-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác triển khai thực hiện phong trào "Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh”; Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định, quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh...
Tuy nhiên, theo PGS,TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống: Để phòng ngừa, ứng phó bảo đảm ANMT, ANNN hồ Hòa Bình cần phải thực hiện tổng thể các phương án. Trong đó, tỉnh Hòa Bình cần phối hợp với các bộ, ngành T.Ư và địa phương liên quan xây dựng phương án, kịch bản khung có giá trị pháp lý cao trong khai thác, quản lý, sử dụng, bảo vệ hồ Hòa Bình; xây dựng và triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó với ô nhiễm nguồn nước; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, chất thải xả vào hồ Hòa Bình.
(Còn nữa)
Mạnh Hùng
Bài 1 - "Sông mẹ” mênh mông là rác
Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài 910km. Đoạn thượng nguồn ở Trung Quốc có tên gọi Lý Tiên Giang; sông Đà chảy vào Việt Nam dài 543 km. Sông Đà không chỉ được biết đến như một dòng sông năng lượng lớn nhất cả nước với hệ thống thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... mà còn là "sông mẹ” của hàng chục dân tộc anh em sống dọc theo dòng sông. Tuy nhiên, những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), lòng hồ Nhà máy thủy điện Hòa Bình (sau đây gọi là lòng hồ Hòa Bình - PV) đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức, nhất là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, rác thải nguy hại...
Hơn 20 năm làm trưởng xóm, rồi bí thư chi bộ, già làng Triệu Lục Liên được ví như "cây cao, bóng cả” trong cộng đồng người Dao bản Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi). Ông không chỉ là người "nói dân nghe, làm dân theo”, mà còn là cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân.
Tỉnh Hoà Bình có 7 dự án trọng điểm ngoài ngân sách nhà nước đang triển khai với tổng mức đầu xấp xỉ 5.8000 tỷ đồng. Các dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc về GPMB, thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa... nên triển khai chậm hơn so với kế hoạch. Thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng sát cánh, đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh, cuối tháng 9 vừa qua tỉnh đã tổ chức khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ km 19+00 - km 53+ 00) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đánh dấu sự kiện quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh và khu vực. Theo kế hoạch, chỉ trong vài năm tới, Hòa Bình sẽ có tuyến đường cao tốc đầu tiên, thúc đẩy giao thương thuận lợi, mở ra không gian rộng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định các dự án trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội , Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; phân công trách nhiệm cụ thể cho thành viên, cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức họp theo chuyên đề từng dự án, nhóm dự án; rà soát giải quyết những vấn đề về giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB, TĐC), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, các thủ tục liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Tỉnh Hoà Bình có 14 dự án trọng điểm trong và ngoài ngân sách, khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội rất lớn để khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, để đưa các dự án sớm vào khai thác đòi hỏi sự quyết tâm và công tác chỉ đạo triển khai rất lớn.