Ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, để bảo vệ và củng cố những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ban hành hàng loạt sắc lệnh để quản lý, xây dựng đất nước. Đáng lưu ý trong đó có Sắc lệnh số 65, ngày 23/11/1945 - Sắc lệnh đầu tiên về bảo tồn di sản văn hóa. Nói về vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhiều lần Người nhấn mạnh phải "chú ý phát huy cốt cách dân tộc”. Tư tưởng xuyên suốt của Bác đó là không thể tách rời việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Thấm nhuần lời dạy của Người, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là lực lượng nghệ nhân đã tích cực tìm tòi, sưu tầm, truyền dạy để thiết thực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.


 

Nghệ nhân Ưu tú Lý Văn Hềnh, xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) dạy chữ Dao cho bà con trên địa bàn.

Dành cả cuộc đời cho bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là rất cần thiết, là việc phải làm, nên làm, nhưng quan trọng hơn lại là việc biết vận dụng và phát triển những bản sắc ấy vào cuộc sống. Đó chính là cách tốt nhất để bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Học tập và làm theo tư tưởng của Bác, Nghệ nhân Ưu tú Lý Văn Hềnh ở xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Ở tuổi 75 nhưng không nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, ước mong giữ lại hồn cốt của dân tộc Dao thôi thúc bước chân ông Hềnh ngày ngày ngược xuôi trên những nẻo đường để truyền dạy chữ viết, tiếng nói, văn hóa của đồng bào dân tộc Dao.

Ông Hềnh chia sẻ: "Dân tộc Dao giàu bản sắc văn hóa, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục đến phong tục, tập quán, nghi lễ, thờ cúng… Thực tế hiện nay, cũng như các dân tộc khác, bản sắc văn hóa dân tộc Dao dần bị mai một. Và tôi xác định một trong những cách làm hiệu quả nhất để giữ lại bản sắc văn hóa dân tộc mình chính là truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho trẻ em và bà con dân tộc Dao. Theo rà soát thực tế, chưa đến 1/3 đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn huyện Đà Bắc sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Vì lẽ đó đã thôi thúc tôi khắc phục mọi khó khăn, mệt nhọc của tuổi già, tiếp tục hành trình dạy chữ để có thể lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc”.

Sinh ra và lớn lên tại xóm Sưng, từ khi còn nhỏ ông Hềnh đã đam mê nghiên cứu về phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ cúng, chữ viết của dân tộc Dao. Hơn 50 năm dày công nghiên cứu, không chỉ thông thạo tiếng nói, chữ viết và văn hóa tín ngưỡng, ông còn sưu tầm được nhiều sách cổ về tri thức dân gian, nghi thức tâm linh và tập quán xã hội trong cộng đồng người Dao. Ông có vai trò quan trọng trong việc khôi phục các nghi lễ tập tục truyền thống như: cấp sắc 3 ngọn đèn, cấp sắc 12 ngọn đèn, truyền bá 120 binh mã, các đám tổ tông… trên địa bàn xã Cao Sơn và các xã lân cận. Từ năm 1997, ông Hềnh bắt đầu dạy chữ Nôm Dao cho các con, cháu trong gia đình. Người dân trong xóm, trong vùng biết tin ông dạy chữ Nôm Dao đến xin học ngày càng đông. Năm 2008, ông xin phép chính quyền địa phương được dạy chữ Nôm Dao mở rộng trên địa bàn huyện. Các lớp học "0 đồng” đã được mở tại các xã: Toàn Sơn, Tân Pheo, Đoàn Kết, Vầy Nưa (Đà Bắc) và xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) thu hút hàng nghìn học viên tham gia, nghiên cứu. Đồng thời ông Hềnh cũng tích cực tham gia các hoạt động của Trung tâm Vì sự nghiệp phát triển bền vững miền núi nhằm bảo tồn, lưu giữ, quảng bá về bản sắc văn hóa dân tộc Dao đến với bạn bè trong và ngoài nước.

 Với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2019, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định trao tặng bằng khen cho Nghệ nhân Ưu tú Lý Văn Hềnh vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Học Bác về quan điểm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc có chọn lọc

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hóa, đó là: "Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”. Đây là quan điểm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc có chọn lọc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Từ đó, toàn tỉnh đã có 221 điểm di tích đình, đền, chùa, miếu gắn với tín ngưỡng dân gian của người Mường Hòa Bình được kiểm kê và đưa vào danh mục bảo vệ của tỉnh, 43 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Các sở, ngành, địa phương đã huy động các nguồn lực để bảo tồn, lưu giữ, tôn tạo các làng văn hóa truyền thống, khu không gian bảo tồn văn hóa và điểm văn hóa du lịch cộng đồng; mở lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian. Công tác trùng tu, tôn tạo, xếp hạng di tích được đẩy mạnh. Tỉnh đã phục dựng và duy trì hàng năm 63 lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc. Các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường, tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường, hát thường rang, bộ mẹng, múa Keng Loóng... được bảo tồn, lưu giữ và phát huy.

Việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được đông đảo nhân dân, nghệ nhân, nhà nghiên cứu văn hóa trên địa bàn tỉnh hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh có 1 nghệ nhân nhân dân, 44 nghệ nhân ưu tú đang nắm giữ và thực hành các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc. Tiêu biểu như Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh (Lạc Sơn), các Nghệ nhân Ưu tú: Bùi Văn Lựng, Bùi Văn Nợi (Tân Lạc), Bùi Huy Vọng (Lạc Sơn), Bàn Sinh Lương (TP Hòa Bình), Hà Thị Bích (Mai Châu)… Phần lớn các nghệ nhân đều lớn tuổi nhưng vẫn rất tâm huyết, tích cực với các hoạt động bảo tồn và lưu giữ, truyền dạy về bản sắc văn hóa dân tộc.

Cùng với lực lượng nghệ nhân, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã chung sức, đồng lòng xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm bản sắc dân tộc. Thực hiện việc bảo tồn và lưu giữ có chọn lọc những nét đẹp, đồng thời từng bước đẩy lùi hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Thực hiện lời dạy của Người "văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 xác định 1 trong 5 đột phá quan trọng cần tập trung triển khai thời gian tới là: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

(Còn nữa)


Nhóm P.V


Các tin khác


Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ ngôi trường của niềm tin và khát vọng: Bài 1 - Khát vọng vươn lên từ mô hình dạy học theo hướng hội nhập quốc tế

Trong thời đại toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống, các quốc gia đều đứng trước những thử thách, trong đó có công tác giáo dục. Do vậy cần xây dựng chiến lược giáo dục tổng thể để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhận thức rõ điều đó, Đảng uỷ Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình) với sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, năng động, sáng tạo đã xây dựng được mô hình đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại trong giai đoạn vừa qua, làm tiền đề cho các năm tiếp theo.

Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 5 - Tổ chức lại sản xuất vùng cam Cao Phong

Sau giai đoạn phát triển "nóng”, đây là thời gian cam Cao Phong bước vào chu kỳ tái canh lớn nhất. Khoảng lặng này là cần thiết để nhìn nhận lại, đánh giá những cái được, cũng như tồn tại, hạn chế để có giải pháp căn cơ nhằm phát triển và giữ vững thương hiệu cam Cao Phong. Trong đó, tổ chức lại sản xuất vùng cam là tất yếu!

Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 4 - Bất chấp khó khăn, nhiều hộ trồng cam Cao Phong vẫn hái bạc tỷ

Hệ lụy của giai đoạn phát triển "nóng” đã khiến hàng nghìn ha cam ở huyện Cao Phong buộc phải phá bỏ, nhiều "tay mơ" chịu cảnh thua lỗ, nợ nần. Thế nhưng vẫn còn nhiều chủ vườn đều đặn thu tiền tỷ nhờ cây trồng này. Họ là những người nông dân vắt mồ hôi trộn lẫn công sức, áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm bẵm cho những vườn cam.

Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 3 - Thách thức sau giai đoạn phát triển “nóng”

Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Giai đoạn 2014 - 2017, cam Cao Phong là thương hiệu mạnh trên thị trường nông sản, nhiều hộ trồng cam đã trở thành tỷ phú. Do đó người người, nhà nhà đổ xô đi mua đất hoặc phá bỏ cây trồng khác để trồng cam. Hết chỗ bằng phẳng, cam được trồng trên sườn đồi, dốc núi, bờ ao... Vì thế diện tích cam tăng chóng mặt. Đến năm 2018, diện tích cam của huyện Cao Phong tăng lên trên 3.000 ha, gấp đôi năm 2014. Theo quy luật, phát triển "nóng” ắt nảy sinh những hệ lụy nhãn tiền!

Phát triển bền vững thủ phủ cam Cao Phong: Bài 2 - Cây cam lên ngôi trên đất Cao Phong

Năm 2013, toàn huyện Cao Phong có trên 160 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng; 16 hộ thu nhập từ 1 - 5 tỷ đồng nhờ cam, quýt. Thời điểm này, bình quân 1 ha cam, quýt cho giá trị thu nhập gần 600 triệu đồng. Những con số thống kê của hơn 10 năm về trước cho thấy hiệu quả kinh tế mà cây cam đem lại đối với người trồng cam tại huyện Cao Phong, đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2017. Thành quả có được khi Hoà Bình đã xây dựng thành công thương hiệu Cam Cao Phong.


Phát triển bền vững thủ phủ cam cao phong: Bài 1 - Cây cam bén duyên với đất Cao Phong

Hơn nửa thế kỷ hiện diện qua bao thăng trầm, rồi trụ vững trên đồng đất Mường Thàng với thương hiệu Cam Cao Phong nức tiếng gần xa. Những năm gần đây, cam Cao Phong định hình lại hướng đi, tổ chức lại sản xuất như một lẽ tất yếu, nhất là sau giai đoạn phát triển "nóng” với nhiều bất cập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục